OpenSea Cải Tiến Việc Thực Thi Phí Bản Quyền Của Người Sáng Tạo
Vào ngày 18/08/2023, OpenSea đã thay đổi chính sách thực thi phí bản quyền của người sáng tạo với những thay đổi chính bao gồm:
- Ngừng sử dụng OpenSea Operator Filter từ ngày 31/08/2023. Điều này có nghĩa là Operator Filter không còn chặn bất kì NFT Marketplace nào nữa.
- Đối với các bộ sưu tập đã áp dụng Operator Filter và đối với các bộ sưu tập hiện có trên tất cả các chuỗi khối không phải Ethereum, OpenSea sẽ thực thi mức phí bản quyền cho người sáng tạo đối với tất cả NFT được bán trên thị trường thứ cấp từ ngày 31/08/2023 đến ngày 29/02/2024.
- Đối với các bộ sưu tập mới sẽ áp dụng cơ chế phí bản quyền tùy chọn. Điều này có nghĩa rằng người bán NFT sẽ được tăng cường tính linh hoạt trong việc lựa chọn mức phí bản quyền dành cho người sáng tạo với tất cả các đợt bán hàng thứ cấp trên thị trường thứ cấp.
Trong bài đăng trên Blog, OpenSea làm rõ rằng “phí bản quyền dành cho người sáng tạo sẽ không biến mất – chỉ đơn giản là việc thực thi chúng đơn phương không hiệu quả” vì vậy OpenSea đã chuyển đổi thành mô hình phí bản quyền tùy chọn nhằm kết nối và đưa đến một sự thống nhất chung giữa người bán NFT và người sáng tạo.
Những Phản Ứng Trái Chiều Của Cộng Đồng
Việc OpenSea đưa ra quyết định mới về phí bản quyền tùy chỉnh mang đến nhiều ý kiến trái chiều đối với cộng đồng. Có một số người đồng tình vì việc phí bản quyền tùy chỉnh có thể giúp người dùng thoải mái hơn trong việc mua bán NFT, từ đó làm tăng lượng thanh khoản trên thị trường.
Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng điều này là không tôn trọng đối với nghệ sĩ, các nhà sáng tạo những người đã tạo ra những tác phẩm nghệ thuật độc đáo trên thị trường. Một số tên tuổi lớn trên thị trường đã lên tiếng và có những chính sách mới để bảo vệ người sáng tạo như sau:
Yuga Labs chặn giao dịch NFT trên OpenSea
Yuga Labs là một trong những thương hiệu NFT lớn đã lên tiếng phản đối quyết định cực kì gây tranh cãi của OpenSea về việc loại bỏ thực thi phí bản quyền bắt buộc bằng cách chặn tất cả hỗ trợ cho bất kì bộ sưu tập NFT mới hoặc có thể nâng cấp nào trên SeaPort của OpenSea trước tháng 02/2024.
Yuga Labs – công ty mẹ của hai bộ sưu tập NFT lớn nhất trên thị trường là CryptoPunks và Bored Ape Yacht Club (BAYC) đã thông báo trên Twitter rằng họ cam kết thúc đẩy một hệ sinh thái nơi những người sáng tạo được khen thưởng cho công việc của họ.
Quyết định này của Yuga Labs như là một đòn giáng mạnh vào OpenSea khi như mọi người đã biết các bộ sưu tập NFT trong hệ sinh thái của Yuga Labs chiếm đến 40 – 60% khối lượng giao dịch trên thị trường NFT. Tuy nhiên, một điều cần lưu ý rằng Yuga Labs chỉ chiếm khoảng 10% khối lượng giao dịch của SeaPort. Thêm vào đó, các bộ sưu tập có khối lượng giao dịch cao nhất của Yuga Labs thì lại không được triển khai các hợp đồng có thể nâng cấp. Điều này cho thấy tác động của việc họ rời bỏ SeaPort là không quá lớn như mọi người đã nghĩ. Nhưng nhìn chung quyết định này cũng đã khiến OpenSea chịu phải những tổn thất nhất định qua việc từ mặt của Yuga Labs.
Những phản ứng của Rarible và Nifty Gateway
Rarible đã thể hiện rõ quan điểm của mình trên Twitter với hashtag #StandForRoyalties, chia sẻ rằng họ “đoàn kết với những người sáng tạo và nghệ sĩ” bằng cách luôn luôn hỗ trợ phí bản quyền dành cho các nghệ sĩ và người sáng tạo. Trong khi đó, Nifty Gateway cũng tham gia vào dàn đồng thanh lên tiếng về vấn đề này, tuyên bố rằng họ sẽ luôn tiếp tục tôn trọng tiền bản quyền của người sáng tạo trên nền tảng của mình.
OpenSea Vs Blur: Cuộc Chiến Giành Quyền Thống Trị Trên Thị Trường NFT
Từng dẫn đầu trong lĩnh vực thị trường NFT, OpenSea hiện phải đối mặt với những thách thức liên tục từ Blur. Vào ngày 19/08/2023, OpenSea cũng tiết lộ quyết định dừng hỗ trợ BNB Chain và chuyển hướng tập trung vào các Layer 2 như Base.
Sự chuyển hướng tập trung gần đây của OpenSea dường như chủ yếu hướng đến việc tăng khối lượng giao dịch và việc so sánh khối lượng giao dịch trên cả hai nền tảng có thể hỗ trợ cho giả định này.
Tính đến ngày 21/08/2023, Blur tự hào có khối lượng giao dịch 30 ngày là 236,38M USD cao hơn rất nhiều so với OpenSea khi chỉ có 81,89M USD. Phân tích về thị phần đã vẽ ra một bức tranh rõ ràng, trong đó Blur chiếm 44% về thị phần và OpenSea bám sát với con số 13% trong tháng 8. Mặc dù Blur có khối lượng giao dịch NFT cao hơn OpenSea, nhưng OpenSea đóng góp phần lớn doanh thu tiền bản quyền dành cho người sáng tạo.
Điều này là do OpenSea vẫn áp dụng mức phí bản quyền bắt buộc đối với các bộ sưu tập NFT như: Bored Ape Yacht Club (BAYC), Azuki,… Trong khi đó, Blur áp dụng mức phí bản quyền tùy chỉnh dành cho người bán vì vậy mặc dù khối lượng giao dịch trên Blur cao hơn rất nhiều nhưng về doanh thu từ phí bản quyền lại thấp hơn so với OpenSea.
Tổng kết
Quyết định điều chỉnh phí bản quyền của OpenSea đã vấp phải rất nhiều phản đối không chỉ đến từ cộng đồng mà còn từ các dự án lớn. Nhìn chung, cuộc chiến giành thị phần trên thị trường NFT nói chung và giữa OpenSea và Blur nói riêng đang khiến các nền tảng phải tạo ra nhiều cải tiến về mặt sản phẩm cũng như giảm các mức phí giao dịch và cả phí bản quyền. Điều này là tốt cho các nhà giao dịch NFT nhưng lại là không tôn trọng đối với người sáng tạo vì phí bản quyền là nguồn doanh thu duy nhất của họ. Trên đây là tất cả thông tin mà mình muốn cung cấp trong bài viết này, hi vọng mọi người đã nhận được những kiến thức bổ ích.