Firoz Patel, người điều hành nền tảng thanh toán trực tuyến không giấy phép, nhận án tù 41 tháng vì tội rửa tiền 450 Bitcoin có giá trị hơn 43 triệu USD.
Doanh nhân Canada bị kết án rửa tiền bằng Bitcoin
Theo thông báo từ Bộ Tư pháp Hoa Kỳ (DOJ), một người đàn ông đến từ Montreal (Canada) vừa bị nhận án 41 tháng tù giam liên bang vì âm mưu rửa 450 Bitcoin – hiện trị giá hơn 43 triệu USD – sau khi kết án vào năm 2020 vì điều hành một dịch vụ chuyển tiền không có giấy phép.
Firoz Patel, 50 tuổi, hiện đã nhận tội cản trở quy trình tố tụng pháp lý, sau khi bị bắt quả tang đang rửa số tài sản crypto này, thay vì tuân thủ lệnh tịch thu tài sản của tòa án ban hành trước đó.
Thẩm phán Dabney L. Friedrich tuyên phạt Patel 41 tháng tù giam, bao gồm 3 năm quản chế, đồng thời tịch thu 450 Bitcoin (cộng với lãi suất tích lũy) hiện bị phong tỏa tại một sàn giao dịch crypto ở Anh Quốc, cùng với khoản tiền phạt 24 triệu USD.
Hành trình lợi dụng Bitcoin để né “án” của cơ quan hành pháp
Patel từng điều hành một nền tảng thanh toán trực tuyến không có giấy phép có tên Payza, đã bị kết án vào năm 2020 vì xử lý các giao dịch bất hợp pháp liên quan đến mô hình Ponzi và hoạt động rửa tiền.
Theo lệnh của tòa thời điểm bấy giờ, Patel phải khai báo và giao nộp toàn bộ tài sản liên quan đến hành vi phạm tội. Thay vì tuân thủ, Patel khai man rằng mình chỉ còn 30.000 USD tiền tiết kiệm hưu trí, trong khi thực tế ông ta nắm giữ một khối tài sản có giá trị lớn bằng Bitcoin.
Để giữ số tiền này ngoài tầm với của cơ quan hành pháp, Patel đã chuyển Bitcoin qua nhiều sàn giao dịch khác nhau. Quy trình như sau:
- Đầu tiên, Patel chuyển số Bitcoin này vào sàn Binance, nhưng nền tảng này đã gắn cờ vì nghi ngờ vi phạm quy định, và đóng tài khoản của ông ta vào tháng 04/2021.
- Sau đó, Patel đã chuyển số tiền này sang một sàn giao dịch ở Anh Quốc bằng một tài khoản đứng tên cha mình, có liên kết với một địa chỉ ở Belize được sử dụng cho Payza. Tuy nhiên, sàn giao dịch đó cũng đóng băng số tiền vì có dấu hiệu giao dịch này là đáng ngờ.
- Đến tháng 06/2021, trong lúc tuyệt vọng, Patel đã liên hệ với sàn giao dịch Anh Quốc và khẳng định bản thân không có bất cứ hành vi nào bất hợp pháp. Nhưng khi đó, các nhà điều tra đã phối hợp với Chính quyền Anh Quốc để thực hiện các bước thu giữ tài sản nhằm đảm bảo số Bitcoin này bị đóng băng.
Ngay cả khi đã bị giam giữ sau song sắt, Patel vẫn tìm cách lấy lại số Bitcoin bị phong tỏa với hàng loạt kế hoạch đầy mưu mô.
Khi sắp mãn hạn tù, Patel dàn dựng một kế hoạch lừa đảo – nhờ một người giả danh luật sư để đàm phán với Văn phòng Công tố Hoa Kỳ nhằm kéo dài vụ kiện. Mục tiêu là trì hoãn đủ lâu để được trả tự do và trốn về Canada trước khi bị truy tố với cáo buộc mới. Tuy nhiên, chính quyền đã phát hiện ra trò lừa đảo này và truy tố Patel thêm tội rửa tiền vào tháng 05/2023.
Kể từ tháng 06/2021 đến nay, Patel vẫn bị giam giữ liên bang, với việc Hoa Kỳ đảm bảo số Bitcoin kia sẽ vĩnh viễn nằm ngoài tầm với!
Tuần trước, một công dân Canada khác, Andean Medjedovic, 22 tuổi, cũng bị truy tố vì lợi dụng lỗ hổng của hai giao thức DeFi để đánh cắp 65 triệu USD từ các nhà đầu tư.
Tội phạm crypto ngày càng gia tăng
Vụ việc của Patel chỉ là một ví dụ trong chuỗi những tội phạm khai thác tài sản kỹ thuật số, bao gồm crypto, để che giấu hoặc “rửa” những tài sản có được nhờ các hành vi bất hợp pháp.
Theo báo cáo tổng kết năm 2024 của đơn vị bảo mật blockchain là Cyver, lĩnh vực crypto đã chịu tổn thất khoảng 2,36 tỷ USD, tăng đến 40% so với mức 1,69 tỷ USD của năm 2023.
Trong khi đó, báo cáo của Hacken thì lại cho biết tổng thiệt hại toàn ngành crypto trong năm 2024 từ các vụ tấn công là lên đến 2,91 tỷ USD, bao gồm các phương thức chiếm quyền hệ thống (1,72 tỷ USD), lỗ hổng smart contract (308,7 triệu USD), rug pull (193 triệu USD), phishing (607,5 triệu USD) và khác (82,4 triệu USD).
Theo Coinviet tổng hợp
Cùng theo dõi Coinviet.net và xem thêm những tin tức hữu ích khác tại Dexnew.io nhé!