Smart contract là gì?
Smart contract (hợp đồng thông minh) là một chương trình chạy tự động trên blockchain. Mục đích của smart contract là thực thi các điều khoản trên hợp đồng mà không cần sự can thiệp từ bên thứ ba.
Lấy ví dụ, A chuyển 10 ETH cho B trên mạng Ethereum, B sẽ tự động chuyển 1,000 USDT cho A.
Điểm nổi bật của smart contract so với hợp đồng truyền thống là hai chủ thể trong hợp đồng có thể đưa ra các cam kết thông qua blockchain mà không cần phải biết về danh tính hoặc có sự tin tưởng lẫn nhau.
Vậy smart contract được tạo ra bởi ai?
Năm 1997, thuật ngữ “smart contract” lần đầu xuất hiện ở bài nghiên cứu của Nick Szabo. Ban đầu, ông mô tả smart contract với mục đích bao gồm giảm thiểu gian lận và tự động thực thi các điều khoản trên trên hợp đồng. Sau đó, trong bài báo năm 1996, ông mở rộng tiềm năng của smart contract khi áp dụng chúng trong công nghệ, tài chính…
Nick Szabo là kỹ sư và nhà mật mã học (cryptographer) nổi tiếng vào thời kì đầu của thị trường crypto. Ông là nhà sáng lập ra Bit Gold, dự án được cộng đồng cho rằng là tiền thân của Bitcoin.
Đặc điểm của hợp đồng thông minh
Một số đặc điểm nổi bật của smart contract bao gồm:
- Tự thực thi: Smart contract tự động thực thi mà không cần sự can thiệp của bên thứ ba. Khi điều kiện được đáp ứng, chúng thực hiện các hành động được xác định trước.
- Không phụ thuộc vào bên thứ ba: Smart contract hoạt động độc lập và không phụ thuộc vào bất kỳ bên thứ ba nào như ngân hàng, luật sư hoặc tổ chức trung gian khác. Điều này giúp giảm thiểu chi phí và thời gian giao dịch.
- Không thể xóa hoặc thay đổi: Một khi smart contract được triển khai, chúng không thể bị xóa và thay đổi mà không cần sự đồng thuận của tất cả các bên tham gia. Điều này đảm bảo tính vẹn toàn của giao dịch giữa các bên.
- Tính minh bạch: Hợp đồng thông minh luôn được lưu trữ trên blockchain, do đó tất cả mọi người đều có thể kiểm tra thông tin trên hợp đồng, bao gồm điều khoản, thời gian thực hiện…
Cơ chế hoạt động của smart contracts
Smart contract cơ bản là những chương trình được thiết lập để tuân thủ các quy tắc trong hợp đồng.
Ví dụ: Trang là chủ trọ, Vy là người thuê nhà. Hai bên ký kết với nhau thông qua smart contract, điều khoản và cơ chế hoạt động của smart contract sẽ diễn ra như sau:
- Đầu tiên, smart contract tạo một kho chứa cho phép Trang và Vy có thể bỏ tài sản, thông tin về giá cả, nhà cửa… vào kho, nhưng không được phép tự ý rút tài sản và dữ liệu ra ngoài..
- Sau đó, Vy để tiền thuê nhà vào kho chứa, và Trang để thông tin địa chỉ và giá tiền của trọ vào kho này.
- Cuối cùng, smart contract xác nhận kho chứa có đủ số tiền và thông tin từ hai bên. Nó sẽ tự động thực thi việc chuyển tiền cho Trang và các thông tin địa chỉ của trọ cho Vy.
- Ngoài ra, smart contract có khả năng thêm những điều khoản như “trường hợp thông tin mà Trang cung cấp sai như trước đó hai người đã bàn bạc”, Vy sẽ được hoàn tiền bởi smart contract. Điều này sẽ tránh những trường hợp lừa đảo từ Trang và Vy.
Nhìn chung, smart contract là công nghệ tự động thực thi các điều khoản trên hợp đồng, mà không cần bên thứ ba xác thực ngoài Trang và Vy. Những thông tin và điều khoản của smart contract giữa Trang và Vy sẽ được lưu trữ trên blockchain, mọi người đều có quyền truy cập và kiểm tra.
Ưu & nhược điểm của smart contract
Mặc dù ý tưởng về smart contract đã có từ năm 1997, việc đem smart contract sử dụng rộng rãi trong thị trường crypto chỉ chưa đầy 10 năm. Vì vậy, hợp đồng thông minh vẫn có ưu và nhược như sau:
Ưu điểm
- Dữ liệu smart contract không thể thay đổi: Hợp đồng thông minh không thể bị thay đổi và xâm nhập từ bên ngoài, khiến cam kết giữa nhiều bên luôn được đảm bảo toàn. Tuy nhiên, nếu như có lỗi trong smart contract từ đầu, nhà phát triển không thể sửa lỗi mà chỉ có thể phát triển một smart contract mới.
- Phi tập trung và tự thực hiện (self executing): Hợp đồng thông minh không phụ thuộc vào bên thứ ba để xác thực các điều khoản trên hợp đồng, từ đó giảm thiểu chi phí của mạng lưới. Ngoài ra, smart contract có khả năng tự thực hiện, khi điều kiện được đáp ứng mà không cần sự can thiệp từ bên thứ ba như luật sư, ngân hàng…
Mặc dù smart contract được sử dụng chủ yếu ở thị trường crypto, tuy nhiên đã có một số doanh nghiệp thực hiện nghiên cứu và triển khai áp dụng trong đời sống, nhằm tận dụng những ưu điểm như giảm thiểu chi phí, tăng hiệu suất công việc.
Nhược điểm
Smart contract hiện tại vẫn còn tồn tại những nhược điểm mà người dùng nên lưu ý:
- Dữ liệu không thể thay đổi khi phát sinh lỗi: Ưu điểm của smart contract hiện cũng đang là nhược điểm, một khi smart contract được triển khai, chúng sẽ không thể bị sửa đổi và can thiệp. Vì vậy, nếu smart contract xảy ra lỗi, nhà phát triển hoặc người tham gia chỉ có thể tạo một hợp đồng mới.
Ví dụ: Năm 2016, một tổ chức có tên là “The DAO” bị tấn công do có sai sót trong smart contract, khiến họ thiệt hại hàng triệu ETH.
Khi đó, smart contract của The DAO không thể thay đổi, nên họ không thể sửa đổi code trong smart contract. Điều này cuối cùng đã dẫn đến một cuộc hard fork, tạo ra Ethereum Classic và Ethereum.
- Chưa có bảo hộ pháp lý: Smart contract là sản phẩm chưa có những quy định và pháp lý rõ ràng. Vì vậy, nếu smart contract có lỗi xảy ra, người dùng cũng không được chính phủ bảo vệ quyền lợi. Theo Certik, các lỗi của smart contract có thể dẫn tới những cuộc tấn công như rug pull, exploit… Và những vụ tấn công này đã gây thiệt hại lên tới 3.7 tỷ USD trong năm 2022 (theo báo cáo của CertiK).
Ứng dụng của smart contract trong crypto
Smart contract được sử dụng ở mọi “ngách” tại thị trường crypto, từ mua bán token cho tới sử dụng trong dịch vụ tài chính như Lending/Borrowing, Staking… Một số ứng dụng nổi bật của smart contract như:
Flash Loan
Flash Loan là hình thức cho vay mà không cần tài sản thế chấp, nhưng thời gian cho vay chỉ tồn tại đến khi một block mới hoàn thành (khoảng thời gian rất ngắn). Vì vậy, hình thức cho vay này yêu cầu người dùng phải có tốc độ giao dịch nhanh và smart contract có thể giúp người dùng sử dụng hình thức Flash Loan, khi chúng có khả năng xử lý giao dịch ngay khi được kích hoạt.
Ví dụ: Binance đang bán ETH là 1,000 USD và OKX bán ETH 1,100 USD, vậy nhà phát triển sẽ tạo một smart contract với cách thức hoạt động như sau:
- Đầu tiên, nhà phát triển vay Flash Loan 1 triệu USD trên một giao thức DeFi.
- Sau đó, anh lên Binance mua ETH và ngay lập tức bán trên OKX.
- Sau khi đã có lợi nhuận, nhà phát triển trả lại khoản vay 1 triệu USD cho giao thức.
Tất cả ba bước trên đều diễn ra trong vòng 1-2 phút, thậm chí vài giây, và đều được thực hiện bởi smart contract. Trong thị trường crypto đã có những trường hợp người dùng sử dụng phương thức này để kiếm lợi nhuận.
Swap token
Đây là phương thức sử dụng smart contract phổ biến trong thị trường crypto, người dùng cung cấp hai token vô pool thanh khoản, và tạo một smart contract cho phép người khác trao đổi hai token này với nhau (người cung cấp thanh khoản sẽ nhận phí giao dịch). Phương thức này được sử dụng ở sàn DEX, nơi mọi người cung cấp thanh khoản vào pool và trao đổi token.
Với việc có smart contract trong thị trường crypto, người dùng có thể đa dạng hoá danh mục đầu tư của mình, thông qua việc trao đổi những token chưa niêm yết trên các sàn giao dịch tập trung (CEX).
Ngoài hai hình thức trên, hầu hết các ứng dụng tại thị trường crypto đều được thiết kế và cung cấp bởi các smart contract trên blockchain, như Lending/Borrowing, airdrop…. Smart contract cho phép các nhà phát triển có thể thiết kế ra nhiều trường hợp sử dụng khác nhau.
Một số doanh nghiệp ứng dụng smart contract
Trong thị trường crypto, smart contract xuất hiện ở khắp mọi nơi và được các dApp sử dụng với nhiều mục đích khác nhau (cung cấp thanh khoản, lending/borrowing…). Vì vậy, smart contract gần như là một công nghệ không thể thiếu trong thị trường crypto.
Với độ phổ biến của smart contract, các doanh nghiệp và chính phủ cũng đã bắt đầu quan tâm tới công nghệ này. Dưới đây là một số doanh nghiệp/chính phủ đã và đang thử nghiệm smart contract trong quy trình của họ:
- Chính phủ Thuỵ Điển: Năm 2016, chính phủ Thuỵ Điển sử dụng smart contract cho việc đăng ký quyền sở hữu đất đai cho người dân nơi đây.
- Ubisoft: Một trong những công ty làm game hàng đầu thế giới, họ sử dụng smart contract để cho phép người chơi mua bán, sở hữu vật phẩm trong các tựa game của Ubisoft.
- Ngân hàng ING: Một trong những ngân hàng tại Hà Lan áp dụng smart contract cho dịch vụ cổng thanh toán quốc tế.