Quy định MiCA sẽ chính thức có hiệu lực từ 30/12/2024, đặt Tether trước thách thức lớn với nguy cơ stablecoin USDT bị huỷ niêm yết tại châu Âu.
Chi tiết
Ngày 30/12/2024, các sàn giao dịch tiền mã hóa tại Liên minh Châu Âu (EU) sẽ chính thức áp dụng quy định MiCA (Markets in Crypto Assets), yêu cầu các stablecoin phải tuân thủ những tiêu chuẩn nghiêm ngặt về minh bạch và dự trữ tài chính. Đây được xem là bước ngoặt lớn trong việc quản lý thị trường tiền mã hóa tại khu vực này.
Tuy nhiên, USDT, stablecoin lớn nhất thế giới do Tether phát hành, lại đang phải đối mặt với nguy cơ bị gỡ bỏ khỏi các sàn giao dịch Châu Âu. Nguyên nhân là Tether hiện không đáp ứng được các yêu cầu mà MiCA đặt ra.
Luật Thị trường Tài sản Tiền mã hóa (MiCA) của EU được khởi xướng từ tháng 9/2020 và thông qua vào tháng 04/2023, là khung pháp lý crypto toàn diện và thống nhất giữa các thành viên trong khu vực. Trong khuôn khổ quy định, MiCA cũng đặt ra hàng loạt điều kiện đối với việc phát hành stablecoin ở châu Âu.
Được Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) giám sát, quy định này yêu cầu tất cả stablecoins phải báo cáo định kỳ và đầy đủ về tài sản bảo chứng, minh bạch các khoản dự trữ nhằm đảm bảo tính thanh khoản và khả năng quy đổi tức thì của stablecoin.
Về phía Tether, công ty này lại không thực hiện kiểm toán định kỳ đầy đủ theo tiêu chuẩn của MiCA, thay vào đó chỉ cung cấp các báo cáo xác thực tài sản(attestations) hàng quý do một bên thứ ba thực hiện.
Những báo cáo này chỉ xác minh tổng giá trị tài sản bảo chứng so với lượng USDT lưu hành. Tuy nhiên, chúng không cung cấp thông tin chi tiết về số lượng, nguồn gốc hay tính thanh khoản của các tài sản, khiến Tether không đủ điều kiện để nhận giấy phép hoạt động tại Châu Âu theo quy định MiCA.
Điều này đã khiến nhiều sàn giao dịch hàng đầu tại EU như Coinbase, Crypto.com thông báo hủy niêm yết USDT tại thị trường Châu Âu.
Ngoài ra, một số người dùng còn chia sẻ hình ảnh cho thấy USDT đã không còn xuất hiện trên thanh tìm kiếm token của Binance tại khu vực EU, làm dấy lên lo ngại rằng Binance cũng sẽ sớm gỡ bỏ stablecoin này.
Cộng đồng crypto ngay lập tức đặt ra viễn cảnh đen tối cho toàn thị trường nếu USDT, đồng tiền mã hóa có vốn hóa lớn thứ 3 trên toàn thị trường rơi vào khủng hoảng. Phần lớn đều cho rằng, việc USDT bị huỷ niêm yết tại Châu Âu sẽ gây ra:
- Khủng hoảng thanh khoản: USDT hiện là stablecoin lớn nhất thế giới, chiếm hơn 67% thanh khoản trong giao dịch stablecoin toàn cầu. Nếu USDT bị gỡ bỏ tại Châu Âu, thanh khoản trên các sàn giao dịch sẽ giảm mạnh, khiến thị trường crypto biến động trong thời gian sắp tới.
- Nguy cơ sụp đổ: Nếu Tether buộc phải công khai dự trữ tài sản và không đáp ứng được các tuyên bố trước đây sẽ kích hoạt làn sóng bán tháo ồ ạt từ người dùng, châm ngòi cho cuộc khủng hoảng trên toàn thị trường tương tự như vụ sụp đổ đầy ám ảnh của LUNA-UST.
Bất chấp tin đồn, USDT vẫn giữ vững được sự ổn định, thậm chí vốn hóa của stablecoin này còn lập ATH 140 tỷ USD tuần trước, và hiện đang dao động quanh mức 138,7 tỷ USD với giá 0,9981 USD, không có dấu hiệu depeg dù đối mặt lo ngại hủy niêm yết.
Biến động vốn hóa USDT trong 1 tháng gần nhất. Ảnh: CoinGecko (29/12/2024)
USDT khó có khả năng sụp đổ ngay cả khi bị cấm tại Châu Âu
Tính linh hoạt trong quy định MiCA
Kể từ sau ngày 30/12/2024, quy định MiCA chính thức có hiệu lực, nhưng sẽ không lập tức áp dụng triệt để hoặc tạo ra sự thay đổi tức thời đối với các stablecoin như USDT. Thay vào đó, MiCA sẽ bước vào giai đoạn chuyển tiếp kéo dài 18 tháng, kết thúc vào 01/07/2026 với lộ trình như ảnh dưới.
Lộ trình của quy định MiCA
Một số điểm chính cần lưu ý bao gồm:
- Các tổ chức đã cung cấp dịch vụ tài sản tiền mã hóa trước khi MiCA có hiệu lực (bao gồm Tether và các stablecoin khác) có thể tiếp tục hoạt động tạm thời mà không bị cấm ngay lập tức.
- Trong giai đoạn chuyển tiếp, các tổ chức có thể nộp đơn xin cấp phép hoạt động theo quy trình đơn giản hóa.
- Không ảnh hưởng ngay đến quyền sở hữu cá nhân: MiCA chủ yếu tập trung vào việc quản lý các nhà phát hành stablecoin và các sàn giao dịch, chứ không hạn chế quyền sở hữu hoặc giao dịch của cá nhân. Người dùng tại EU vẫn có thể giữ USDT trong ví Web3 và trên sàn DEX.
Vì vậy sau ngày 30/12/2024, MiCA sẽ bắt đầu áp dụng với lộ trình thực thi rõ ràng nhưng không dẫn đến việc các stablecoin như USDT bị gỡ bỏ ngay lập tức, giúp các nhà phát hành có thời gian điều chỉnh để tuân thủ quy định.
Bên cạnh đó, những tin đồn về khả năng bị hủy niêm yết tại EU vì không đáp ứng quy định MiCA chỉ gây ra ảnh hưởng cục bộ, trong khi phần lớn thị trường toàn cầu (Mỹ, Châu Á, và các khu vực khác) vẫn sử dụng USDT như bình thường.
Chu kỳ FUD của Tether lặp lại hàng năm
Hầu như mỗi năm một lần, Tether (USDT) lại trở thành tâm điểm của các làn sóng FUD. Tuy nhiên, lịch sử đã chứng minh rằng những cáo buộc này chưa bao giờ làm lung lay vị thế của stablecoin này. Từ năm 2017 đến nay, Tether đã nhiều lần đối mặt với chỉ trích và các cuộc điều tra lớn có thể kể tới như:
- 2017: Tether hứa hẹn sẽ thực hiện kiểm toán đầy đủ về tài sản bảo chứng. Đây là khởi đầu cho những nghi ngờ xoay quanh tính minh bạch của công ty.
- 2018: USDT đã bị nghi ngờ về hành vi thao túng giá Bitcoin trong năm 2017
- 2019: Chính quyền New York cáo buộc Bitfinex sử dụng tiền của Tether để “đắp lỗ” 850 triệu USD
- 2021: Tether và Bitfinex bị phạt 42,5 triệu USD về vấn đề bảo chứng stablecoin USDT
- 2022:
- Tether bị Tòa án New York yêu cầu xuất trình phần lớn tài liệu liên quan đến việc bảo chứng USDT.
- USDT bị tuyên bố lại rơi vào tầm ngắm pháp lý của Mỹ.
Bất chấp những cáo buộc và cuộc điều tra kéo dài, USDT vẫn vững vàng ở vị trí là stablecoin trụ cột của thị trường crypto. Những làn sóng FUD, dù liên tục xuất hiện, đã trở thành một phần quen thuộc trong hành trình đối với công ty này. Điều đáng chú ý là thay vì bị ảnh hưởng tiêu cực, Tether không chỉ duy trì vị thế của mình mà còn tiếp tục phát triển mạnh mẽ qua từng năm.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng mỗi khi FUD nhắm vào Tether và USDT xuất hiện, đó thường là tín hiệu cho thấy thị trường đã chạm đáy và tăng trưởng mạnh trong giai đoạn sắp tới.
Tether đã chuẩn bị từ trước, đầu tư vào StablR để tuân thủ quy định MiCA
Tether đã cho thấy sự chủ động và chiến lược dài hạn khi đối mặt với những thách thức từ quy định MiCA tại châu Âu. Mới đây, công ty đã thông báo đầu tư vào StablR, đơn vị cung cấp stablecoin tại châu Âu (EU), như một phần trong chiến lược thúc đẩy việc ứng dụng tài sản kỹ thuật số tuân thủ quy định tại thị trường EU.
Động thái này của Tether cho thấy công ty này không chỉ tìm cách duy trì sự hiện diện tại thị trường Châu Âu mà còn đưa StablR trở thành “phương án dự phòng” nếu USDT không thể đáp ứng kịp thời các tiêu chuẩn của MiCA, đảm bảo rằng người dùng tại EU vẫn tiếp tục được tiếp cận với các stablecoin do Tether cung cấp, duy trì vị thế của công ty.
Điểm nổi bật trong sự hợp tác này là StablR đã tích hợp với Hadron – nền tảng token hóa tài sản thực (RWA) mà Tether vừa ra mắt vào cuối tháng 11. Hadron cho phép chuyển đổi gần như mọi loại tài sản truyền thống, từ cổ phiếu, trái phiếu đến tiền pháp định, thành các token kỹ thuật số.
Theo CEO Tether, Paolo Ardoino, nền tảng Hadron đang thu hút sự chú ý từ các tổ chức tài chính châu Âu, ông còn mỉa mai rằng:“Các tổ chức tại châu Âu đang xếp hàng để sử dụng Hadron.” Tuyên bố này đã ngầm khẳng định vị thế vững chắc của công ty thay vì những lo ngại mà cộng đồng đang lan truyền.
Phản ứng từ CEO Tether
Giữa làn sóng FUD dâng cao, CEO Tether, Paolo Ardoino, tỏ ra hoàn toàn bình thản trước những lời đồn đoán xoay quanh USDT. Với ông, đây chẳng khác gì “chuyện thường ngày ở huyện” đối với Tether. Ardoino thậm chí còn hài hước nhận định rằng FUD nhắm vào Tether dường như đã trở thành một “nghi thức không thể thiếu” trong mỗi chu kỳ bull run của thị trường tiền mã hóa.
Khi được hỏi về khả năng USDT sớm tuân thủ các quy định MiCA và mối lo ngại về việc nhiều sàn giao dịch CEX có thể gỡ bỏ stablecoin này, CEO Tether đã thẳng thắn đặt câu hỏi ngược lại rằng: “Hiện tại có bao nhiêu sàn thực sự thông báo hủy niêm yết USDT?” và trên thực tế, chỉ duy nhất Coinbase xác nhận điều này.
Ông nhấn mạnh:
“Việc một sàn thông báo hủy niêm yết không thể gọi là ‘nhiều’ như bạn nói. Tôi vẫn sẽ giữ vững niềm tin vào USDT.”
Thêm vào đó, Paolo Ardoino, CEO của Tether, không ngần ngại chỉ trích những bài FUD nhắm vào Tether, cho rằng đây là những nỗ lực có tổ chức nhưng thiếu hiệu quả từ các đối thủ cạnh tranh. Với lời lẽ đanh thép, ông tuyên bố:
“Nếu bạn nhìn vào tiểu sử trên X của những người tạo ra FUD về Tether, bạn sẽ dễ dàng nhận ra động cơ của họ. Đây là một chiến dịch kém hiệu quả, phối hợp lỏng lẻo, do các đối thủ thúc đẩy.”
Điều đáng chú ý là cộng đồng nhanh chóng phát hiện các bài đăng nhắm vào USDT có liên quan đến cộng đồng XRP. Sự trùng hợp này trở nên rõ ràng khi Ripple, công ty blockchain đứng sau XRP Ledger, thông báo ra mắt stablecoin RLUSD vào ngày 17/12, làm dấy lên nghi ngờ rằng những bài FUD Tether có thể là một phần trong chiến lược nhằm tạo đà cho RLUSD và định vị stablecoin này như một lựa chọn “an toàn hơn” so với USDT.
Theo Coinviet tổng hợp
Cùng theo dõi Coinviet.net và xem thêm những tin tức hữu ích khác tại Dexnew.io nhé!