Trending

Các loại chỉ báo kỹ thuật.

Trong phân tích kỹ thuật chỉ báo kỹ thuật được chia ra làm 4 loại chính: Chỉ báo xu hướng (trending indicator), đo lường biến động (volatility), đo lường động lượng (oscillator) và hỗ trợ/kháng cự. Chúng được phân chia dựa trên chức năng từ phân tích mức độ biến động, đưa ra động lượng mạnh/yếu cũng như là cho nhà đầu tư một cái nhìn toàn cảnh về xu hướng của tài sản sẽ diễn ra sắp tới. 

Chỉ báo xu hướng.

Trend indicator hay chỉ báo xác định xu hướng là các chỉ báo kỹ thuật, được các nhà giao dịch sử dụng để xác định chiều biến động của giá cả các loại tài sản. Các chỉ báo xu hướng tạo ra để giúp các nhà đầu tư biết được rằng xu hướng hiện tại là tăng hay giảm, liệu xu hướng đó có thực sự tồn tại hoặc là xu hướng đó có mạnh hay không. Tất cả các nhà giao dịch đều biết “Xu hướng là bạn”. Chỉ báo xu hướng chính là một trong những cách giúp nhà đầu tư tìm ra người bạn đó.

Một số chỉ báo xu hướng thông dụng.

Chỉ báo đường trung bình động – Moving Average Indicator (MA).

Đường trung bình (MA) là một loại chỉ báo kỹ thuật tính toán trung bình giá của một loại tài sản trong một khoảng thời gian. Đường MA sẽ giúp chúng ta thấy rõ ràng hơn về hướng mà 

loại tài sản đang di chuyển. Có rất nhiều loại đường trung bình trong đó có 2 loại phổ biến nhất:

  • Đường trung bình động đơn giản (SMA).
  • Đường trung bình động lũy thừa (EMA).

Chỉ báo ADX- Average directional movement index (ADX).

Chỉ báo trung bình định hướng (ADX) sẽ không cho bạn biết liệu giá đang có xu hướng tăng hay giảm, nhưng nó sẽ cho bạn biết thị trường đang có xu hướng hay không. Khả năng này khiến ADX trở thành một bộ lọc xu hướng giúp nhà đầu tư đưa ra chiến lược giao dịch trong thị trường đi ngang hoặc có xu hướng.Chỉ báo ADX nằm trên mức 25 thể hiện thị trường có xu hướng, dưới mức 25 thị trường đang không có xu hướng.

Chỉ báo Ichimoku Kinko Hyo

Chỉ báo Ichimoku Kinko Hyo hay còn gọi là chỉ báo Ichimoku là một chỉ báo xu hướng bao gồm nhiều đường và mây đóng vai trò khác nhau. Thoáng nhìn thì chỉ báo này khá là phức tạp nhưng thực ra nó đơn giản hơn so với những gì bạn thấy. Chỉ báo này được tạo ra để trở thành một công cụ độc lập giúp xác định xu hướng hiện tại, xác định các mức hỗ trợ/kháng cự và cho biết khi nào xu hướng có khả năng đảo chiều.

Chỉ báo động lượng

Các chỉ báo động lượng là công cụ được sử dụng bởi các nhà đầu tư để hiểu rõ hơn về động lượng hiện tại của loại tài sản. Khi giá tăng cao hơn các chỉ báo động lượng sẽ di chuyển lên cao và ngược lại. Khi chỉ số chạm mức cực đoan (quá bán/quá mua) thì giá có thể quay lại mức trung bình. Tuy nhiên khi chạm ngưỡng cực đoan không có nghĩa là giá đang tạo đỉnh/đáy. Các chỉ bảo động lượng thường được kết hợp với các chỉ báo khác vì chỉ báo động lượng không xác định được hướng giá di chuyển.

Một số chỉ báo động lượng thông dụng

Chỉ số sức mạnh tương đối – Relative Strength Index (RSI)

Chỉ số sức mạnh tương đối (RSI) là chỉ báo động lượng phổ biến nhất hiện nay. Chỉ số RSI được tính bởi hệ số trung bình các mức tăng và trung bình các mức giảm trong một số phiên giao dịch gần nhất. Chỉ số RSI sẽ giao động trong biên độ từ 0 – 100, bất kỳ giá trị RSI trên 50 đều cho tín hiệu tích cực, động lượng xu hướng tăng, tuy nhiên, nếu chỉ số RSI đạt 70 trở lên, nó thường là một dấu hiệu của tình trạng quá Mua. Ngược lại, các chỉ số RSI giảm xuống dưới 50 cho thấy đà giảm giá. Tuy nhiên, nếu chỉ số RSI dưới 30, thì đó là dấu hiệu của tình trạng quá Bán.

Chỉ số kênh hàng hóa – Commodity Channel Index (CCI)

Chỉ số kênh hàng hóa khác với nhiều chỉ báo động lượng khác là nó không có giới hạn về mức độ cao hay thấp. Nó sử dụng mức 0 là mức trung tâm và mức quá mua và quá bán là mức +100 và -100. Các nhà đầu tư thường tìm hiểu cơ hội bán khi chỉ số CCI dưới mức +100 và cơ hội mua mua chỉ số nằm trên mức -100.

Chỉ báo trung bình hội tụ/phân kỳ – Moving Average Convergence Divergence (MACD)

Đường trung bình hội tụ/phân kỳ cho ta thấy sự khác biệt giữa EMA chu kì 12 và EMA chu kì 26. Hiệu của hai đường này được gọi là đường MACD, kết hợp với đường EMA chu kì 9 của MACD hay còn được gọi là đường tín hiệu được vẽ trực tiếp trên biểu đồ. Nếu đường MACD giao với đường tín hiệu từ dưới lên sẽ báo hiệu giá sẽ tăng hơn mức hiện tại. Đây là tín hiệu tốt để các nhà đầu tư mua vào.Nếu đường MACD vượt đường tín hiệu từ trên xuống báo hiệu giá đang trên đà giảm. Khi này các nhà đầu tư nên vào lệnh bán.

Chỉ báo hỗ trợ và kháng cự

Hỗ trợ và kháng cự là một yếu tố vô cùng quan trọng đối với các nhà phân tích kỹ thuật. Đây được coi là các rào cản để giá khó vượt qua và khiến giá có khả năng bật ngược lại.

Điểm Pivot – Pivot Point 

Điểm Pivot là một trong những công cụ được sử dụng rộng rãi nhất. Chúng được tính toán theo các công từ từ giá cao, giá thấp, giá đóng cửa của phiên trước đó. Các nhà đầu tư sử dụng các mức này làm các mức hỗ trợ và kháng cự tiềm năng trong tương lai, mức mà giá khó có thể vượt qua.

Kênh Donchian – Donchian Channel (DC)

Kênh Donchian là bao gồm hai đường chính thể hiện trên biểu đồ giao dịch dựa trên các mức giá cao và thấp trong một khoảng thời gian xác định thể hiện hai mức kháng cự và hỗ trợ, đường ở giữa là đường trung bình của đường kháng cự và hỗ trợ của kênh Donchian. Thông thường chiến lược được áp dụng với kênh Donchian là khi giá phá vỡ qua mức kháng cự chúng ta sẽ mua vào và ngược lại khi giá phá vỡ mức hỗ trợ chúng ta sẽ bán ra.

Tổng kết về các chỉ báo kỹ thuật

Mỗi chỉ báo kỹ thuật được kể ở trên tuy có những điểm khác nhau từ cách dùng cũng như chiến lược giao dịch được áp dụng bởi nó nhưng hầu hết đều có những đặc điểm chung sau.

Ưu điểm

  • Nâng cao khả năng phân tích kỹ thuật, hiểu rõ hơn về hành động giá .
  • Nhà đầu tư mới có thể dễ dàng hiểu và học hỏi.
  • Đa dạng sự lựa chọn, phù hợp với nhiều phong cách giao dịch khác nhau.
  • Khi áp dụng đúng chiến lược giao dịch với chỉ báo kỹ thuật sẽ loại bỏ yếu tố tâm lý.

Nhược điểm

  • Cần thời gian dài để thuần thục một phương pháp giao dịch với chỉ báo.
  • Dễ bị lạm dụng do các tính chất khác nhau của chỉ báo gây ra nhiều tín hiệu nhiễm khiến nhà đầu tư khó phán đoán.
  • Các chỉ báo hầu hết đầu không có khả năng phán đoán tương lai.

Qua bài viết trên chúng ta đã tìm hiểu sơ lược về các loại chỉ báo trong phân tích kỹ thuật. Trong các phần tiếp theo mình sẽ làm rõ cụ thể các chỉ báo được phần đông các nhà giao dịch theo trường phái phân tích kỹ thuật yêu thích. Để đọc thêm những bài viết hay về kiến thức về phân tích kỹ thuật bạn đọc có thể tìm kiếm các bài viết liên quan trên website của CoinViet Insights. Hy vọng bài viết giúp ích cho người đọc.

bài viết liên quan