Dự luật chống CBDC vẫn còn vướng rào cản tại đảng Dân chủ, họ lo ngại Mỹ sẽ tụt lại trong cuộc đua đổi mới công nghệ.
Cuộc chiến chính trị xoay quanh CBDC
Dự luật Anti-CBDC Surveillance State Act (HR 1919), nhằm ngừng phát triển tiền tệ kỹ thuật số của Ngân hàng Trung ương (CBDC) tại Mỹ, đã được Ủy ban Dịch vụ Tài chính Hạ viện thông qua, với 27 phiếu thuận và 22 phiếu chống.
Dự luật này được xem như một biện pháp quan trọng để bảo vệ quyền riêng tư tài chính và chủ quyền người dân Mỹ khỏi sự kiểm soát quá mức của chính phủ.
Dân biểu Tom Emmer của đảng Cộng hòa là tác giả của dự luật chống CBDC, lần đầu giới thiệu vào năm 2023. Sau khi được thông qua tại Ủy ban Dịch vụ Tài chính Hạ viện và Hạ viện Mỹ vào năm 2024, dự luật này đã được chuyển lên Thượng viện. Tuy nhiên, lịch bỏ phiếu đã không được ấn định trước khi Quốc hội Hoa Kỳ khóa 118 kết thúc vào tháng 1.
Đến ngày 06/03/2024, Emmer tái giới thiệu dự luật này, khẳng định CBDC có thể trở thành công cụ kiểm soát tài chính và giám sát người dân một cách toàn diện.
Emmer không ngần ngại gọi CBDC là “tiền lập trình” dưới sự kiểm soát của chính phủ, cảnh báo việc triển khai CBDC có thể bóp nghẹt tự do tài chính và quyền riêng tư của người dân. Ông nhấn mạnh, nếu trở thành hiện thực, CBDC sẽ là công cụ giám sát mạnh mẽ và có thể được dùng để ngăn chặn những hoạt động không được ủng hộ.
Tuy nhiên, các nghị sĩ đảng Dân chủ lại có quan điểm trái ngược. Họ lo ngại việc cấm CBDC sẽ khiến Mỹ tụt lại phía sau trong cuộc đua đổi mới công nghệ thanh toán.
Đại diện Maxine Waters, một trong những người phản đối dự luật, cho rằng việc ngừng phát triển CBDC sẽ làm suy yếu vị thế của đồng đô la – đồng tiền dự trữ toàn cầu – trong khi các cường quốc như Trung Quốc và Liên minh châu Âu đang đẩy mạnh nghiên cứu và phát triển CBDC.
Tương lai của CBDC còn… khó nói
Tính đến tháng 10/2023, đã có khoảng 134 quốc gia và liên minh tiền tệ, chiếm 98% GDP toàn cầu, đang khám phá hoặc phát triển CBDC. Đặc biệt, 66 quốc gia trong số này đã tiến hành nghiên cứu ở mức độ cao. Trong khi đó, tại Mỹ, cuộc tranh luận vẫn chưa có hồi kết, khi các quan điểm về lợi ích và rủi ro của CBDC tiếp tục mâu thuẫn.
Vào tháng 1, Tổng thống Donald Trump, đại diện cho cánh hữu, cũng đã ký một sắc lệnh hành pháp nhằm bảo vệ người dân Mỹ khỏi CBDC. Ông nhận định CBDC có thể đe dọa chủ quyền quốc gia, ổn định tài chính và quyền riêng tư của công dân. Sắc lệnh có nhiều tương đồng với dự luật chống CBDC của Emmer.
Cùng lúc đó, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Jerome Powell và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent cũng bày tỏ quan điểm chỉ trích CBDC. Powell tuyên bố Fed sẽ không phát hành bất kỳ loại tiền số nào, còn Bessent khẳng định không cần thiết phải có CBDC ở thời điểm hiện tại.
Ủy ban Dịch vụ Tài chính của Hạ viện còn đang thảo luận về dự luật điều chỉnh stablecoin, rõ ràng là cuộc tranh luận về tiền số sẽ không sớm kết thúc. Sự đối đầu giữa những người bảo vệ quyền riêng tư và những người ủng hộ đổi mới công nghệ sẽ tiếp tục chi phối các cuộc thảo luận tại Quốc hội Mỹ trong thời gian tới.
Theo Coinviet tổng hợp
Cùng theo dõi Coinviet.net và xem thêm những tin tức hữu ích khác tại Dexnew.io nhé!