Trending

Nâng cấp Pectra sẽ là cột mốc đáng chú ý tiếp theo của hệ sinh thái Ethereum. Đây sẽ là bản cập nhật với rất nhiều thay đổi cốt lõi. Tuy nhiên, hôm nay chúng ta sẽ chỉ đào sâu vào một thay đổi có thể “phần nào đó” ảnh hưởng đến các giải pháp Data Availability (DA) của bên thứ 3. Thay đổi này là PeerDAS!

Vấn đề Data Availability hiện tại của Ethereum

Sau nâng cấp Dencun, EIP-4844 đã được triển khai với một cơ chế giao dịch mới là blob. Đây là cơ chế lưu trữ dữ liệu Data Availability thay thế cho Calldata (vốn là một hình thức rất tốn kém trước đó). Lưu ý với anh em để đỡ nhầm lẫn rằng đây là lưu trữ “dữ liệu Data Availability” – thứ đảm bảo các thay đổi trạng thái của Rollup là an toàn và không bị làm giả, chứ không phải là lưu trữ “dữ liệu về giao dịch của Rollup blockchain”.

Tuy nhiên, giới hạn target hiện tại của Ethereum là 3 blob trên 1 block (đây là mức target, có nghĩa khi vượt quá ngưỡng này thì giá gas của blob sẽ tăng dần trong các block sau đó) và tối đa mỗi block sẽ có 6 blob. Bên cạnh đó, mỗi một block của Ethereum sẽ mất 12 giây để được hình thành. Như vậy, nếu nhu cầu sử dụng blob của các Rollup tăng đột biến, chúng ta sẽ chứng kiến cuộc đua blob gas của các giải pháp Rollup để giành được quyền đăng tải dữ liệu vào blob.

Chú thích một xíu là blob sẽ có một mảng thị trường đấu giá phí gas riêng, tách biệt và không ảnh hưởng gì tới mảng thị trường gas của các giao dịch khác trên Layer-1. Tuy nhiên, hiện tượng đội phí gas của blob là đã từng xảy ra với cơn sốt Blobscription trước đó.

PeerDAS là gì?

PeerDAS là đề xuất nâng trần blob trong mỗi một block trên Ethereum, từ đó tạo thêm khoảng trống trong trường hợp nhu cầu sử dụng blob của các Rollup.

Cụm từ DAS là viết tắt của “Data Availability Sampling”, cũng đại diện cho “một phần” cách tiếp cận của giải pháp này, đó là lấy một tập mẫu thử, kiểm tra tích luỹ để đảm bảo dữ liệu không bị làm giả và đồng thời giảm thiểu chi phí về năng lực tính toán.

Phần còn lại là “Peer” có nghĩa là đối chiếu chéo giữa các node trong mạng lưới với nhau.

Cách vận hành của PeerDAS

Trước tiên chúng ta sẽ nói sâu hơn về cách hoạt động của DAS. Dữ liệu DA gốc sẽ được đưa vào hàm Polynomial để xử lý. Hàm này sẽ tạo ra một phần “Extend” đại diện cho dữ liệu gốc (tất nhiên là sẽ gọn nhẹ hơn). Thông qua một thủ thuật khá quen thuộc trong lĩnh vực kỹ thuật truyền thống là “Code Erasure”, phần Extend này có thể truy ngược lại dữ liệu gốc và cũng có một khả năng là phát hiện ra sự thiếu hụt trong dữ liệu gốc nếu phần “Extend” này bị mất đi hơn một nửa dữ liệu. Anh em có thể hiểu nôm na Extend này là phần dữ liệu nhỏ trích ra và đóng vai trò như một đèn báo giúp phát hiện sự thất thoát trong dữ liệu gốc.

Nguồn: Vitalik Buterin (Trích “Ethereum has blobs. Where do we go from here?”)

Về phần “Peer”, đây sẽ là cách mạng lưới phân chia dữ liệu cần xử lý cho các node. Mục đích của việc phân chia và đối chiếu chéo là để đảm bảo an toàn, không thất thoát dữ liệu. Đồng thời giảm thiểu lượng dữ liệu (tập mẫu) mà mỗi một node cần tải về để xác thực. Trước đây, với tác vụ DA truyền thống, tất cả các node trên Ethereum sẽ cần phải tải toàn bộ dữ liệu giao dịch trong quá khứ để đảm bảo đủ dữ liệu nhằm xác thực giao dịch.

Bằng cách kết hợp 2 phương thức này, PeerDAS sẽ giúp mạng lưới đảm bảo quá trình chuyển đổi State – trạng thái của Rollup không có gian lận và giảm thiểu được lượng dữ liệu cần lưu trữ.

Câu chuyện bên lề

Câu chuyện đầu tiên đó là việc PeerDAS sẽ có mặt trên Pectra với mã tiêu đề EIP-7594,. Thế nhưng đây không phải là thay đổi cần đến hard fork. Điều này có nghĩa, PeerDAS chỉ cần các phần mềm Client điều chỉnh là có thể áp dụng ngay. Thậm chí nó có thể mở rộng mức giới hạn blob lên cao hơn 64 blob. Đó đang là mức kế hoạch hiện tại.

Câu chuyện thứ hai có thể nhiều người tham gia đầu tư vào các mảng Alt-DA sẽ quan tâm. Đó là liệu PeerDA (một bản cải tiến của EIP-4844) có thay thế các giải pháp như Celestia, EigenDA và Avail hay không? Đây là một câu hỏi với cá nhân là khá khó trả lời trong dài hạn. Thế nhưng trong ngắn hạn, câu trả lời chắc chắn là không.

Theo những chia sẻ từ bài blog “Ethereum has blobs. Where do we go from here?” của Vitalik, chúng ta biết được với cách tiếp cận PeerDAS. Và khả năng mở rộng của Blob sẽ là gấp 4 lần. Tuy nhiên, với những tính toán sơ bộ của ngưỡng 3 blob / khối hiện tại (nhấn mạnh một lần nữa rằng đây là mức target), Ethereum Layer-1 sẽ giúp xử lý được 2666 giao dịch trên một block. Nếu tăng gấp 4 lần thì con số ước tính sẽ là 11-12 ngàn giao dịch. Lưu ý rằng đây là số lượng giao dịch trên tổng tất cả các Rollup chứ không phải riêng trên Layer-1.

 

Cụ thể

Với tốc độ phát triển của các Layer-2 ở thời điểm hiện tại, PeerDAS sẽ khó duy trì được khả năng đáp ứng khi hoạt động trên Rollup nở rộ trở lại.

Dù vậy, PeerDAS và nói sâu về bản chất thì DA trên Layer-1 của Ethereum có một sức mạnh mà các giải pháp khác không có. Đó là sự phi tập trung và độ an toàn. Điều này là vì dữ liệu sẽ lấy từ mạng lưới gốc Layer-1 để trích mẫu thử. Nó sẽ không cần thông qua mạng lưới quản trị trung gian như các giải pháp bên thứ 3.

Một yếu tố nữa khiến mình chưa trả lời được câu hỏi này về dài hạn đó là khả năng mở rộng ở giai đoạn Danksharding và thời điểm chính thức khi Danksharding được triển khai. Hiện tại thì chúng ta vẫn chỉ đang ở giai đoạn Proto-Danksharding mà thôi!

Câu chuyện thứ ba, đó là liệu có một tương lai mà cả DA thuần của Layer-1 Ethereum và các DA của bên thứ ba có thể cùng được sử dụng hay không? Câu chuyện này hoàn toàn có thể xảy ra trong tương lai. Thực tế là nó đang xảy ra với các giải pháp Rollup hiện tại. Việc chi phí DA trên các giải pháp bên thứ ba đang là khá thấp. Do đó không việc gì các giải pháp Rollup không tận dụng song song cả 2 giải pháp. Vừa đảm bảo có thêm một lớp bảo vệ. Vừa linh hoạt trong lựa chọn nếu một trong 2 giải pháp gặp vấn đề. Đó có thể là chi phí, hoặc tốc độ xử lý.

Tạm kết

PeerDAS với mình là một thay đổi hết sức đáng quan tâm của Layer-1 Ethereum trong thời gian tới. Tuy nhiên, nó có phải giải pháp thay thế toàn bộ các đối thủ ở bên thứ ba hay không? Câu trả lời đó là chưa. Đơn giản vì chúng ta vẫn còn rất nhiều cột mốc cần cập nhật khác từ Ethereum. Chúng có khả năng xử lý nhanh hơn. Và cũng một phần vì chúng ta không thể biết số lượng Rollup trong tương lai sẽ tăng nhanh như thế nào.

Theo Coinviet tổng hợp

Cùng theo dõi Coinviet.net và xem thêm những tin tức hữu ích khác tại Dexnew.io nhé!

bài viết liên quan