Mình là Nghĩa, hiện đang là sinh viên năm 3 và mới tham gia thị trường tiền điện tử được khoảng 1 năm. Hôm nay mình xin chia sẻ với anh em (đặc biệt là những anh em mới tham gia và đang fomo trong thị trường) những trải nghiệm của mình trong 1 năm qua. Mong rằng anh em sẽ học được điều gì đó từ những vấp ngã và thành công nho nhỏ của mình.
Khởi đầu bằng cú dump thần thánh của Bitcoin
Mình đã nghe đến Bitcoin từ nhiều năm trước nhưng chỉ thực sự tìm hiểu về nó vào ngày xảy ra cú dump thần thánh (13/3/2020). Một người bạn đã tích cực shill cho mình về tiềm năng của Bitcoin và gọi cú dump là cơ hội trăm năm có một, không mua lúc đó thì lúc nào.
Về phần mình, mình đặc biệt ấn tượng với tính chất phi tập trung của Bitcoin và tiềm năng ứng dụng rộng rãi của công nghệ Blockchain. Vậy là sau một ngày nghiên cứu và cân nhắc, mình đã quyết định mua một ít Bitcoin ngay giá đáy bằng khoản tiền tiết kiệm ít ỏi.
Sau đó vài tháng, mình cũng mua thêm một ít ChainLink ở giá 7$ và bắt đầu nghiên cứu sâu hơn về thị trường.
Hai kèo đầu tiên đã đi về đâu?
Đối với HAKKA, mình thường xuyên vào Twitter và Telegram của dự án để đọc các cập nhật và cảm thấy Hakka Finance lúc đó khá lỡ nhịp marketing so với thị trường. Mình cũng xác định nó là một kèo xổ số nên xem như đã mất, sau lần DCA cuối cùng thì không còn quan tâm đến giá nữa.
Riêng về SOL, mình dành phần lớn vốn đầu tư và DCA vào token này nên khi giá về gần 1$ thì mình khá buồn.
Lúc đó mình xác định đợt unlock 400 triệu SOL vào đầu tháng 1 là một cột mốc sinh tử. Nếu trước ngày unlock mà SOL không lên giá để hấp thụ đợt unlock thì mình sẽ thoát ra để tránh bị ăn xả, có thể về 0.1 – 0.2$.
Trong giai đoạn cuối tháng 12, giá SOL cứ dập dìu quanh mức 1.5$ làm mình rất sốt ruột. Mình đã không chịu nổi nhiệt và bán hết SOL ở giá 1.68$.
Rồi như anh em đều biết, đến ngày unlock, giá SOL không chỉ không giảm mà còn tăng dần đến mức khoảng 15 – 17$ vào thời điểm hiện tại. Vậy là mình đã bán đáy thành công!
Kinh nghiệm rút ra từ kèo SOL
Thất bại ở kèo SOL để lại cho mình rất nhiều bài học:
- Nếu dự án có phân tích cơ bản tốt thì phải hold chặt đến target, không để giá cả chi phối cảm xúc. Đây là điều khó nhất và mình vẫn đang luyện tập.
- Không phải cứ unlock token số lượng lớn là giá sẽ dump, nếu dự án tốt thì việc unlock còn giúp mở rộng cộng đồng sử dụng dự án. Và vì đã unlock mà giá không giảm nên nhà đầu tư mới cũng yên tâm hơn khi đầu tư, điều này khiến giá tăng mạnh.
- Mình cần phải học cách nhìn ra xu hướng thị trường. Ví dụ mình biết DeFi phát triển mạnh, nhưng không suy luận ra được chuỗi xu hướng: DeFi phát triển ⇒ Lộ ra điểm yếu của Ethereum: phí gas cao, khả năng mở rộng kém, tốc độ thấp ⇒ Giải pháp thay thế: Solana?
- Bài học về quản lý vốn: 75% vốn của mình dồn vào SOL. Giờ nhìn lại mình cũng không thể tin nổi mình đã từng quản lý vốn như vậy. Từ kèo SOL trở về sau mình chia vốn vào nhiều dự án nhỏ, chốt vốn gồng lời cảm giác tâm lý khá nhẹ nhàng.
Sau thất bại là đường về bờ
Đứng lên từ thất bại
Việc bán lỗ SOL làm mình mất hơn 50% tài khoản, nhưng bài học mà SOL để lại là quá nhiều. Bên cạnh đó, bốn tháng ăn ngủ cùng Coin98 đã giúp mình nắm được căn bản về thị trường, tập được thói quen research, và đặc biệt là thấm được tư duy holder.
Từ đó, mình thực sự nghiêm túc với việc tham gia thị trường. Riêng các kèo mới, mình đều tìm hiểu cẩn thận và dành một phần vốn để vào. Mình thường dành khoảng 3 tiếng mỗi ngày để đọc các bài viết Twitter, Medium và Telegram của dự án. Nếu dự án mình quan tâm có sản phẩm mới thì mình sẽ vào sử dụng hoặc ít nhất là đọc hướng dẫn sử dụng.
Về tâm lý hold, mình cũng bớt quan tâm các cây nến trên sàn mà dành thời gian đó để làm điều ý nghĩa hơn (research, học trên lớp, đi phượt với bạn bè…).
Quả ngọt đầu tiên
Vào thời điểm mình thật sự nghiêm túc đó, thật may mắn thị trường chuyển sang giai đoạn bull market. Nhờ các dự án mình tìm kiếm và các kèo v2 của Coin98, chỉ trong 2 tháng, tài khoản mình từ chia 2 đã về bờ và có lời kha khá.
Tuy nhiên, mình vẫn cảm thấy chuyến về bờ của mình chủ yếu là hold và may mắn (bull market) nên xin phép không chia sẻ nhiều về giai đoạn này.
Giai đoạn chăm chỉ học hỏi này cũng giúp mình tìm ra một cách mới để kiếm tiền trong thị trường: Không chỉ hold mà còn có thể đi farm (Yield Farming). Một chân trời mới mở ra, thật nhiều cơ hội mà cũng không ít cạm bẫy.
Yield Farming – Con dao hai lưỡi
Mình biết đến Yield Farming nhờ các cuộc thảo luận trong nhóm Academy. Trong thời gian đó, hệ sinh thái Binance Smart Chain đang hot với dòng tiền liên tục đổ về, nên mình đã lựa chọn tham gia Liquidity Mining trên các dự án mới của hệ sinh thái này.
Khởi đầu suôn sẻ
Ban đầu, mình tham gia pool BDO/BUSD với APR khoảng 300%. Được khoảng một tuần mình thấy ngon ăn (rõ ràng là tiền tươi thóc thật), nên đã dành một phần kha khá tài khoản dồn sang dự án mới là Midas Gold.
Dự án này có APY cực cao (cỡ 80,000%) nhưng với tâm lý “yield farming là tiền tươi thóc thật”, nên mình vẫn quyết định liều để farm trong một ngày. Kết quả là gì mọi người đoán xem?
Mình x2 số tiền đầu tư trong một ngày nhờ lượng yield farm được và do giá Midas Gold tăng gấp đôi. Số tiền lời nhanh chóng khiến mình mờ mắt: tiền kiếm dễ như vậy sao?
Vấp ngã ở vùng đất mới
Tiếp đó mình lại phát hiện ra một dự án mới đang mở Staking là Alpaca Finance. Mình đã cẩn thận đọc whitepaper của dự án và thấy đây là dự án có tiềm năng, nhưng thông tin về team và sản phẩm vẫn chưa rõ ràng.
Đứng trước quyết định có nên đầu tư hay không, mình đã chọn liều thêm một lần, đổ toàn bộ tiền vốn và tiền lời trong thương vụ Midas Gold sang stake ở Alpaca Finance (pool rủi ro APY 9,000%).
Nhưng lần này may mắn không còn mỉm cười với mình nữa, mình đã mua token ALPACA ngay giá đỉnh. Những ngày tiếp theo lượng token được khai thác càng nhiều khiến giá giảm đột ngột, mỗi ngày một đáy mới.
Mình sực tỉnh và nhận ra mình đã quá sai, chưa đủ kiến thức, chưa xem xét kỹ mà vẫn liều thì chỉ có mất tiền. Mình quyết định rút toàn bộ vốn để học hỏi thêm trước khi xuống tiền. Kết hợp với tổn thất từ Impermanent Loss, mình đã lỗ 55% số tiền đầu tư nhưng coi như vẫn bảo toàn vốn.
Lại một bài học nữa được rút ra, mình xin chia sẻ với anh em suy nghĩ của mình.
Vài cảm nghĩ về Yield Farming
Nhìn số token farm được nhảy nhót trên màn hình, những người mới tham gia có thể nghĩ rằng Yield Farming là một cách kiếm tiền nhanh, ổn định, an toàn. Còn theo mình cảm nhận sau khi farm ở vài dự án gần đây thì nếu chúng ta không kiểm soát sự tham lam, Yield Farming còn rủi ro hơn cả trading.
Một số rủi ro khi đi farm
- Giá token giảm khi đang farm: Có nhiều nguyên nhân khiến giá token giảm, chẳng hạn số token được farm ra quá nhiều nên cung lớn hơn cầu. Khi giá giảm và anh em rút thanh khoản ra đi bán thì sẽ chịu một khoản lỗ.
- Pool scam: Anh em cung cấp thanh khoản cho một dự án chỉ vì có APY cao (vài chục nghìn, vài triệu, vài tỷ % thậm chí vô cực), trong khi đó ý tưởng không có gì mới, cộng đồng user không nhiều, lại mù mờ về roadmap, sản phẩm, team, partner, audit… thì khả năng cao là đang đầu tư vào một dự án vô giá trị.
- Impermanent Loss: Khi anh em đang cung cấp thanh khoản mà giá các tài sản trong pool biến động (tăng hoặc giảm) thì đều khiến anh em mất tiền (anh em có thể tìm hiểu kỹ hơn về thuật ngữ này trên Internet).
- Một số rủi ro khác: Pool bị hack, pool nhỏ bị rút thanh khoản đột ngột…
Làm nông khó đấy, phải đâu chuyện đùa
Nhìn chung, tùy khẩu vị rủi ro mà anh em chọn pool phù hợp để farm, các pool có phân tích cơ bản tốt thì APY thấp hơn nhiều các pool rủi ro. Sau thất bại khi đi farm và tự tìm hiểu thêm, mình rút ra một số kinh nghiệm farm ở các pool rủi ro có APY cao:
- Trước hết luôn phải đọc kỹ whitepaper, Twitter và Medium của dự án để nắm sơ lược về nó. Đặt các câu hỏi về dự án: Ý tưởng này có gì mới, sản phẩm, roadmap, buy và sell demand của dự án. Các dự án DeFi được fork ra gần đây có bước cải tiến là Fair Launch, nhưng tiếc thay đó là điểm mới duy nhất và chưa đủ để tạo nên giá trị khác biệt.
- Phải nghiên cứu kỹ tokenomics và thời gian phân bổ phần thưởng của dự án. Thông thường sẽ có một lượng token farm được bị khóa lại. Nếu dự án có APY cao lại sắp tới ngày unlock hoặc đang unlock dần dần thì phải cân nhắc kỹ trước khi vào.
- Cũng từ ý trên, anh em phải canh điểm vào hợp lý. Nếu thấy dự án rủi ro cao nhưng vẫn muốn kiếm lời ngắn hạn thì phải vào từ rất sớm và cũng cân nhắc rút ra sớm khi có lời.
- Nếu không phải farmer chuyên nghiệp và muốn đi farm các pool rủi ro thì anh em chỉ nên dùng khoảng 10% số vốn để farm.
Tổng kết
Những trải nghiệm holding và farming vừa qua đã giúp mình nhận ra nhiều thiếu sót của bản thân, đó là lỗ hổng về kiến thức và tư duy thị trường. Bên cạnh đó, mình vẫn chưa chín chắn khi quản lý vốn và còn thiếu cẩn trọng khi đầu tư. Mình sẽ cố gắng cải thiện những thiếu sót này để có thể sẵn sàng đón mùa bull run trong thời gian tới.
Bài viết trên đây chỉ là những kinh nghiệm nhỏ bé của một newbie, mình rất mong được lắng nghe thêm những chia sẻ thú vị từ các holder và farmer lâu năm trong thị trường.
Cảm ơn anh em đã dành thời gian để đọc hết bài chia sẻ này của mình!