Tại sao có ai đó trả tiền cho tôi để đi bộ?
Không nhiều thứ có thể khiến người ta giàu lên và nghèo đi nhanh chóng như tiền điện tử. Trong lĩnh vực này, nhiều xu hướng xuất hiện với những cách kiếm tiền (cũng như mất tiền) riêng biệt. Đó là mùa hè 2020 với làn sóng DeFi, một năm sau là NFT, đặc biệt trào lưu “play-to-earn”, điển hình là trò chơi Axie Infinity xoay quanh việc nhân giống và nuôi thú cưng NFT, trở thành một cơn sốt hừng hực.
Vì thế, khi xu hướng tiền điện tử mới “move-to-earn” nổi lên vào đầu năm nay, nó nhanh chóng trở thành tâm điểm. (Thời điểm đó, thị trường đang đi xuống nhưng mọi người vẫn chưa nhận ra đây là giai đoạn đầu của mùa downtrend – nghĩa là vẫn còn rất nhiều người muốn kiếm tiền nhanh). Người đi đầu trong làn sóng này là một ứng dụng có tên Stepn, trả tiền cho bạn để đi bộ. Nghe có vẻ khó tin, nhưng người ta có lý do chính đáng để thấy hào hứng. Một số nhà phân tích nói rằng dự án có giá trị lâu dài và “giúp mọi người có động lực tập thể dục”.
Tôi không thực sự tin một hệ thống dựa trên blockchain trả tiền cho mọi người để chạy và đi bộ sẽ có giá trị lâu dài, nhưng dự án được “chống lưng” bởi nhánh đầu tư mạo hiểm của Binance, sàn giao dịch tiền điện tử lớn nhất thế giới và Sequoia Capital, một trong những VC lớn và uy tín. Với cả trong crypto, những dự án đáng ngờ vẫn thành công ầm ầm đấy thôi.
Vì xu hướng “move-to-earn” bùng nổ vào thời điểm không thích hợp nên nó chưa bao giờ đạt đến đỉnh cao “điên rồ” như NFT Bored Ape hoặc đồng coin Shiba Inu. Nhưng nó là cánh cửa để nhìn vào tình hình thị trường tiền điện tử vào cuối những ngày uptrend vinh quang.
Mọi người vẫn phát cuồng vì dự án, bất chấp việc không tìm ra lời giải cho những câu hỏi then chốt như:
- Tại sao một công ty Trung Quốc nào đó lại quan tâm đến việc tôi đi bộ bao nhiêu?
- Tại sao họ lại trả tiền cho tôi để làm điều đó?
- Và tại sao có người lại bỏ tiền tài trợ toàn bộ dự án?
Có vẻ bong bóng “move-to-earn” này được thổi phồng bởi lời hứa hẹn kiếm tiền dễ dàng – trong một nền kinh tế mà bình thường chúng ta phải làm việc vẹo cả lưng. Được trả tiền để đi bộ nghe dễ như ăn bánh – nhưng đây chính xác là thứ mê hoặc mọi người.
Và tôi đã xem Stepn là cách trải nghiệm một phần thế giới tiền điện tử như nhiều người mới ngu ngơ khác: Tôi không trực tiếp tìm hiểu dự án mà chọn đọc thông tin hướng dẫn cách chơi trên một trang web.
Cụ thể, trước khi bạn bắt đầu kiếm tiền, Stepn yêu cầu bạn mua một NFT giày thể thao đặc biệt theo chủ đề. NFT này là tấm vé để bạn kiếm tiền điện tử của Stepn, gọi là Green Satoshi Token (GST).
Bạn có thể mua vài loại giày thể thao NFT khác nhau, tùy thuộc vào tốc độ bạn nghĩ mình sẽ đi. Giày Walkers dành cho những người dự đoán mình sẽ đi bộ khoảng 6 km/giờ, một tốc độ đi bộ khá bình thường. Đây là loại giày tôi đã chọn.
Giày cũng đi kèm các “thuộc tính” khác nhau: efficiency (hiệu quả), luck (may mắn), comfort (thoải mái), resilience (bền bỉ) – chúng dùng để xác định số tiền bạn có thể kiếm được. Đôi giày rẻ nhất mà tôi tìm thấy trên marketplace vào khoảng 5 SOL (hơn 200 USD vào thời điểm tôi mua). Nó đắt hơn bất kì đôi giày thể thao nào tôi từng mua trong đời. Những đôi đắt nhất lên tới hàng trăm nghìn USD.
Cuối cùng, tôi mua một đôi giày cổ cao màu đỏ, vàng và xanh lục có xếp hạng về mức độ hiệu quả là 25, đây là loại tốt nhất mà tôi có thể tìm thấy trong mức giá đó.
Thế là, vào ngày 9/6 đẹp trời, tôi quyết định đi bộ từ nhà đến chỗ làm. Gần như ngay lập tức, tôi nhận thấy tracker (trình theo dõi) của ứng dụng có gì đó sai sai. Cứ mỗi lần tôi kiểm tra ứng dụng, nó lại cho thấy tôi đi nhanh hơn giới hạn tốc độ 6 km/giờ – mặc dù rõ ràng tôi biết mình đi chậm hơn thế.
Điều này thật tiện cho Stepn, vì có đi nhanh hơn tốc độ đó tôi cũng không kiếm được đồng nào (nếu muốn, tôi có thể mua những đôi giày khác với tốc độ nhanh hơn).
Khi đến văn phòng, tôi kết thúc phiên đi bộ và thấy mình nhận được 0 GST. Tôi lên Discord của công ty để hỏi và một người dùng nói với tôi rằng tôi không chịu tìm hiểu. “Đọc whitepaper đi. Bạn cần energy để kiếm token. 1 chiếc giày = 2 energy”, người dùng có tên PumpaSaurusRexx nói. Nhưng “1 chiếc giày = 2 energy” nghĩa là gì thì whitepaper không giải thích rõ. Những quy tắc mà tôi đọc trên trang web hướng dẫn kia không hề nhắc đến energy hay thời gian quy định hay bất kỳ quy tắc nào liên quan đến thời điểm bạn bắt đầu đi bộ.
Tôi nói với PumpaSaurusRexx rằng cái này nghe nhảm nhí quá, và anh ta càng ra sức giải thích. Không những tôi phải đọc whitepaper, mà còn phải xem một đoạn video dài giải thích tất cả quy tắc. PumpaSaurusRexx nói với tôi: “Mấu chốt là bạn bắt đầu chơi một game mà không hiểu ngay cả những điều cơ bản”.
Tôi nghe mới thấy nhục nhã làm sao! Hóa ra vì chỉ mua một đôi giày nên tôi chỉ có quyền kiếm tiền 10 phút/lần và chỉ có thể bắt đầu làm vậy mỗi sáu tiếng, bắt đầu từ 3 giờ sáng.
Thế là không những bạn phải trả trước hàng trăm USD để có thể bắt đầu kiếm tiền, mà bạn chỉ được làm điều đó trong những khung giờ ngắn ngủi nhất định. Đột nhiên ý nghĩ ban đầu là tôi có thể kiếm tiền theo cách mình muốn đồng thời tăng cường sức khoẻ đã tan biến. Nếu Stepn bảo tôi lúc nào nên đi bộ và đi bộ với tốc độ bao nhiêu, nó khác gì sếp của tôi không?
Nhưng không nản lòng, tôi quyết định thử lại. Vào ngày 13/6 – ngày thị trường tiền điện tử sụp đổ – tôi đi bộ loanh quanh trong khoảng 10 phút và kiếm được tổng cộng 8.05 GST – khoảng 4 USD dựa trên giá thị trường lúc đó. Nếu tôi cũng đi bộ tương tự như thế vào ngày 24/5, khi token đạt đỉnh ở mức 29.10 USD, tôi sẽ kiếm được 234 USD, hay đủ để chứng minh tôi không sai lầm khi bỏ tiền mua giày.
Khi tôi cố cashout, ứng dụng thông báo rằng tôi không thể thực hiện giao dịch với ít hơn 10 GST, nên sáng hôm sau tôi đi bộ tiếp một quãng nhỏ để kiếm vừa đủ 1.9 GST. Nhưng đột nhiên giày của tôi cần được sửa chữa và nếu tôi muốn tiếp tục kiếm token, tôi cần phải chi token ra cho việc bảo trì.
Mánh khoé và phí ẩn
Tất cả những cái bẫy, trở ngại, thuật ngữ khó hiểu và những khoản phí ẩn này nhắc tôi về mặt tối của ngành tài chính: biến mọi người thành con mồi bằng cách lừa họ.
Tôi có biết một loại trái phiếu được gọi là trái phiếu cấu trúc (structured notes), chúng thường được đóng gói với các chứng khoán phái sinh để theo dõi giá trị của một số cổ phiếu nhưng vẫn được bán cho các nhà đầu tư nhỏ lẻ. Đây đã – và có lẽ vẫn là – một thị trường của những công cụ tài chính phức tạp và rủi ro.
Tôi đã đọc qua những bản cáo bạch và cố tìm hiểu cách chúng hoạt động: Ví dụ, trái phiếu này sẽ trả gấp đôi lợi nhuận của Apple nếu cổ phiếu công ty tăng vượt qua một điểm nhất định trong một khoảng thời gian.
Nhưng chúng cũng có thể hoàn toàn xóa sổ một nhà đầu tư nếu giá trị của công ty giảm quá nhiều – một viễn cảnh rất dễ xảy ra. Nhưng nhìn chung, những trái phiếu này phức tạp đến mức chỉ một số chuyên gia mới hiểu được chúng. Chúng mô tả cách thức hoạt động bằng các phương trình giải tích, chúng cũng bao gồm những mánh lới, phí ẩn…
Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ từng buộc các ngân hàng đơn giản hóa cách mô tả những trái phiếu này và nói với mọi người rằng chúng thực sự có giá trị thấp hơn số tiền họ đã bỏ ra.
Với Stepn, tôi thấy nó cũng có những mánh lới giống vậy – ngoại trừ bây giờ chủ dự án làm tất cả mọi thứ mà không có sự giám sát của cơ quan quản lý và họ gọi đó là một trò chơi.
Điều ngạc nhiên hơn là những người sáng tạo Stepn từng thừa nhận là toàn bộ doanh nghiệp khá tương tự với mô hình Ponzi, nhưng tất nhiên, họ khẳng định rằng mình khác biệt và hoàn toàn có đạo đức. (Tôi đã gửi email cho công ty, cũng như Sequoia và Binance VC, nhưng không nhận được phản hồi).
Bây giờ nếu bạn vào đọc kênh Discord của Stepn, bạn sẽ thấy có vẻ như điều gì đó kỳ lạ đang xảy ra. Rất nhiều người có mã mời tham gia – cố gắng lôi kéo nhiều người dùng mới với nhiều tiền hơn – trong khi cùng lúc phàn nàn về việc giá token đã giảm sâu đến mức nào và giá trị của các đôi giày hiện tại thấp như thế nào.
Tôi vẫn chưa cashout 10.04 GST của mình, hiện có giá trị hơn 1 USD một chút. Vì làm tốn phí mà có được bao nhiêu tiền? Có thể tôi sẽ để chúng nằm trong ví cho đến lúc về 0.