Trong bài blog mới nhất, Vitalik Buterin đã chia sẻ chi tiết về chiến lược phát triển mạng lưới Ethereum trong năm 2025 và xa hơn nữa.
Vào ngày 24/01, nhà sáng lập Ethereum Vitalik Buterin đã đăng tải blog mới nhất với tiêu đề “Scaling Ethereum L1 and L2s in 2025 and beyond”. Trong bài viết, Vitalik đã trình bày vai trò then chốt của các giải pháp Layer-2 và những vấn đề mà Layer-2 cần khắc phục để mở rộng quy mô của Ethereum trong ngắn hạn và trung hạn.
Sự trỗi dậy của các Layer-2 và thách thức gặp phải
Vitalik nhận định rằng việc mở rộng Ethereum trong thời gian sắp tới sẽ phụ thuộc rất nhiều vào các giao thức Layer-2 (L2). Các giải pháp Layer-2 hiện tại đã đạt được nhiều thành tích đáng kể giúp bảo vệ giá trị lên đến hàng tỷ USD trong các giao dịch của người dùng, nâng cao khả năng xử lý của Ethereum lên gấp 17 lần và giảm thiểu chi phí tương ứng.
Những thành tựu này không chỉ là minh chứng cho sức mạnh kỹ thuật, mà còn thể hiện rõ giá trị của cách tiếp cận phi tập trung trong chiến lược mở rộng của Ethereum. Thay vì Ethereum Foundation (EF) phải tự mình tiếp cận từng người dùng, giờ đây có hàng chục tổ chức độc lập sẵn sàng làm điều đó thay cho EF. Nhờ những nỗ lực này, Ethereum đang tiến gần hơn tới “escape velocity” – trạng thái mà mạng lưới đủ mạnh để tự duy trì và phát triển mà không cần sự hỗ trợ từ bên ngoài.
Mặc dù thành công ấn tượng, Vitalik lại chỉ ra hai thách thức lớn mà Layer-2 đang phải đối mặt:
- Quy mô (Scale): Không gian lưu trữ dữ liệu tạm thời dành riêng cho Layer-2 (blob space) hiện tại chỉ đủ đáp ứng nhu cầu của các ứng dụng và số lượng Layer-2 hiện có, nhưng sẽ bị quá tải cho quy mô mở rộng trong tương lai.
- Tính không đồng nhất (Heterogeneity): Các Layer-2 hiện tại được xây dựng bởi các tổ chức khác nhau, sử dụng tiêu chuẩn riêng, dẫn đến các vấn đề về khả năng tương tác và trải nghiệm không đồng nhất cho cả nhà phát triển và người dùng.
Giải pháp xử lý các thách thức trong tương lai
Về mặt quy mô (Scale)
Vấn đề đầu tiên về quy mô là một thách thức kỹ thuật dễ hiểu, và giải pháp cũng tương đối rõ ràng là tăng số lượng blob trong mỗi block trên Ethereum. Hiện tại, với EIP-4844, mỗi khối đã hỗ trợ 3 blob (khoảng 384 kB dữ liệu), tương ứng khoảng 210 giao dịch/giây. Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu trong tương lai, số blob cần phải tăng lên đáng kể. Vì vậy Ethereum cần trải qua một số bản cập nhật trong thời gian sắp tới bao gồm:
- Pectra (tháng 03/2025): Dự kiến tăng lên 6 blob mỗi khối, gấp đôi thời điểm hiện tại.
- PeerDAS: Công nghệ này có thể tăng số lượng blob lên 2-3 lần so với hiện tại.
- Sampling 2D: Khi đạt được công nghệ này, Ethereum có thể xử lý tới 128 blob mỗi khối, tương đương 100.000 giao dịch/giây.
Tất cả những ý tưởng trên đều nằm trong lộ trình phát triển được đưa ra từ trước năm 2025, Để tăng tốc tiến trình, Vitalik nhấn mạnh cần tập trung ưu tiên các giải pháp liên quan đến blob, giảm mức độ ưu tiên cho các tính năng không liên quan và mang lại ít tác động.
Vitalik cũng đề xuất cách tiếp cận linh hoạt hơn, đó là cho phép các validator tự điều chỉnh số lượng blob mà họ có thể xử lý, tương tự như cách họ hiện có thể điều chỉnh giới hạn gas. Điều này sẽ giúp mạng lưới dễ dàng thích nghi với các tiến bộ công nghệ mới mà không cần phải chờ đợi các thay đổi lớn như hard fork.
Nhà sáng lập ETH cũng cho rằng hướng đi ưu tiên Layer-1 thay vì Layer-2 sẽ là một lựa chọn sai lầm, do đó ông muốn tập trung hơn nữa để giải quyết những bất cập hiện tại của Layer-2, vẫn vững tin đây là cách giải quyết tốt nhất cho bài toán quy mô tương lai của Ethereum.
Về tính không đồng nhất
Vấn đề thứ hai là tính không đồng nhất sẽ phức tạp hơn vì liên quan đến việc phối hợp giữa nhiều bên trong hệ sinh thái Ethereum. Với số lượng ngày càng lớn các Layer-2, việc tạo ra một tiêu chuẩn chung để các blockchain tương tác hiệu quả là một bài toán khó. Mục tiêu là làm cho việc chuyển tài sản giữa các Layer 2 và sử dụng các ứng dụng trên giữa chúng trở nên dễ dàng như là các “shard” khác nhau trên cùng một blockchain. Một số giải pháp được Vitalik đưa ra bao gồm:
- Địa chỉ chuỗi chuyên biệt (Chain-specific addresses): Thiết kế địa chỉ trên các Layer-2 không chỉ chứa thông tin về tài khoản (tương tự như địa chỉ ví hiện tại) mà còn bao gồm thông tin về chuỗi mà tài khoản đó thuộc về. ERC-3770 là đề xuất ban đầu để xây dựng hệ thống này, đưa ra thêm cách định danh chuỗi (chain identifier) vào địa chỉ ví để làm rõ nguồn gốc.
- Chuẩn hóa quá trình chuyển tài sản và dữ liệu cross-chain (Standardized cross-chain bridges and message passing): Cần có tiêu chuẩn chung để xác minh và truyền thông điệp giữa các L2, chỉ dựa vào hệ thống chứng minh của L2 mà không cần tin tưởng vào bất kỳ bên trung gian nào. Hệ sinh thái dựa vào cầu nối đa chữ ký là không chấp nhận được, vì nó đi ngược lại nguyên tắc phi tập trung mà Ethereum đặt ra.
- Tăng tốc thời gian nạp/rút tiền: Các thông điệp “native” có thể được xử lý trong vài phút (hoặc thậm chí chỉ trong một block), thay vì mất nhiều tuần. Điều này đòi hỏi các hệ thống chứng minh ZK-EVM nhanh hơn và khả năng tổng hợp bằng chứng hiệu quả hơn.
- Đọc dữ liệu đồng bộ từ L1 đến L2: Các tính năng như L1SLOAD hay REMOTESTATICCALL sẽ giúp tăng khả năng tương tác giữa các L2 với L1 và hỗ trợ tốt hơn cho các ví lưu trữ như keystore wallets.
Ngoài ra, Buterin cho biết cách tiếp cận nhanh hơn để mở rộng Ethereum là loại bỏ Layer-2 và thực hiện mọi thứ trực tiếp trên Layer-1 bằng cách tăng đáng kể giới hạn gas, bất kể là trên một shard duy nhất hoặc trên nhiều shard.
Tuy nhiên, hướng đi này sẽ làm tổn hại đến những giá trị cốt lõi từ tính cộng đồng hiện tại của Ethereum khi mà việc hợp tác với các nhà phát triển Layer-2 đã chứng minh hiệu quả vượt trội trong việc thúc đẩy nghiên cứu, phát triển và xây dựng một hệ sinh thái phi tập trung. Vì vậy, thay vì từ bỏ hướng đi ở trên, Ethereum cần tiếp tục tập trung vào việc mở rộng thông qua Layer-2, đồng thời đảm bảo rằng các giải pháp L2 có thể phát huy đúng tiềm năng của mình.
Chiến lược tối ưu hóa giá trị của ETH
Bên cạnh những chiến lược để mở rộng Ethereum thông qua Layer-2, Vitalik Buterin cũng đề xuất thêm chiến lược nhằm tối đa hóa giá trị của ETH biến token này thành một tài sản “triple-point” đáp ứng 3 tiêu chí sau:
1. Tài sản vốn (Capital Asset): ETH cần khẳng định vai trò là nền tảng trong toàn bộ hệ sinh thái, từ Layer-1 đến Layer-2. Chiến lược then chốt là thúc đẩy cộng đồng sử dụng ETH làm tài sản thế chấp chủ đạo trong DeFi. Điều này sẽ giúp ETH trở thành “mạch máu” của các hoạt động tài chính phi tập trung, từ đó kích thích nhu cầu và gia tăng giá trị.
2. Hàng hóa tiêu dùng (Consumable): Giống như xăng dầu, ETH cần được xem là “nguồn năng lượng” vận hành mọi hoạt động trên Ethereum. Các giải pháp Layer-2 có thể đóng góp vào giá trị của ETH bằng cách chia sẻ phí giao dịch với Layer-1. Số phí này có thể được dùng để đốt ETH, staking trong dài hạn hoặc tài trợ cho các dự án vì cộng đồng. Cơ chế này vừa đảm bảo vai trò trung tâm của ETH, vừa thúc đẩy sự phát triển bền vững của toàn hệ sinh thái.
3. Vật lưu trữ giá trị (Store of Value): Nhờ vào cơ chế giảm phát, ETH hoàn toàn có thể trở thành một kho lưu trữ giá trị an toàn như vàng. Việc mở rộng số lượng blob và tối ưu hóa phí blob sẽ cho phép Ethereum đốt hàng trăm ngàn ETH mỗi năm, tăng cường tính khan hiếm và đẩy mạnh giá trị token này dài hạn.
Bên cạnh chiến lược mở rộng quy mô, việc đưa giá trị của ETH trở thành một trong những trọng tâm của Ethereum trong năm 2025 có thể xem như phản hồi của Vitalik Buterin trước những chỉ trích của cộng đồng nhắm vào Ethereum Foundation, với mâu thuẫn sục sôi đến mức đỉnh điểm trong những ngày qua.
Theo Coinviet tổng hợp
Cùng theo dõi Coinviet.net và xem thêm những tin tức hữu ích khác tại Dexnew.io nhé!