Trending

Một trong những từ khóa hot nhất trong nửa sau năm 2021, và có thể là 2022, đó là GameFi. Vậy GameFi là gì? GameFi được cấu tạo bởi những yếu tố nào? Anh em đọc bài viết sau để biết thêm chi tiết.

GameFi là gì?

GameFi là những dự án trò chơi điện tử kèm theo yếu tố tài chính, có thể xem đó là sự kết hợp giữa Game + DeFi (Decentralized Finance). Do đó, các trò chơi thường sẽ trả thưởng bằng token, sau đó anh em có thể mang chúng đi bán để kiếm lợi nhuận. Thuật ngữ GameFi lần đầu được sử dụng bởi Andre Cronje – Founder của Yearn Finance.

GameFi theo mình không chỉ là Play to Earn, mà đó là những dự án được Gamify, nhìn trông đẹp mắt, một trong những ví dụ đó là Stepn (Move to Earn).

Xét theo một mặt nào đó, các trò chơi này cũng là một dự án DeFi thông thường, bởi vì chúng hoạt động dưới một cơ chế kinh tế thực thụ thông qua những thành phần mà mình sẽ nói bên dưới.

Thành phần của những dự án GameFi

Các dự án trong GameFi rất đa dạng, nhưng tựu chung lại xoay quanh các yếu tố sau:

NFT

Những nhân vật trong game thường là các NFT, các NFT này có thể là nhân vật chính hoặc phụ. Ví dụ như ở Cyball, các cầu thủ là NFT; nhưng ở Mines of Dalarnia, người chơi vào vai những thợ đào mỏ, thì các NFT là vẹt, khỉ đi kèm.

NFT thường sẽ được mở bán như một đợt gọi vốn. Cách mở bán này tương tự bán token, nhưng khác ở chỗ không cần bất kì yêu cầu gì (Staking, sở hữu một thứ bắt buộc,…), mà là ai cũng được tham gia mua NFT.

Token

Đa phần những tựa game hiện tại đều có hai token:

  • Token quản trị: Đây là token chính của game. Tương tự các dự án thông thường, token này sẽ giúp cộng đồng quản trị game. Số lượng giới hạn.
  • Token thưởng: Đây là token thưởng cho người dùng khi tham gia các hoạt động, với vai trò là dùng nó để sử dụng các chức năng trong game. Số lượng thường không giới hạn.

Cơ chế hoạt động của GameFi

GameFi là cách mà dự án sẽ phối hợp nhiều cơ chế để tạo nên tính cân bằng cho các token trong game, cũng như những cơ chế kiếm phần thưởng.

Nói về thiết kế một nền kinh tế bền vững, các dự án thường sẽ trả thưởng cho người dùng thông qua việc tương tác với nhau (PvP), hoặc với bot (PvE), làm nhiệm vụ hằng ngày (đăng nhập điểm danh, hoàn thành yêu cầu từ hệ thống,…).

Song song với đó là các cơ chế để tiêu thụ những token này, bao gồm Breeding (sinh sản ra các nhân vật mới), phí rút token,…

Cuối cùng là về các NFT. Thông thường, các NFT này là chìa khóa để chơi được game (để chơi Cyball hay Axie Infinity, anh em cần 3 NFT). Ngoài ra, NFT cũng có cơ chế cân bằng thông qua việc đốt, nếu Breeding tạo ra quá nhiều NFT.

GameFi có phải Metaverse không?

Metaverse là một thế giới ảo được tạo nên từ mạng Internet và các công cụ hỗ trợ thực tế ảo tăng cường (như VR, AR hoặc các dụng cụ khác), nhằm giúp người dùng có được những trải nghiệm chân thật nhất.

Và đây cũng là câu hỏi mà rất nhiều người vẫn còn phân vân. Theo mình, GameFi không phải là Metaverse, tuy nhiên cũng có thể nói rằng nó là một phần trong Metaverse.

Metaverse được xem là một không gian cho phép những người tham gia vào trong đó khả năng sáng tạo cùng khả năng tương tác không giới hạn.

Nếu nhìn vào thực tế hiện nay, anh em cũng có thể thấy những Metaverse đơn giản đều tồn tại dưới dạng Game như Minecraft, Roblox, GTA V,… và rất nhiều ví dụ khác. Bên cạnh đó, chúng ta cũng có thể thấy đâu đó một vài sự xuất hiện của Metaverse dưới dạng các mạng xã hội.

Hơn nữa, hiện tại các công ty truyền thống có tầm nhìn xây dựng một Metaverse đúng nghĩa đều dựa trên cơ sở một tựa game. Do vậy, có thể khẳng định rằng, Game là một mảnh ghép rất quan trọng để hình thành nên Metaverse.

Quay trở lại với câu hỏi “GameFi có phải Metaverse hay không?” thì mình có thể khẳng định lại một lần nữa đó là không. Bởi vì GameFi nói chung còn thiếu khá nhiều thứ để có thể trở thành Metaverse thực sự. Mình sẽ phân tích một vài khía cạnh như sau:

  • Một cách hiểu đơn giản, Metaverse là một thế giới mở, nếu anh em nhìn lại rất nhiều dự án GameFi thì có thể thấy rằng đó là những thế giới đóng, chúng ta không thể tác động cũng như xây dựng gì ở trên đó.
  • Hơn nữa, khả năng sáng tạo cũng sẽ rất hạn chế và khả năng tối ưu nguồn vốn cũng như yếu tố “earn” hay “finance” cũng sẽ được đề cao nhiều hơn.
  • Nếu nhìn lại thì chúng ta cũng phải đồng ý rằng, trong một Metaverse ắt hẳn một nền kinh tế thu nhỏ được sinh ra là điều tất yếu. Và theo đó, yếu tố “finance” cũng sẽ phải tồn tại, nhưng đó không phải là tất cả, vì trong vũ trụ mở đó, ngoài finance chúng ta còn rất nhiều các khía cạnh khác như sự sáng tạo, khả năng tương tác, phát triển, …

Do vậy đây cũng là một lý do mà khá nhiều các dự án GameFi trên thị trường Marketing bản thân hoặc có tầm nhìn là một Metaverse. Tuy nhiên, anh em cũng sẽ cần phải cân nhắc cũng như đánh giá rất kỹ về khả năng của đội ngũ cũng như cơ sở nào để dự án GameFi đó đi theo hướng Metaverse.

Nếu dự án đó từ đầu đã có các Concept như Decentraland hay The Sandbox – những mô hình cho phép người tham gia xây dựng và tương tác thì việc phát triển Metaverse khá dễ dàng.

Nhưng nếu dự án đó ban đầu là những tựa game với Concept khá “đóng” thì dường như đó là một thách thức không hề nhỏ để phát triển theo hướng Metaverse. Vì giờ đây, concept ban đầu của Game cũng sẽ phải thay đổi sao cho phù hợp. Điều này cũng sẽ đặt ra những câu hỏi về cái chất nói riêng ban đầu của game đó.

Tóm lại, theo góc nhìn của mình, GameFi tuy không phải là Metaverse, nhưng nếu chúng ta nhìn dưới góc độ thị trường Crypto thì có khả năng rất lớn rằng những Metaverse sẽ được phát triển từ các dự án GameFi.

Một số dự án GameFi tiêu biểu

Axie Infinity

Axie Infinity là tựa game mở đầu cho trào lưu Play to Earn, hay nói cách khác, nhờ Axie Infinity, cộng đồng mới tìm hiểu về GameFi.

Trong Axie Infinity, người chơi sẽ sử dụng đội hình gồm 3 Axie đánh nhau với đối thủ. Ngoài ra còn là những hoạt động khác như làm nhiệm vụ, Breeding,…

Thetan Arena

Thetan Arena là một trong những dự án GameFi đến từ Việt Nam, và cũng là một trong những bên đi tiên phong trong việc đưa thể loại MOBA vào GameFi.

Tương dự Dota, Liên Minh Huyền Thoại, mỗi đội trong Thetan Arena sẽ có 4 người chơi, hai bên sẽ chiến đấu để tiêu diệt trụ chính. Bên nào phá sập nhà chính đối phương trước sẽ thắng. Ngoài ra, Thetan Arena còn có rất nhiều chế độ chơi khác.

Tổng kết

GameFi là một trong những làn gió thú vị trong thời gian qua, giúp người dùng không bị nhàm chán về những ngày suy nghĩ về việc Farming, mua token, chơi Long/Short,… Cuối cùng, người dùng đã có một nơi mà họ có thể vừa chơi vừa kiếm được tiền.

Tuy nhiên, trào lưu này dần bị suy thoái như bao hiện tượng trước đây như Food Coin, Dogecoin, DeFi (những ngày đầu),… Liệu GameFi sẽ trở lại, hay sẽ bị cộng đồng lãng quên như các trend khác?

bài viết liên quan