Sự trỗi dậy mạnh mẽ của thị trường Crypto trong thời gian gần đây đã khiến các nhà lập pháp ở các quốc gia phải “đau đầu” tìm phương án giải quyết. Những phương án khả dĩ có thể sẽ là quản lý thị trường tài chính mới nổi này (như một cách thức bị động). Và ở chiều chủ động, các quốc gia liên tục “âm thầm” triển khai các cơ quan nghiên cứu về CBDC – Tiền kỹ thuật số của ngân hàng Trung ương.
Tình trạng nghiên cứu và triển khai CBDC của các quốc gia đang diễn ra như thế nào? Họ có gặp những khó khăn gì không? Đây là những câu hỏi mà mình sẽ giúp anh em đi tìm lời giải trong bài phân tích này nhé!
Những con số ấn tượng về CBDC của các quốc gia
Số lượng quốc gia nghiên cứu CBDC
Theo thống kê của Atlantic Council, tổ chức chuyên nghiên cứu về CBDC ghi nhận rằng:
- 87 quốc gia: Đại diện cho hơn 90% tổng GDP toàn cầu đang nghiên cứu về CBDC. Con số này đã tăng rất nhiều so với tháng 5/2020, khi đó chỉ có 35 quốc gia cân nhắc về CBDC.
- 9 quốc gia: Đã chính thức ra mắt tiền điện tử của quốc gia.
- 14 quốc gia: Trong đó có Trung Quốc và Hàn Quốc đang thử nghiệm CBDC và sẽ sớm ra mắt bản chính thức.
Tỷ lệ tham gia nghiên cứu CBDC qua các năm
Tỉ lệ các Ngân hàng Trung ương đang tích cực tham gia vào những công việc liên quan đến CBDC qua các năm từ 2017 – 2020. Điều này tương đương mức tăng trưởng từ mức 65% lên hơn 80% (Theo thống kê của BIS – dựa trên kết quả của 66 ngân hàng Trung ương).
Cuộc đua về CBDC của các nước (91 quốc gia) qua các con số (tính tới tháng 12/2021), trên tổng số 91 nước được thống kê thì:
- 10%: Tỉ lệ các nước đã phát hành CBDC.
- 16%: Tỉ lệ các nước đang triển khai thử nghiệm CBDC.
- 17%: Tỉ lệ các nước đang phát triển CBDC.
- 43%: Tỉ lệ các nước đang nghiên cứu về CBDC.
- 9%: Hiện không công bố thêm về CBDC.
- 3 nước công bố huỷ nghiên cứu CBDC.
Lịch sử phát triển của CBDC
Theo dòng lịch sử, đã có nhiều quốc gia tham gia vào công tác nghiên cứu về CBDC như sau:
Năm 2014: Cơ quan nghiên cứu CBDC của Ngân hàng Quốc Dân Trung Quốc được thành lập.
Năm 2015: Ngân Hàng Anh đề cập đến CBDC trong bài nghiên cứu ấn bản năm 2015. Những bài nghiên cứu về CBDC được tạo ra với 2 phiên bản mẫu đầu tiên.
Năm 2016:
- Ngân hàng Quốc Dân Trung Quốc tuyên bố sẽ phát hành CBDC.
- Ngân hàng Canada ra mắt dự án Jasper.
- Cơ quan tiền tệ Singapore (MAS) tuyên bố ra mắt dự án hệ thống thanh toán dựa trên công nghệ sổ cái phân tán (DLT).
- Ngân hàng Nhật Bản (BOJ) ra mắt dự án Stela để nghiên cứu công nghệ sổ cái phân tán (DLT).
Năm 2017:
- Ngân hàng Trung Ương Thụy Điển Riksbank ra mắt bản báo cáo về dự án e-krona.
- Ngân hàng Trung Ương Uruguay tuyên bố kế hoạch CBDC.
- Ngân hàng Pháp ra mắt dự án MADRE sử dụng công nghệ DLT.
Năm 2018:
- Viện nghiên cứu Shenzhen và Nanjing của Trung Quốc được thành lập.
- Ngân hàng Anh cân nhắc đưa vào sử dụng công nghệ DLT cho CBDC của mình.
- Ngân hàng Thái Lan khởi phát dự án CBDC đầu tiên.
Năm 2019:
- Ngân hàng Quốc Dân Trung Quốc tuyên bố mô hình DC/EP sẽ sớm được ra mắt.
- Facebook tuyên bố dự án tiền tệ Libra.
- Ngân hàng Trung Ương Châu Âu thừa nhận đang tiến hành một số công việc liên quan đến đồng Euro kỹ thuật số.
Năm 2020:
- Ngân hàng Trung Ương Thụy Điển Riksbank cho ra mắt phiên bản thử nghiệm.
- Ngân hàng Pháp bắt đầu thử nghiệm CBDC với tám công ty.
- Ngân hàng Trung ương Mỹ tiến hành cuộc nghiên cứu CBDC chi nhánh Boston với trường đại học MIT về đồng đô la kỹ thuật số.
Ngoài ra, còn có một số quốc gia cùng những thành tựu nổi bật khác như:
- Venezuela: Là một trong những quốc gia đi đầu về lĩnh vực này. Họ đã phát hành CBDC vào năm 2018 có tên là The petro. Tuy nhiên, tiện ích sử dụng của đồng tiền này là quá ít.
- Hàn Quốc: Đã hoàn thành bản Demo và đang ở phiên bản pilot.
- Trung Quốc: Thử nghiệm tiền điện tử Yuan phiên bản Pilot ở một số thành phố.
- Bahamas: Một trong những quốc gia đầu tiên phát hành CBDC có tên là “The Sand Dollar”.
Danh sách các nước đã/đang thử nghiệm CBDC trên thế giới
Các dự án CBDC ở phân khúc retail trên thế giới theo từng châu lục.
Theo thống kê của BIS, các quốc gia trên đang có những hoạt động liên quan đến CBDC với nhiều mô hình thử nghiệm (Hybrid/Direct/Intermediate CBDC), kiến trúc cùng cơ sở hạ tầng khác nhau (DLT/Token-base/Account-Based/Conventional).
Song song với đó, bản báo cáo cũng nêu ra trạng thái của các dự án CBDC này đang ở giai đoạn nào chẳng hạn như nghiên cứu (research), có phiên bản thử nghiệm hay chưa (pilot).
Châu Á
Các quốc gia khu vực Châu Á đã nghiên cứu/phát triển CBDC là: Trung Quốc, Campuchia, Indonesia, Malaysia, Hàn Quốc, Israel, Nhật Bản.
Châu Âu
Các quốc gia khu vực Châu Âu đã nghiên cứu/phát triển CBDC là: Iceland, Đan Mạch, Na-uy, Ngân hàng Trung ƯƠng châu Âu, Phần Lan, Hà Lan, Thụy Điển, Tây Ban Nha, Thụy Sĩ, Ukraine, Pháp, Anh.
Châu Mỹ
Các quốc gia khu vực châu Mỹ đã tiến hành nghiên cứu/phát triển CBDC là: Bahamas, Brazil, Mỹ, Phía Tây Caribe, Ecuador, Uruguay, Canada.
Vùng lãnh thổ khác
Ngoài ra, vẫn còn các quốc gia thuộc nhiều khu vực khác đã nghiên cứu/phát triển CBDC là: Nam Phi, New Zealand, Eswatini, Tunisia, Úc, cùng một số các quốc gia chưa được liệt kê khác.
Việt Nam ra khung pháp lý để quản lý thị trường Crypto?
Trong bối cảnh phần lớn ngân hàng Trung Ương trên thế giới nghiên cứu về CBDC, Việt Nam – một trong 50 quốc gia đang có chỉ số đổi mới và sáng tạo hàng đầu (GII) năm 2021 không thể là cái tên đứng ngoài xu thế này được.
Trên thực tế, Việt Nam đã có một số chỉ đạo của chính phủ cụ thể qua những văn bản nhằm kiểm soát thị trường Crypto từ năm 2017. Tuy nhiên, việc hiểu về thị trường Crypto thời điểm đó là cực kì khó khăn. Hiện tại, khi Việt Nam có nhiều người giỏi và hiểu biết về thị trường Crypto hơn. Do đó, họ có thể phần nào đó tham vấn cho chính phủ.
Theo tờ báo Thương Trường, vào ngày 30/3/2022, Phó thủ tướng Phạm Minh Khái có chỉ đạo Bộ Tài Chính cùng các bộ khác để phối hợp nghiên cứu để tạo ra một khung pháp lý phù hợp để quản lý thị trường Crypto. Ngoài ra, việc một số công ty về Crypto bắt đầu có thể mở công ty tại Việt Nam cho thấy chính phủ có sự quan tâm đặc biệt đến thị trường này.
Việt Nam thường đi sau thế giới về công nghệ, đó là điều mà các nước khác thường nói. Đây là một nếp nghĩ của thế giới, sự xuất hiện của CBDC là thách thức cũng như cơ hội cho chúng ta tỏa sáng.
Minh chứng là Việt Nam đã có những chính sách đổi mới và cởi mở hơn rất nhiều về mảng công nghệ. Kết quả hiện tại, Việt Nam đang có công nghệ hàng đầu như 5G của Viettel hay sự đột phá của các dự án nổi bật trong thị trường Crypto như Axie Infinity,… đủ sức sánh vai cùng các quốc gia phát triển.
Tại sao các chính phủ lại tích cực nghiên cứu phát triển CBDC?
Theo nghiên cứu của 4 chuyên gia quan trọng của ngân hàng Deutsche Bank AG là Markus H.-P. Müller (Global Head of the Chief Investment Office), Gerit Heinz (Chief Strategist), Sagar Singh (Investment Officer) và Stefan Köhling (Investment Strategist), những động lực thúc đẩy cho sự phát triển của thị trường Cryptocurrency đã kéo theo làn sóng CBDC.
Bản nghiên cứu chỉ ra các tác nhân và động lực thúc đẩy cho sự phát triển của CBDC và cả Cryptocurrency bao gồm:
- Technological Progress – Sự phát triển của công nghệ và sự tiến hóa của phương thức sử dụng tiền tệ.
- Ongoing rise of Private Cryptocurrency – Hiểm họa từ sự trỗi dậy của tiền tệ kỹ thuật số tư nhân.
- Inflation Bearing Tool – Công cụ chống lạm phát ở một số những đồng coins nhất định so với tiền fiat.
- Portfolio Construction of Investors – Ở khía cạnh phân bổ danh mục của các nhà đầu tư.
Sự phát triển của công nghệ và sự tiến hóa của phương thức sử dụng tiền tệ
Trong bối cảnh tiền tệ đã khác, các chính phủ buộc phải phát triển CBDC thay vì chống lại nó. Sự phát triển về công nghệ đã kéo theo sự thay đổi cách mà con người sử dụng tiền tệ.
Trong quá khứ tiền tệ sơ khai nhất bắt đầu từ:
Vỏ sò → Tiền xu → Ngân phiếu → Vàng → Tiền mặt dựa trên bản vị vàng → Đồng USD dựa trên dầu mỏ → Tiền mặt kỹ thuật số – digital cash ở những năm 1980 (do David Chaum, Wei Dei và Nick Szabo nghiên cứu) → Hashcash – một loại tiền kỹ thuật số thành công hơn ra đời (do Adam Back phát triển năm 1997) → Tiền số trên tài khoản ngân hàng/Thẻ ghi nợ → Satoshi Nakamoto công bố Bitcoin – ông tổ của Cryptocurrency hiện nay → CBDC.
Nhìn lại dòng thời gian tiến hóa của tiền tệ, có thể thấy sự khác biệt rất lớn qua các thời kỳ. Con người là chủ thể sử dụng tiền tệ chính. Vì vậy, thế giới và các chính phủ buộc phải thay đổi để thích ứng nếu không muốn bị đào thải.
Hiểm họa từ sự trỗi dậy của tiền tệ kỹ thuật số tư nhân
Anh em có thể thấy được từ năm 2008 – 2009 khi BTC được phát hành đến nay thị trường Cryptocurrency đã có hơn 11,000 đồng coins/tokens (Theo Coingecko, 4/8/2022). Sự trỗi dậy quá mạnh mẽ của một loại hình tiền kỹ thuật số đã ngày càng được phổ cập trên thế giới và nhận được một số chấp nhận.
Minh chứng là Bitcoin. Đồng tiền mã hóa này đã được xem là hợp pháp lại El Salvador. Một số quốc gia khác cũng đang có những thành viên trong quốc hội/chính phủ lên tiếng ủng hộ Bitcoin như Mỹ.
Nếu để sự phát triển của Cryptocurrency diễn ra mà không có bất kì biện pháp can thiệp nào (CBDC là một trong số đó), khi loại tiền này đạt đủ sự ổn định và tính ứng dụng của nó trong đời sống ngày càng lớn, liệu chính phủ có thể kịp can thiệp?
Đây là một trong những rủi ro cần các chính phủ can thiệp nếu không muốn đồng tiền của quốc gia của họ bị thay thế.
Công cụ chống lạm phát
Trên đây là biểu đồ so sánh Bitcoin với các loại tài sản chống lạm phát khác như: Vàng, Bạc, Chỉ số lạm phát toàn cầu (Bloomberg) và những chỉ số các loại hàng hóa cốt lõi trong năm 2021.
Theo số liệu, ta thấy được mức tăng giá hàng năm (YTD) của Bitcoin đạt mức sinh lợi 147.8%, vượt trội hơn khi so với các tài sản chống lạm phát khác.
Nhiều người sẽ thắc mắc lạm phát thì liên quan gì đến Cryptocurrency hay tiền tệ của 1 quốc gia?
Các quốc gia khi gặp khủng hoảng do bất kỳ vấn đề gì (vd: nạn đói, thất nghiệp, thiên tai, dịch bệnh) đều cần những chính sách tiền tệ nhằm cứu trợ đất nước và tái thiết lại cuộc sống người dân. Đồng thời, chính phủ các quốc gia trên buộc phải thêm tiền kích thích nền kinh tế.
Bơm tiền ra thị trường có rất nhiều cách, chẳng hạn:
Ngân hàng Trung Ương bán trái phiếu để các nước khác hay những doanh nghiệp tư nhân mua ⇒ Họ sẽ phát hành và in thêm tiền ⇒ Giá trị tiền giữ nguyên nhưng lượng cung tăng lên ⇒ Bị pha loãng và lạm phát xảy ra.
Hệ lụy là nó sẽ khiến quốc gia in tiền vô tội vạ nếu họ không bị ai kiểm soát. Đặc biệt là Mỹ, họ với vị thế của mình nếu như không đủ khả năng trả lại khoảng tiền vay này cho những nước khác hay các tổ chức tư nhân sẽ dẫn đến vỡ nợ ⇒ Càng vỡ nợ ⇒ Càng in tiền trả nợ ⇒ Tiền đô la bị mất giá ⇒ Siêu lạm phát (Hyper Inflation).
Theo cơ quan Lao động Liên Bang Mỹ, số liệu trong tháng 2/2022 cho thấy Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của của hàng hóa Mỹ đã tăng hơn 7.9% trong 1 năm qua, mức cao nhất lịch sử kể từ tháng 1/1982. CPI cho thấy lạm phát đã bào mòn sức mua hàng hóa của đồng đô la Mỹ và vật giá của nước này cũng vì thế mà tăng cao hơn.
Tỷ lệ lạm phát tăng cao trong bối cảnh nền kinh tế mở và giao thương như hiện nay sẽ ảnh hưởng đến nhiều quốc gia. Vì các nước trên thế giới sẽ đều ít nhiều có liên quan hoặc phụ thuộc phụ thuộc lẫn nhau ở một số khía cạnh, Mỹ cũng tương tự. Điều này mô hình chung sẽ kéo theo hiệu ứng domino khiến kinh tế toàn cầu chịu ảnh hưởng.
⇒ Bitcoin với mức sinh lời hấp dẫn đã phần nào được một số nhà đầu tư với mức độ chấp nhận rủi ro cao xem là “tài sản trú ẩn lạm phát” ở một số mức độ nhất định so với tiền fiat.
Cách phân bổ danh mục của các nhà đầu tư
Nhu cầu ngày càng tăng đối với tiền điện tử cũng có thể được giải thích từ sự phân bổ danh mục đầu tư các tài sản khác nhau của các nhà đầu tư. Một số quỹ đầu tư muốn tìm những loại hình tài sản tiềm năng và đem lại mức sinh lời cao hơn, và thị trường Crypto đáp ứng được điều này. Do đó, họ xem những loại tài sản này như một hình thức để đa dạng hóa danh mục đầu tư, tùy theo mức độ rủi ro chấp nhận.
Ở góc độ sinh lợi nhuận, ở thị trường Crypto với mức độ biến động lớn thì mức sinh lợi nhuận của các nhà đầu tư cũng sẽ lớn. Đặc biệt, nếu đó là các quỹ VC, họ sẽ được mua tokens của dự án ở mức giá thấp so với các nhà đầu tư cá nhân hay các vòng gọi vốn công khai. Vì vậy, mức độ hấp dẫn của các thương vụ đầu tư ở thị trường Crypto từ đó mà cao hơn.
Một trong những ví dụ về sự thành công của các thương vụ đầu tư crypto của các quỹ lớn như Binance Labs, Three Arrows Capital và Mechanism Capital.
Một trong những trường hợp điển hình cho việc thâm nhập vào thị trường Crypto là Black Rock, tập đoàn đầu tư lớn nhất thế giới (hiện quản lý 10 triệu tỷ USD, số liệu tháng 1/2022) cũng đã nhảy vào tìm kiếm cơ hội. Tập đoàn này đã đầu tư hơn 325 triệu USD vào một công ty đào Bitcoin vào tháng 8/2021.
CBDC của các quốc gia đang phải đối mặt với khó khăn gì?
Nhu cầu để có một CBDC của quốc gia là hết sức cấp thiết và đang được tích cực nghiên cứu. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn chưa có một CBDC nào hoàn hảo ở thời điểm hiện tại.
Chưa có mô hình CBDC hoàn hảo
Theo nghiên cứu của Ngân hàng Thanh toán quốc tế (BIS), họ đã tiến hành đánh giá mô hình CBDC của 3 quốc gia là:
- Trung Quốc: People’s Bank of China’s Digital Currency Electronic Payment (DC/EP) project.
- Canada: Phát triển CBDC như một kế hoạch dự phòng với kiến trúc tên là “Business models” với tùy biến trường hợp sử dụng các loại CBDC khác nhau như Direct CBDC, Intermediated CBDC và Hybrid CBDC.
- Thụy điển: The Swedish Riksbank’s e-krona với mô hình Hybrid CBDC.
Dựa trên kết quả của 3 mô hình này, BIS cho rằng vấn đề nan giải nằm ở việc thiết kế cấu trúc hoàn hảo cho CBDC vì mỗi cấu trúc còn những mặt hạn chế riêng. Việc các quốc gia có thể triển khai CBDC thành công hay không nằm ở độ an toàn của cấu trúc CBDC. Vì CBDC là đồng tiền của một quốc gia nên có rất nhiều yếu tố chính phủ cần phục vụ và cân bằng nhằm đem lại lợi ích tốt nhất cho quốc gia của họ.
Các yếu tố sẽ đưa vào cân nhắc như sau:
- Phục vụ cho nhu cầu thanh toán của người dân.
- Sự khác biệt về tình hình kinh tế ở các quốc gia.
- Mức độ chấp nhận tiền kỹ thuật số ở quốc gia sở tại.
- Rủi ro ở quy mô quốc gia khi triển khai CBDC không thành công.
- Cùng rất nhiều vấn đề phải đánh đổi khác.
Những điều trên cấu thành lý do khiến CBDC chưa có phiên bản hoàn chỉnh ở hiện tại. Các quốc gia lớn hàng đầu về công nghệ vẫn đang rất cẩn trọng trong công tác nghiên cứu của mình.
Ngay cả Mỹ cũng đang gặp rất nhiều vấn đề và họ cẩn trọng trong việc nghiên cứu và triển khai CBDC. “Nước Mỹ thà đi chậm mà đúng còn hơn là người dẫn đầu”, ông Jerome Powell, Chủ tịch Ngân Hàng Trung Ương Mỹ (FED) từng thể hiện quan điểm Mỹ đang rất cẩn trọng trong vấn đề ra mắt CBDC.
Nhận xét
Tình hình chung của CBDC trên toàn thế giới là:
- CBDC vẫn chưa được nghiên cứu thành công.
- Công dụng của CBDC vẫn chưa được sử dụng rộng rãi trên quy mô lớn.
- Một số CBDC sử dụng những nguyên lý dựa trên công nghệ của Bitcoin blockchain cùng những mô hình Direct/Hybrid/Immediate CBDC khác nhau.
- Các nước vẫn đang tiếp cận CBDC một cách cẩn trọng vì đồng tiền này hiện vẫn đang được xem là biện pháp dự phòng cho sự bành trướng của thị trường Crypto trong tương lai.
- Đồng thời, CBDC đơn giản là phiên bản “tiền điện tử” cần có của các quốc gia và chúng sẽ hiện diện song song chứ không hoàn toàn thay thế tiền pháp định hiện tại. Bởi vì chưa có mô hình hoàn chỉnh ở tầm quốc gia chứ chưa nói đến việc giao thương giữa các nước với nhau nên vai trò của tiền fiat vẫn hiện diện.
⇒ Vì vậy, công cuộc nghiên cứu và thử nghiệm CBDC của mỗi quốc gia là nhằm hướng tới cân bằng những toan tính về kinh tế địa chính trị song song với lợi ích của quốc gia. Do đó, CBDC vẫn còn là dấu hỏi lớn mà các nước cần thêm thời gian để trả lời.
Kết luận
CBDC ở thời điểm hiện tại vẫn còn ở giai đoạn khá sơ khai và còn nhiều hạn chế khi so sánh với Cryptocurrency hay với nhu cầu của mỗi quốc gia. Công cuộc tiến đến sự thành công cho CBDC cần rất nhiều nỗ lực đến từ các quốc gia, trong bối cảnh mà CBDC còn nhiều vấn đề cần giải quyết.