Sự Hình Thành Và Phát Triển Của Web3 Gaming
Web3 Gaming là gì?
Web3 Gaming đề cập đến những trò chơi sử dụng công nghệ Blockchain để mang lại tính minh bạch, bảo mật, dân chủ hóa cao và khả năng kiểm soát của người dùng đối với tài sản trong trò chơi.
Các trò chơi web3 không phụ thuộc vào một nơi duy nhất (hay còn gọi máy chủ trong các trò chơi web2) để lưu trữ dữ liệu của người chơi mà thay vào đó chúng được lưu trữ phi tập trung trên Blockchain. Điều này mang đến sự minh bạch và bảo mật hơn đối với dữ liệu của người dùng trong trò chơi.
Web3 Gaming là một ngành mới đầy tiềm năng, mang đến cho người dùng nhiều quyền kiểm soát hơn, tạo ra nhiều cơ hội kiếm tiền hơn và gắn kết mọi người từ khắp nơi trên thế giới lại với nhau bằng niềm yêu thích chung về trò chơi và công nghệ mới.
Web3 Gaming đang dần thu hút được sự chú ý và quan tâm của cộng đồng
Trò chơi đầu tiên trên Blockchain được giới thiệu vào năm 2014 khi Huntercoin được giới thiệu như một cách để kiểm tra việc áp dụng trò chơi vào trong Blockchain.
Sau khi Ethereum được ra mắt, CryptoKitties được ra mắt vào năm 2017 đã mang đến thành công vang dội trong việc chứng minh tiềm năng của Web3 Gaming và có thời điểm nó chiếm đến hơn 25% hoạt động của mạng Ethereum. Tuy nhiên, Web3 Gaming mới thực sự được mọi người nhắc đến vào năm 2021 với trào lưu Play To Earn cùng với sự dẫn dắt của Axie Infinity.
Khi xét về quy mô phát triển của các dự án Web3 Gaming thì chúng ta thấy năm 2019 hầu như các dự án Web3 Gaming đều chỉ được xây dựng bởi một nhóm nhỏ các nhà phát triển và rất ít dự án có thể kêu gọi được vốn tại thời điểm đầu xây dựng. Ở thời điểm đó chỉ có 27M USD từ các VC rót vào các dự án Web3 Gaming.
Nhưng khi đến những năm 2021 trở đi, chúng ta đã thấy rất nhiều công ty Web3 Gaming hay Studio Game Web3 ra đời và kêu gọi được nguồn vốn khủng hàng chục triệu đô từ các VC như: Kratos với 20M USD, EVE Online với 40M USD,… Tổng số tiền mà các VC rót vào các dự án Web3 Gaming đã lên tới hơn 8B USD. Điều này cho thấy sự trưởng thành của các dự án Web3 Gaming và đang ngày càng nhận được sự chú ý và thu hút bởi các VC trên thị trường.
Còn nếu xét về quy mô thị trường thì năm 2019 chỉ chứng kiến 300 dự án Web3 Gaming có mặt trên thị trường thì con số này đã tăng lên tới 3.629 dự án vào năm 2023. Tất cả các số liệu trên cho thấy tiềm năng phát triển lớn và vị thế quan trọng của mảng Web3 Gaming trên thị trường.
Các Ông Lớn Game Web2 Đang Tiếp Cận Với Web3 Gaming
Trong những thời gian gần đây, một loạt các hãng game Web2 lớn như: Ubisoft, Konami, Sega,… đang tiếp cận với Web3 Gaming để nâng cao dịch vụ của họ. Việc lấn sân sang Web3 Gaming cũng mở ra cánh cửa mới dành cho các nhà phát hành game truyền thống, giới thiệu các tính năng như nền kinh tế do người chơi sở hữu và quyền sở hữu tài sản thực sự.
Sau đây chúng ta cùng tìm hiểu chi tiết hoạt động của các hãng game truyền thống trong thị trường Web3 nhé:
1, Ubisoft
Ubisoft – nhà phát triển đằng sau dự án game nổi tiếng Assassin’s Creed và Far Cry đang tích cực hoạt động trong thị trường web3. Họ đã ra mắt bộ sưu tập Assassin’s Creed NFT trên Polygon và mới đây nhất vào tháng 6/2023, Ubisoft cũng tiết lộ trò chơi blockchain đầu tiên của họ có tựa đề Champions Tactics – một tựa game nhập vai chiến thuật trên PC. Trò chơi sẽ được phát triển trên blockchain Oasys vì nó được tối ưu hóa để chơi game.
Không chỉ đơn thuần việc triển khai game trên Blockchain, Ubisoft còn đang dự tính tung ra các đợt airdrop token miễn phí để thu hút người chơi. Ngoài ra họ còn đang có định hướng mở rộng sang metaverse được đánh dấu bằng việc triển khai các nhân vật Rabbid của họ trong Sandbox.
2, TSM
Đội thể thao điện tử hàng đầu TSM cũng đã hợp tác với Avalanche để xây dựng một nền tảng Web3 Gaming mang tính cạnh tranh có tên là Blitz.
TSM sẽ sử dụng công nghệ Subnet của Avalanche để đưa Blitz lên Blockchain, nơi họ sẽ tổ chức các giải đấu và hỗ trợ người chơi. Game thủ cũng có thể mua và lưu trữ tài sản kỹ thuật số một cách liền mạch nhờ ứng dụng Core.
3, Krafton
Krafton – nhà sản xuất game có trụ sở tại Hàn Quốc đằng sau tựa game bắn súng battle royale nổi tiếng Pubg đang tham gia vào thị trường Web3 Gaming với việc ra mắt nhiều sản phẩm và các tựa game khác nhau như: Ra mắt một nền tảng metaverse với tên gọi Migaloo hay việc tạo ra một Blockchain riêng có tên là Settlus – một Blockchain Layer 1 được xây dựng trên Cosmos.
Settlus sẽ là Blockchain được Krafton định hướng phát triển theo hướng Gaming và Metaverse. Nhưng có một điểm đặc thú vị trên Blockchain này là phí gas được thanh toán bằng Stablecoin USDC. Điều này dựa trên sự hợp tác giữa Krafton và Circle trong việc hỗ trợ xây dựng và phát triển Blockchain của mình.
4, Konami
Vào năm 2022, nhà phát hành game nổi tiếng Nhật Bản Konami đang lên ý tưởng để xây dựng và phát triển một hệ thống Web3 Gaming và Metaverse để mang đến trải nghiệm thú vị hơn dành cho người dùng.
Ngoài ra, Konami cũng đang áp dụng NFT vào trong các trò chơi của mình. Xu hướng này của Konami và đặc biệt là các nhà phát hành game Châu Á đang cho thấy sự chủ động của họ trong việc tiếp cận với Blockchain và Web3. Điều này cũng cho thấy tham vọng trở thành người dẫn đầu trong bối cảnh Web3 Gaming đang nhận được nhiều sự chú ý như hiện nay.
Điểm Nổi Bật Mà Web3 Gaming Mang Lại So Với Các Trò Chơi Truyền Thống
Không phải ngẫu nhiên mà Web3 Gaming lại nhận được sự quan tâm và chú ý của nhiều ông lớn trên thị trường Web2 đến vậy. Chúng ta cùng nhìn vào những điểm nổi bật mà Web3 Gaming mang lại so với các trò chơi truyền thống như sau:
Quyền sở hữu và khả năng tương tác
Web3 Gaming mang đến cho người chơi quyền sở hữu thực sự đối với tài sản trong game của mình và khả năng tương tác trong trò chơi. Với sự xuất hiện của NFT mang đến một sự đổi mới cho các trò chơi web3, nơi người chơi thực sự sở hữu tài sản của mình và có thể mua bán chúng trên các NFT Marketplace.
Một điều nữa là trong các trò chơi truyền thống, người dùng mua một vật phẩm trong trò chơi để tham gia chơi game. Nhưng điều gì xảy ra nếu người chơi chuyển từ trò chơi này sang trò chơi khác? Vật phẩm đó sẽ bị lãng phí vì không được sử dụng nữa.
Đối với web3 Gaming, khả năng tương tác lại mang đến điểm đặc biệt và khắc phục được phần nào nhược điểm mà các trò chơi truyền thống gặp phải ở trên. Người dùng có thể di chuyển các vật phẩm được mã hóa dưới dạng NFT qua nhiều game, ngoài ra nếu không muốn sử dụng nữa thì họ có thể bán chúng trên các NFT Marketplace.
Khả năng tiếp cận và cởi mở
Các trò chơi web3 được xây dựng dựa trên một hệ thống phân tán vì vậy người dùng không phải phụ thuộc vào máy chủ như các trò chơi truyền thống. Nếu vị trí địa lí đó không có máy chủ của trò chơi thì người chơi rất khó để tiếp cận và nếu tiếp cận được đi nữa thì chất lượng trải nghiệm trong trò chơi cũng rất kém.
Chúng ta có thể lấy một ví dụ về tựa game Liên minh huyền thoại. Khi chơi game ở Server Việt Nam thì tình trạng Ping khá ổn định và giúp người chơi có những trải nghiệm chơi game mượt mà nhưng khi chuyển sang các Server như Hàn Quốc hay Bắc Mĩ thì tình trạng Ping tăng đột biến và thao tác trong trò chơi sẽ bị Delay gây cảm giác khó chịu cho người chơi.
Đối với các tựa game Web3 được triển khai trên Blockchain thì chỉ cần Internet là người dùng có thể truy cập ở bất kì đâu trên thế giới, mang đến khả năng tiếp cận cao hơn dành cho người dùng. Ngoài ra, trong một số trò chơi thì người dùng có quyền bỏ phiếu để thêm các tính năng mới vào trò chơi. Điều này khiến các trò chơi web3 trở thành một hệ thống mở nơi người dùng và các nhà phát triển có thể tương tác chặt chẽ hơn.
Cơ hội kiếm tiền
Nền tảng chơi game thế hệ tiếp theo sẽ cho phép người chơi kiếm tiền khi chơi các trò chơi yêu thích của họ ở bất cứ đâu. Người dùng tham gia trò chơi không chỉ thỏa mãn niềm đam mê và yêu thích của mình mà còn kiếm được tiền từ phần thưởng của trò chơi dưới dạng Token hoặc NFT. Điều này cũng có thể phá vỡ ngành công nghiệp Gaming và mang lại nguồn thu nhập đáng kể giúp người chơi vượt qua khó khăn tài chính đặc biệt ở các quốc gia đang gặp khó khăn về tài chính.
Thách Thức Mà Các Tựa Game Web3 Đang Gặp Phải
Dù nhận được rất nhiều sự chú ý và quan tâm của không chỉ các VC trong thị trường crypto mà còn của các ông lớn trong thị trường Web2 truyền thống. Nhưng phải công nhận rằng ở thời điểm hiện tại, đa phần các tựa game hiện vẫn còn khá đơn giản và thực sự chưa mang đến sức hấp dẫn lớn dành cho người chơi.
Trong thị trường game ngày càng cạnh tranh như hiện nay, việc để các trò chơi Web3 có thể tiếp cận với lượng lớn người dùng trong thế giới thực đang gặp phải nhiều thách thức có thể kể đến như:
- Công nghệ Blockchain hiện nay vẫn đang phát triển và gặp hạn chế về tốc độ giao dịch và khả năng mở rộng. Điều này đặt ra thách thức về việc xử lí khi số lượng người chơi tăng cao đồng thời phải cung cấp trải nghiệm mượt mà trong trò chơi.
- Chi phí giao dịch: Giao dịch trên Blockchain thường gặp phải phí giao dịch cao và không ổn định, đặc biệt là khi mạng lưới quá tải. Một số Blockchain riêng dành cho Gaming đã được ra mắt nhưng thực sự vẫn chưa giải quyết được triệt để vấn đề trên. Điều này cũng mang đến những thách thức nếu muốn đưa các Web3 Gaming tiến đến tiếp cận người dùng trong thế giới thực.
- Sự chấp nhận của người dùng: Công nghệ Blockchain và các khía cạnh Web3 có thể là mới mẻ và khó hiểu đối với người dùng mới. Vì vậy để thực sự khai thác tiềm năng của Web3 Gaming thì sự chấp nhận và giáo dục người dùng là vô cùng quan trọng.
Tổng kết
Web3 Gaming thực sự là mảng vô cùng tiềm năng và hứa hẹn sẽ thay đổi ngành công nghiệp gaming trong tương lai. Mặc dù nhận được nhiều sự quan tâm của các ông lớn trong ngành game truyền thống nhưng chúng ta cũng phải thực sự nhìn nhận rằng hiện tại Web3 Gaming vẫn còn nhiều nhược điểm cần phải khắc phục nếu muốn tiếp cận được lượng lớn người dùng trong thế giới thực.