Trending

Nga hợp pháp hóa tài sản số với luật thuế cụ thể, cho phép sử dụng tiền số trong thanh toán thương mại quốc tế và miễn VAT cho các hoạt động khai thác.

Khung pháp lý mới cho tài sản kỹ thuật số tại Nga

Theo thông báo từ thông tấn xã địa phương TASS, Tổng thống Vladimir Putin đã ký ban hành luật công nhận tài sản kỹ thuật số là một loại tài sản hợp pháp, đồng thời điều chỉnh quy định về thuế đối với loại tài sản mới này.

Trong khung pháp lý mới được ban hành có những quy định nổi bật trong lĩnh vực tài sản kỹ thuật số như sau:

  • Tài sản kỹ thuật số được công nhận là tài sản, bao gồm cả những tiền số được sử dụng cho các giao dịch thương mại quốc tế trong khuôn khổ chế độ pháp lý thử nghiệm (EPR) thuộc lĩnh vực đổi mới kỹ thuật số.
  • Hoạt động khai thác và bán tiền số sẽ được miễn thuế giá trị gia tăng (VAT).
  • Các dịch vụ của những tổ chức cung cấp giao dịch trong khuôn khổ EPR cũng sẽ được miễn thuế.
  • Các đơn vị vận hành cơ sở hạ tầng khai thác phải cung cấp cho cơ quan thuế thông tin về những người sử dụng dịch vụ của họ để phát hành tiền mã hóa. Nếu không cung cấp thông tin đúng hạn, họ có thể bị phạt 40.000 Rúp (tương đương khoảng 371 USD).

Quy định về thuế thu nhập cá nhân và thuế doanh nghiệp

– Đối với thuế thu nhập cá nhân: Tiền số thu được từ hoạt động khai thác sẽ được coi là thu nhập bằng hiện vật. Giá trị của loại tiền số sẽ được xác định dựa trên giá thị trường. Thu nhập này sẽ bị đánh thuế theo thang biểu thuế lũy tiến thông thường, đồng thời cho phép khấu trừ thuế dựa trên chi phí khai thác.

– Thu nhập từ việc mua, bán hoặc giao dịch tài sản kỹ thuật số: Sẽ bị đánh thuế theo thang biểu thuế hai mức:

  • 13% đối với thu nhập dưới 2,4 triệu Rúp (khoảng 22.261 USD).
  • 15% đối với khoản thu nhập vượt trên 2,4 triệu Rúp.

Các khoản thu nhập này sẽ được tính vào cùng một cơ sở thuế tương tự thu nhập từ giao dịch chứng khoán, tiền gửi ngân hàng và các nguồn khác.

– Thuế thu nhập doanh nghiệp: Hoạt động khai thác tài sản số sẽ bị đánh thuế theo mức tiêu chuẩn là 25% kể từ năm 2025.

Hạn chế đối với một số chế độ thuế

Luật mới về tài sản kỹ thuật số cũng đưa ra một số hạn chế về chế độ thuế, bao gồm:

  • Các tổ chức/cá nhân, kinh doanh khai thác và bán tiền số: Không được phép chuyển sang nộp thuế nông nghiệp. Sẽ buộc sử dụng hệ thống thuế đơn giản hóa, hoặc chế độ thuế đặc biệt “Hệ thống thuế đơn giản hóa tự động”.
  • Hệ thống bằng sáng chế và chế độ tự kinh doanh: Không được áp dụng đối với hoạt động khai thác và giao dịch tiền số.

Thời gian luật bắt đầu có hiệu lực chưa được công bố, cần chờ thông báo chính thức từ Chính phủ Nga.

Nga đẩy nhanh tiến độ “hợp pháp hóa” crypto

Trước khi Tổng thống Vladimir Putin đặt bút ký luật công nhận tiền số là tài sản, người đứng đầu của Nga cũng đã thông qua luật khai thác crypto hồi tháng 08/2024. Trước đó, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga là bà Elvira Nabiullina cũng công bố kế hoạch triển khai hệ thống thanh toán quốc tế bằng crypto trong năm 2024.

Theo nhiều nguồn tin, khi luật sử dụng crypto được thông qua, tiền mã hóa sẽ được quy định tương tự như ngoại tệ ở Nga. Trong đó, Ngân hàng Trung ương Nga sẽ là cơ quan quản lý các vấn đề liên quan tiền mã hóa; Cơ quan Giám sát Tài chính Liên bang, Cơ quan Thuế Liên bang, Cơ quan An ninh Liên bang và Cơ quan Quản lý Tài sản Liên bang sẽ có vai trò kiểm soát doanh thu.

Động thái hợp pháp hóa việc sử dụng crypto trong nước vốn dĩ đã được Nga “gấp rút” đẩy nhanh tiến độ kể từ năm 2022, nhằm “né tránh” lệnh trừng phạt của Mỹ và các nước phương Tây liên quan đến cuộc chiến ở Ukraine vốn đã gây áp lực lên hệ thống thanh toán quốc gia này.

Chính quyền Nga sau đó liên tục có động thái “mở cửa” cho tiền mã hóa từ năm 2023 khi hỗ trợ các tổ chức thử nghiệm thanh toán crypto, thành lập hệ thống thanh toán quốc tế dựa trên blockchain, thông qua dự luật về đồng Rúp kỹ thuật số (CBDC).

Theo Coinviet tổng hợp

Cùng theo dõi Coinviet.net và xem thêm những tin tức hữu ích khác tại Dexnew.io nhé!

bài viết liên quan