Mình – một anh chàng tham gia crypto từ tận năm 2017 chỉ từng thắng vài nghìn đô nhưng lại vô số lần bán lúa non, chia tài khoản, bị scam. Tuy nhiên với mình, crypto vẫn luôn là mảnh đất thú vị chứa đầy tiềm năng.
Vừa chơi crypto vừa tập thể hình
Năm 2017, mình tình cờ đọc được một bài viết về công nghệ blockchain trên diễn đàn Voz, và cánh cửa crypto mở ra với mình từ đây. Mình tham gia vào một group những người vừa chơi crypto vừa tập thể hình. Một sự kết hợp hơi ‘dị’ đúng không, nhưng đây đúng là hai món mình thích.
Lúc đó, trong group đang tích cực shill con NEO và LINK. NEO lúc đó được mệnh danh là “bitcoin của Trung Quốc” nên mình nghĩ chắc chắn nó sẽ bay mạnh, thế là mình đầu tư tất cả vào NEO. Mình nhớ thời điểm đó mình đang học năm Ba ở Học viện Ngân hàng Hà Nội, mình ngồi trong lớp giả vờ chăm chú nghe giảng, nhưng tay thì đang bấm điện thoại mua NEO nhoay nhoáy dưới gầm bàn. LINK lúc đó giá chỉ $0.1 nhưng mình không vào, vì mảng Oracle thời điểm năm 2017 vẫn còn rất sơ khởi.
Mình hold NEO đến giờ vẫn chưa về bờ, còn LINK đã ATH ở hơn $50. Và đây là quyết định sai lầm đầu tiên của mình trong thị trường.
Dùng tiền học bổng mua coin
Sinh viên thì thiếu tiền nhưng máu làm giàu lại dư dả, và mặc dù đã thua với NEO nhưng mình vẫn tin mình có thể giàu với crypto. Thế là mình dành toàn bộ số tiền học bổng để mua coin. May là mình học cũng khá nên học kỳ nào cũng có khoảng $200 – $300 tiền học bổng để bỏ vào thị trường.
Con tiếp theo mình vào là CND. CND lúc đó được shill là một nền tảng tương tự Google. Khi bạn đưa dữ liệu vào đây thông qua việc tìm kiếm từ khóa, nó sẽ tạo ra big data và trả về những kết quả tốt hơn cho lần tìm kiếm sau. Tầm nhìn như Google thì “dựng cột” là cái chắc, mình nghĩ. Thế là mình dồn toàn bộ tiền vào CND. Kết cục CND “dựng cột” thật, nhưng không phải cột tăng mà là cột giảm, tài khoản mình bị chia 10 lần, mất $500.
Có thể với nhiều người $500 là số tiền quá nhỏ, nhưng với một đứa lưng vốn chỉ tầm vài trăm đô như mình thì đây là một cú sốc lớn. Mình đâm ra rén tay. Cả năm 2019, mình không vào con nào, chỉ thỉnh thoảng đánh Futures x1, x2 cho vui. Thời điểm đó, SOL và nhiều coin cuối mùa khác được shill mạnh. Nhưng trước giờ cứ nghe shill lần nào là cháy lần đó nên mình không tin nữa. Mình không ăn SOL nhưng cũng tránh được mấy con coin sập. Xem như bảo toàn tính mạng.
Lúc đó, mình vừa tốt nghiệp Đại học và vào làm thực tập tại một công ty kiểm toán trong Big Four. Bắt đầu tiết kiệm được một chút tiền nhưng thị trường quá ảm đạm nên mình chủ yếu dành thời gian tìm hiểu các dự án tiềm năng và học về phân tích cơ bản.
Miếng “bánh mì” cắn dở
Năm 2020, thị trường khởi sắc và trend yield farming bắt đầu xuất hiện. Trong làn sóng này, mình và một người anh cùng chơi crypto đã chú ý đến PancakeSwap và BakerySwap trên BSC. Anh vào CAKE còn mình vào BAKE ở giá $0.1. Con CAKE đã giúp anh bạn mình x50, và BAKE cũng tương tự CAKE. Nó là NFT đầu tiên trên BSC, vốn hóa thị trường mới khoảng 2-3 triệu đô, cơ hội upside rất lớn.
Mình phân tích chuẩn là thế, mình tin BAKE sẽ bay mạnh là thế, vậy mà khi BAKE mới từ $0.1 lên $0.3 mình đã lập tức bán sạch. Và chỉ vài tuần sau BAKE pump lên $8. Thế là mới vừa cắn một miếng “bánh mì” mình đã vội vàng nhả ra. Đợt đó, một thời gian dài mình không dám vào xem top gainers của Binance, vì nhìn con BAKE chễm chệ trên hàng đầu mình chỉ muốn khóc vì tiếc.
Nhưng dần dà mình nhận ra, do vốn ít nên mình không thể nào hold coin dài hạn. X tài khoản 3 lần đã là một con số quá lớn đối với mình. Vả lại mình còn làm kiểm toán, mà dân kiểm toán thì các bạn biết rồi, cẩn thận lúc nào cũng là số một. Từ đó, mình rút ra bài học cho bản thân: Chốt lời, dù ở giá nào, cũng không bao giờ là sai lầm. Cắn được một miếng bánh còn hơn không có gì. Ngộ ra chân lý đó, mình lại cảm thấy sung sướng với số tiền lãi mình mới thu về.
Ham “ăn kem”, bỏ ăn Tết
Thời gian đầu xuất hiện, các dự án yielding farming là miếng bánh béo bở với nhiều người vì mức APY cao ngất ngưởng. Sau khi farm CAKE với mức APY 300%, anh bạn của mình thừa thắng xông vào KebabSwap với lời hứa về APY tận mấy chục nghìn phần trăm. Nhưng hóa ra đây chỉ là bánh vẽ. KEBAB dump từ $10 về dưới $3 làm tài khoản của anh bạn mình và những người FOMO khác chia tan nát.
Bài học sờ sờ ngay trước mặt khiến mình chỉ dám đi farm ở những dự án có mức APY trung bình. Mình chọn IceCreamSwap vì APY của nó chỉ dao động từ 80% – 100%, không tạo cảm giác rủi ro. Mình vào IceCream ở giá $12 vào thời điểm cuối năm âm lịch 2020.
Nhưng định mệnh, mình nhớ như in vừa lúc đón giao thừa xong, đang hân hoan chào đón năm mới thì mình hay tin IceCream rekt. Token chạy marathon từ cự ly $12 để gấp rút về đích ở cự ly $0.003. “Bọn dự án ăn một vố đậm, còn mình thì mất trắng Tết”, mình cay đắng nghĩ.
Thế là từ đó mình không động vào đề phi (DeFi) đề phiếc gì nữa, chỉ hold topcoin cho lành.
Bỏ Big Four vào làm tại Coin98
Trong lúc tham gia thị trường, mình vẫn làm việc tại công ty kiểm toán và đi từ intern lên senior, tiền lương cũng tăng kha khá. Nhưng sau hai năm rưỡi làm việc với các con số, mình cảm thấy đã đến lúc phải thay đổi. Giữa thời điểm dịch covid căng thẳng, mình thấy đời người ngắn ngủi quá, thế tại sao không thử bước ra khỏi vùng an toàn một lần? Thế là mình quyết định nghỉ việc để dồn hết thời gian vào crypto.
Từ lúc bắt đầu dấn sâu vào thị trường, Coin98 vẫn luôn là địa chỉ đáng tin cậy để mình tìm hiểu về kiến thức crypto. Cho nên mình ứng tuyển vào đây và kết quả là được nhận vào làm ở bộ phận Community Managing (Chăm sóc cộng đồng) và Customer Service (Chăm sóc người dùng).
Vào Coin98 mình làm việc còn ác liệt hơn lúc làm kiểm toán. Thị trường chạy 24/7 nên lúc nào mình cũng phải trong tư thế sẵn sàng phản ứng. Làm ở đây mệt nhưng vui, vì môi trường năng động và bạn chính là người sáng tạo ra các quy trình làm việc, thay vì phải đi theo các quy trình định sẵn như ở các tập đoàn lớn.
Ngoài ra, làm ở Coin98, mình có cơ hội tiếp xúc với mọi mặt trong đời sống thị trường và gặp nhiều tình huống khá lạ lùng. Ai xài ví crypto cũng biết mất key là mất tiền, nhưng từng có trường hợp một người dùng ví Coin98 nhưng chỉ lưu lại 11 từ của passphrase (passphrase có 12 từ) cho nên không thể khôi phục ví.
Coin98 đã dùng nguồn lực team dev để viết tool giúp bạn này dò lại từ còn thiếu. Kết quả, bạn không chỉ khôi phục lại được một, mà tận hai ví Coin98. Nhưng hóa ra bạn lại để tiền trong một chiếc ví thứ ba khác, mà ví này thì bạn đã hoàn toàn quên key. Xem như một bài học đắt giá về vấn đề bảo mật tài sản.
Lời một chút thôi cũng vui rồi
Vì công việc của mình là hỗ trợ cộng đồng nên đây cũng là một tiêu chí mình thêm vào khi đánh giá một dự án tiềm năng. Ngoài những yếu tố như team phát triển, dàn backer, sản phẩm, mức vốn hóa thị trường,… mình còn quan sát cách team dự án phản hồi lại cộng đồng. Nếu team hỗ trợ nhiệt tình và tử tế với người dùng, mình có thêm một lý do để tin tưởng vào dự án. Vì mình nghĩ, đến thời điểm này thì thị trường chủ yếu vẫn đang vận hành bằng niềm tin.
Trước đây, mình chỉ quen mặt những chain lớn như Avalanche, Solana, Polygon,… giờ đây mình biết thêm những chain mới nổi như Celo, Clay, Arbitrum, Optimism,… Dù khôn ngoan hơn và có nhiều kiến thức hơn, nhưng khẩu vị đầu tư của mình vẫn không thay đổi – mình vẫn ưu tiên sự an toàn. Ví dụ, mình vào CELO giá tầm $3, và nhanh chóng chốt lời khi nó lên $5. Chơi kiểu chắc nịch như vậy nên tài khoản mình chỉ x2 là cùng, nhưng mình lại x2 nhiều con.
So với những người kiếm được bộn tiền nhờ crypto, chắc chắn mình là một người “nghèo”, nhưng mình tin trong thị trường có không ít người như mình. Với một người vốn ít, x2 đã là nhiều, x2 đã là vui. Và với lối đầu tư “ăn chắc mặc bền” này, mình tin mình sẽ trụ vững với thị trường trong thời gian dài để tiếp tục đón chờ những cơ hội mới.