Giữa lúc Quốc hội Mỹ tranh luận về dự luật ngân sách trị giá hơn 3.000 tỷ USD, Thượng nghị sĩ Cynthia Lummis bất ngờ đề xuất một loạt điều chỉnh thuế crypto.
“Nước cờ” giữa cơn bão chính trị
Giữa lúc Quốc hội Mỹ đang căng thẳng tranh luận về một trong những dự luật ngân sách lớn nhất trong nhiều năm – gói ngân sách trị giá hàng nghìn tỷ USD, còn được gọi là “Big Beautiful Bill”, Thượng nghị sĩ Cynthia Lummis đã bất ngờ tung ra một bản sửa đổi có thể làm thay đổi căn bản cách ngành crypto bị đánh thuế.
Trong phiên họp “vote-a-rama” – quy trình cho phép các Thượng nghị sĩ tự do đưa ra hàng loạt sửa đổi trước khi tiến hành bỏ phiếu cuối cùng – bà Lummis đã đưa vào một gói điều chỉnh lớn về thuế crypto, biến tiền mã hóa thành chủ đề “nóng” không kém gì y tế hay năng lượng trong cuộc tranh luận ngân sách năm nay.
Dù chỉ là một phần nhỏ trong dự luật khổng lồ gần 1.000 trang đang gây tranh cãi kịch liệt giữa hai đảng, bản sửa đổi của Lummis lại đang được cộng đồng crypto và các nhóm vận động hành lang đặt kỳ vọng lớn.
Miễn thuế cho giao dịch nhỏ
Trọng tâm đầu tiên của đề xuất là miễn thuế cho các giao dịch crypto nhỏ lẻ dưới 300 USD mỗi lần, với tổng giá trị miễn thuế tối đa 5.000 USD mỗi năm.
Theo luật hiện hành, bất cứ giao dịch crypto nào dù chỉ là mua ly cà phê bằng Bitcoin hay swap vài token trên DEX cũng đều phải kê khai và tính lợi nhuận vốn.
Quy định này khiến hàng triệu người dùng phổ thông rơi vào tình trạng “nghẹt thở” với nghĩa vụ thuế, thậm chí khiến nhiều người ngần ngại không dám sử dụng crypto trong đời sống hàng ngày.
Nếu được thông qua, điều khoản này sẽ là bước đột phá lớn, giúp giảm gánh nặng hành chính, đồng thời thúc đẩy phổ thông hóa crypto ở cấp độ tiêu dùng nhỏ lẻ.
Chấm dứt “đánh thuế hai lần”
Không dừng ở giao dịch nhỏ, Lummis còn nhắm vào một trong những bất công lớn nhất là việc “đánh thuế hai lần” đối với staking, mining và airdrop.
Miner và staker hiện đang bị đánh thuế ngay khi nhận phần thưởng, dù chưa bán. Khi bán token, họ lại tiếp tục bị đánh thuế lần hai trên phần lợi nhuận. Tình trạng tương tự cũng đang diễn ra với airdrop, đánh thuế ngay khi nhận token, kể cả khi người nhận chưa có bất kỳ dòng tiền thực tế nào.
Để giải quyết, bà Lummis đề xuất chỉ đánh thuế khi người dùng bán token ra thị trường, tức là khi tài sản thực sự được quy đổi thành tiền mặt hoặc tài sản có thể sử dụng được. Theo Digital Chamber, đây là “sự sửa sai đã quá hạn từ lâu”, đưa hệ thống thuế Mỹ về đúng nguyên tắc chỉ đánh thuế trên lợi nhuận thực tế.
Một điểm mới khác trong bản sửa đổi, Lummis đề nghị đóng lại lỗ hổng “wash sale” trong crypto, chiêu trò mà nhà đầu tư đã tận dụng suốt nhiều năm qua.
Do crypto chưa bị áp luật “wash sale” như chứng khoán, nhà đầu tư có thể bán lỗ token để khai lỗ giảm thuế, rồi lập tức mua lại cùng loại tài sản mà không gặp bất kỳ rào cản nào. Bản sửa đổi sẽ đưa crypto vào phạm vi điều chỉnh của quy định wash sale, ngăn chặn hành vi lợi dụng chênh lệch giá ngắn hạn để lách thuế.
Ngoài các vấn đề nổi cộm trên, Lummis cũng mong muốn điều chỉnh chính sách thuế đối với lĩnh vực cho vay tài sản số và các khoản đóng góp từ thiện bằng crypto. Theo nữ chính trị gia, mục tiêu chung ở đây là tạo ra một khung pháp lý rõ ràng, nhất quán hơn cho toàn bộ ngành tài sản số.
Sức ép chính trị
Dù nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ cộng đồng crypto và các tổ chức vận động hành lang, song khả năng bản sửa đổi được thông qua vẫn là một dấu hỏi lớn.
Bởi lẽ, Đảng Cộng hòa đang gặp khó khăn trong việc giữ toàn bộ các Thượng nghị sĩ của mình bỏ phiếu thuận, trong khi Đảng Dân chủ thì đồng lòng phản đối. Hơn nữa, lo ngại các khoản cắt giảm vào y tế, các chương trình năng lượng xanh, cùng hàng loạt điểm gây tranh cãi khác trong dự luật gần 1.000 trang này.
Nếu Thượng viện thông qua dự luật với các sửa đổi, Hạ viện sẽ buộc phải bỏ phiếu lại, viễn cảnh đầy bất trắc khi mà lần bỏ phiếu trước đó đã vô cùng sít sao. Thêm vào đó, phân tích ngân sách mới nhất chỉ ra rằng dự luật hiện có nguy cơ làm thâm hụt ngân sách Mỹ tăng thêm hơn 3.000 tỷ USD, càng khiến áp lực chính trị gia tăng.
Theo Coinviet tổng hợp