Nhiều công ty/doanh nghiệp lớn nhỏ khác đã bắt đầu chú ý tới blockchain, dẫn đến cơ hội việc làm dành cho các blockchain developer được mở rộng. Vậy làm sao để trở thành một nhà phát triển blockchain?
Blockchain developer là gì?
Blockchain developer (nhà phát triển blockchain) là những lập trình viên đảm nhiệm công việc viết mã code, tạo các ứng dụng, phần mềm dựa trên công nghệ liên quan blockchain như web3.js, Solidity…
Công việc chính của các nhà phát triển blockchain là xây dựng cơ sở hạ tầng cho những blockchain, thiết kế ứng dụng dApp hoặc phát triển smart contract.
Việt Nam đang là một trong những nước tiếp cận crypto nhiều nhất từ năm 2018, nhưng theo Dappros, số lượng kỹ sư blockchain tại Việt Nam chỉ có dấu hiệu tăng nhẹ trong khoảng 2018 đến 2023. Cụ thể, số lượng nhà phát triển năm 2018 là hơn 650 người, trong khi đó năm 2023 chỉ rơi vào khoảng 1,000 người (top 8 thế giới).
Những bước cơ bản để làm blockchain developer
Dưới đây là những bước cơ bản để trở thành một nhà phát triển blockchain:
Bước 1: Nền tảng tốt về ngành IT
Trước khi trở thành một nhà lập trình blockchain, bạn cần có những kiến thức cơ bản về ngành IT (công nghệ thông tin) thông qua việc lấy bằng đại học/cao đẳng với chuyên ngành liên quan tới IT.
Ngoài những kiến thức từ đại học/cao đẳng, bạn có thể tham gia những khóa học cơ bản về coding và công nghệ thông tin để mở rộng thêm về kiến thức, cũng như có cơ hội làm việc tại các doanh nghiệp lớn.
Hầu hết những doanh nghiệp/công ty như Samsung, IBM, Coin98… đều tuyển kỹ sư IT với điều kiện đầu tiên là kiến thức cơ bản và có bằng cấp/chứng chỉ. Do đó, việc có cho mình bằng cấp/chứng sẽ là bước đệm trong sự nghiệp dành cho lập trình viên blockchain.
Bước 2: Có kiến thức cơ bản về blockchain
Sau khi xác định trở thành một lập trình viên blockchain, bạn phải trang bị cho mình kiến thức cơ bản về blockchain, cũng như có hiểu biết về các ứng dụng xung quanh công nghệ này như smart contract, NFT…
Cụ thể, một nhà phát triển blockchain cần phải biết về cấu trúc của blockchain và hiểu những thuật ngữ cơ bản như cơ chế đồng thuận, hàm băm… Không những thế, bạn cũng cần học về Bitcoin, các loại blockchain và thậm chí hiểu về bản chất phi tập trung của thị trường này.
Nhằm mục đích cung cấp cho người dùng và những người có ý định trở thành một nhà phát triển blockchain, bạn có thể tìm hiểu thông qua những trang web như Coin98 Insights, Binance Academy…
Bước 3: Hiểu biết về những ngôn ngữ liên quan tới blockchain
Tuỳ thuộc vào định hướng của bạn, ngôn ngữ lập trình của nhà phát triển cũng sẽ khác nhau. Dưới đây là một số định hướng và ngôn ngữ lập trình, mà bạn nên biết khi trở thành một nhà lập trình trong thị trường crypto:
- Phát triển blockchain: Nhà phát triển blockchain là những người tạo ra các mạng lưới lưu trữ dữ liệu, và dựa trên cấu trúc blockchain. Tuỳ thuộc vào blockchain, nhà phát triển cần biết những ngôn ngữ như sau: TypeScript, Go Lang…
- Phát triển game: Nhà phát triển game trên các mạng lưới blockchain cũng là một trong những nhân sự mà nhiều doanh nghiệp game và blockchain săn đón. Thông thường, để trở thành một lập trình viên về game, bạn cần có hiểu biết về những ngôn ngữ như Node.js, Javascript/Typescript, và thông thạo những bộ công cụ như React Native…
Ngoài ra, nhà phát triển blockchain nên học thêm về cryptography, cội nguồn về khả năng bảo mật của một mạng lưới blockchain. Với việc thị trường crypto luôn bị tấn công bởi những tin tặc, những lập trình viên có kiến thức về bảo mật mạng lưới cũng là ưu tiên hàng đầu dành cho nhiều công ty.
Bước 4: Kỹ năng phát triển smart contract
Smart contract (hợp đồng thông minh) là một loại hợp đồng tự thực thi mà không cần bên thứ ba xác thực. Smart contract được sử dụng rộng rãi trong thị trường, cũng như đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành nên hệ sinh thái crypto.
Do đó, đối với những lập trình viên trong thị trường blockchain, khả năng viết một smart contract là kỹ năng bắt buộc. Không những vậy, họ là người phụ trách việc một smart contract có an toàn và có tính ổn định hay không. Một lỗi nhỏ trong smart contract có thể gây thiệt hại lên tới hàng triệu USD.
Năm 2016, một tổ chức tự trị “The DAO” bị tin tặc lợi dụng kẽ hở trong smart contract, cho phép hắn gửi một lượng lớn ETH vào địa chỉ ví khác mà không cần xác minh. Dẫn đến việc tổ chức The DAO bị thiệt hại lên tới con số 50 triệu USD.
Lợi ích và thách thức khi trở thành blockchain developer
Bất kể mọi công việc đều có ưu và nhược điểm riêng, kể cả một công việc còn mới trong thị trường lao động như lập trình viên blockchain.
Lợi ích
Dưới đây là một số lợi ích khi bạn trở thành một blockchain developer:
- Nhu cầu cao: Hiện tại, các doanh nghiệp lớn nhỏ từ Việt Nam, cho tới thế giới bắt đầu mở rộng tầm ảnh hưởng của mình lên thị trường blockchain, dẫn đến nhu cầu về các kỹ sư blockchain đang ngày một nhiều. Theo số liệu của Dappros, số lượng kỹ sư blockchain vẫn tăng đều ở tất cả các nước, từ 2018 tới 2023.
- Nhiều cơ hội: Blockchain không những là thị trường có nhiều cơ hội kiếm lợi nhuận dành cho nhà đầu tư, mà còn là thị trường màu mỡ cho những lập trình viên, họ có thể tham gia hackathon của các dự án như Near, Moonbeam… hoặc đóng góp cho cộng đồng qua những nền tảng như Dune Analytics, Arkham… Từ đó giúp nhà phát triển có “tiếng nói” trong thị trường crypto hơn.
Thách thức
Ngoài những ưu điểm kể trên, các lập trình viên blockchain sẽ gặp một số thách thức chung như sau:
- Yêu cầu kỹ năng, trình độ chuyên môn cao: Mặc dù blockchain là một ngành về công nghệ mới, thị trường này vẫn yêu cầu những lập trình viên có hiểu biết về những thứ mới mẻ như smart contract, cryptography…
- Cạnh tranh cao: Những công việc thuộc lĩnh vực blockchain đều có tính cạnh tranh cao, khi thị trường crypto đang ngày một nổi lên. Vì vậy, bạn cần liên tục trau dồi kỹ năng và kiến thức để có thể làm việc tại ngành blockchain.
Một số câu hỏi về blockchain developer
Thu nhập của blockchain developer
Thu nhập của lập trình viên blockchain phụ thuộc vào kinh nghiệm của bạn. Mức lương tối thiểu rơi vào 500 USD tới hơn 1,000 USD/tháng. Ngoài ra, thu nhập phụ của kỹ sư blockchain có thể đến từ doanh thu của sản phẩm blockchain và token của dự án.
Vai trò của blockchain developer là gì?
Thông thường, một blockchain developer sẽ phụ trách trong việc xây dựng cấu trúc, kiểm tra bảo mật của một mạng lưới blockchain… Tuy nhiên, xây dựng blockchain là một công việc đòi hỏi và chuyên môn cao, nên nhiều lập trình viên bắt đầu phát triển smart contract, ứng dụng DeFi trước khi xây dựng blockchain.