Chơi coin còn đủ tiền mua… đôi giày
“Sao mày bỏ gần hai tháng lương mua coin mà không chịu tìm hiểu gì hết? Ít nhất cũng phải hỏi tao chứ?” Lời trách mắng này của một người bạn cũng có thể xem là câu tổng kết cho quãng đường tham gia crypto của tôi từ cuối 2017-2019 – một tay chơi coin “ngang xương lòng”.
Cũng như bao người khác, tôi biết về crypto qua lời kháo của bạn bè: “Có dự án này hay lắm, có tiềm năng kiếm lợi nhuận”. Nhưng tôi gia nhập thị trường vào cuối chu kỳ tăng (cuối 2017), và với một người nghĩ crypto chỉ có độc BTC và ETH như tôi, mất tiền là chuyện hiển nhiên.
Gần hai tháng lương của tôi, tương đương 20 triệu đồng vào thời điểm đó, đã “đội nón ra đi” với Hempcoin (THC). Tôi không biết tại sao mình vào con này, chỉ thấy nó có biên độ tăng cao. Thật ra lúc đầu tôi mua ETH, nhưng đã bán hết để đổ vào THC.
Tôi cũng mua Ripple (XRP) và giữ đến năm 2019. Năm đó tôi quyết định bán hết những đồng coin cuối cùng này, vét cạn tiền mua đúng được một đôi giày (ít ra cũng đỡ hơn là còn “cái nịt”). Sau đó tôi xoá app Binance, rời bỏ crypto vì nghĩ thị trường là bong bóng, không an toàn.
Mượn tiền tiết kiệm của vợ để mua coin
Khoảng tháng 4/2021, thị trường nhộn nhịp trở lại, tôi đã quên “mối hận đôi giày” và quay về với crypto, nhưng vẫn với tư duy đầu cơ thưở trước. Tôi vào Bitcoin ở 54,000 USD, bán ở 59,000 USD và chốt hết những con khác trước thời điểm “định mệnh” 19/5 – ngày sinh nhật Bác Hồ và cũng là ngày diễn ra “cú sập” kinh điển.
Sau đó, thị trường đi ngang một thời gian, lúc này làm thế nào để kiếm tiền? Tôi quyết định gia nhập bộ môn long/short. Xem trên Youtube rồi hỏi han bạn bè chơi Forex, tôi cũng bắt đầu tìm hiểu bài bản nào là cản, hỗ trợ, phân tích nến… Vừa học vừa áp dụng, kết quả thật tuyệt diệu: tôi mất luôn 1,000 USD cuối cùng trong ví.
Vào tháng 8, các đội nhóm ồ ạt “call kèo”, chart Altcoin bay vút. Tôi muốn vào lắm nhưng lại hết tiền, thế là tôi tỉ tê với vợ: “Em cho anh mượn tiền đầu tư”. Tôi hồi hộp chờ phản ứng của vợ, những lần trước mất tiền tôi đều không cho vợ biết. May mắn là anh vợ tôi cũng là dân chơi crypto lâu năm, sau khi nói chuyện với anh trai và nhận lại câu trả lời: “Chơi tốt lắm”, vợ tôi đã rút tiền tiết kiệm đưa tôi 50 triệu đồng (hơn 2,000 USD).
Tôi vào Near, DOT và một số con khác. Không biết có phải vì đang cầm tiền của vợ không mà lần này tôi mua có lời. Tôi bán hết DOT và giữ lại một lượng Near.
Từ kẻ đầu cơ sang người đầu tư
Cũng chính nhờ Near mà tôi đã chuyển từ tư duy đầu cơ “ăn xổi” sang đầu tư dài hạn. Lúc trước tôi không biết gì về crypto, nay tôi bắt đầu tìm hiểu Near là gì, ai là người xây dựng, những bên nào ủng hộ dự án. Tôi tự hứa với lòng kể từ bây giờ sẽ theo sát thị trường để không bỏ lỡ cơ hội, chứ không phải theo dõi chart chờ giá thấp để mua như trước.
Trong một lần lang thang trên mạng, tôi tình cờ tìm thấy video “Tư duy hệ thống trong crypto” do Đức Việt – Head của Coin98 Insights trình bày. Việt hoá ra không ai xa lạ, mà chính là một đồng nghiệp cũ của tôi. Tôi liên lạc với Việt và nhờ video này để đi sâu hơn nữa vào con đường tìm hiểu crypto.
Ban ngày tôi “cày cuốc” ở công ty, ban đêm về cặm cụi học đi học lại các kiến thức: Hệ sinh thái gồm những mảnh ghép nào, trình tự xây dựng các dự án: bao giờ thì xong Layer-2, Layer-3…?
Năm nay là một năm downtrend buồn tẻ, đợt tháng 4-5 tôi có nhắn tin cho Việt để hỏi han, nhưng không phải hỏi nên mua con gì.
– “Việt ơi, với một người mới trong thị trường thì giờ nên học gì và tìm cơ hội ở đâu?”
– “Ở Layer-2 hoặc các nền tảng NFT marketplace.”
Nhận được câu trả lời, tôi lên Coin98 Insights và chọn Arbitrum – một giải pháp mở rộng nổi bật thuộc Layer-2 để làm retroactive. Tôi đọc các phân tích dự đoán Arbitrum sẽ có airdrop, không biết thực hư thế nào nhưng tôi cứ trải nghiệm dự án trước đã.
Airdrop Aptos – “một phát ăn ngay”
Chưa biết kết quả với Arbitrum thế nào nhưng kiến thức tôi học được đã có “đất dụng võ” ở Aptos. Đầu năm nay, tôi đã gặp Aptos trên forum Near Việt Nam, thời điểm này dự án thậm chí còn chưa ra Layer-1 và cũng không nhiều người biết đến.
Aptos là blockchain Layer-1 và đội lập trình viên lại là team Diem cũ của Facebook. Không những thế họ còn được “chống lưng” bởi các “tay to” như FTX, Binance, a16z… Tôi theo sát các vòng gọi vốn của Aptos thì thấy vòng nào họ cũng gọi được số tiền “khủng”.
Tôi nghĩ đang downtrend mà tiền chảy vào nhiều như thế hẳn dự án phải tiềm năng lắm. So sánh Aptos với những gì mà Near đã có, tôi thấy tốc độ ra mắt các layer của dự án khá nhanh. Dựa trên tất cả những nhận định này, tôi đặt niềm tin vào Aptos.
Vì thế, ngay từ những ngày đầu tôi đã follow Discord dự án và thử tất cả các tính năng của sản phẩm. Tôi theo sát Aptos từ lúc họ ra devnet rồi đến testnet và tích cực trải nghiệm. Tôi cũng mint NFT Aptos Zero và tiến hành mua/bán như thật.
Tôi đặt mình trong vị thế một người dùng thực thụ (vì Aptos là dự án đầu tiên tôi làm testnet nên đã bao giờ được nếm mùi airdrop đâu mà ráng “cày” để mong nhận thưởng). Ý định của tôi là làm để lấy trải nghiệm về hệ sinh thái, xem dApp của họ chạy có mượt không, nếu có thì tôi càng có niềm tin vào dự án.
Cuối cùng cũng có thông tin Aptos sắp lên Binance. Đêm đó 18/10 tôi chẳng còn gì để làm nữa vì token APT sắp được niêm yết, tôi nghĩ dự án chắc FOMO lắm nên không dám nhảy vào mua, đợi khi nào token giảm sâu sẽ tính.
Sáng hôm sau tôi lên Twitter thì thấy tin Aptos airdrop cho người dùng, tôi thử mở mail và ngạc nhiên quá, tôi trúng airdrop rồi! Tôi không tin vào mắt mình vì đây là lần đầu tiên tôi nếm mùi airdrop, lúc đó tôi còn chưa biết giá APT nhưng cảm giác vẫn quá đỗi vui mừng.
Sau khi lên sàn, APT bay vút lên 100 USD sau đó xuống 12 USD và tôi chốt 80% token của mình ở giá 8-9 USD. Đến lúc đó cảm giác bồi hồi vẫn chưa nguôi, đúng là “trăm đồng tiền công không bằng một đồng tiền thưởng”. Điểm lại hành trình nỗ lực suốt một năm qua, tôi thấy sự chăm chỉ của mình đã được đền đáp và lại càng được tiếp thêm động lực để tìm hiểu thị trường.
Lời kết
Nếu lời tổng kết cho giai đoạn tham gia crypto của tôi từ 2017-2019 là “mua mà không hiểu”, thì từ 2021 trở về sau phương châm này sẽ là: “tích luỹ kiến thức → tạo dựng lòng tin → đi lâu dài với thị trường”, và đặc biệt là “đầu tư thì mượn tiền vợ, mất thì thôi” (haha).