Ở trong bài viết nói về Cross-chain là gì? Mình đã nói về định nghĩa của Cross-chain cũng như là tầm ảnh hưởng của các giải pháp Cross-chain đối với tình hình hiện tại của các mạng lưới blockchain hiện nay. Khi mà giờ đây, cuộc chơi không phải của chỉ riêng mình hệ sinh thái Ethereum nữa mà đã là cuộc đua của rất nhiều hệ sinh thái như: SOL, BSC, TERRA,… thì Cross-chain là một giải pháp cần thiết nếu các hệ muốn thu hút nhiều người dùng và dòng tiền hơn nữa về với hệ của mình.
Cross-chain bridge – Một giải pháp giúp người người dùng chuyển giao tài sản giữa các blockchain đã ra đời nhằm mục đích giải quyết vấn đề về sự phát triển ngày một độc lập của các hệ sinh thái khác nhau. Và khi mà ngày càng xuất hiện nhiều hơn các dự án đa chuỗi và vấn đề về tương tác đa chuỗi dần trở thành chìa khóa phát triển chính, các nhà đầu tư dù mới dù cũ trong lĩnh vực DeFi cần phải thực sự hiểu được Cross-chain bridge là gì và cách thức hoạt động của nó như thế nào. Hôm nay, mình sẽ giới thiệu cho anh em biết về khái niệm, đặc điểm, tiềm năng trong tương lai của Cross-chain bridge.
Cross-chain bridge là gì?
Định nghĩa
Cross-chain bridge là ứng dụng cho phép kết nối các mạng lưới blockchain lại và tương tác với nhau một cách an toàn. Với cross-chain bridge, người dùng có thể chuyển dịch token giữa các blockchain khác nhau, còn đối với DeFi thì cross-chain bridge cho phép người dùng chuyển tài sản của mình từ blockchain này sang blockchain khác, do đó có thể tiến hành giao dịch một cách nhanh chóng với chi phí thấp đồng thời tạo điều kiện cho các DApps (Decentralized applications) phát triển trên nhiều blockchain khác nhau.
Nói một cách dễ hiểu hơn thì cross-chain bridge là cầu nối cross-chain cho phép chuyển giao tài sản từ blockchain này sang blockchain khác (layer 1, layer 2, sidechain,…). Các bridge sẽ cho phép người dùng:
- Thực hiện giao dịch chuyển giao tài sản một cách nhanh chóng và dễ dàng
- Dễ dàng thao tác thực hiện giao dịch
- Chỉ phải chi trả chi phí giao dịch thấp đối với các blockchain hoạt động độc lập
- Sử dụng DApps trên nhiều blockchain khác nhau
Bối cảnh
Khi mà việc thực hiện các giao dịch xuyên chuỗi dần trở nên khó khăn, một phần do phí gas đắt đỏ đặc biệt là trên blockchain Ethereum đã cản trở sự lưu thông của dòng tiền giữa các hệ sinh thái thì thật chẳng ngạc nhiên khi trong năm 2021 chúng ta đã nhìn thấy sự tăng trưởng đáng kinh ngạc của các dự án Cross-chain bridge với tốc độ chưa từng có. Thậm chí tại điểm cả thị trường ở giai đoạn Bull Market, các bridges đã cho thấy sự gia tăng về lượng TVL cao đột biến khi mà khối lượng giao dịch trong DeFi chứng kiến sự bùng nổ.
Hiện tại thì TVL trong các Cross-chain bridge đang ở mức khoảng hơn 24 tỷ USD, nếu so với lượng TVL hiện tại trong DeFi khoảng hơn 200 tỷ USD thì con số này vẫn còn khá khiêm tốn. Trên thị trường hiện tại vẫn đang phổ biến là các bridges thuộc các lớp Layer 2 mở rộng chủ yếu được xây dựng trên blockchain Ethereum để có khả năng kết nối và tương tác với nhiều người dùng hơn, qua đó thu hút dòng tiền lớn hơn.
Theo như số liệu trên Footprint thì lượng TVL trong các bridges đã tăng khoảng 10 lần kể từ thời điểm cách đây 1 năm.
Tầm quan trọng của Cross-chain bridge
Như mình đã nói, thực trạng hiện nay của các blockchain là đang phát triển theo một cách quá độc lập, mỗi cái có một quy tắc, một luật chơi riêng biệt và điều đó vô hình chung tạo nên rào cản cho người dùng muốn trải nghiệm đa dạng các sản phẩm. Nếu không có các Cross-chain bridge, anh em sẽ phải đi qua các sàn giao dịch khác nhau và do đó chịu nhiều mức phí khác nhau nếu muốn chuyển giao tài sản của mình, đặc biệt trong điểm phí gas đang dần trở nên đắt đỏ như hiện nay/
Cross-chain bridge có thể mang đến cho ạnh em khi sử dụng những tiện ích như:
- Phí gas thấp hơn với tốc độ xử lí giao dịch nhanh chóng
- Tính bảo mật và quyền riêng tư được đảm bảo cao
- Tăng năng suất và hiệu quả sử dụng đối với các tài sản Crypto
- Tăng cường trải nghiệm sử dụng
Theo đó, anh em có thể sử dụng các bridge trong các trường hợp sau:
- Khi anh em muốn chuyển giao các đồng coin hoặc token giữa Ethereum và các blockchain Layer 1 và 2 một cách nhanh chóng, dễ dàng hơn và giảm tối thiểu độ phức tạp trong việc thực hiện giao dịch
- Khi phi gas quá cao và mạng lưới như Ethereum hay BSC bị tắc nghẽn
- Khi anh em muốn đầu tư vào một hệ sinh thái mới để tìm kiếm cơ hội mới,..
Cơ chế hoạt động của Cross-chain bridge
Nhìn chung ở thời điểm hiện tại thì số dự án làm về cross-chain bridge cũng khá nhiều do nhu cầu người dùng tăng cao và các mạng lưới blockchain phát triển mạnh trong năm vừa qua. Nhưng hầu hết các dự án hiện nay đều sử dụng mô hình phổ biến là Lock-Mint-Burn.
Cách thức hoạt động:
- Người dùng sẽ deposit token ở blockchain A vào bridge
- Bridge khi nhận được tài sản sẽ mint bản wrapped của token trên chain B cho địa chỉ ví mong muốn
- Khi cần rút tài sản, người dùng gửi lại số wrapped token vào bridge
- Số token đó sẽ bị đốt và bridge sẽ mở khóa token trên chain A cho người dùng
Phân loại các Cross-chain bridge
Cho dù có nhiều thiết kế khác nhau tùy loại nhưng nếu dựa vào đặc điểm tính chất, ta có thể chia cross-chain bridge thành 2 loại chính là: Centralized Cross-chain bridge và Decentralized Cross-chain bridge.
- Centralized Cross-chain bridge: Đúng như tên gọi của nó, Centralized Cross-chain bridge yêu cầu người dùng phải dựa vào một bên trung gian thứ ba để các giao dịch diễn ra thuận lợi nhất. Bên thứ ba này sẽ làm nhiệm vụ nhận token từ người dùng ở blockchain này sau đó wrap và mint token ở blockchain khác.
- Decentralized Cross-chain bridge: Trái với Centralized Cross-chain bridge, Decentralized Cross-chain bridge sẽ không yêu cầu người dùng tin vào bên thứ ba khác mà mọi thứ sẽ tự vận hành theo hợp đồng thông minh. Hay nói cách khác Decentralized Cross-chain bridge giống như một pool chứa tài sản được quản lí bởi một nhóm validators. Khi đó người dùng sẽ deposit tài sản từ chain này vào pool, validators sẽ đóng vai trò xác minh giao dịch đó và pool sẽ mint ra wrapped token ở chain khác.
Hạn chế hiện tại của Cross-chain bridge
Không phải tự nhiên Vitalik Buterin (cha đẻ của Ethereum) gần đây đã liên tục có những phát biểu hoài nghi về các ứng dụng Cross-chain bridge khi ông cho rằng mình có niềm tin vào một tương lai Multi-chain nhưng lại nghi ngờ về độ bảo mật đối với các dự án Cross-chain. Theo đó cha đẻ của Ethereum cho rằng hạn chế trong bảo mật sẽ là lí do khiến cho Cross-chain bridge sẽ khó có thể phát triển trong không gian Crypto.
Thực tế đã chứng minh những phát biểu đó là hoàn toàn có cơ sơ. Đã có rất nhiều vụ tấn công liên quan đến mảng Cross-chain và dường như đây là một miếng mồi béo bở đối với các hacker, điển hình là vụ tấn công lịch sử Poly Network – một dự án đã được kì vọng rất nhiều sẽ đặt nền tảng cho các giao dịch Cross-chain đã gây ra thiệt hại lên đến hơn 600 triệu đô la.
Bên cạnh đó thì đối với các Centralized Cross-chain bridge thì việc phải trao quyền nắm giữ tài sản cho một bên thứ ba cũng có thể là một nhược điểm tiềm ẩn khi mà người dùng phải từ bỏ quyền kiểm soát tài sản của mình vào tay người khác.
Các hạn chế khác của Cross-chain bridge có thể kể đến như việc có quá nhiều bridge dẫn đến việc khó khăn khi lựa chọn đối với người dùng mới hay các sản phẩm cần có sự cải thiện và nâng cao hơn nữa để giải quyết những vấn đề liên quan đến trải nghiệm người dùng như thời gian đợi chờ lâu, giới hạn nạp rút tài sản,…
Tiềm năng trong tương lai của Cross-chain bridge
Ở thời điểm hiện tại, các mạng lưới blockchain đã có những bước phát triển mạnh mẽ về các ứng dụng cũng như tính năng nhằm thu hút nhiều người dùng cũng như lượng TVL khổng lồ (hơn 200 tỷ USD). Chính vì vậy mà nhu cầu chuyển giao tài sản giữa các blockchain khác nhau cũng đang dần trở thành một nhu cầu cần thiết đối với rất nhiều người dùng.
Đối với người dùng, sự ra đời của các Cross-chain bridge giúp cho ta tham gia tìm kiếm cơ hội kiếm lợi nhuận một cách dễ dàng hơn. Cross-chain bridge không chỉ là một công cụ cho phép người dùng chuyển giao tài sản giữa các blockchain mà nó còn cho thấy một cơ hội đầu tư tiềm năng khi người dùng có thể những dữ liệu on-chain trên các bridge để dự phóng dòng tiền đang đổ vào hệ sinh thái nào.
Người dùng cũng có thể sử dụng các ứng dụng cross-chain bridge để sử dụng các Dapps trên các blockchain khác nhau để tối ưu hóa lợi nhuận.
Hoặc người dùng có thể đầu tư trực tiếp vào một số dự án liên quan đến cross-chain bridge hoặc skin in the game bằng cách cung cấp thanh khoản cho các bridge hay làm airdrop, retroactive,…
Tổng kết
Mặc dù hiện tại vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro và hạn chế đối với các dự án cross-chain bridge nhưng hiện tại thì bridge vẫn giống như một đứa trẻ đang bắt đầu những bước đi đầu tiên và nó còn một chặng đường dài phía trước để phát triển. Chúng ta không thể phủ nhận sự cần thiết của các bridge và do đó nó vẫn còn rất nhiều không gian để phát triển trong tương lai cho đến khi công nghệ blockchain có thể đạt được khả năng tương tác thực sự, như internet đã làm.
Cuộc chơi hiện tại đã không còn chỉ là cuộc đua đơn mã của mình Ethereum nữa mà đã mở rộng ra rất nhiều mạng lưới blockchain khác nhau. Điều này đã mở ra những cơ hội mới và cross-chain bridge là một trong số đó, có thể nói cross-chain bridge là một xu hướng tất yếu cho sự phát triển của thị trường crypto, các chain càng phát triển sẽ kéo theo lượng bridge và lượng người dùng tăng. DeFi bùng nổ thì cross-chain bridge sẽ như những cây cầu mở ra một chân trời mới, loại bỏ các bức tường vốn có giữa các chain từ đó ngày càng phát triển hơn nữa.
Qua bài viết trên thì mình cũng đã giới thiệu cho anh em biết được về khái niệm của Cross-chain là gì cũng như tiềm năng phát triển của nó trong tương lai hay những hạn chế còn tồn tại. Mình hi vọng qua bài viết này anh em ít nhiều sẽ nắm thêm ít thông tin và kiến thức để có thể tự đưa ra những quyết định đầu tư phù hợp với bản thân.
Chúc anh em thành công.