Citadel Securities cho rằng SEC không nên nóng vội triển khai chứng khoán mã hóa, lo ngại sẽ gây bất ổn thị trường, làm lệch dòng thanh khoản khỏi hệ thống tài chính truyền thống và tạo lợi thế không công bằng cho các nền tảng crypto.
Chi tiết
Nhằm thể hiện rõ lập trường bảo vệ trật tự thị trường truyền thống, Citadel Securities – công ty tạo lập thanh khoản chủ động hàng đầu do tỷ phú Ken Griffin sáng lập – đã gửi thư lên Lực lượng Chuyên trách về Tiền mã hóa của SEC, kêu gọi tạm hoãn việc mở rộng giao dịch chứng khoán mã hóa nếu chưa có khung pháp lý đầy đủ và chính thức.
Theo nguồn tin từ Bloomberg, Citadel Securities cảnh báo rằng việc “bật đèn xanh” quá sớm cho các sản phẩm tài chính dựa trên blockchain có thể tạo ra lợi thế cạnh tranh không công bằng cho các nền tảng tiền mã hóa, đồng thời rút cạn thanh khoản khỏi thị trường cổ phiếu truyền thống, nơi vẫn đang là kênh gọi vốn chủ đạo cho các công ty đại chúng và nền kinh tế thực.
Citadel lo ngại nếu thiếu kiểm soát nghiêm ngặt, các công ty tư nhân sẽ bỏ qua thị trường IPO để gọi vốn trực tiếp thông qua token hóa, từ đó làm suy yếu cấu trúc vốn đã ổn định của thị trường chứng khoán. Thanh khoản có nguy cơ chảy sang các pool tài chính phi tập trung (DeFi) mà các tổ chức tài chính lớn như quỹ hưu trí, ngân hàng hay quỹ tài trợ không thể tiếp cận, dẫn đến sự phân mảnh thanh khoản và bất bình đẳng trong tiếp cận tài sản đầu tư.
Chứng khoán mã hóa là hình thức đưa tài sản truyền thống như cổ phiếu, trái phiếu, quỹ đầu tư… lên blockchain, mở ra khả năng:
-
Giao dịch 24/7 không ngừng nghỉ;
-
Phân nhỏ tài sản linh hoạt;
-
Thanh toán nhanh hơn;
-
Có thể tích hợp trực tiếp vào hệ sinh thái tài chính phi tập trung (DeFi).
Năm 2025 chứng kiến làn sóng bùng nổ của các sản phẩm từ Robinhood, Gemini, Backed Finance, và cả những gã khổng lồ tài chính như BlackRock, Franklin Templeton cũng gia nhập cuộc chơi. Một số công ty crypto như Coinbase và Kraken đã thể hiện sự quan tâm đến việc ra mắt dịch vụ giao dịch cổ phiếu mã hóa.
Theo ước tính của RWA.xyz, tổng giá trị tài sản thực được mã hóa hiện đã vượt 25 tỷ USD, cho thấy thị trường này không còn là thử nghiệm, mà đang bước vào giai đoạn thương mại hóa thật sự.
Tổng giá trị tài sản thực được mã hóa, tính đến ngày 16/07/2025. Nguồn: RWA.xyz
Dù ghi nhận tiềm năng của công nghệ, Citadel không cho rằng đổi mới là lý do để nới lỏng luật. Trong thư, công ty nhấn mạnh:
“Chứng khoán mã hóa phải thành công bằng cách mang lại hiệu quả thực sự cho thị trường, chứ không phải thông qua việc lợi dụng kẽ hở pháp lý vì mục đích riêng.”
Citadel kịch liệt phản đối việc triển khai quy định bằng những ngoại lệ rải rác hoặc hướng dẫn lỏng lẻo. Thay vào đó, bất kỳ động thái nào từ SEC phải thông qua quy trình làm luật chính thức, minh bạch, lấy ý kiến rộng rãi và có kiểm soát chặt chẽ.
Trong khi đó, Chủ tịch SEC Paul Atkins được cho là đang tỏ thái độ cởi mở với việc cập nhật luật để hỗ trợ đổi mới tài chính, bao gồm cả tokenization. Song, ngay trong nội bộ SEC vẫn có tiếng nói thận trọng.
Hester Peirce, ủy viên SEC thường được gọi là “crypto mom”, gần đây còn đưa ra phát ngôn đanh thép rằng “chứng khoán được token hóa thì vẫn là chứng khoán mà thôi”. Nghĩa là, việc một tài sản được mã hóa và giao dịch trên blockchain không thể làm thay đổi bản chất pháp lý của nó. Đã là chứng khoán, thì dù trong hình hài nào, vẫn phải tuân thủ đầy đủ luật chứng khoán liên bang.
Theo Coinviet tổng hợp