Trước khi đưa ra một quyết định đầu tư vào một dự án bất kỳ trong thị trường Crypto thì nắm hết được các thông tin về dự án đó là một điều kiên quyết mà ai cũng phải biết.
4 Trang Web Cập Nhập Thông Tin Từ Dự Án Nhanh Nhất
Có thể nói ở thời điểm hiện tại thì nền tảng mạng xã hội được nhiều người dùng, dự án trong thị trường Crypto sử dụng nhiều nhất đó chính là Twitter. Dự án có thể không sử dụng các nền tảng mạng xã hội khác tuy nhiên bắt buộc phải có một tài khoản Twitter để cập nhập thông tin đến với người dùng sản phẩm của mình.
Ưu điểm của Twitter:
- Giao diện của Twitter rất đơn giản, dễ dàng sử dụng đối với mọi người.
- Thời gian cập nhập thông tin có thể nói là nhanh nhất nếu so sánh với những nền tảng mạng xã hội khác vì dự án sẽ ưu tiên đăng bài trên Twitter hơn.
- Chế độ kiểm duyệt của Twitter đối với những nội dung liên quan tới Crypto cũng được nới lỏng vì vậy mọi người sẽ không phải sợ bị khoá tài khoản một cách vô lý.
Nhược điểm của Twitter:
- Twitter chưa phổ biến đối với thị trường người dùng Việt Nam vì vậy sẽ không tiện lợi khi sử dụng để liên lạc với người quen.
- Người dùng thông thường sẽ gặp phải khá nhiều giới hạn nếu như không sở hữu tích xanh và trả phí hàng tháng.
Telegram
Telegram là một ứng dụng cho phép mọi người nhắn tin, gọi video, chia sẻ nội dung một cách hoàn toàn miễn phí. Khác với Twitter khi mục đích sử dụng chính là việc thông báo nội dung từ dự án đến người dùng thì Telegram lại cho phép người dùng và những thành viên trong dự án tương tác với nhau một cách đơn giản nhanh chóng.
Ưu điểm của Telegram:
- Giao diện của Telegram khá đơn giản và dễ dàng sử dụng đối với tất cả mọi người vì những tính năng cơ bản không khác gì các ứng dụng nhắn tin phổ biến như Messenger, Zalo,…
- Thông tin của người dùng trên Telegram cũng được bảo mật và mã hoá rất kỹ lưỡng vì vậy những thông tin cá nhân sẽ khó bị các bên thứ 3 khai thác phục vụ cho mục đích xấu.
Nhược điểm của Telegram:
- Nhược điểm lớn nhất có lẽ là việc khá dễ dàng để tạo một tài khoản Telegram, kẻ xấu chỉ cần sử dụng một số điện thoại rác để tạo tài khoản và tiến hành lừa đảo. Chính việc quá bảo mật thông tin cũng khiến cho các cơ quan chức năng triệt phá các đường dây lừa đảo thông qua Telegram.
Discord
Discord cũng là một ứng dụng được sử dụng với mục đích chính là trò chuyện theo nhiều cách khác nhau với cả giọng nói và văn bản. Nền tảng này ban đầu được các các game thủ sử dụng để chơi game cùng nhau nhiều hơn, tuy nhiên nhờ tính tuỳ biến tốt của mình nên dần dần các dự án trong thị trường Crypto đã chọn Discord là nơi để xây dựng cộng đồng.
Ưu điểm của Discord:
- Khả năng tuỳ biến của Discord là rất cao, vì vậy dự án có thể dễ dàng tích hợp các tính năng trên Discord giúp người dùng có thể tương tác với cả blockchain mà không cần phải sử dụng ví.
- Giao diện của mỗi máy chủ Discord tương ứng với mỗi dự án có thể được chỉnh sửa theo từng chủ đề riêng biệt để phục vụ người dùng tốt nhất.
- Ngoài ra Discord cũng khá thích hợp với các dự án làm về mảng NFT khi người dùng có thể chứng minh quyền sở hữu NFT và hưởng quyền lợi đặc biệt thông qua một số ứng dụng bên thứ 3.
Nhược điểm của Discord:
- Discord có thể tuỳ biến theo rất nhiều cách khác nhau vì vậy nó khá khó tiếp cận đối với những người mới sử dụng nền tảng này lần đầu.
- Một số ứng dụng của bên thứ 3 với các tuỳ biến có sẵn có thể dễ dàng bị cách hacker lợi dụng lỗ hỏng để lừa đảo người dùng.
Medium
Medium là một ứng dụng viết blog giúp cho bất kỳ ai cũng có thể thể hiện các ý tưởng của mình hoặc tìm kiếm thông tin từ các dự án. Medium thường được các dự án sử dụng với mục đích chính là cập nhập đầy đủ nội dung của bất kỳ thông tin nào được đăng tải trên Twitter, Telegram, Discord,…
Ưu điểm của Medium:
- Medium cho phép các dự án viết nội dung một cách không có giới hạn về số từ và cách trình bày, vì vậy bài viết được đăng tải ở trên nền tảng này thường rất chi tiết.
Nhược điểm của Medium:
- Nhược điểm lớn nhất của Medium ở thời điểm hiện tại đó chính là việc tên miền này bị một số nhà mạng ở Việt Nam chặn truy cập, vì vậy người dùng bắt buộc phải sử dụng fake ip để có thể sử dụng được nền tảng.
3 Trang Web Cập Nhập Tin Tức Crypto Nhanh Nhất
CoinDesk
CoinDesk là một trang tin tức chuyên cập nhập thông tin về thị trường Crypto và kinh tế vĩ mô được thành lập từ tháng 5/2013, hiện đang được sở hữu bởi công ty Digital Currency Group. Có thể nói thông tin mà CoinDesk đưa đến người dùng là một trong những nguồn tin nhanh nhất khi chỉ mất vài chục phút hay thậm chí là vài phút kể từ lúc thông tin đó được đăng tải từ chính chủ dự án.
Ngoài trang web đăng tin chính thức với tên miền là coindesk.com ra thì hiện tại CoinDesk cũng sở hữu một mạng lưới truyền thông phủ sóng khắp mọi nền tảng như Twitter, Youtube, Facebook, Instagram,… Vì vậy thông tin được đưa đến người dùng rất đa dạng bằng nhiều hình thức như bài viết, âm thanh, hình ảnh,…
The Block
Đây là một trang web tin tức và nghiên cứu về blockchain và tiền điện tử, được thành lập vào năm 2018 bởi Mike Dudas và Ryan Selkis. The Block cung cấp các bài viết tin tức, phân tích, nghiên cứu dữ liệu về blockchain và Crypto, cũng như các sự kiện xảy ra.
Nền tảng này hiện cũng đang có một số ấn phẩm khác nhau bao gồm The Block Crypto, The Block Research và The BLock Crypto.
Cointelegraph
Cointelegraph là một trang web tin tức và nghiên cứu về Crypto và blockchain, được thành lập vào năm 2013 bởi Javier Paz và Miguel Ángel García. Trang web cung cấp các bài viết tin tức, phân tích, nghiên cứu và dữ liệu về tiền điện tử và blockchain, cũng như các sự kiện và hội nghị.
Cointelegraph là một trong những trang tin tức Crypto và blockchain hàng đầu thế giới khi có một lượng lớn đọc giả khá lớn vì hỗ trợ rất nhiều ngôn ngữ khác nhau như:
- Cointelegraph Tiếng Anh
- Cointelegraph Tiếng Tây Ban Nha
- Cointelegraph Tiếng Trung
- Cointelegraph Tiếng Hàn
- Cointelegraph Tiếng Nhật
3 Trang Web Cập Nhập Thông Tin Cơ Bản Chính Xác Nhất
CoinGecko
CoinGecko là một trong những trang web cung cấp dữ liệu và thông tin về thị trường Crypto lớn nhất ở thời điểm hiển tại. CoinGecko cung cấp một loạt các tính năng và dữ liệu bao gồm:
- Giá và thông tin từ hơn 10000 coin, token khác nhau như cung lưu hành, giá trị vốn hoá thị trường, khối lượng giao dịch,…
- Dữ liệu giao dịch từ 840 sàn giao dịch khác nhau, bao gồm cả DEX và CEX.
- Biểu đồ giá của các coin, token được thể hiện theo nhiều dạng khác nhau như đường, cột,…
Ngoài cung cấp dữ liệu cho các dự án Crypto thông thường thì Coingecko ở thời điểm hiện tại cũng đang mở rộng sang nhiều mảng hơn như NFT hay gaming.
Coinmarketcap
Coinmarketcap cũng là một nền tảng cung cấp dữ liệu và thông tin về các dự án trong thị trường Crypto tương tự như CoinGecko. Nền tảng này đã được sàn giao dịch lớn nhất của thị trường là Binance mua lại và phát triển từ tháng 3/2020.
Thời gian cập nhập thông tin của Coinmarketcap có thể nói là nhanh nhất thị trường khi một số dự án còn chưa niêm yết token đã có mặt luôn ở trên nền tảng này. Tuy nhiên người dùng lại khá dè chừng trong việc sử dụng Coinmarketcap ở thời điểm hiện tại vì nền tảng này được kiểm soát bởi Binance và lo ngại sàn giao dịch sẽ sử nó để thao túng dữ liệu.
CryptoRank
CryptoRank cũng là một nền tảng cung cấp dữ liệu thị trường và giá tương tự như 2 sản phẩm CoinGecko và Coinmarketcap. Nếu xét riêng về lượng người dùng hàng ngày ở thời điểm hiện tại thì CryptoRank đang khá thấp hơn so với 2 nền tảng này.
Tuy nhiên điểm thu hút người dùng lớn nhất chính là những thông tin này mà dự án cung cấp với:
- Dữ liệu giá của hơn 26000 các đồng coin, token trên thị trường.
- Tổng quan các vòng gọi vốn của những dự án thông qua VC, IDO, ICO,…
- Lịch vesting token của các dự án trong thị trường được hiển thị một cách trực quan.
4 Trang Web Cập Nhập Thông Tin Chuyên Sâu Về Crypto
CoinViet
CoinViet là một trong những kênh thông tin, nghiên cứu về thị trường Crypto lớn nhất ở thị trường Việt Nam. Những nội dung mà CoinViet mang đến người đọc rất đa dạng khi bao gồm từ các kiến thức cơ bản đến nâng cao trong nhiều lĩnh vực khác nhau như DeFi, NFT, Gaming, Airdrop, Retroactive,…
Ngoài ra thông tin mà CoinViet mang đến mọi người là hoàn toàn bằng tiếng Việt, vì vậy mà những nội dung này giúp mọi người có thể tiếp cận một cách dễ dàng kể cả những ai không có một vốn tiếng Anh đủ dày để tự nghiên cứu thị trường.
Binance Research
Binance Research là một bộ phận thuộc sàn giao dịch Binance quản lý với nhiệm vụ chuyên phân tích các dự án, các xu hướng trong thị trường Crypto. Binance Research cũng cung cấp nhiều loại tài liệu khác nhau từ những bài viết cơ bản đến các báo cáo chuyên sâu về một dự án, xu hướng một cách hoàn toàn miễn phí.
Ngoài ra thì đây cũng chính là bộ phận phục vụ việc nghiên cứu các dự án trước khi niêm yết hoặc đưa vào Launch Pool, Launch Pad của sàn giao dịch Binance. Vì vậy việc tham khảo các tài liệu của Binance Research cũng giúp mọi người phần nào đó đoán trước được dự án nào sẽ được lên Binance.
Các tài liệu mà Binance Research cung cấp ở thời điểm hiện tại tập trung nhiều vào tiếng Anh, mặc dù có trình biên dịch tự động sang tiếng Việt tuy nhiên các thuật ngữ chuyên sâu thường sẽ khá khó hiểu đối với người mới.
Delphi Digital
Delphi Digital là một trong những quỹ đầu tư hàng đầu của thị trường Crypto khi đã từng đầu tư những dự án rất thành công như Solana, Lido, dYdX,… Các báo cáo thị trường của quỹ đầu tư này cũng được công bố cho cộng đồng cùng sử dụng, tuy nhiên mức phí phải trả để đọc được các tài liệu này là không hề rẻ khi mốc giá khởi điểm là $500 mỗi tháng.
Ngoài các báo cáo thị trường ra thì Delphi cũng thường sản xuất các podcast theo dạng nghe để phục vụ nhiều đối tượng khán giả nhất có thể.
Messari
Về cơ bản thì Messari cũng khá tương tự với Delphi khi cung cấp rất nhiều các báo cáo thị trường đến người đọc. Nếu Delphi tập trung nhiều hơn đến kinh tế vĩ mô và tác động đến với thị trường thì Messari lại chú trọng đến on-chain nhiều hơn từ đó đưa ra các phân tích.
Mức phí sử dụng Messari cũng rẻ hơn nhiều so với Delphi khi khởi điểm chỉ từ $25 mỗi tháng, tuy nhiên chất lượng bài viết của nền tảng cũng có phần thấp hơn so với đối thủ.
5 Trang Web Cập Nhập Thông Tin On-chain Tốt Nhất
Defillama
Defillama nổi lên vào thời điểm đầu năm 2021 với sự bùng nổ của thị trường DeFi nhờ việc nền tảng cung cấp thông tin TVL của các blockchain rất nhanh chóng. Đây được coi là dòng máu của các DeFi blockchain khi ai ai cũng có thể nhìn vào đó và đánh giá được dòng tiền đang ở đâu.
Ở thời điểm hiện tại thì Defillama cũng đã cung cấp rất nhiều các thông tin on-chain khác ngoài TVL như:
- Airdrops.
- Orcale.
- Fork.
- Treasuries.
- NFT.
- Token unlocks.
- Fund raising.
- Bridge.
- Volume.
Dune Analytics
Dune Analytics là một nền tảng phân tích dữ liệu blockchain cho phép người dùng truy cập, phân tích và trực quan hóa dữ liệu blockchain từ nhiều nguồn khác nhau. Nền tảng này được phát triển hoàn toàn do cộng đồng developer và cũng phục vụ tất cả mọi người một cách hoàn toàn miễn phí.
Ngôn ngữ lập trình của Dune Analytics sử dụng đó chính là SQL, cho phép các nhà phát triển dễ dàng truy vấn dữ liệu trên nhiều blockchain khác nhau một cách dễ dàng. Cũng nhờ vậy mà dữ liệu được đưa đến người đọc trên nền tảng này cũng vô cùng đa dạng dưới nhiều hình thức khác nhau.
Arkham
Arkham ban đầu là một nền tảng On-chain tracking khi cho phép tất cả mọi người có thể tìm kiếm tất cả mọi dữ liệu di chuyển, swap, lending,… của một địa chỉ ví bất kỳ một cách trực quan nhất. Thời điểm hiện tại thì Arkham cũng đã phát triển thêm rất nhiều tính năng khác nhau như:
- Alerts: Cảnh báo cho người dùng về hoạt động của một địa chỉ ví bất kỳ phù hợp với những tiêu chí được quy định ban đầu.
- Token Page: Đây là nơi Arkham cung cấp tất cả các thông tin On-chain của một đồng coin hay token đến người dùng.
Nansen
Nansen cũng là một nền tảng On-chain tracking khá giống với Arkham, ngoài việc cung cấp các thông tin cơ bản thì Nansen còn cho phép người dùng kiểm tra các thông tin được tổng hợp chi tiết về một đối tượng cụ thể như địa chỉ ví hay một đồng coin/token.
Để sử dụng được đầy đủ các tính năng của Nansen thì người dùng phải trả phí theo nhiều mức độ khác nhau như:
- Standard: $100/tháng.
- VIP: $1000/tháng.
- Alpha: $2000/tháng.
Cryptoquant
Cryptoquant là một công ty cung cấp dữ liệu On-chain được thành lập từ năm 2018, những dữ liệu mà nền tảng này cung cấp tập trung vào Bitcoin và các dự án có vốn hoá thị trường lớn như Ethereum, Solana, BNB, Avalanche,…
Vì đặc tính dữ liệu cung cấp nên Cryptoquant thường được sử dụng để quan sát tình hình nạp rút từ các CEX, sự di chuyển của các cá voi Bitcoin,… để từ đó có thể xác định được xu hướng thị trường trong một khoảng thời gian dài hạn.