Trending

Vốn hóa USDC lần đầu tiên chạm ngưỡng 60 tỷ USD, chủ yếu hưởng lợi từ quy định MiCA của châu Âu.

USDC thiết lập thành tích mới

USDC, stablecoin của ông lớn Circle, đã cán mốc vốn hóa cao nhất mọi thời đại (ATH) trên 60 tỷ USD, viết tiếp chuỗi kỷ lục tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.

Biến động vốn hóa của USDC, ảnh chụp màn hình CoinGecko lúc 10:50 AM ngày 27/03/2024

Tổng vốn hóa thị trường stablecoin cũng vừa lập đỉnh mới tại 233 tỷ USD hôm 25/03.

Biến động vốn hóa stablecoin. Nguồn: DefiLIama (27/03/2025)

Theo dữ liệu từ Artemis Analytics, USDC hiện chiếm 25,4% thị phần stablecoin, tăng đáng kể so với con số 20,7% của cách đây 3 tháng. Dù tăng trưởng nhanh, USDC vẫn xếp sau Tether (USDT), stablecoin lớn nhất thị trường với vốn hóa 144 tỷ USD, đang chiếm đóng khoảng 63% thị phần lĩnh vực non trẻ này.

Thị phần stablecoin trong 3 tháng gần nhất. Nguồn: Artemis Analytics (27/03/2025)

Dữ liệu cho thấy 16,5 tỷ USD USDC mới đã được phát hành trong 3 tháng qua, trong khi USDT chỉ tăng thêm 4,7 tỷ USD. Điều này phản ánh dòng vốn đang dịch chuyển dần sang USDC, đặc biệt là trong bối cảnh các quy định pháp lý ngày càng siết chặt đối với stablecoin.

Nguồn cung stablecoin trong 3 tháng gần nhất. Nguồn: Artemis Analytics (27/03/2025)

Nguồn cung USDC được phân bổ trên nhiều blockchain, trong đó Ethereum chiếm phần lớn với hơn 36 tỷ USD, tiếp theo là Solana với 10 tỷ USD. Một số blockchain khác cũng nắm giữ lượng USDC đáng kể như Base (3,8 tỷ USD), Hyperliquid (2,2 tỷ USD), Arbitrum (1,8 tỷ USD) và Berachain (1 tỷ USD).

Nguồn cung USDC phân bổ trên các blockchain trong năm qua. Nguồn: The Block (27/03/2025)

Ngoài ra, theo báo cáo được Circle chia sẻ, tổng lượng lưu hành của USDC đã tăng 78% trong năm 2024.

MiCA – Cú hích cho USDC nhưng là thách thức cho đối thủ

Một yếu tố quan trọng thúc đẩy sự tăng trưởng của USDC chính là MiCA – khung pháp lý quy định về tài sản số của Liên minh Châu Âu, có hiệu lực từ 30/12/2024. Theo đó, USDC đã trở thành stablecoin đầu tiên tuân thủ hoàn toàn MiCA, và Circle đã chọn Pháp làm trụ sở chính tại Châu Âu. USDC còn là stablecoin đầu tiên được cấp phép lưu hành tại Nhật Bản.

Ngược lại, Tether đã gặp khó tại Âu châu. Do không có giấy phép e-money, USDT đã bị nhiều sàn giao dịch lớn ở EU hủy niêm yết, bao gồm Coinbase Europe vào tháng 12 và Binance hồi đầu tháng này. Vốn hóa USDT cũng giảm mạnh sau khi MiCA có hiệu lực, tạo ra lợi thế cạnh tranh đáng kể cho USDC tại khu vực này.

Không chỉ khúc mắc ở châu Âu, Tether còn đối diện với rủi ro pháp lý tại Mỹ. Dự luật GENIUS Act, hiện đang được xem xét tại Quốc hội Hoa Kỳ, đề ra các quy định rõ ràng về yêu cầu dự trữ và kiểm toán đối với stablecoin, yếu tố mà Tether từng bị chỉ trích vì thiếu minh bạch. Nếu được thông qua, GENIUS Act có thể sẽ khiến vị thế của USDT lung lay hơn nữa.

Trước sức ép ngày càng lớn, Tether được cho là đang đàm phán với một trong bốn công ty kiểm toán hàng đầu thế giới (Big Four) – PwC, EY, Deloitte hoặc KPMG – để thực hiện kiểm toán độc lập, theo Reuters.

Tuy nhiên, các cơ quan quản lý và nhà lập pháp vẫn hoài nghi về việc USDT có thực sự được bảo chứng bằng USD hay không. JPMorgan thậm chí còn nhận định Tether có thể phải bán bớt lượng Bitcoin nắm giữ để đáp ứng yêu cầu tuân thủ. Đáp lại, đại diện Tether đã nhanh chóng bác bỏ điều này, khẳng định việc thích nghi với các quy định mới là điều “đơn giản” đối với họ.

Nhìn chung, cục diện stablecoin đang xoay chuyển, cuộc đua giành vị trí dẫn đầu giữa USDC và USDT sẽ còn nhiều diễn biến đáng chú ý trong thời gian tới!

Theo Coinviet tổng hợp

Cùng theo dõi Coinviet.net và xem thêm những tin tức hữu ích khác tại Dexnew.io nhé!

bài viết liên quan