Theo báo cáo hàng năm từ công ty bảo mật web3 Scam Sniffer, phishing scam đã đánh cắp số tiền điện tử trị giá khoảng 300 triệu USD từ 320.000 nhà đầu tư vào năm 2023.
*Phishing scam: hình thức tấn công mạng mà kẻ tấn công giả mạo thành một đơn vị uy tín để lừa đảo người dùng cung cấp thông tin cá nhân cho chúng.
Phishing scam là một trong những phương thức tấn công phổ biến nhất đang không ngừng đục khoét ngành công nghiệp non trẻ, dẫn đến việc thất thoát hàng triệu quỹ tiền điện tử. Có một lần, những kẻ lừa đảo này đã đánh cắp 24,23 triệu USD Ethereum được stake thanh khoản, bao gồm 4.851 rETH (trị giá khoảng 8,58 triệu USD) và 9.579 stETH (trị giá khoảng 15,63 triệu USD).
Những trang web rút ruột ví thống trị thị trường
Theo báo cáo, những kẻ lừa đảo đã lợi dụng công cụ rút tiền để dàn dựng các cuộc tấn công phishing này.
Công cụ rút tiền thường được cài cắm tinh vi trong các trang web lừa đảo, đánh lừa những người dùng “nhẹ dạ” để cho phép các giao dịch độc hại có thể đánh cắp tài sản kỹ thuật số từ ví tiền điện tử của họ.
Phân tích toàn diện của ScamSniffer đã xác định 6 “nhà cung cấp” dịch vụ rút ruột ví nổi bật, bao gồm Inferno, MS, Angel, Monkey Drainer, Venom Drainer, Pink Drainer và Pussy Drainer.
Inferno Drainer chính là kẻ đứng đầu trong số những trang web lừa đảo này, tạo điều kiện cho việc đánh cắp 81 triệu USD từ 134.000 người dùng trong chín tháng qua. Nhà điều hành bộ công cụ rút ví tiền điện tử đã ngừng hoạt động vào tháng 11 năm 2023.
Tương tự, MS Drainer và Angel Drainer tận dụng xu hướng này, lần lượt lấy đi 59 triệu USD từ 63.000 người dùng và 20 triệu USD từ 30.000 nạn nhân.
Một trang web nổi bật khác, Monkey Drainer, đã đánh cắp 16 triệu USD từ 18.000 người dùng. Nó đã ngừng hoạt động vào tháng 3 năm ngoái.
Các nhà cung cấp dịch vụ rút ví này đã kiếm được ít nhất 47 triệu USD từ khoản phí 20% của họ.
Chiến thuật phishing scam
Scam Sniffer đã phơi bày nhiều phương pháp khác nhau được những kẻ tấn công sử dụng, bao gồm các cuộc tấn công hacking hay chiến lược lưu lượng truy cập tự nhiên và trả phí.
Những kẻ tấn công xâm nhập vào các tài khoản mạng xã hội chính thức của các dự án hoặc thao túng giao diện người dùng và thư viện của chúng. Các chiến thuật như đề cập spam, nhận xét trên Twitter, airdrop giả mạo, liên kết Discord đã hết hạn, quảng cáo trả phí trên tìm kiếm của Google hay việc thúc đẩy lưu lượng truy cập trên Twitter, thường khó bị phát hiện so với những cuộc tấn công hacking trực tiếp.
Điều cần lưu ý là phương thức tấn công phishing được chọn phụ thuộc vào nội dung ví của nạn nhân.
Scam Sniffer cho biết họ đã quét gần 12 triệu URL trong thời gian báo cáo, phát hiện khoảng 145.000 URL độc hại. Hiện tại, danh sách đen của công ty chứa khoảng 100.000 tên miền độc hại, cho thấy quy mô của mối đe dọa đang diễn ra.