Sonic tuyên bố có thể xử lý đến 10.000 giao dịch mỗi giây, cũng như áp dụng nhiều chương trình khuyến khích tài chính để thu hút cả dự án lẫn người dùng.
Chi tiết
Tối ngày 18/12, Sonic Labs đã thông báo triển khai mainnet cho layer-1 cùng tên sau gần 1 năm phát triển.
Như đã được Coin68 đưa tin, Sonic (S) là phiên bản nâng cấp của Fantom, có xuất phát điểm là dự án Opera do Fantom khởi xướng từ tận năm 2019. Kể từ khi công bố vào đầu năm 2024, Sonic đã huy động được 10 triệu USD từ các nhà đầu tư thiên thần đến từ các dự án hàng đầu trên Ethereum như Aave, Curve, Compound, Gauntlet,…
Sonic chính là nỗ lực tái định vị thương hiệu của Fantom sau quãng thời gian dài không có đột phá, suy sụp thấy rõ so với giai đoạn cực thịnh 2021-2022. Hồi tháng 08/2024, Sonic đã thông báo bổ nhiệm Andre Cronje vào vị trí Giám đốc Công nghệ. Cronje cũng từng có thời gian cộng tác với Fantom trong quá khứ, cũng như nổi tiếng vì tiên phong cho nhiều xu hướng trong giai đoạn DeFi bùng nổ của chu kỳ trước, để rồi hứng chỉ trích nặng nề cho sự sụp đổ của mô hình Solidly do chính ông phát triển.
Theo công bố, Sonic sẽ là một layer-1 tương thích với EVM của Ethereum, có khả năng xử lý đến 10.000 giao dịch/giây, biến đây thành một lựa chọn hấp dẫn cho các dự án muốn tìm bến đỗ tiềm năng mới. Ngoài ra, Sonic còn sẽ áp dụng nhiều mô hình khuyến khích tài chính để thu hút các nhà phát triển, cho phép dự án nhận được đến 90% lượng phí tạo ra bởi ứng dụng của họ, thay vì được nắm giữ toàn bộ bởi các validator của mạng lưới.
Về phía người dùng phổ thông, bộ phận này cũng được kêu gọi chuyển đổi từ token FTM sang token S với tỷ lệ 1:1 để bắt đầu giao dịch trên Sonic. Tương tự như FTM, token S sẽ giữ nguyên những chức năng cơ bản gồm trả phí giao dịch, vận hành validator, tham gia quản trị và tiến hành staking.
Trong 90 ngày đầu kể từ thời điểm mainnet, Sonic sẽ cho phép chuyển đổi qua lại giữa S và FTM một cách tự do để người dùng toàn quyền trải nghiệm layer-1 mới. Sau mốc thời gian này, dự án sẽ chỉ hỗ trợ chuyển đổi FTM sang S mà không có chiều ngược lại.
Sonic cũng triển khai cầu nối cross-chain để giúp cộng đồng dễ dàng luân chuyển tài sản từ Fantom sang Sonic.
Để thúc đẩy hơn nữa mức độ tiếp nhận mạng lưới mới, Sonic sẽ tiến hành đợt airdrop lên đến 190,5 triệu token S cho cả người dùng lẫn các nhà phát triển, theo hai hạng mục là:
– Sonic Points: điểm thưởng dành cho người dùng từ việc trải nghiệm giao thức, ứng dụng, nắm giữ tài sản và hoạt động chung trên Sonic.
– Sonic Gems: điểm thưởng dành cho các dự án phát triển sản phẩm trên Sonic, dự án có thể sử dụng phần token S phân bổ cho mình để tiếp tục tưởng thưởng cho cộng đồng, gia tăng hơn nữa mức độ sử dụng sản phẩm.
Các chương trình điểm thưởng Points và Gems sẽ được triển khai theo từng mùa, với giai đoạn đầu tiên kết thúc vào tháng 06/2025.
Theo dữ liệu từ Sonicscan, layer-1 mới sau khi ra mắt đã chứng kiến hoạt động tăng vọt cả về số lượng giao dịch hàng ngày lẫn số lượng địa chỉ ví mới.
Thống kê số lượng địa chỉ ví trên Sonic. Nguồn: Sonicscan (19/12/2024)
Thống kê số lượng giao dịch hàng ngày trên Sonic. Nguồn: Sonicscan (19/12/2024)
Tuy nhiên, sau khi có thông tin Sonic mainnet, giá token FTM của Fantom đã giảm sâu lên đến hơn 15% một phần vì tâm lý “sell the news” của giới đầu tư, một phần vì làn sóng lao dốc của thị trường tiền mã hóa trong sáng ngày 19/12 khi Fed đưa ra bình luận tiêu cực về triển vọng tiếp tục cắt giảm lãi suất trong năm 2025.
Biến động giá token FTM trong 24 giờ gần nhất, ảnh chụp màn hình CoinGecko vào 09:55 AM ngày 19/12/2024
Theo Coinviet tổng hợp
Cùng theo dõi Coinviet.net và xem thêm những tin tức hữu ích khác tại Dexnew.io nhé!