Trending

Đây là một trong những lần hiếm hoi trong đời Jack Vĩ khóc. Cậu khóc ba ngày. Sáng mở mắt đã muốn khóc. Tối đi ngủ cũng muốn khóc. Đi đánh cầu lông – môn thể thao yêu thích của mình, Vĩ không cầm nổi cây vợt. Không muốn gặp ai. Không muốn làm gì.

Khi nào một người đàn ông khóc? Ca sĩ Lý Hải hát: “Khi bao nhiêu cơn mơ chắp cánh bay xa vời, thì người đàn ông cũng phải khóc giống như ai.” Và với Jack Vĩ, cơn mơ đó mang tên: “Hold coin kiếm tiền”.

Teaser khởi động – đánh đâu thua đó

Sinh ra trong gia đình có truyền thống kinh doanh, ngay từ nhỏ Vĩ đã đam mê kiếm tiền bất tận. Từ lớp 5, cậu tập thói quen đọc báo kinh tế mỗi ngày. Sau này, vừa đi học anh chàng vừa “chạy sô” nhiều nghề: sale bất động sản, phát tờ rơi, bán quần áo, buôn vải, dọn kho vải,…

Mất tiền – trách ai bây giờ?

Vào năm 2017, khi đang học lớp 12, lần đầu tiên Vĩ nghe về Bitcoin và biết tin BTC tăng từ $8K – $15K. Vô cùng tò mò, đêm hôm đó ở lớp học thêm Toán, trong lúc các bạn đang cặm cụi đạo hàm, sin cos tan cotg cộng trừ, cậu hỏi thầy:

– “Ngoài BTC, còn coin nào có thể giúp mình kiếm tiền không thầy?”

– “Thầy có một người bạn đang chơi coin, lãi rất cao. Thầy cũng đang chơi. Em có muốn thử không?”

Thế là thầy giáo giới thiệu Vĩ với một người mà đến sau này anh chàng chỉ đơn giản gọi là “Chú”. Chú đang chơi coin HYIP siêu lợi nhuận, một vốn mấy trăm lời.

“Cháu gửi tiền vào, họ sẽ trả lãi hàng ngày cho cháu. Nhưng nhớ: phải rút tiền ra sớm,” Chú nói.

Vĩ vâng dạ. Cậu đem $2,500 bỏ vào các dự án như Cloud, SBO, SCF,… Một ngày Vĩ ngồi không nhận mấy chục đô tiền lãi. Lóa mắt vì những con số trên trời, anh chàng đã quên lời Chú. Đến tháng thứ sáu, khi cũng đang trong một lớp học thêm, Vĩ nghe tin sàn sập. Chủ sàn đã ôm đống tiền cao chạy xa bay, để lại một đứa nhóc cuối cấp với cơn sốc đầu đời. Vĩ nhìn trân trân những công thức ngoằn ngoèo trên bảng, nhưng chỉ thấy sững sờ.

Những dự án MLM Vĩ từng tham gia

Mất tiền nhưng Vĩ không trách sàn, chỉ trách bản thân vì tham nên đã không rút tiền ra. Con đường này, cậu vẫn còn đam mê lắm.

Mua coin theo… màu logo

Vĩ bắt đầu tìm hiểu coin chính thống và công nghệ blockchain, Forex, chứng khoán và những kênh đầu tư khác. Nhưng vì là một fan hâm mộ thuyết phi tập trung của Bitcoin, nên đến cuối Vĩ vẫn quay về crypto. Tuy nhiên, lúc đó những kênh cung cấp kiến thức sâu về thị trường rất hiếm, Vĩ chọn mua coin trên tiêu chí gì?

“Tao thấy coin nào có logo đẹp thì mua. Nhất là logo có màu xanh biển, tao thích màu này, nên cứ xanh biển là múc” – Vĩ trả lời một người bạn.

Kết quả, Vĩ lỗ $250 vì kiểu đầu tư “theo màu” mới lạ này.

Và cũng như bao “chú nai tơ” mới bước chân vào thị trường, Vĩ liên tiếp mua đỉnh bán đáy. Thấy con nào lên tầm 10% lại FOMO mua ngay vì sợ hụt kèo, nhưng khi coin giảm 20% – 30% thì cắt lỗ ngay tắp lự.

Ngoài hold, cậu còn stake. Vẫn là ngựa quen đường cũ, thấy Binance trả lãi không cao, cậu đi tìm những sàn trả lãi cao. Và những sàn này không gì khác ngoài sàn rác, coin không có thanh khoản.

“Tao nhận lại coin đem đi bán, nhưng lỗ thêm $200” – Vĩ cay đắng kể với bạn.

Coin rác trả lãi 1%/ngày trên sàn Yobit

“Phát tài trong vòng 30 giây”?

Năm 2018, Vĩ tìm đường vào Telegram và được phím kèo mua coin. Anh chàng mua 10 coin và lời được chút đỉnh, nhưng đùng một phát thị trường sập, lỗ hết. Nhưng Vĩ tìm ra trò mới: Wefinex và Binary Option (quyền chọn nhị phân).

“Phát tài trong vòng 30 giây. Trong 30 giây, hãy đoán xem giá BTC tăng hay giảm.” Nghe quảng cáo Vĩ lao vào chơi, nhưng đoán 10 lần sai cả 10. Cậu cố tìm ra quy luật, nhưng sàn chính là luật, sàn thích giết lúc nào thì giết. Và sàn giết Vĩ chết tươi. Chung cuộc, anh chàng mất trắng $400.

Vĩ tìm ra trò mới: Wefinex 

Sau gần hai năm trong thị trường, Vĩ chưa rút ra một đồng, và tháng nào cũng đều đặn bỏ vào $50 – $100. Nhưng chơi hoài vẫn cứ lỗ hoài. Phi vụ này mất vài trăm đô, kèo kia mất thêm vài trăm đô… Vĩ thật sự không nhớ mình đã “nướng” bao nhiêu tiền vào đây. Năm 2019, cậu quyết định dành một năm nghỉ “dưỡng thương” và tìm hiểu sâu hơn về thị trường. Anh chàng tin mình đã đi qua thời điểm đen tối nhất trong bộ phim cuộc đời, nhưng đâu ngờ rằng đó chỉ mới là đoạn teaser.

Ngã xuống mùa 1 – mượn vài nghìn đô đầu tư và cái kết

“Hold tiếp đi em, không cần sợ”

Giữa năm 2020, trong một lần lang thang tìm kèo trong Telegram, Vĩ tình cờ thấy có kèo dài hạn với hàng loạt con như SOL, BAND, LUNA, OGN, TRB, KAVA, KSM,… Lúc đó, anh chàng đang đi chơi ở Đà Lạt, cái lạnh của thành phố sương mù không làm cậu rén tay.

Vĩ mua liền SOL, BAND và nhiều con khác. Hầu hết những con Vĩ mua đều bay, và lần đầu tiên trong đời, cậu chứng kiến tài khoản của mình x2, x3 liên tiếp. Chỉ những ai thua trắng không biết bao nhiêu lần mới hiểu cảm giác vị chiến thắng lần đầu ngọt ngào đến thế nào. Vĩ lâng lâng như đang bay trong thế giới khác.

Với sự ngây thơ của một người mới, Vĩ nghĩ đã mua con nào thì con đó phải tăng, coin giảm một phát là sợ không ngủ được. Thế nào lúc đó BAND lại giảm 20%, Vĩ lo lắng nhắn cho anh chủ Group. Anh trả lời: “Hold tiếp đi em, không cần sợ.” Vĩ yên lòng hold tiếp và cuối cùng BAND cũng x3.

Tin rằng từ đây mọi thứ chỉ có thăng hoa, Vĩ quyết định tăng vốn. Lúc này cậu đang cầm trong tay khoảng $7K –  tất cả số tiền dành dụm.

“Đó là toàn bộ số tiền Tết, tiền tiêu vặt hàng tháng, tiền đi làm của mình. Mình như một bà mẹ chắt chiu từng đồng cho con đi học Đại học. Nhịn trà sữa, nhịn cà phê, có khi nhịn cả ăn sáng, tất cả để chuẩn bị cho giây phút này,” – Vĩ nói.

Mượn mẹ $15K đầu tư crypto

Nhưng thấy $7K vẫn chưa đủ “đô”, Vĩ quyết định mượn thêm tiền mẹ. Đêm hôm đó, trong căn nhà ở quận 5, cậu dõng dạc nói với mẹ: “Mẹ cho con vay $15K để đầu tư crypto”. Mẹ nhìn Vĩ một lúc, không nói gì. Cậu biết mẹ tin tưởng mình, vì cậu không phải đứa tiêu xài phung phí. Đợt vừa rồi mượn mẹ $40K để lặn lội ra Hà Nội mua vải về bán, anh chàng đã trả đủ cho mẹ không thiếu một xu và bỏ túi $1,500 tiền lãi.

Mẹ đi vào phòng và đem ra một quyển sổ nợ. Đây là thông lệ của gia đình, vay mượn đều phải có giấy trắng mực đen rõ ràng. Vĩ ký vào tờ giấy nợ, không hề run tay. Cầm $22K cậu all-in vào các kèo tiềm năng. Anh chàng bơm tiền vào coin cuối mùa – những đồng coin định mệnh.

Sổ ghi chép số tiền Vĩ vay của mẹ

Tháng 9/2020, thị trường sập, toàn bộ coin chia 2, chia 3. Nhưng đồng coin Vĩ chi mạnh tay nhất thì dump vào lòng đất và tát cậu bé thơ ngây trở về với thực tại khốc liệt. $15K của Vĩ bốc hơi, tính ra khoảng 300 triệu đồng. Giai đoạn đầu x2 thì x trên số vốn 100 triệu, nhưng bây giờ chia thì chia 4, chia 5 trên số vốn 500 – 600 triệu.

Vĩ không tin nổi đây là sự thật. Mới giây phút trước cậu còn cầm trong tay một số tiền to cùng với hy vọng cũng bự không kém, nhưng bây giờ tiền mất, hy vọng cũng vỡ vụn. Vĩ nhìn đôi giày mòn cũ của mình và nhớ ra một năm nay để tiết kiệm tiền cậu đã không mua một đôi giày mới nào. Bây giờ thì mất hết rồi.

X2 vận xui

Nhưng vận xui không đi một mình. Trong một lần chuyển tiền qua sàn hotbit nhưng sàn không nhận được, một người tự xưng là supporter của sàn yêu cầu Vĩ chuyển $300 để hỗ trợ mở khóa, cậu đồng ý, nhưng hóa ra đây là một cú lừa. Tiếp sau đó, do sơ suất cậu chuyển $200 nhầm chain và cũng mất tiệt.

Số tiền không nhiều nhưng hai cú này bồi thêm vào trận thua lỗ trước đó đánh gục Vĩ. Bản thân cậu cũng mắc chứng trầm cảm từ trước, nỗi lo lắng và sợ hãi ập đến cùng một lúc khiến bệnh tái phát nặng. Gánh nặng tâm lý gần như không chịu nổi.

Vĩ khóc mấy ngày liền. Cậu không nhớ trong đời mình đã có lần nào khóc nhiều như vậy chưa. Mỗi hơi thở đều nhắc Vĩ về số tiền đã mất, số tiền mà cậu đã tích cóp trong 15 năm ròng. Số tiền thấm mồ hôi của những ngày bán quần áo từ 8 giờ sáng đến 11 giờ khuya với đồng lương 18K/tiếng, những ngày đứng phát tờ rơi ở ngã tư mồ hôi ướt đầm áo, những ngày chạy xe máy một mạch từ Sài Gòn về Tiền Giang để sale bất động sản,… Chỉ có lúc chìm vào giấc ngủ chập chờn hàng đêm cậu chàng tội nghiệp mới tạm quên đi nỗi khổ của mình.

Quãng đường Vĩ chạy xe từ Sài Gòn xuống Tiền Giang

Nhìn con trai tiều tụy xơ xác, mẹ Vĩ an ủi:

– “Thôi xem như đây là một bài học.”

– “Con đang suy sụp muốn chết mà sao xem đây là bài học được” – Vĩ đáp.

– “Con không cần trả tiền cho mẹ vội đâu.”

Nhưng “của mượn là của lo”, dù đó là tiền mượn của mẹ ruột mình. Vĩ bán tống bán tháo rất nhiều đồng coin trả nợ cho mẹ để tạm yên lòng. Cậu bán một nửa SOL ở giá $3, và có lẽ đây là một trong những điều về sau cậu tiếc nuối nhất.

Làm lại mùa 2 – xây portfolio thơm phức

Thua đậm nhưng không trách thị trường

Dù chìm trong cơn tuyệt vọng cùng cực, nhưng Vĩ vẫn theo sát thị trường: tìm hiểu về các dự án kĩ hơn, nghe ngóng các kèo share và làm retroactive,… Đối với cậu, crypto nhiều hơn là một cuộc chơi hay một kênh đầu tư. Nó gần với cuộc sống mà cậu mong muốn: học thực, làm thực và đau cũng thực – khác xa với mớ lý thuyết cậu học trên trường. 80% kiến thức hiện có của Vĩ đều đến từ thị trường crypto.

Vào một ngày đẹp trời, bỗng nhiên Uniswap retro cho Vĩ 400 UNI (~ $1K). Cầm số tiền trên trời rơi xuống, tự dưng anh chàng thấy mình yêu đời trở lại, cuộc sống lại mở ra vô vàn tiềm năng chờ cậu khai phá. Vĩ quyết định xoay vốn để bắt đầu lại hành trình crypto.

Sau sự kiện thị trường sập, như sự vô lý vẫn thấy ở những đám đông thiếu lý trí –  lúc thắng kèo thì ăn mừng lặng lẽ, lúc thua lỗ thì um sùm rùm bem – một bộ phận cộng đồng quay lại chửi rủa mạt sát Coin98.

– “Mày có bao giờ oán trách thị trường hay hối hận vì đã nghe lời những người share kèo?” – một người bạn hỏi Vĩ.

– “Dù thua đậm nhưng chưa bao giờ tao trách thị trường, dù chỉ một lần. Mình thua vì mình lanh chanh FOMO, không tìm hiểu kỹ dự án. Thông tin người share kèo đưa ra là hoàn toàn miễn phí, mình nghe theo thì lời ăn lỗ chịu.” – cậu trả lời.

Đủ duyên cơ hội sẽ đến

Anh chàng soạn một lá đơn tâm huyết để ứng tuyển vào Coin98.

Một phần CV của Vĩ khi nộp đơn vào Coin98

Nhưng Vĩ rớt! Cậu nhắn tin hỏi anh Thanh và nhận lại câu trả lời: “Khi nào đủ duyên tự ắt cơ hội sẽ đến.” Và anh chàng quyết tâm tích cóp đủ “duyên” để vào làm tại Coin98.

Anh Thanh trả lời Vĩ

Không bán C98 vì bất kỳ lý do gì

Lúc này, Coin98 cũng bước vào mùa 2 call kèo. Mùa 2 có 11 con, SOL được call lại. Không như mùa trước nhắm mắt mua theo, lần này Vĩ bỏ thời gian phân tích từng con một: số lượng người dùng, tốc độ giao dịch, dàn backer, hiệu suất hoạt động,… Anh chàng không còn all-in, không rải đều như trước. Nhờ những phân tích kỹ lưỡng này, với số vốn $10K, cậu vào nhiều SOL, SRM, FTT và chỉ dành một ít cho SFI, DHT, INV,…

Qua thời gian, từ những bài học rướm máu thị trường cộng với kiến thức Phân tích cơ bản và Phân tích kỹ thuật tích lũy được, Vĩ tự xây cho mình một portfolio “thơm phức” với những đồng coin mua giá “hời” mà cậu đã hiểu rõ và đặt niềm tin:

  1. SRM (giá hiện tại ~ $8).
  2. NEAR (giá hiện tại ~ $11).
  3. SUSHI (giá hiện tại ~ $13).
  4. CAKE (giá hiện tại ~ $18).
  5. LUNA (giá hiện tại ~ $50).
  6. FTT (giá hiện tại ~ $61).
  7. AVAX (giá hiện tại ~ $78).
  8. SOL (giá hiện tại ~ $239).
  9. ?

Mua SOL ở giá $4, dù đã bán một nửa để trả nợ trong mùa 1, nhưng Vĩ vẫn còn lượng SOL kha khá. Và chính SOL đã đổi vị thế của cậu từ một “bần nông” trở thành “phú ông”.

Kèo hold cuối cùng trong portfolio của anh chàng chính là C98.

“Dù C98 có rớt về $1 mình cũng không quan tâm và cũng sẽ không bán vì bất kỳ lý do gì. Mình biết giá trị của C98 không thể hiện ở những con số nằm trên sàn. Giá trị của nó đến từ những lãnh đạo có tầm nhìn xa, những builder làm việc từ 7g sáng – 12g đêm, không kể đầu tuần hay cuối tuần”. – Vĩ nói.

… Và duyên đến

Vĩ cũng muốn trở thành một builder như thế. Lăm lăm portfolio xịn trong tay, tháng 3/2021 anh chàng ứng tuyển lại vào Coin98 với vị trí researcher. Lần này cậu được nhận.

Vào làm tại đây, nhờ theo dõi sát sao các dự án mới để viết bài nên bản thân Vĩ có cơ hội skin-in-the-game rất ác liệt: làm retro ORCA, SOLEND, farm SABER, SUNNY,… Mỗi dự án như vậy anh chàng nhận về tầm $400. Ngoài lãi từ hold coin, Vĩ cảm thấy mình đang thu lại từng đồng bạc lẻ mình đã mất trong đoạn teaser và mùa 1 của thị trường.

Làm retro ORCA 

Nhưng ở Coin98 cậu nhận được nhiều thứ quý hơn cả tiền. Ở đây, mọi người lắng nghe Vĩ và cậu cũng được lắng nghe đa dạng quan điểm của các thành viên, các sếp xuất thân từ các ngành tự nhiên, xã hội, công nghệ, tài chính, ngôn ngữ, báo chí, marketing,…

Những người trẻ năng động thế hệ Z ở Coin98 biến nơi đây thành một môi trường làm việc “không khoảng cách”. Các “síp” (cách mọi người gọi thân mật các “sếp”) rất hay gửi meme và các clip tik tok hài hước về đồ ăn, ca nhạc, phim ảnh,… để “giải trí” cho các nhân viên. Cảm động nhất có lẽ là những ngày chạy bài đến khuya mịt, những lúc chán nản, áp lực, nghi ngờ bản thân,… được nhận tin nhắn động viên từ các “síp”.

Tin nhắn động viên từ “síp” Thanh

Khi người đàn ông không còn khóc

Cứ đến hẹn lại lên, tháng 5/2021, thị trường lại sập một lần nữa. Vĩ bay màu $15K tiền lãi. Nhưng lần này Vĩ không khóc, cậu đã cứng cáp hơn và tư duy đầu tư đã thay đổi rất nhiều.

Từ một anh chàng ngây thơ mua coin theo màu logo, Vĩ giờ đây đã hiểu về dòng tiền, cách phân tích các dự án, định giá,… Cậu đã trải qua hành trình thay đổi từ Ape (tham gia chơi) ⇒ Speculate (Đầu cơ) ⇒ Trader ⇒ Investor (nhà đầu tư) ⇒ Builder (Người xây dựng phát triển).

Và Vĩ biết rằng những đồng mình đang hold là coin tốt, chia vào mùa giảm nhưng sẽ x vào mùa tăng. Sự thật đúng là như vậy. Như trường hợp con LUNA, lúc thị trường đổ máu, LUNA chia 5 –  từ $20 xuống còn $4, nhưng Vĩ vẫn hold vì biết mình đặt niềm tin đúng chỗ. Hiện tại, LUNA đã lên khoảng $50.

Bây giờ, tài khoản của Vĩ cũng đã x kha khá, và anh chàng vẫn quyết định gắn bó lâu dài với con đường này. Tại Coin98, ngoài làm researcher, Vĩ còn được tin tưởng để đảm nhiệm Coin98 Media và dẫn dắt các thành viên Coin98 Intern tiếng Anh.

To be continued…

Nếu có lời khuyên cho những người mới, Vĩ tha thiết nói rằng: Thị trường có hai mùa: mùa tăng và mùa giảm. Bạn phải chết vào mùa giảm để có thể “hóa phượng hoàng” vào mùa tăng. Nhưng để đây chỉ là “cái chết lâm sàng” thì đầu tiên hãy bỏ vốn thật ít và học hỏi thật nhiều.

Sau khi bị vả sấp mặt bởi những màn lên xuống của các đồng coin, Vĩ cũng nhận ra rằng mình không còn đặt niềm tin vào coin nữa, với cậu thị trường phi tập trung mới chính là “chân ái”. Đặt niềm tin vào thị trường, dù coin lên hay xuống, mình cũng sẽ không bao giờ rời bỏ thị trường.

Kể từ khi tham gia vào thị trường crypto, Vĩ chưa hề nghỉ một ngày, chưa từng có một Chủ Nhật “xả hơi”. Toàn bộ thời gian đều dành cho việc học, làm, tích lũy kinh nghiệm. 

Nếu ai hỏi Vĩ có mệt không? “Mệt”.

Nhưng có đáng không? “Rất đáng”.

bài viết liên quan