Trending

Nếu như trong thị trường CeFi, người dùng sẽ giao dịch thông qua các CEX như Binance, Coinbase, OKX thì trong DeFi chúng ta sẽ cần các sàn giao dịch phi tập trung là DEX. Vậy DEX là gì? Cùng tìm hiểu tổng quan về sàn giao dịch phi tập trung (DEX) qua bài viết với các nội dung:

  • Sàn DEX là gì? DEX khác CEX như thế nào?
  • Sàn DEX hoạt động như thế nào?
  • Làm sao để chọn được một sàn giao dịch phi tập trung uy tín?

Sàn DEX là gì?

Sàn DEX (Decentralized Exchange) là một sàn giao dịch phi tập trung hoạt động trên nền tảng blockchain, cho phép người dùng giao dịch crypto mà không cần thông qua trung gian của bên thứ ba. DEX có thể tự động hoạt động thông qua các smart contract để đảm bảo tính an toàn và đáng tin cậy trong quá trình giao dịch.

sàn dex là gì
DEX là sàn giao dịch hoạt động trên nền tảng blockchain.

Phân biệt DEX và CEX

Dưới đây là một số yếu tố khác biệt giữa DEX và CEX:

1. KYC – Xác thực danh tính

  • CEX: Có, yêu cầu có giấy chứng minh hoặc passport.
  • DEX: Không yêu cầu KYC, chỉ cần có ví Non-custodial (Ví phi tập trung).

2. Đăng ký tài khoản giao dịch

  • CEX: Có, đăng ký bằng email.
  • DEX: Không yêu cầu có tài khoản, chỉ cần có ví Non-custodial (Ví phi tập trung).

3. Mất mật khẩu hoặc quên đăng nhập

  • CEX: Có thể khôi phục tài khoản bằng email hoặc xác thực danh tính lại.
  • DEX: Vì không đăng ký tài khoảng bằng email nên mật khẩu duy nhất người dùng phải nắm là Private Key của ví. Nếu như mất hoặc quên thì không ai có thể hỗ trợ khôi phục.

4. Sàn đột xuất ngừng hoạt động, đóng web,…

  • CEX: Người dùng có nguy cơ mất tài sản nếu giao dịch xong và trữ tài sản ở ví sàn.
  • DEX: Người dùng không mất tài sản vì tài sản để trong ví Non-custodial do người dùng kiểm soát. Chỉ khi nào người dùng cung cấp thanh khoản thì mới có rủi ro mất.

5. Số lượng token trên sàn

  • CEX: Số lượng token có giới hạn, bị phụ thuộc vào quyết định niêm yết hoặc huỷ niêm yết của sàn.
  • DEX: Số lượng token gần như không giới hạn vì bất kỳ người dùng nào cũng có thể tạo thanh khoản và tạo các cặp giao dịch trên các sàn phi tập trung.

Phân loại các sàn DEX

Trên thị trường có rất nhiều sàn DEX và được phân loại thành nhiều tiêu chí khác nhau. Dưới đây là một số cách phân loại phổ biến giúp bạn chọn được sàn DEX phù hợp để giao dịch. Dưới đây là một số phân loại:

  • Phân loại theo cơ chế khớp lệnh: AMM DEX và Orderbook DEX.
  • Phân loại theo hình thức giao dịch: Sàn Spot, Sàn Margin (Đòn bẩy), Sàn Derivatives (Phái sinh),…
  • Phân loại theo hệ sinh thái: Ethereum, BNB Chain, Solana, Arbitrum, Optimism, Avalanche, Polygon,…
  • Phân loại theo tài sản giao dịch: Stable Asset và các đồng coin/token khác.
  • Permissionless và Non-permissionless DEX.
  • Theo nguồn thanh khoản: Liquidity Center và DEX Aggregator.

Bài viết sẽ phân tích cụ thể hơn ở phía dưới đây.

Sàn AMM DEX và sàn Order book DEX

Hiện tại khi giao dịch trên thị trường Crypto, chúng ta có các sàn lớn như Binance, Huobi, Uniswap, Pancakeswap. Mặc dù cũng là sàn giao dịch nhưng chúng có cơ chế hoàn toàn khác nhau. Nếu như các sàn CEX thông thường là khớp lệnh theo cơ chế Orderbook thì các sàn DEX lại khớp lệnh theo cơ chế AMM. Vì sao lại có sự khác biệt như vậy?

Lý do lớn nhất nằm ở thanh khoản của sàn. Bởi vì các sàn CEX thường có thanh khoản cao vì vậy cơ chế sổ lệnh có thể hoạt động tốt. Còn với các sàn DEX, ngoài vấn đề thanh khoản thấp, thì các sàn này cũng là nơi có nhiều token nhỏ, khối lượng giao dịch thấp được niêm yết. Vì vậy cơ chế Orderbook không phải là sự lựa chọn tốt, thay vào đó AMM lại giải quyết được vấn đề này.

AMM là sự kết hợp giữa AMM (Auto Market Maker) và sàn giao dịch phi tập trung (DEX). Để có thể hoạt động, AMM sẽ cần được cung cấp thanh khoản bởi các Liquidity Provider vào các Liquidity Pool. Khi Trader thực hiện các lệnh giao dịch, tài sản của họ sẽ được Swap trong Liquidity Pool theo sự tính toán của Smart Contract thay vì khớp lệnh theo cơ chế sổ lệnh ở các Order-book.

phân loại các sàn giao dịch cryptoPhân loại các sàn giao dịch Crypto

Trong thị trường DeFi, AMM DEX là tiền đề giúp cho thị trường DeFi bùng nổ khi cho phép nhiều dự án niêm yết token họ hơn, cũng như tạo ra xu hướng Yield Farming ở các sàn AMM DEX.

  • Sàn Orderbook DEX: Binance DEX,…
  • Sàn AMM DEX: Uniswap, Pancakeswap, Raydium,…

Sàn Spot DEX, Margin DEX, Perpetual DEX

Tương tự như các sàn CEX có nhiều tính năng như giao dịch giao ngay (Spot), giao dịch đòn bẩy (Margin) và giao dịch phái sinh (Derivatives) thì sàn DEX cũng có nhiều loại khác nhau. Tuy nhiên, trong thị trường DeFi chưa có sàn nào mạnh và đầy đủ cả 3 tính năng như CeFi, vì vậy người dùng DeFi cần tìm đúng sàn.

Dưới đây là một số sàn nổi bật cho từng tính năng khác nhau:

  • Sàn giao dịch giao ngay (Spot): Curve, Uniswap, Pancakeswap, Balancer, Sushiswap,…
  • Sàn giao dịch đòn bẩy (Margin): Mango Market, Ooki…
  • Sàn giao dịch phái sinh (Derivatives): Perpetual Protocol, dYdX,…

Tuy nhiên, khi sử dụng các sàn DEX, ngoài việc quan tâm đến tính năng hỗ trợ, bạn cần quan tâm thêm đến blockchain hoặc hệ sinh thái mà sàn hoạt động.

Phân loại theo hệ sinh thái

Nếu như đối với sàn CEX như Binance, Huobi, OKX, bạn không cần quan tâm tài sản đang nằm ở hệ sinh thái nào thì trong thị trường DeFi. Đa số các giao thức DeFi đều hoạt động trong các hệ sinh thái khác nhau.

Mỗi hệ sinh thái DeFi sẽ có một DEX đứng đầu về thanh khoản, khối lượng giao dịch, và đó là DEX bạn cần tìm ra để giao dịch để tránh vấn đề trượt giá. Ngoài ra, để sử dụng các sàn DEX, bạn cần chuẩn bị ví phi tập trung có hỗ trợ blockchain đó cũng như có đồng coin của blockchain để trả gas fee.

dex là gìCác sàn DEX có TVL lớn nhất thị trường DeFi

Bạn có thể kiểm tra trên trang DefiLlama để có thêm thông tin. Dưới đây là một số sàn DEX nổi bật theo các hệ sinh thái:

  • Hệ sinh thái Ethereum, Arbitrum, Optimism: Curve, Uniswap, Sushiswap,…
  • Hệ sinh thái BNB Chain: Pancakeswap, Biswap,…
  • Hệ sinh thái Polygon: Curve, Uniswap, Quickswap,…
  • Hệ sinh thái Tron: Sunswap,…
  • Hệ Cosmos: Osmosis.

Hiện tại đa số các sàn DEX đã hỗ trợ Multichain chứ không còn dành riêng cho một hệ sinh thái nữa. Tuy nhiên, bạn vẫn nên tìm sàn có thanh khoản tốt nhất trong hệ sinh thái để tránh trường hợp bị trượt giá.

Ví dụ: Sushiswap hỗ trợ lên đến 24 blockchain khác nhau. Tuy nhiên, trên các chain có mặt Uniswap như Ethereum, Optimism, Arbitrum,… thì thanh khoản của Sushiswap sẽ thấp hơn.

Phân loại DEX theo tài sản giao dịch

Đối với các trader nhỏ lẻ, vấn đề này không quá quan trọng, tuy nhiên đối với các nhà giao dịch lớn, vấn đề này rất quan trọng vì chúng ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận thông qua phí giao dịch và mức độ trượt giá của tài sản.

Ví dụ: Khi giao dịch trên Uniswap v2, bạn sẽ bị mất phí 0.3% cho tất cả các giao dịch bao gồm cả Stablecoin. Tuy nhiên, giao dịch Stablecoin trên Curve Finance bạn chỉ mất phí 0.04% mà thanh khoản cũng không kém Uniswap v2.

Đây là bởi vì Curve Finance là AMM DEX dành riêng cho các stable asset, bao gồm cả stablecoin như USDT, USDC, DAI,… Đặc điểm của các Stablecoin là có tính ổn định cao và chỉ giao dịch trong một khoảng giá. Vì vậy, liquidity provider không phải chịu rủi ro impermanent loss và họ cũng sẵn sàng nhận mức phí thấp hơn khi cung cấp thanh khoản.

Như vậy chúng ta có thể phân loại thêm 2 nhóm sàn là:

  • Sàn dành cho Stable Asset: Curve, Wombat Exchange, Platypus Finance, Ellipsis Finance,…
  • Sàn dành cho các token khác: Uniswap, Sushiswap, Pancakeswap, Osmosis,…

Tuy nhiên, khi Uniswap v3 ra đời, họ đã xóa mờ sự khác biệt giữa 2 dạng sàn này vì Uniswap v3 đã có tính năng chia ra các mức phí khác nhau cho các loại tài sản khác nhau. Ví dụ:

  • 0.05%: Áp dụng cho các cặp Stablecoin Assets, những cặp giao dịch cần sự ổn định (bởi mức phí cao sẽ ảnh hưởng đến giá của các cặp này).
  • 0.3%: Áp dụng cho phần lớn các Pools thông thường như ETH/DAI, ETH/WBTC,…
  • 1%: Áp dụng các các cặp giao dịch hiếm, nguồn cung ít mà nhu cầu giao dịch cao.

Vì vậy, với Uniswap v3 thì người dùng không cần phải lo lắng quá nhiều về tài sản sẽ giao dịch mà chỉ cần quan tâm đến hệ sinh thái nơi token đó tồn tại.

Permissionless và Non-permissionless DEX

Đây là yếu tố không quá quan trọng đối với người dùng nhưng khá quan trọng với dự án. Mặc dù các sàn DEX được xem là phi tập trung vì họ hoạt động trên smart contract và trên blockchain. Tuy nhiên, không phải sàn nào cũng phi tập trung và trao toàn quyền cho cộng đồng.

Ví dụ: 

  • Uniswap được xem là Permissionless DEX vì cho phép ai cũng có thể tạo cặp giao dịch và thêm thanh khoản trên sàn của họ.
  • Trước đây, Raydium (DEX trên Solana) là Non-permissionless vì sàn chỉ hỗ trợ giao dịch một số đồng token phổ biến và có thanh khoản cao. Cho đến 5/2021, họ mới mở tính năng Permissionless pool như Uniswap cho phép ai cũng có thể tạo cặp giao dịch.
  • Hiện tại, Curve không phải là sàn Permissionless vì không phải ai cũng có thể niêm yết token của họ trên sàn. Để được niêm yết, họ phải đề xuất thông qua DAO và nhận được sự ủng hộ của CRV holder.

Yếu tố này quan trọng đối với dự án vì mỗi sàn sẽ có chính sách khác nhau đối với token của dự án. Nếu như dự án là bên phát triển Stablecoin, họ sẽ không thể nào bỏ qua Curve vì nơi đó có Incentive để tạo động lực tăng trưởng cho Stablecoin của dự án.

Liquidity Center và DEX Aggregator

amm liquidity
Phân loại 2 sàn AMM DEX

Xét về nguồn thanh khoản của các sàn DEX, đặc biệt là các sàn AMM DEX, thị trường chia thành 2 loại là AMM Liquidity Center và AMM Liquidity Aggregator:

  • AMM Liquidity Center là các AMM tự triển khai Pool thanh khoản riêng. Điểm nổi bật của các AMM Liquidity Center là họ có các Liquidity Pool riêng và không bị phụ thuộc thanh khoản vào bên thứ 3.
  • AMM Liquidity Aggregator là các AMM tổng hợp thanh khoản từ các AMM Liquidity Center. Điểm nổi bật của các AMM Liquidity Aggregator là họ có thể tổng hợp được thanh khoản từ nhiều AMM (trên cùng một blockchain), cũng như chọn được mức giá giao dịch tốt nhất khi so sánh nhiều liquidity pool khác nhau. Tuy nhiên, thanh khoản của họ sẽ bị phụ thuộc vào AMM Liquidity Center.

Dưới đây là một số AMM nổi bật và được chia thành 3 loại:

  • AMM Liquidity Center: Uniswap, Pancakeswap, Sushiswap…
  • AMM Liquidity Aggregator: Matcha, Coin98 Exchange, OpenOcean,…
  • AMM Liquidity Center + Aggregator: 1Inch Exchange, Raydium,…

Ưu điểm và hạn chế của sàn DEX

Ưu điểm

1. Quyền kiểm soát

Khác với khi sử dụng sàn CEX, các bạn sẽ trao quyền nắm giữ tài sản vào tay của sàn. Khi đó, bản chất các bạn chỉ đang được sàn cung cấp quyền truy cập và sử dụng số tài sản đó để mua bán giao dịch thông qua tài khoản của các bạn. Mặt khác, sàn có thể khoá quyền truy cập đó bất kỳ lúc nào họ muốn và các bạn sẽ mất hết tài sản.

Khi sử dụng sàn DEX, các bạn hoàn toàn đang nắm toàn quyền sở hữu tài sản của mình. Tất cả các giao dịch sẽ được diễn ra ngang hàng thông qua các smart Contract.

2. Tính ẩn danh

Các sàn tập trung (CEX) sẽ yêu cầu người dùng KYC (xác minh danh tính) đăng ký tài khoản trên sàn. Vì thế người dùng sẽ bị lộ danh tính của mình. Đối với DEX, các bạn thực hiện giao dịch thì sàn chỉ biết được số lượng ví, nhưng sẽ không biết các bạn là ai.

3. Đa dạng về tài sản

Để một dự án có thể niêm yết token của họ lên các sàn CEX, ngoài việc phải chi ra một số tiền lớn cho sàn, họ còn phải trải qua rất nhiều thủ tục khác nhau thì đối với đa số sàn DEX, họ chỉ cần tạo cặp thanh khoản trên sàn DEX là được. Vì thế mà DEX có số lượng token lớn hơn rất nhiều so với các sàn CEX.

4. Tạo ra thu nhập cho Liquidity Provider

Khác với các sàn CEX, việc làm của Market Maker để kiếm lợi nhuận thông thường sẽ thuộc về các tổ chức lớn, các cá nhân nhỏ lẻ rất khó hoạt động như một market maker. Tuy nhiên, đối với sàn AMM DEX, người dùng có thể trở thành Market Maker bằng cách cung cấp thanh khoản và nhận về phần thưởng.

Hạn chế

1. Trải nghiệm người dùng chưa tốt

Mặc dù những sàn phi tập trung DEX xuất hiện dạo gần đây mang lại trải nghiệm người dùng tốt hơn các sàn cũ. Nhưng vẫn chưa thể đáp ứng độ mượt mà như cách mà các sàn giao dịch tập trung CEX đang thực hiện được.

Tuy nhiên, chúng ta có thể hy vọng điều này sẽ được cải tiến hơn trong tương lai gần.

2. Thiếu thanh khoản

Nếu so sánh với các sàn giao dịch tập trung thì khả năng thanh khoản ở các sàn giao dịch phi tập trung đang kém hơn rất rất nhiều. Điều này đến từ việc trader ít sử dụng các sàn DEX do nhiều yếu tố khác nhau, khiến cho các sàn giao dịch phi tập trung có tính thanh khoản thấp hơn.

Trong tương lai, điều này có thể được khắc phục nếu các sàn DEX có các giải pháp thu hút trader nhiều hơn, UX/UI tốt hơn, hỗ trợ nhiều loại giao dịch hơn như margin trading.

3. Độ trễ giao dịch

Vì bản chất của sàn DEX là hoạt động trên blockchain, vì thế tốc độ xử lý giao dịch sẽ phụ thuộc vào tốc độ của blockchain. Đối với các blockchain có tốc độ nhanh như BNB Chain, mỗi lệnh giao dịch người dùng cũng phải chờ ít nhất 15 giây để thông tin được cập nhật số dư trên ví.

Đối với blockchain có tốc độ chậm hơn như Ethereum, người dùng có thể phải chờ từ 30 giây đến 1 phút. Đây là thời gian chờ lâu hơn nhiều so với tốc độ xử lý của CEX, thông thường trader trên Binance chỉ cần 2-3 giây đã có thể hoàn thành lệnh mua bán.

4. Phí giao dịch cao

Thông thường, phí giao dịch Spot của CEX ở mức 0.1%-0.25%. Còn các sàn DEX như Uniswap, Sushiswap sẽ có mức phí trung bình là 0.3%. Điều này hoàn toàn hợp lý bởi vì các nhà cung cấp thanh khoản ở sàn DEX sẽ chịu rủi ro impermanent loss cao hơn so với token ở sàn CEX (do token có độ biến động cao), từ đó, họ cần có phí giao dịch để bù lại phần thiệt hại phía trên.

Mô hình hoạt động của các sàn DEX

Trong phần này, bài viết sẽ tập trung vào mô hình của AMM DEX vì mô hình Order book DEX không mang tính hiệu quả cao và cũng không còn người dùng sử dụng. Mô hình AMM DEX sẽ bao gồm các thực thể sau: Dự án, Nhà cung cấp thanh khoản, DEX token holder, DEX DAO, trader.

  • Dự án: Đây là phía phát hành ra token và phát triển dự án, nhờ vào AMM DEX mà họ có thể tiếp cận đến trader mà không cần sự chấp thuận của sàn CEX như trước kia.
  • Nhà cung cấp thanh khoản (Liquidity Provider): Để sàn DEX có thanh khoản cho trader, họ cần các Liquidity Provider từ cộng đồng những ai đang nắm giữ token của dự án, hoặc đôi khi phía dự án sẽ tự cung cấp thanh khoản cho token của mình. Khi cung cấp thanh khoản họ sẽ nhận lại phần thưởng là phí giao dịch và phần thưởng khuyến khích của sàn DEX. Tuy nhiên, họ cũng chịu rủi ro Impermanent Loss nếu giá biến động mạnh.
  • DEX DAO có thể được xem là đội ngũ phát triển dự án, họ có quyền quyết định chuyển mô hình hoạt động của họ thành mô hình quản trị phi tập trung (DAO) hoặc giữ nguyên quyền điều hành. Tuy nhiên, đa số các dự án đang chuyển mô hình sang DAO để nhận được sự ủng hộ nhiều hơn tự cộng đồng.
  • DEX token holder: Mỗi sàn DEX thường sẽ phát hành token đại diện cho họ. Nhóm cộng đồng nắm giữ token sẽ được xem là DEX token holder. Thông thường họ có quyền biểu quyết đối với các hoạt động trên sàn hoặc được chia sẻ một phần doanh thu của dự án.
  • Trader là người dùng giao dịch trên các sàn DEX, họ sẽ trả phí giao dịch cho liquidity provider để có thanh khoản giao dịch.

Qua đây, các bạn có thể thấy AMM DEX đã giải quyết được vấn đề mà các CEX hay Order book DEX gặp khó khăn. AMM DEX đã mở ra cánh cổng giúp dự án dễ tiếp cận người dùng hơn, tạo thêm thu nhập cho holder khi cung cấp thanh khoản và giúp token holder tham gia vào hoạt động quản trị của DEX.

Tiêu chí đánh giá sàn DEX uy tín

Trước khi đi đến phần một số sàn DEX uy tín, bài viết sẽ điểm qua một số tiêu chí giúp các bạn chọn được sàn giao dịch uy tín và phù hợp với nhu cầu sử dụng.

  • Uy tín

Độ uy tín được thể hiện qua số năm hoạt động, cách sàn đối diện và xử lý các vấn đề khi họ gặp phải đối với cộng đồng. Ngoài ra, các sàn uy tín cũng thông báo rõ ràng về các hoạt động của họ thông qua Blog hoặc Twitter.

  • An toàn & Bảo mật cao

Sàn giao dịch là nơi trữ lượng tiền rất lớn nên là mục tiêu nhắm đến của các hacker. Để người dùng tin tưởng vào sàn, họ thường công bố các bản Audit từ đối tác bên thứ 3. Ngoài ra, bạn có thể đánh giá độ bảo mật của sàn thông qua số đợt sàn bị tấn công và mức thiệt hại của họ, càng ít càng tốt.

  • Trải nghiệm

Trải nghiệm là yếu tố quan trọng giúp sàn thu hút người dùng ở lại với sàn. Trải nghiệm được đánh giá qua tốc độ, độ mượt, tính logic của các tính năng được sàn tích hợp để hỗ trợ người dùng.

  • Thanh khoản

Thanh khoản là yếu tố hàng đầu để đánh giá chất lượng của sàn. Các trader lớn cần sàn có thanh khoản cao để đáp ứng việc giao dịch với mức độ trượt giá thấp nhất. Đối với các sàn DEX, các bạn có thể đánh giá phần nào thanh khoản của sàn thông qua chỉ số TVL (Tổng giá trị bị khóa trong giao thức DeFi).

  • Phí giao dịch/Phí gas

Phí giao dịch ở các sàn DEX thường cố định ở mức 0.3% và không có sự khác biệt nhiều giữa các sàn. Tuy nhiên, người dùng nên chú ý đến phí blockchain, vì mỗi lần giao dịch trader cần trả phí Token allowance, Phí gas trên blockchain. Nếu như trader giao dịch trên Ethereum, mức phí để thực hiện giao dịch có thể lên đến 5-10 USD.

  • Nhiều tính năng

Các tính năng này sẽ hỗ trợ trải nghiệm người dùng rất nhiều. Ví dụ như Sushiswap hỗ trợ nhiều tính năng như DEX, Lending, Payment, Cross-chain Swap (Bridge),… Từ đó người dùng có thể sử dụng tất cả dịch vụ trong một dự án một cách dễ dàng.

  • Có sự cải tiến

Sự cải tiến về mặt sản phẩm là yếu tố then chốt chứng minh dự án vẫn năng nổ hoạt động và còn sức cạnh tranh so với các dự án khác. Ví dụ như Uniswap ra mắt phiên bản v3 để hỗ trợ cung cấp thanh khoản tập trung giúp tối ưu nguồn vốn và thay đổi mô hình phí giúp họ cạnh tranh được với Curve.

Các sàn giao dịch phi tập trung phổ biến

Uniswap

uniswap

Uniswap là một trong những sàn AMM DEX đầu tiên của Ethereum được thành lập vào năm 2018 và đã có 3 phiên bản ra đời bao gồm V1, V2 và V3. Mỗi phiên bản là một sự cải tiến mới và đều đạt hiệu quả cao. Vì vậy, mô hình của Uniswap bị rất nhiều bên copy lại và tạo thành các bản fork ở trên nhiều hệ sinh thái khác nhau.

Ví dụ: Uniswap V3 có sự khác biệt về mô hình cung cấp thanh khoản tập trung cũng như chia ra mức phí ra 3 mức phí khác nhau đối với các dạng tài sản, từ đó giúp trader giảm được phí giao dịch với stable asset còn liquidity provider có thể tối ưu hóa lợi nhuận thông qua việc chọn khoảng giá cung cấp thanh khoản.

Tính đến nay, Uniswap luôn đứng đầu những sàn DEX có khối lượng giao dịch cao nhất thị trường và có thời điểm đã vượt qua Coinbase. Các bạn có thể sử dụng Uniswap trên hệ Ethereum, Polygon, Arbitrum, Optimism và Celo.

Curve

curve

Curve Finance là AMM DEX được thiết kế dành riêng cho Stablecoin hoặc Crypto Assets pegged 1:1 có giá trị tương đương nhau (e.g sBTC,renBTC,wBTC….) với mục đích giảm phí giao dịch và cung cấp mức độ trượt giá thấp nhất cho trader.

Ngoài ra, Curve đang ngày càng phát triển với việc ra mắt nhiều tính năng và sản phẩm mới. Một số tính năng mới có thể kể đến như: Lending Pool, Base & Metapool, Curve Stablecoin… Sản phẩm mới bao gồm Synthswap, 1 sản phẩm mà Curve Finance kết hợp với Synthetix,…

Hiện tại, Curve là non-custodial nhưng không hoàn toàn permissionless. Chỉ có Curve mới có thể tạo pool. Tuy nhiên, trong tương lai, Curve đang có nhiều chính sách nới lỏng hơn, và ngày càng nhiều dự án tạo Pool trên Curve, đặc biệt là các dự án Stablecoin để thu hút holder và tạo ra phần thưởng incentive cho dự án.

Curve đã có mặt trên 14 chain khác nhau bao gồm: Ethereum, Polygon, Arbitrum, Optimism, Fantom, Avalanche C Chain, Moonbeam, Kava, Gnosis, Harmony, Aurora và Celo.

Pancakeswap

pancakeswap

Pancakeswap là AMM DEX hàng đầu trong hệ sinh thái BNB Chain trước đây với nhiều tính năng đa dạng như:

  • Trade: Giao dịch và tạo LP token để cung cấp thanh khoản.
  • Farms: Yield Farming .
  • Pools: Stake CAKE để nhận CAKE hoặc các token khác.
  • Predictions: Là cơ chế dự đoán sự tăng giảm của các cặp tài sản trong thời gian nhất định.
  • Lottery/Pottery: Trò chơi xổ số trên Pancakeswap.
  • Collectibles: Sưu tầm các vật phẩm NFT.
  • Trading Competition: Là chương trình tham trading giữa các nhóm với nhau và xếp hạng dựa trên volume giao dịch.
  • IFO: Initial Farm Offering là nền tảng IDO Platform dành cho các dự án mới.
  • Voting: DAO của Pacakeswap để tạo đề xuất và biểu quyết.

Hiện tại, Pancakeswap đã mở rộng Ethereum và Aptos. Tuy nhiên trên hai hệ mới vẫn chưa có đầy đủ tính năng như BNB Chain.

1Inch

1inch aggregator dex

1inch là một DEX Aggregator Protocol cho phép người dùng có thể thực hiện giao dịch tokens với giá tốt nhất trên thị trường và có mức trượt giá thấp. Để làm được điều đó, 1inch sẽ so sánh nhiều pool thanh khoản thuộc các AMM DEX khác nhau để tìm ra nơi có thanh khoản tốt nhất từ đó thực hiện giao dịch cho trader.

Trong thời gian qua, 1Inch cũng liên tục ra mắt các tính năng mới như Limit Order, P2P, Staking, Farming, Bridge để bổ trợ toàn diện cho hệ sinh thái. 1Inch đã có mặt trên 10 chain khác nhau bao gồm: Ethereum, Polygon, Arbitrum, Optimism, Fantom, Avalanche C Chain, Aurora và Klaytn.

Tương lai của sàn giao dịch phi tập trung (DEX)

Nếu như trong năm 2019, DEX vẫn còn rất sơ khai và chưa được nhiều người sử dụng thì kể từ sau DeFi Summer năm 2020. DEX ngày càng đóng vai trò quan trọng trong toàn bộ thị trường Crypto. Cụ thể hơn:

  • Phần lớn thanh khoản của hệ sinh thái DeFi đang được lưu trữ ở DEX.
  • DEX là nơi kết nối dự án, trader, người dùng cấp thanh khoản, cộng đồng (thông qua DAO).
  • DEX mở khóa cho token của các dự án được giao dịch mà không cần thông qua CEX.
  • DEX nơi cơn sóng Yield Farming bùng nổ, thu hút người có tài sản vào cung cấp thanh khoản.
  • DEX là mảng tạo ra doanh thu nhiều nhất thị trường với nhiều dự án đứng đầu như Uniswap, Pancakeswap, GMX, dYdX (theo TokenTerminal).

Trong thời gian tới, DEX vẫn sẽ chiếm vai trò quan trọng trong thị trường DeFi. Tuy nhiên, chúng cần có sự cải tiến có sự bứt phá trong tương lai. Hiện tại có rất nhiều dự án DEX trong thị trường nhưng các tay chơi thực thụ chỉ có một số dự án như Uniswap, 1Inch,… vì họ có thể ra mắt những tính năng mới và ứng dụng chúng một cách hiệu quả.

Tổng kết

Trong năm 2020-2022, DEX đã đóng vai trò rất quan trọng nhằm thúc đẩy sự bùng nổ của thị trường DeFi. Đối với người dùng mới, DEX là nơi không thể bỏ qua để tìm kiếm cơ hội giao dịch hoặc cung cấp thanh khoản để tìm kiếm lợi nhuận.

bài viết liên quan