Trending

Người đứng đầu cơ quan tư pháp bang New York tiếp tục gây sức ép lên Quốc hội Mỹ, chỉ trích dự luật GENIUS quá lỏng lẻo, tiềm ẩn nhiều rủi ro cho nhà đầu tư và an ninh tài chính quốc gia.

GENIUS thiếu hàng rào bảo vệ cần thiết

Giữa lúc Quốc hội Mỹ đang gấp rút hoàn thiện khung pháp lý cho thị trường stablecoin, Tổng Chưởng lý bang New York, Letitia James, một lần nữa thể hiện lập trường cứng rắn, kêu gọi Quốc hội làm chậm tiến trình thông qua luật và đưa ra các quy định giám sát mạnh tay hơn, nhằm tránh những rủi ro hệ thống có thể đe dọa trực tiếp tới người dân Mỹ và sự ổn định của thị trường tài chính quốc gia.

GENIUS Act, viết tắt của Guiding and Establishing National Innovation for U.S. Stablecoins Act, là một dự luật nhằm đặt ra nền tảng pháp lý đầu tiên dành riêng cho stablecoin thanh toán tại Mỹ. Một số điểm chính trong dự luật bao gồm:

  • Stablecoin phải được bảo chứng 100% bằng USD hoặc tài sản thanh khoản tương đương.

  • Các tổ chức phát hành có vốn hóa trên 50 tỷ USD phải tiến hành kiểm toán thường niên.

  • Tuân thủ nghiêm ngặt các quy định chống rửa tiền (AML).

  • Cấm sử dụng quỹ dự trữ cho các mục đích ngoài quy định, ngoại trừ các tài sản an toàn như trái phiếu chính phủ Mỹ ngắn hạn.

  • Cơ chế cấp phép được thực hiện ở cấp bang hoặc liên bang, tùy từng trường hợp.

  • Có hướng dẫn cụ thể về việc phát hành stablecoin từ nước ngoài vào thị trường Mỹ, để kiểm soát các tổ chức phát hành không đặt trụ sở tại Mỹ.

Dự luật này được kỳ vọng sẽ mở đường cho sự phát triển hợp pháp và an toàn của stablecoin trong nền kinh tế Mỹ, song đồng thời cũng vấp phải nhiều ý kiến trái chiều từ các cơ quan giám sát như Văn phòng Tổng Chưởng lý bang New York.

Trong bức thư dài 8 trang gửi tới Quốc hội đầu tuần này, bà James khẳng định phiên bản hiện tại của GENIUS Act “không bao gồm các hàng rào bảo vệ cần thiết để bảo vệ người dân Mỹ.” Bà kêu gọi Quốc hội nên dành thời gian để soạn thảo một bộ luật vừa thúc đẩy đổi mới, vừa bảo vệ hệ thống ngân hàng Mỹ, thứ mà bà gọi là niềm tự hào của thế giới.

Đây không phải là lần đầu James lên tiếng về những nguy cơ từ tài sản số. Trong một bức thư hồi tháng 4, bà từng yêu cầu bất kỳ dự luật crypto nào cũng phải bao gồm những nguyên tắc hợp lý như yêu cầu stablecoin phải được phát hành trong nước Mỹ hoặc cấm sử dụng crypto trong các tài khoản hưu trí.

Đến tháng 6, bà tiếp tục phản đối Digital Asset Market Clarity Act (CLARITY) – một dự luật crypto lớn khác của Hạ viện, với lý do không đủ mạnh để bảo vệ lợi ích nước Mỹ, nhà đầu tư và an ninh quốc gia.

Đề xuất cải tổ toàn diện

Trong lá thư mới nhất, James đưa ra một loạt đề xuất sửa đổi mang tính triệt để đối với dự luật GENIUS, tập trung vào 4 trụ cột lớn:

  1. Chỉ cho phép ngân hàng phát hành stablecoin – Loại bỏ hoàn toàn các tổ chức không phải ngân hàng: Các tổ chức phát hành stablecoin phải được cấp phép và giám sát như ngân hàng, chịu các tiêu chuẩn tương tự về vốn, kiểm toán và tuân thủ. Bà yêu cầu Quốc hội loại bỏ toàn bộ nhà phát hành không phải ngân hàng ra khỏi dự luật.

  2. Bắt buộc đơn vị phát hành stablecoin phải đặt trụ sở tại Mỹ: Bà đặc biệt cảnh báo về việc dự luật GENIUS hiện vẫn để ngỏ cơ hội cho các tổ chức nước ngoài phát hành stablecoin gắn với USD, gọi đây là “lỗ hổng Tether”.

    “Mỹ phải duy trì quyền kiểm soát đối với các tổ chức phát hành stablecoin neo theo USD, đặc biệt khi họ đang nắm giữ khối lượng lớn trái phiếu chính phủ Mỹ và có ảnh hưởng hệ thống đến thị trường tài chính.” – Bà cảnh báo nếu để các tổ chức nước ngoài chi phối, Quốc hội đang đặt thị trường Mỹ vào nguy cơ bị các tổ chức nước ngoài giữ làm con tin.”

  1. Bắt buộc áp dụng công nghệ định danh số: Yêu cầu các tổ chức phát hành stablecoin phải có hệ thống xác thực danh tính kỹ thuật số cho tất cả người dùng và giao dịch. Theo bà, nếu không có định danh số, khả năng của các cơ quan thực thi pháp luật trong việc ngăn chặn hành vi né tránh lệnh trừng phạt, tài trợ khủng bố, rửa tiền và các vi phạm pháp luật khác sẽ bị suy giảm nghiêm trọng.

  1. Áp dụng tiêu chuẩn an toàn tài chính tương tự ngân hàng, bao gồm yêu cầu vốn và bảo hiểm FDIC: Đề xuất các đơn vị phát hành stablecoin phải chịu trách nhiệm vốn, kiểm soát thanh khoản và được bảo hiểm FDIC đối với tài khoản stablecoin của người dùng, giống các ngân hàng truyền thống.

Bà nhấn mạnh việc bảo vệ các ngân hàng cộng đồng và hệ thống tài chính địa phương, tránh để các tổ chức stablecoin lớn làm xói mòn vai trò của các định chế tài chính nhỏ tại nông thôn và vùng sâu vùng xa.

Thượng viện Mỹ đã thông qua dự luật GENIUS vào đầu tháng này, trong khi Hạ viện vẫn đang cân nhắc giữa việc tiếp tục với dự luật riêng là STABLE Act hay lựa chọn thông qua luôn phiên bản của Thượng viện. Đích thân Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đã kêu gọi Hạ viện sớm thông qua GENIUS, ông ca ngợi dự luật stablecoin sẽ đưa nước Mỹ trở thành quốc gia đầu trong lĩnh vực này.

Thế nhưng, Chủ tịch Ủy ban Dịch vụ Tài chính Hạ viện, ông French Hill, lại khẳng định hai dự luật hiện còn nhiều điểm khác biệt quan trọng cần điều chỉnh. Tương lai của khung pháp lý stablecoin tại Mỹ vẫn chưa ngã ngũ.

Theo Coinviet tổng hợp

bài viết liên quan