Cộng đồng crypto đang xôn xao trước cáo buộc dự án staking thuộc hệ sinh thái Bitcoin là Solv Protocol “tính khống” TVL lên gấp nhiều lần.
Vòng lặp TVL
Tối ngày 03/01/2025, cộng đồng tiền mã hóa trên X (Twitter) xôn xao với thông tin nhà đồng sáng lập dự án Nubit với tài khoản X là @trackoor cáo buộc Solv Protocol, giao thức staking BTC mới được sàn Binance chọn làm dự án Megadrop thứ 3, cố tình gian lận TVL.
Theo đó, @trackoor tuyên bố 1 BTC mà người dùng gửi vào giao thức sẽ không chỉ được tính là 1 BTC TVL, mà được “tính khống” lên gấp 3 lần.
“Solv Protocol không tính 1 BTC nạp vào là 1 BTC duy nhất. Thay vào đó sử dụng các giao dịch được ký trước (pre-signed) để “ủy quyền” cùng một BTC trên nhiều giao thức:1 BTC trong Solv → +1 TVL BTC
Cùng BTC đó trong Bsquared → +1 TVL BTC tiếp
Cùng BTC đó trong ??? → +1 TVL BTC tiếp nữa
Thế là 1 BTC = 3 fake TVL BTC.
Vấn đề này xảy ra là vì bản thân blockchain Bitcoin không sử dụng smart contract như Ethereum, mà sử dụng UTXO. Khi người dùng “approved for use” cho 1 BTC thì 1 BTC này vẫn có thể “approved for use” cho nhiều lần nữa, dẫn đến tình trạng bị tính lặp TVL như trên.
Theo @trackoor, số TVL hiển thị trên DefiLlama có thể được Solv tự điều chỉnh, nên không đảm bảo chính xác 100%. Ngay sau khi FUD này lan truyền, đội ngũ dự án đã nhanh chóng cập nhật lại số liệu TVL của họ.
Solv Protocol tuyên bố stake tài sản BTC của người dùng vào giao thức Babylon. Tuy nhiên @trackoor lại phát hiện ra một trong những ví của dự án đã di chuyển BTC đi sau khi đã stake. Nếu thật là đã stake thì không thể chuyển đi như vậy được.
Cách làm “kê khống” TVL và sử dụng 1 đồng tài sản để stake, restake và vòng lặp staking như vậy không phải là quá cá biệt trong thị trường crypto.
Theo @trackoor, cách làm này tương tự như việc FTX kê khai khống tài sản và dùng tài sản người dùng đi vay, cho vay nhiều vòng. Mà kết cục của FTX thì chúng ta đã quá rõ. Ngoài ra, hệ sinh thái Solana trong quá khứ từng có tranh cãi về việc một nhà phát triển bị phát hiện đứng sau tận 12 giao thức, sử dụng tiền của giao thức này để gửi vào giao thức kia, qua đó được cho là chịu trách nhiệm cho 75% tổng TVL của Solana ở thời điểm năm 2022.
Việc không minh bạch tài sản như vậy làm dấy lên nhiều lo ngại về tính an toàn tài sản, không có gì đảm bảo cho số tài sản đã gửi vào giao thức của người dùng. Vì vậy, @trackoor khuyên mọi người nên rút BTC của mình khỏi Solv Protocol ngay lập tức và xác minh xem tài sản có được stake và lock như dự án tuyên bố, hay lại bị đem đi staking và tạo vòng lặp.
Solv phản bác
Đến sáng ngày 04/01, người đứng đầu bộ phận Marketing của Solv Protocol là @EvaBinary đã đáp trả những cáo buộc từ Nubit, gọi đây là những “tuyên bố vô căn cứ” và “FUD không đúng sự thật”:
1/ Việc Solv Protocol cập nhật lại địa chỉ ví với DefiLlama chỉ là cập nhật cần thiết theo chu kỳ restaking 15 ngày, chứ không phải vì mới cập nhật sau phát hiện của người dùng.
2/ Sự thay đổi trong TVL của SolvBTC.BBN có liên quan trực tiếp đến việc bắt đầu thực hiện việc mua lại, đây là một phần kế hoạch của dự án từ lúc ban đầu và đã được công khai minh bạch.
3/ Cáo buộc fake “3x TVL” hoàn toàn vô căn cứ.
Tuy vậy, vị CMO vẫn chưa đưa ra bằng chứng chứng minh “3x TVL” là vô căn cứ, mà chỉ nói chung chung là không đúng.
Đội ngũ Solv cho biết đã liên hệ với Nubit để hẹn trao đổi, nhưng có vẻ như @trackoor không đồng ý, mà yêu cầu phía Solv nên tự công khai các địa chỉ ví nào đã dùng vào việc staking, và hoạt động như thế nào.
Solv Protocol là một giao thức yield staking trên Bitcoin, giúp người dùng có thể kiếm được lợi nhuận từ số BTC mà mình đang nắm giữ với mức rủi ro thấp.
Solv Protocol ra mắt SolvBTC, SolvETH và SolvUSD, cung cấp cơ hội kiếm lợi nhuận cho người nắm giữ BTC, ETH và USD. Thêm vào đó, Solv sử dụng cơ chế trading-strategy-based để tận dụng các blockchain, giao thức và sàn giao dịch khác nhau nhằm tiếp cận các cơ hội lợi nhuận đa dạng.
Hồi tháng 10/2024, Solv Protocol huy động thêm 11 triệu đô, nâng tổng gọi vốn lên 25 triệu USD. Trong số các nhà đầu tư có Binance Labs, Laser Digital (công ty con của Nomura), Blockchain Capital, OKX Ventures, gumi Cryptos, CMT Digital…
Đến những ngày cuối cùng của năm cũ 2024, Binance thông báo chọn Solv Protocol là dự án Binance Megadrop thứ 3.
Tuy nhiên, Solv lại không phải là cái tenen mới xuất hiện trên thị trường tiền mã hóa, mà thực chất đã tồn tại từ năm 2020. Khi đó thì giao thức này hoạt động theo mô hình áp dụng những đột phá của DeFi vào giao dịch NFT, cũng như tổ chức launchpad cho các dự án khác. Đến đầu năm 2024, Solv Protocol mới thông báo đổi mô hình sang xây dựng giải pháp yield cho Bitcoin từ staking và thu hút được lượng lớn BTC gửi vào chỉ trong một khoảng thời gian ngắn nhờ danh tiếng dâng cao sau khi được Binance Labs rót vốn.
TVL hiện tại của Solv Protocol đang là 2,475 tỷ USD, đến từ gần 26.000 BTC đang được khóa lại trên nền tảng này.
Thống kê TVL của Solv Protocol theo thời gian. Nguồn: DefiLlama (04/01/2025)
Theo Coinviet tổng hợp
Cùng theo dõi Coinviet.net và xem thêm những tin tức hữu ích khác tại Dexnew.io nhé!