Kho dự trữ Bitcoin sẽ được quản lý bởi Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ (SNB) với mục tiêu tích lũy Bitcoin như một phần dự trữ quốc gia bên cạnh kim loại vàng.
Chi tiết
Ngày 31/12/2024, một nhóm vận động Bitcoin tại Thụy Sĩ dẫn đầu bởi Giw Zanganeh, Phó Chủ tịch Năng lượng và Khai thác của Tether, cùng nhà sáng lập tổ chức 2B4CH Yves Bennaïm, đã công bố một đề xuất sửa đổi Hiến pháp nước này nhằm cho phép Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ (SNB) nắm giữ Bitcoin.
Cụ thể, đề xuất kêu gọi sửa đổi Điều 99, Khoản 3 của Hiến pháp Liên bang Thụy Sĩ, với nội dung bổ sung:
“Ngân hàng Quốc gia xây dựng dự trữ tiền tệ đủ lớn từ thu nhập của chính mình; một phần dự trữ này bao gồm vàng và Bitcoin.”
Tuy nhiên, tại Thụy Sĩ, bất kỳ đề xuất sửa đổi Hiến pháp nào đều phải trải qua một cuộc trưng cầu dân ý, bởi quốc gia này luôn đặt trọng tâm vào việc đảm bảo các thay đổi lớn trong chính sách, đặc biệt những vấn đề có tác động sâu rộng, phải được sự đồng thuận của người dân.
Để tiến hành trưng cầu dân ý, nhóm vận động cần thu thập ít nhất 100.000 chữ ký, tương đương 1,12% dân số Thụy Sĩ, trước thời hạn ngày 30/06/2026. Nếu đạt được mục tiêu này, Thụy Sĩ có thể sẽ là đất nước tiếp theo nối gót El Salvador, công nhận Bitcoin như một phần trong danh mục dự trữ quốc gia.
Ông Yves Bennaïm cho biết nhóm đã bắt đầu chuẩn bị từ tháng 04/2024 và chọn thời điểm hiện tại để khởi động chiến dịch bởi sự thay đổi tích cực trong cách nhìn nhận Bitcoin trên toàn cầu:
“Chúng tôi đã chờ đợi một thời điểm mà cơ hội, nhận thức và sự chấp nhận hội tụ. Giờ đây, mọi yếu tố cần thiết đều đã sẵn sàng.”
Thụy Sĩ từ lâu đã khẳng định vị thế là trung tâm tài chính toàn cầu, nổi bật với chính sách trung lập và hệ thống ngân hàng được đánh giá cao về độ tin cậy. Việc đưa Bitcoin vào danh mục dự trữ quốc gia được kỳ vọng sẽ thúc đẩy nhận thức và chấp nhận Bitcoin trên toàn cầu.
Mặc dù vậy, Chủ tịch Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ (SNB) Martin Schlegel, trong một tuyên bố vào tháng trước đã bày tỏ quan ngại về tính biến động cao của tiền mã hóa khiến chúng chưa phù hợp để ứng dụng trong bối cảnh tài chính thực tế. Ông Schlegel cũng tiết lộ rằng SNB đang tiến hành dự án thí điểm phát triển CBDC nhằm hỗ trợ thanh toán giữa các tổ chức tài chính.
Trên trường quốc tế, Thụy Sĩ không phải là quốc gia duy nhất xem xét việc đưa Bitcoin vào dự trữ quốc gia. Mới đây, Hong Kong đã đề xuất tích hợp Bitcoin vào quỹ dự trữ quốc gia, một động thái được nhiều người nhận định là bước đệm để Trung Quốc tham gia cuộc đua tích lũy Bitcoin trong thời gian sắp tới.
Những đề xuất này được đưa ra trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump cam kết thành lập quỹ dự trữ Bitcoin nhằm củng cố vị thế dẫn đầu của Hoa Kỳ trong lĩnh vực tiền mã hóa. Một số nhà phân tích thậm chí dự đoán rằng ông Trump có thể sẽ ký sắc lệnh chính thức đưa Bitcoin vào danh mục dự trữ quốc gia, ngay trong ngày đầu tiên trở lại Nhà Trắng.
Trong khi đó, El Salvador tiếp tục khẳng định vị thế tiên phong của mình khi mới đây đã công bố tích lũy được hơn 6.000 BTC. Trong năm qua, quốc gia nhỏ bé này từng ghi nhận lợi nhuận từ khoản đầu tư Bitcoin vượt mốc 300 triệu USD kể từ lần đầu tiên giá Bitcoin lập ATH lịch sử 100.000 USD.
Không kém phần ấn tượng, Bhutan, một quốc gia ít được chú ý, đã tham gia khai thác Bitcoin từ năm 2019 cũng đã ghi lãi “đậm” từ chiến lược nắm giữ Bitcoin của mình.
Theo Coinviet tổng hợp
Cùng theo dõi Coinviet.net và xem thêm những tin tức hữu ích khác tại Dexnew.io nhé!