Trending

Trong thế giới crypto, tên gọi của các dự án và công ty thường chứa đựng nhiều tầng ý nghĩa, phản ánh tầm nhìn, sứ mệnh và giá trị cốt lõi của họ. Dưới đây là câu chuyện đằng sau cái tên của một số dự án nổi bật trong ngành.

Binance

Tên gọi của sàn giao dịch tiền mã hóa lớn nhất thế giới Binance là sự kết hợp giữa hai từ “Binary” và “Finance”, mang trong mình ý nghĩa sâu xa về bản chất và mục tiêu của sàn giao dịch này. “Binary” – hệ nhị phân, đại diện cho nền tảng kỹ thuật số của tiền mã hóa với những dãy số 0 và 1.

Trong khi đó, “Finance” – tài chính, lại là lĩnh vực mà Binance hướng đến, lĩnh vực truyền thống nhưng được cách mạng hóa bởi công nghệ blockchain.

Thông qua cái tên “Binance”, sàn giao dịch này khẳng định vị thế tiên phong của mình trong lĩnh vực tài chính kỹ thuật số, đồng thời thể hiện cam kết trong việc phát triển và phổ cập tiền mã hóa  trên toàn thế giới.

Coinbase

Coinbase, sàn giao dịch tiền mã hóa lớn nhất tại Mỹ, lấy tên từ một khái niệm quan trọng trong mạng lưới Bitcoin, gọi là “coinbase.” Đây là loại giao dịch đặc biệt được tạo ra tự động ở đầu mỗi block trên mạng Bitcoin, cho phép thợ đào nhận phần thưởng khối. Nói cách khác, giao dịch coinbase chính là cách các BTC mới được tạo ra và đưa vào lưu thông.

Qua nhiều năm phát triển, Coinbase đã khẳng định vai trò như một “điểm khởi đầu” khi người dùng bắt đầu tiếp cận tiền mã hóa, tương tự như cách giao dịch “coinbase” là bước đầu tiên để Bitcoin mới được tạo ra. Tên gọi này không chỉ đơn thuần là một thương hiệu, mà còn phản ánh sứ mệnh gia tăng độ phổ biến của tiền mã hóa trên toàn cầu.

Polygon (Matic cũ)

Trước khi trở thành Polygon, Layer 2 này được biết đến với tên gọi Matic, ra mắt vào năm 2017, cái tên Matic phản ánh những nỗ lực trong việc mở rộng Ethereum bằng công nghệ Plasma gây sốt tại thời điểm đó.

Tuy nhiên, với tầm nhìn xa hơn, đội ngũ phát triển đã quyết định hướng tới xây dựng một hệ sinh thái multi-chain, tương thích với Ethereum và quyết định đổi tên thành “Polygon” vào tháng 02/2021.

Trong hình học, “polygon” có nghĩa là hình đa giác với nhiều cạnh và góc, tượng trưng cho sự đa dạng và khả năng mở rộng của dự án bằng cách kết nối nhiều layer-2 với nhau. Đồng sáng lập Sandeep Nailwal cho biết

“Công ty đã đổi tên thành Polygon vào năm 2021 với tên mới phản ánh tham vọng trở thành ‘Internet của Blockchain’, giống như một đa giác hình học có nhiều cạnh đại diện cho nhiều layer-2 được kết nối với nhau.”

Scroll

Giải pháp Layer 2 (L2) trên Ethereum, Scroll được đặt tên với ba ý nghĩa chính:

  1. Liên hệ với cuộn giấy cổ đại: gợi nhớ đến các cuộn giấy cổ đại, như giấy cói (papyrus) được sử dụng ở Ai Cập cổ đại. Những cuộn giấy này thường được cuộn tròn để bảo quản và sử dụng để ghi chép lại thông tin, tương tự như cơ chế “roll-up” trong công nghệ blockchain, nơi nhiều giao dịch được gộp lại thành một để xử lý hiệu quả hơn
  2. SCaling with a ROLLup và Smart Contract ROLLup: Tên gọi này xuất phát từ cụm từ “SCaling with a ROLLup” và “Smart Contract ROLLup,” phản ánh sứ mệnh cốt lõi của dự án là mở rộng Ethereum vượt qua những giới hạn hiện tại của EVM, đồng thời xây dựng các công cụ thân thiện với nhà phát triển và người dùng.
  3. Trải nghiệm người dùng mượt mà: Cuối cùng, nhóm phát triển mong muốn trải nghiệm của người dùng cuối giống như thao tác “scroll” trên điện thoại, tức là đơn giản và trực quan, để người dùng không phải lo lắng khi tham gia vào thế giới crypto.

TRON

Khi đặt tên cho blockchain của mình, Justin Sun đã lấy cảm hứng từ bộ phim khoa học viễn tưởng TRON ra mắt năm 1982. Bộ phim kể về một lập trình viên bị cuốn vào thế giới kỹ thuật số, nơi anh phải đối đầu với hệ thống máy tính độc tài để giành lại tự do. Chủ đề chống lại sự kiểm soát tập trung trong phim phản ánh triết lý phi tập trung của công nghệ blockchain. Sun chia sẻ rằng đây là một trong những nguyên tắc cốt lõi của TRON.

TRON được thành lập vào năm 2017 với mục tiêu xây dựng một hệ sinh thái phi tập trung cho việc chia sẻ nội dung số, loại bỏ sự phụ thuộc vào các nền tảng tập trung như YouTube hay Apple Store. Bằng cách này, TRON mong muốn trao quyền kiểm soát nội dung trực tiếp cho người sáng tạo và người tiêu dùng, phù hợp với tinh thần tự do và phi tập trung mà bộ phim “TRON” truyền tải.

Việc lựa chọn tên gọi TRON không chỉ tôn vinh tác phẩm điện ảnh kinh điển mà còn nhấn mạnh cam kết của Justin Sun trong việc thúc đẩy một môi trường internet phi tập trung, nơi quyền lực được phân bổ và người dùng có toàn quyền kiểm soát dữ liệu của mình.

Solana

Tên gọi Solana được lấy cảm hứng từ Bãi biển Solana (Solana Beach) ở California, Hoa Kỳ. Nhà sáng lập Solana Anatoly Yakovenko từng làm việc tại Qualcomm, công ty có trụ sở gần bãi biển Solana. Khi phát triển dự án blockchain mới, ông và nhóm của mình đã chọn tên “Solana” để vinh danh địa điểm này, nơi họ đã có nhiều kỷ niệm và trải nghiệm đáng nhớ.

Việc lựa chọn tên “Solana” không chỉ mang ý nghĩa địa lý mà còn từ Sol trong tiếng Tây Ban Nha còn có nghĩa là mặt trời, tượng trưng cho sự minh bạch và hiệu quả mà blockchain này hướng tới.

Dragonfly Capital

Dragonfly Capital là tên gọi của quỹ đầu tư mạo hiểm tập trung vào lĩnh vực tiền mã hóa. Theo đồng sáng lập Haseeb Qureshi, tên gọi “Dragonfly” (chuồn chuồn) được lấy cảm hứng từ bài thơ “A Small Pond” của Dương Vạn Lý, một nhà thơ nổi tiếng thời Tống.

Trong bài thơ, hình ảnh chuồn chuồn xuất hiện đầu tiên vào mùa xuân, biểu trưng cho sự khởi đầu và đổi mới. Qureshi liên hệ điều này với tiền mã hóa, coi đó là mùa xuân của một phong trào xã hội mới, do đó ông đã đặt tên cho quỹ là Dragonfly Capital.

Tên gọi này phản ánh triết lý của Dragonfly Capital trong việc tiên phong và thúc đẩy sự đổi mới trong lĩnh vực tiền mã hóa.

Andreessen Horowitz (a16z)

Andreessen Horowitz thường được viết tắt là a16z là công ty đầu tư mạo hiểm hàng đầu tại Thung lũng Silicon, California. Được thành lập vào năm 2009 bởi Marc Andreessen và Ben Horowitz, tên gọi “Andreessen Horowitz” được ghép từ họ của hai nhà sáng lập ra quỹ đầu tư này.

Cái tên a16z là tên viết tắt của quỹ, được tạo thành bằng cách lấy chữ cái đầu “a” và chữ cái cuối “z” của cụm Andreessen Horowitz với số 16 biểu thị số lượng chữ cái nằm giữa chúng.

Delphi Digital

Delphi Digital, công ty nghiên cứu và đầu tư trong lĩnh vực tiền mã hóa, được lấy cảm hứng từ biệt danh Oracle of Delphi của nữ tư tế Pythia trong thần thoại Hy Lạp.

Theo truyền thuyết, bà hoạt động tại đền thờ Apollo ở Delphi. Người Hy Lạp cổ đại và nhiều người từ các vùng lân cận thường tìm đến Pythia để xin lời tiên tri và hướng dẫn, tin rằng những lời khuyên của bà được thần linh truyền đạt.

Đồng sáng lập Anil Lulla chia sẻ rằng họ chọn tên Delphi Digital với mong muốn trở thành nguồn cung cấp thông tin, dự báo và hướng dẫn trong lĩnh vực tiền mã hóa. Giống như nhà tiên tri Delphi là nguồn tri thức trong thời cổ đại, Delphi Digital mong muốn đại diện cho nguồn kiến thức hiện đại và đổi mới trong lĩnh vực tiền mã hóa.

Sui

Sui là blockchain Layer 1 được thiết kế để cung cấp khả năng mở rộng với độ trễ thấp, đạt được thông qua việc xử lý các giao dịch song song. Tên gọi “Sui” được lấy cảm hứng từ triết lý Nhật Bản, trong đó Sui có nghĩa là nước.

Điều này tượng trưng cho sự mượt mà và trơn tru trong giao dịch, những đặc tính mà dự án mong muốn thể hiện là một Layer-1 tốc độ cao và chi phí rẻ.

Aave

Tên gọi của Aave bắt nguồn từ tiếng Phần Lan, có nghĩa là “bóng ma” hoặc “ma”.  Ban đầu, dự án được thành lập vào năm 2017 dưới tên gọi ETHLend, tập trung vào việc kết nối người vay và người cho vay theo mô hình ngang hàng (P2P) trên Ethereum.

Tuy nhiên, để mở rộng phạm vi hoạt động và cung cấp các dịch vụ tài chính đa dạng hơn, dự án đã được đổi tên thành Aave vào tháng 09/2018.

Tên gọi “Aave” còn tượng trưng cho tính chất phi tập trung và ẩn danh của giao thức, nơi người dùng có thể vay và cho vay tiền mã hóa mà không cần tiết lộ danh tính, tương tự như sự bí ẩn của  bóng ma.

Theo Coinviet tổng hợp

Cùng theo dõi Coinviet.net và xem thêm những tin tức hữu ích khác tại Dexnew.io nhé!

bài viết liên quan