Trending

Vụ lùm xùm về phí niêm yết token mới lại đẩy Binance vào “tâm bão” chỉ trích, làm dấy lên câu hỏi về tính minh bạch của sàn giao dịch tiền mã hóa lớn nhất thế giới.

Chi tiết

Cộng đồng crypto vừa chứng kiến một trận đại chiến trên X (Twitter cũ), drama lần này lại xoay quanh vấn đề phí niêm yết token trên Binance. Màn đấu tố qua lại giữa các “ông lớn” cùng những cáo buộc đã phơi bày nhiều góc khuất không chỉ của Binance mà còn là Coinbase, khiến người dùng dậy sóng, đặt ra nhiều câu hỏi về tương lai của Binance nói riêng và sàn CEX nói chung.

Mở màn drama, CEO Moonrock Capital Simon “châm ngòi nổ”

Mọi chuyện bắt đầu từ dòng tweet của CEO Moonrock Capital Simon, khi ông tiết lộ rằng vừa trao đổi với một dự án tier 1 đã gọi vốn hơn trăm triệu USD. Sau hơn một năm mòn mỏi chờ đợi thẩm định từ Binance, dự án cuối cùng nhận được đề nghị niêm yết. Tuy nhiên, điều khiến Simon bất ngờ và bức xúc là việc Binance yêu cầu tới 15% tổng cung token của dự án để tiến hành niêm yết. Ông bức xúc:

“Tưởng tượng xem, dự án phải trả từ 50 đến 100 triệu USD chỉ để được lên sàn CEX. Con số này không chỉ ‘cắt cổ’ các dự án, mà còn là nguyên nhân chính khiến token rớt giá.”

Lời tố cáo của Simon như “gáo nước lạnh” dội vào Binance. 15% tổng cung token là một con số khổng lồ, đặc biệt là với những dự án lớn có vốn hóa cao. Binance, từ trước đến nay vẫn được xem là sàn giao dịch cởi mở với các dự án tiềm năng, bỗng chốc trở thành “kẻ hút máu”.

CEO Coinbase, Andre Cronje và Justin Sun lên tiếng, đẩy drama lên cao trào

Tận dụng cơ hội từ bài đăng “gây bão” trên, CEO Coinbase Brian Armstrong đã nhanh chóng nhảy vào retweet bài đăng trên, ủng hộ ý kiến của Simon và khéo léo “câu khách” cho Coinbase với tuyên bố đầy ẩn ý:

“Niêm yết trên Coinbase là miễn phí. Hãy gửi yêu cầu niêm yết cho chúng tôi, biết đâu chúng tôi có thể giúp bạn. Và dĩ nhiên, các sàn DEX cũng là một lựa chọn tuyệt vời (mà chúng tôi luôn hỗ trợ trong sản phẩm của mình).”

Dòng tweet của Brian vừa “đá xoáy” Binance, vừa PR trá hình cho Coinbase, khiến nhiều người dùng anti Binance được phen hả hê. Tuy nhiên, drama chưa dừng lại ở đó. Andre Cronje, “cha đẻ” của Sonic (Fantom cũ), bất ngờ “bẻ lái” với bài bóc phốt Coinbase “vòi tiền” ngay dưới bài viết của Brian:

“Binance không thu phí của chúng tôi. Còn Coinbase thì liên tục đòi 300 triệu USD, 50 triệu USD, 30 triệu USD, và gần đây nhất là 60 triệu USD. Điều này là hoàn toàn sai sự thật.”

Lời tố cáo này không chỉ khiến Coinbase “muối mặt”, mà còn đẩy drama lên cao trào, đặc biệt sau khi Justin Sun, nhà sáng lập TRON, lên tiếng bảo vệ Binance. Sun khẳng định Binance chẳng hề thu của mình một xu nào, trong khi Coinbase lại đưa ra yêu cầu “lót tay” 500 triệu TRX (tương đương 80 triệu USD) cùng khoản ký quỹ 250 triệu USD bằng Bitcoin trên Coinbase Custody với mục đích thúc đẩy hiệu suất của token.

Đồng sáng lập Binance Yi He ra mặt, dập lửa “drama”

Giữa “tâm bão” drama, Yi He, đồng sáng lập Binance, đã chính thức lên tiếng. Bà khẳng định Binance không hề thu phí “cắt cổ” như vậy và mọi thông tin về phân bổ token của các dự án đều được công khai minh bạch. Bà nhấn mạnh:

“Dự án chỉ không thể niêm yết trên Binance nếu không vượt qua được quy trình sàng lọc, bất kể là bao nhiêu tiền hay bao nhiêu token. Binance luôn công khai chi tiết phần trăm phân bổ token của các dự án, mọi người đều có thể tự kiểm tra để xác nhận tin đồn về tỷ lệ 20%.”

Yi He đồng thời làm rõ về các đợt airdrop trên Binance Launchpool:

“Airdrop của Binance trên launchpool và các đợt niêm yết khác rất minh bạch nhưng đừng lầm tưởng rằng cứ cung cấp token cho Binance Launchpool là dự án sẽ được niêm yết trên Binance. Nếu bạn sẵn sàng dùng 20% tổng cung token để airdrop và muốn hợp tác với Binance, hãy liên hệ qua Binance Web3 Wallet.”

Không chỉ “dập lửa”, Yi He còn đăng đàn “cà khịa” FUD của Simon và đề cao Andre Cronje vì dám nói lên sự thật:

“FUD sẽ không bao giờ biến mất, nhưng nó khiến chúng tôi mạnh mẽ hơn. … Những người như Andre Cronje, dám nói lên sự thật giữa muôn vàn tin đồn, mới thực sự xứng đáng được cộng đồng tôn trọng.”

Ngay sau bài đăng của Yi He, Simon tiếp tục “bóc mẽ” Binance và đặt câu hỏi liệu những gì Yi He nói có phải là sự thật hay không:

“Vậy ý bà là những điều đó hoàn toàn là bịa đặt và Binance chưa bao giờ yêu cầu một dự án nào 15% hoặc nhiều token hơn? Cuối cùng thì gọi những khoản phí đó là gì cũng chẳng quan trọng, miễn là các bạn lấy nó từ các nhà sáng lập.”

Tuy nhiên, Yi He hiện chưa phản hồi về dòng tweet trên của Simon.

Cựu CEO Binance Changpeng Zhao thì bình luận ngay dưới bài đăng của Justin Sun, kêu gọi các ông lớn trong ngành ngừng công kích nhau. Mặc dù vậy, CZ vẫn để lại một thông điệp đầy “ẩn ý”, tuyên bố Bitcoin đã không hề trả phí để được niêm yết, kêu gọi các nhà phát triển chú tâm xây dựng dự án của mình thật tốt thay vì tốn công sức để đưa token lên sàn.

Cộng đồng crypto “dậy sóng”, liên tục chỉ trích Binance trên Twitter

Cộng đồng crypto cũng chia thành nhiều phe, người ủng hộ Binance, kẻ chỉ trích sàn giao dịch này. Nhiều người cho rằng Binance đang thao túng thị trường, “bơm xả” token và làm ảnh hưởng đến lợi ích của nhà đầu tư.

Tài khoản@VietnamPenguin cho rằng phần lớn token mới trong launchpool đều thuộc về những người nắm giữ BNB và sàn dễ dàng kiểm soát phần này bằng cách đặt giới hạn tối đa cho mỗi người dùng mỗi giờ. Tuy nhiên đối với token SCR của Scroll, giới hạn này cao đến mức mặc dù phân bổ 5,5% nhưng lợi nhuận cho người dùng thông thường lại rất ít.

Tài khoản @VietnamPenguin tiếp tục lên án về đợt listing token SCR gần đây trên Binance:

Đối với SCR, sàn thậm chí còn thiết lập một thị trường pre-market với những quy tắc vô lý, nơi chỉ những ‘cá voi’ từ launchpool mới có thể bán số token được phân bổ với số lượng không giới hạn. Kể từ đó, token đã giảm 50%. Bà đang nói về cái gì vậy? Người dùng không ngây thơ.

Tài khoản @Phewmaster cũng “bóc phốt” rằng Justin Sun có liên hệ mật thiết với sàn Binance

“Giao dịch nội gián giữa Justin Sun và Binance dường như vẫn đang tồn tại. Binance đã niêm yết memecoin NEIRO với khối lượng giao dịch bằng 0 và anh ta đã biết điều này trước một ngày.”

Mặc dù vậy, trong một cuộc phỏng vấn với CoinDesk, Justin Sun từng khẳng định rằng memecoin trên sàn HTX của anh “ngon” hơn hẳn. Theo Sun, dù Binance có quy trình niêm yết nghiêm ngặt,  nhưng lợi nhuận mang lại cho nhà đầu tư khi mua coin ngay lúc lên sàn lại khá “bèo bọt”. Ngược lại, HTX tập trung vào memecoin với tiềm năng lợi nhuận cao, đặc biệt còn không thu phí niêm yết. Điều này  cho thấy mối quan hệ giữa hai bên không hề mật thiết như lời đồn ở trên.

Drama phí niêm yết của Binance lại một lần nữa phơi bày những góc khuất của thị trường crypto, khơi dậy tranh luận sôi nổi về vai trò của các sàn CEX. Mới đây, việc layer-2 Scroll niêm yết trên Binance với hàng loạt bằng chứng gian lận cũng đã gây ra làn sóng phản đối dữ dội. Cộng đồng cho rằng điều này đi ngược lại với tinh thần phi tập trung mà Scroll theo đuổi, đồng thời đặt ra câu hỏi về động cơ thực sự của dự án khi “bắt tay” với Binance.

Đây cũng không phải lần đầu “bóng hồng quyền lực” của Binance lên tiếng trước những lùm xùm xung quanh sàn. Trước đó, vào tháng 02/2024, sau khi niêm yết đồng RONIN của Ronin Network, Binance vấp phải làn sóng bàn luận về việc giá giảm liên tục của đồng coin, kèm theo nghi vấn giao dịch nội gián khi có người biết trước thời điểm niêm yết, buộc bà Yi He phải ra mặt giải trình.

Theo Coinviet tổng hợp

Cùng theo dõi Coinviet.net và xem thêm những tin tức hữu ích khác tại Dexnew.io nhé!

bài viết liên quan