Trong giao dịch truyền thống như ngân hàng, ví điện tử…, transaction ID (TxID hay mã giao dịch) là một chuỗi số đặc biệt để xác định các giao dịch đã được thực hiện trên hệ thống. Tuy nhiên, chỉ có những bên liên quan đến tài khoản giao dịch (như ngân hàng, chủ sở hữu tài khoản) mới có thể theo dõi và truy xuất thông tin về TxID.
Điều này khác biệt hoàn toàn với giao dịch trong thị trường crypto, khi bất kỳ ai cũng có thể chia sẻ, xem và theo dõi thông tin của mọi TxID trên blockchain. Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về transaction ID trong blockchain là gì, nó được dùng để làm gì và cách tìm TxID trên mạng blockchain như thế nào.
TxID là gì?
TxID (Transaction ID) là chuỗi ký tự bao gồm số và chữ cái, được tạo ra bằng cách mã hoá các dữ liệu liên quan đến một giao dịch tiền điện tử (gửi, mua, bán, vay, staking, farming…) đã được xác thực trên blockchain. TxID còn có tên gọi khác là TxHash, Txn.
Nói cách khác, TxID đóng vai trò như mã định danh để xác định và lưu trữ thông tin của giao dịch tiền điện tử diễn ra trên mạng lưới blockchain. Như vậy:
- Mỗi giao dịch có một TxID.
- Mỗi TxID là duy nhất.
Ví dụ TXID của giao dịch Bitcoin đầu tiên trên thế giới: f4184fc596403b9d638783cf57adfe4c75c605f6356fbc91338530e9831e9e16
TxID trên blockchain được tạo ra như thế nào?
Khi người dùng thực hiện giao dịch trên một blockchain, nó sẽ xử lý giao dịch và tạo TxID dựa trên thuật toán cụ thể. Do đó, không phải blockchain nào cũng có quy trình tạo TxID giống nhau.
Ví dụ: Mạng blockchain của Bitcoin sẽ tạo TxID dựa theo quy trình bao gồm 4 bước chính:
- Chuẩn bị dữ liệu giao dịch: Bao gồm các thông tin chi tiết liên quan đến giao dịch như: địa chỉ ví của bên gửi và nhận, thời gian, giá trị (số lượng token), phí…
- Ký giao dịch: Người thực hiện giao dịch phải ký điện tử để xác minh dữ liệu giao dịch và uỷ quyền xử lý giao dịch cho mạng blockchain.
- Hashing: Sử dụng thuật toán hàm băm mật mã hoá cụ thể (như SHA-256) để mã hoá các thông tin đầu vào (bao gồm dữ liệu giao dịch và chữ ký điện tử của người dùng) thành một giá trị băm (hash) cuối.
- Xác định TxID: Giá trị băm được gán là TxID, đại diện cho giao dịch người dùng đã thực hiện trên mạng Bitcoin. Do đó, TxID còn được gọi là TxHash.
Tính chất của transaction ID trên blockchain
Transaction ID (TxID) trên blockchain sẽ thừa hưởng và duy trì những đặc điểm, tính chất của công nghệ blockchain như:
- Tính toàn vẹn: Giao dịch đã được xác thực và ghi lên blockchain sẽ không thể bị thay thế hoặc sửa đổi, do đó TxID cũng là bất biến.
- Tính minh bạch: Các thông tin giao dịch trên blockchain đều được công khai, cho phép bất kỳ ai cũng có thể kiểm tra, truy xuất lịch sử giao dịch nhanh chóng thông qua TxID.
- Tính ẩn danh: TxID không chứa thông tin liên quan đến danh tính người dùng (như tên, tuổi, quốc tịch…). Blockchain đề cao tính ẩn danh, người dùng không bắt buộc phải cung cấp các thông tin cá nhân để tạo địa chỉ ví và thực hiện giao dịch.
TxID dùng để làm gì?
Kiểm tra thông tin giao dịch
Mỗi TxID đại diện cho từng giao dịch đã diễn ra trên blockchain. Do đó, TxID đóng vai trò như một “biên lai” để chứng minh rằng giao dịch đã được thực hiện và tiền của bạn đã được chuyển đến cho một người khác thông qua địa chỉ ví công khai.
Người dùng có thể sử dụng TxID để tra cứu tất tần tật thông tin liên quan tới giao dịch đó thông qua trình khám phá của blockchain (blockchain explorer), bao gồm:
- Status (trạng thái giao dịch): Hoàn thành, không hoàn thành, đang chờ, đang xử lý…
- Block (khối): Giao dịch thuộc khối nào trên blockchain
- Timestamp: Thời gian tạo ra giao dịch.
- From – To: Địa chỉ ví của bên gửi và bên nhận.
- Value: Giá trị giao dịch (hiển thị dưới dạng số lượng token).
- Transaction fee: Phí giao dịch.
Theo dõi luồng giao dịch và truy vết tội phạm
Theo dõi TxID cũng giúp ích trong việc truy quét dấu vết của tội phạm trong thị trường crypto. Tiền điện tử đã trở nên phổ biến hơn theo thời gian, tuy nhiên, kéo theo đó là việc các hacker lợi dụng thị trường này để thực hiện các hành vi lừa đảo và phạm pháp. Hàng loạt vụ exploit đã diễn ra với mọi quy mô từ nhỏ đến lớn.
Điển hình là vụ hack sàn Bitfinex năm 2016 đã gây chấn động toàn thị trường crypto lúc bấy giờ. Hacker đánh cắp gần 120,000 BTC (giá trị khoảng 72 triệu USD tại thời điểm đó). Bộ Tư pháp Hoa Kỳ (U.S. Department of Justice) đã tham gia điều tra sự việc, liên tục theo dõi giao dịch và truy được địa chỉ ví của hacker thông qua TxID.
Gần 120,000 BTC bị hack được chuyển vào trong 1 ví Bitcoin và hầu như không được sử dụng trong nhiều năm, vì hacker biết là mình đang bị theo dõi bởi cơ quan điều tra. Tuy nhiên, hắn đã nghĩ ra nhiều cách để “rửa” số BTC này ra tiền, bằng cách chuyển BTX giữa các ví và các sàn với nhau để đánh lạc hướng.
Sau đó, nỗ lực rửa tiền của hacker đã bị dập tắt khi FBI truy ra những giao dịch đó và tiến hành bắt giữ hacker là cặp đôi vợ chồng: Ilya Lichtenstein (34 tuổi) và vợ Heather R. Morgan (31 tuổi) vì tội lừa đảo. Số tiền bị hack được thu hồi và nạn nhân có thể nhận lại được số BTC đã mất.
Tuy nhiên, phải sau gần 6 năm kể từ 2016, đến năm 2022 thì sự việc mới được làm rõ.
Trong vụ việc này, TXID là yếu tố đóng vai trò thiết yếu giúp cơ quan điều tra theo dõi số tiền bị hack và lần theo từng dấu vết để truy ra kẻ phạm tội.
Cách tìm TxID trên blockchain
Sau khi thực hiện một giao dịch tiền điện tử trên bất kỳ nền tảng nào như sàn tập trung (CEX), sàn phi tập trung (DEX), ứng dụng phi tập trung (dApp)…, tất cả TxID của người dùng sẽ được hiển thị ở mục lịch sử giao dịch trên nền tảng.
Chỉ cần tìm và bấm vào TxID của giao dịch, nền tảng sẽ điều hướng người dùng sang trang explorer của blockchain đó để kiểm tra mọi thông tin liên quan.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng mỗi blockchain sẽ có nhiều explorer, được tạo bởi chính dự án phát triển blockchain hoặc bởi một bên thứ ba khác. Người dùng cần cẩn trọng và kiểm tra thật kỹ thông tin dự án để đảm bảo độ uy tín và tính chính xác của dữ liệu mà explorer cung cấp.
Một số explorer được sử dụng phổ biến trên các blockchain:
- Bitcoin: https://www.blockchain.com
- Ethereum: https://etherscan.io
- BNB Chain: https://bscscan.com
- Solana: https://solscan.io
- Polygon: https://polygonscan.com
- Avalanche: https://snowtrace.io
Ngoài ra, người dùng có thể truy cập CoinGecko hoặc CoinMarketCap để tìm token và các explorer của blockchain đó.