Trending

Bạn có thể Solo Mining một mình, dù bạn có chạy một số máy ASIC có công suất lớn, nhưng tổng thể, bạn chỉ là một hạt cát trên “sa mạc” các thợ đào.

Cơ hội để bạn thực sự khai thác được một khối là khá nhỏ, dù bạn đã chi rất nhiều tiền và lượng điện cần thiết để chạy các thiết bị chuyên dụng, vì vậy, để có doanh thu ổn định hơn thì việc tham gia Mining Pool là một lựa chọn không tồi.

Trong bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu Mining Pool là gì, tổng quan về cách hoạt động cũng như ưu và nhược điểm của Mining Pool.

Mining Pool là gì?

Mining Pool hay còn gọi là hội thợ đào, là nhóm các thợ đào (miner) tập hợp lại với nhau, tổng hợp sức mạnh tính toán của các miner riêng lẻ để giải thuật toán nhanh và hiệu quả hơn, tăng cường khả năng khai thác thành công các khối blockchain để nhận phần thưởng khối.

mining pool là gì
Mining Pool là gì?

Mining Pool hoạt động như thế nào?

Ví dụ đơn giản dưới đây sẽ cho thấy cách hoạt động của mô hình Mining Pool.

Giả sử bạn và 99 thợ đào khác, mỗi người sở hữu 0.01% tổng sức mạnh băm (hashpower) của cả mạng. Điều đó có nghĩa là:

  • Trung bình bạn sẽ khai thác được một khối trong mỗi 10,000 khối.
  • Với trung bình 144 khối được khai thác mỗi ngày, bạn có thể khai thác được một khối mỗi 10 tuần.

Điều này không có nghĩa chắc chắn bạn sẽ khai thác được 1 khối sau mỗi 10 tuần, nó là xác suất. Nếu bạn không may mắn, 20 – 50 tuần liên tiếp bạn sẽ không có thu nhập trong khi vẫn phải trang trải những chi phí cho tiền điện và thiết bị đào chuyên dụng.

miningpool work
Cách hoạt động của Mining Pool

Trong trường hợp này, bạn có thể tham gia vào một nhóm đào với 99 người khác. Nếu tất cả các bạn kết hợp sức mạnh băm của mình, nhóm của bạn sẽ có 1% tỷ lệ băm (Hashrate) của mạng. Điều này có nghĩa là:

  • Cứ trung bình một trăm khối, nhóm sẽ tìm thấy một khối, và có thể là ở một đến hai khối mỗi ngày.
  • Sau đó, phần thưởng có thể chia nhỏ phần thưởng và chia sẻ nó cho tất cả các thợ đào có liên quan.

Ưu và nhược điểm của Mining Pool

Ưu điểm

Lựa chọn tự đào có nghĩa là bạn sẽ không phải chia sẻ phần thưởng, nhưng tỷ lệ bạn nhận được thường sẽ rất thấp vì yêu cầu cao về sức mạnh phần cứng và tài nguyên.

Tham gia Mining Pool yêu cầu ít hơn cho mỗi người tham gia về chi phí phần cứng và điện, nó tăng cơ hội sinh lời vì mang lại cơ hội lớn hơn để khai thác được các khối và giành được phần thưởng.

Nhược điểm

Tham gia vào một Mining Pool nghĩa là các cá nhân đã từ bỏ một số quyền tự chủ của họ trong quá trình khai thác. Họ thường bị ràng buộc bởi các điều khoản do chính Mining Pool đặt ra. Ngoài ra, các thợ đào tham gia Mining Pool cũng được yêu cầu phải chia sẻ mọi phần thưởng tiềm năng.

Bên cạnh đó, một số lượng nhỏ các Mining Pool như AntPool, Foundry USD Pool, F2Pool, BTC.com Pool,.. thống trị quá trình khai thác bitcoin, điều này có thể là mối đe dọa đối với sự phi tập trung của Bitcoin.

Về lý thuyết, bốn Mining Pool hàng đầu có thể cấu kết với nhau để chiếm quyền điều khiển mạng. Tuy nhiên, điều đó sẽ không có nhiều ý nghĩa. Ngay cả khi họ cố gắng thực hiện một cuộc tấn công, giá Bitcoin có thể sẽ giảm mạnh vì hành động của họ sẽ phá hoại hệ thống. Kết quả là bất kỳ đồng tiền nào họ mua được cũng sẽ mất giá trị.

04 hình thức chia sẻ lợi nhuận trong mô hình Mining Pool

Có khá nhiều hệ thống thanh toán trong Mining Pool, dưới đây là 4 mô hình thanh toán phổ biến mà các bạn nên biết:

miningpool comparison
04 hình thức chia sẻ lợi nhuận của Mining Pool

Pay-Per-Share (PPS)

PPS là hình thức cung cấp một khoản thanh toán cố định tức thì cho mỗi cổ phần. Theo phương thức thanh toán này, miner nhận được tỷ lệ thanh toán tiêu chuẩn cho mỗi cổ phần mà họ mua.

Mỗi cổ phần có giá trị bằng một lượng BTC có thể khai thác nhất định, sau khi trừ đi phí khai thác, các miner được nhận một khoản thu nhập cố định mỗi ngày.

pay per share pss
Pay-Per-Share (PPS)

Pay-Per-Last-N-Shares (PPLNS)

PPLNS là hình thức phân bổ lợi nhuận dựa trên số cổ phần mà miner đóng góp. Loại phương pháp phân bổ này có liên quan chặt chẽ đến các khối được khai thác.

Nếu Mining Pool khai thác nhiều khối trong một ngày, các miner sẽ có lợi nhuận cao, nếu Mining Pool không thể khai thác một khối trong cả ngày, lợi nhuận của các miner trong cả ngày bằng không.

Trong ngắn hạn, mô hình PPLNS có mối tương quan cao với sự may mắn của nhóm. Nếu nhóm bạn xui, thu nhập của mọi người trong nhóm sẽ giảm, đương nhiên trường hợp ngược lại cũng có thể xảy ra. Tuy nhiên, về lâu dài, yếu tố may mắn sẽ không ảnh hưởng quá lớn.

pay per last n shares pplns
Pay-Per-Last-N-Shares (PPLNS)

Pay Per Share+ (PPS+)

PPS+ là sự pha trộn của hai chế độ nói trên, PPS và PPLNS. Phần thưởng khối được giải quyết theo mô hình PPS và phí giao dịch được thanh toán theo phương thức PPLNS.

Có nghĩa là trong chế độ này, miner có thể có thêm thu nhập từ một phần phí giao dịch dựa trên phương thức thanh toán PPLNS.

Full Pay Per Share (FPPS)

Trong chế độ này, cả phần thưởng khối và phí dịch vụ khai thác đều được thanh toán theo lợi nhuận lý thuyết. Tính phí giao dịch tiêu chuẩn trong một khoảng thời gian nhất định và phân phối nó cho các miner theo đóng góp sức mạnh băm của họ trong ming pool. Nó làm tăng thu nhập của miner bằng cách chia sẻ một phần phí giao dịch.

Một số Mining Pool nổi bật trên thị trường

Dưới đây là một số Mining Pool lớn nhất trên thị trường tính tính theo Hash Rate:

miningpool hashrate

Antpool là Mining Pool lớn nhất thế giới ở thời điểm hiện tại, có trụ sở tại Trung Quốc. Antpool cung cấp dịch vụ Mining Pool cho nhiều coin PoW lớn như: Bitcoin, Ethereum Classic, Litecoin,…. Mining Pool này chiếm hơn 20% hashrate của mạng lưới Bitcoin.

Bên ngoài Trung Quốc, Foundry USA Pool là một Mining Pool nổi bật khác ở Bắc Mỹ. Họ cho phép miner tham gia hình thức thanh toán Full-Pay-Per-Share (FPPS), thu nhập của các miner sẽ khá ổn định.

Tổng kết

Mining Pool là một hình thức tổ chức mang lại nhiều lợi ích cho những miner muốn có được thu nhập ổn định hơn. Có nhiều phương pháp tính toán và phân chia phần thưởng được các mining pool sử dụng. Vì vậy, những người tham gia cần cân nhắc đâu là chương trình phù hợp với mục đích của mình trước khi tham gia.

bài viết liên quan