Trending

Người dùng Solana cần chủ động lựa chọn lưu trữ tài sản trong Winternitz Vaults, nếu muốn “phòng thân” trước máy tính lượng tử.

Chi tiết

Solana đã triển khai một tính năng mới, Winternitz Vault, như một “tấm khiên” giúp blockchain này chống lại mối đe dọa từ máy tính lượng tử, từ đó bảo vệ tài sản người dùng trước những nguy cơ tiềm tàng trong tương lai.

Song đây không phải là một nâng cấp bảo mật toàn mạng lưới, mà chỉ là một tính năng tùy chọn. Điều này có nghĩa là người dùng Solana phải chủ động lựa chọn lưu trữ tài sản trong Winternitz Vaults thay vì ví thông thường, nếu muốn “phòng thân” trước máy tính lượng tử.

Cụ thể, Winternitz Vault hoạt động như sau:

Bước 1: Tạo khóa mới

  • Vault sẽ tạo ra một cặp khóa Winternitz mới (gồm public key và private key)

  • Tính toán Merkle root (một mã băm đặc biệt) từ public key để đảm bảo tính an toàn và toàn vẹn dữ liệu.

Bước 2: Chia tài khoản

  • Vault được chia thành hai tài khoản: split (tài khoản chính để chuyển tiền) và refund (tài khoản hoàn trả).

  • Người dùng tạo một chữ ký Winternitz để xác nhận thông điệp chứa số lượng lamport (mệnh giá nhỏ nhất của SOL) mà họ muốn chuyển đi.

Bước 3: Hoàn thành giao dịch

  • Sau khi giao dịch chuyển tiền hoàn tất, nếu còn lại bất kỳ số dư nào, số tiền đó sẽ được tự động chuyển vào tài khoản refund.

  • Cuối cùng, Winternitz vault sẽ bị đóng lại.

Hiểu nôm na, giải pháp này giúp tạo một lớp lá chắn mạnh mẽ hơn bằng cách sử dụng một hệ thống chữ ký đặc biệt và tạo ra khóa mới cho mỗi giao dịch, khiến việc tấn công từ máy tính lượng tử trở nên khó khăn hơn.

Dean Little, nhà nghiên cứu mật mã học và nhà khoa học trưởng của Zeus Network, đã chia sẻ quan điểm trong một bài đăng GitHub ngày 03/01.

Anh dường như còn chế nhạo Fred Krueger, một nhà đầu tư Bitcoin, người từng dõng dạc rằng Solana sẽ là nạn nhân đầu tiên của máy tính lượng tử.

Không chỉ Solana, Ethereum cũng đang lên kế hoạch triển khai các giải pháp chống lượng tử như một phần trong lộ trình kỹ thuật của mình. Tuy nhiên, Vitalik Buterin, đồng sáng lập Ethereum, cho rằng mối đe dọa từ máy tính lượng tử sẽ không thực sự đáng lo ngại trong ít nhất một thập kỷ nữa.

Trong một phát biểu hồi tháng 10, Vitalik cho rằng mặc dù máy tính lượng tử có thể xuất hiện trong tương lai gần, nhưng ngày mà người dùng thông thường sở hữu chúng trên laptop hoặc điện thoại sẽ còn rất xa, có thể là vài thập kỷ sau khi các tổ chức lớn sử dụng vào việc giải mã các hệ thống bảo mật hiện tại.

Từ giữa tháng 12, Google đã giới thiệu siêu chip lượng tử Willow, có khả năng xử lý vượt ngoài tầm với của các siêu máy tính nhanh nhất thế giới. Từ đây, Willow được đồn đoán sẽ là “hiểm họa mới” đối với Bitcoin. Nhiều người cho rằng công nghệ này sẽ phá vỡ hệ thống bảo mật của Bitcoin, hoặc thậm chí giúp Google khai thác “nốt” số Bitcoin còn lại trong mạng lưới?

Tuy nhiên, thực tế không đơn giản như vậy, ít nhất là ở thời điểm hiện tại. Mặc dù mối nguy từ máy tính lượng tử là có, nhưng hiện nay các nhà phát triển blockchain cũng đang tích cực nghiên cứu các giải pháp chống lượng tử.

Trong một diễn biến khác, nhiều KOL crypto đang đồn đoán rằng ứng dụng ví hàng đầu trên Solana là Phantom sắp phát hành token riêng và airdrop. Tuy nhiên, Phantom Wallet đã có bài viết khẳng định không có ý định phát hành token, và phủ nhận tin đồn đang lan truyền.

Theo Coinviet tổng hợp

Cùng theo dõi Coinviet.net và xem thêm những tin tức hữu ích khác tại Dexnew.io nhé!

bài viết liên quan