Trending

Nhà phát hành stablecoin USDT Tether đã đầu tư 200 triệu USD vào Blackrock Neurotech, một công ty công nghệ sinh học chuyên xây dựng các công cụ giúp đỡ những người bị liệt, mất chức năng và rối loạn thần kinh.

Tether chi mạnh tay đầu tư vào việc kết nối công nghệ với con người

Khoản đầu tư này được thực hiện thông qua bộ phận liên doanh mới thành lập của Tether là Tether Evo. Với khoản đầu tư này, Tether hiện là cổ đông lớn nhất trong Blackrock Neurotech, nhà phát hành stablecoin cho biết. Tether cho biết thêm, khoản đầu tư này sẽ giúp Blackrock Neurotech tài trợ cho việc thương mại hóa và triển khai các giải pháp y tế cũng như hỗ trợ các nỗ lực nghiên cứu và phát triển của mình.

“Các khoản đầu tư của Tether được thực hiện bằng lợi nhuận của công ty”, Giám đốc điều hành Tether, ông Paolo Ardoino nói với The Block. Tether đã báo cáo lợi nhuận ròng kỷ lục 2,9 tỷ USD trong báo cáo chứng thực quý 4 năm 2023 mới nhất được công bố vào đầu năm nay.

Ardoino cho biết trong một tuyên bố: “Blackrock Neurotech chỉ là khởi đầu trong hành trình của chúng tôi thông qua Tether Evo để tham gia vào các dự án xác định lại ranh giới của những gì có thể thực hiện được ở điểm giao thoa giữa đổi mới công nghệ và tiềm năng của con người. Tether từ lâu đã tin tưởng vào việc nuôi dưỡng các công nghệ mới nổi có khả năng biến đổi và Brain-Computer-Interfaces (Giao diện não-máy tính)* của Blackrock Neurotech có tiềm năng mở ra các lĩnh vực giao tiếp, phục hồi và nâng cao nhận thức mới.”

Tether Evo là bộ phận mới nhất trong các bộ phận mới ra mắt gần đây của Tether, như Tether Data, Tether Finance, Tether Power và Tether Education, đang mở rộng trọng tâm của công ty ra ngoài các dịch vụ tiền điện tử.

“Tether Evo đứng ở giao điểm giữa sự đổi mới và tiềm năng của con người, nhằm thúc đẩy nhân loại tiến tới một tương lai nơi công nghệ và khả năng của con người hợp nhất theo những cách chưa từng có,” Tether cho biết.

Blackrock Neurotech là gì?

Được thành lập vào năm 2008, Blackrock Neurotech là công ty tiên phong về công nghệ giao diện não-máy tính (BCI). Công ty đặt mục tiêu hỗ trợ hàng triệu người trên toàn thế giới bị ảnh hưởng bởi tình trạng tê liệt và rối loạn thần kinh. Các công cụ của nó cho phép bệnh nhân điều khiển các thiết bị bằng suy nghĩ của họ.

Năm 2016, bệnh nhân Nathan Copeland đã sử dụng công nghệ BCI của Blackrock để điều khiển cánh tay robot nắm ngón trỏ của Tổng thống Mỹ Barack Obama. Với việc cấy ghép vào vỏ não cảm giác của mình, Nathan thậm chí còn có thể “cảm nhận được” bàn tay của Tổng thống. Ở những bệnh nhân khác, công nghệ của Blackrock đã được sử dụng để giải mã toàn bộ từ và câu từ tín hiệu não để cung cấp giọng nói cho những người mất khả năng nói do bệnh hoặc chấn thương thần kinh cơ, Tether cho biết.

Blackrock Neurotech được thành lập tại Đại học Utah bởi các nhà khoa học và những người tiên phong BCI, Tiến sĩ Florian Solzbacher và Marcus Gerhardt và hiện có trụ sở tại Thành phố Salt Lake, Utah.

Solzbacher, nhà đồng sáng lập của Blackrock Neurotech, cho biết trong một tuyên bố: “Ước mơ của cuộc đời tôi là giúp đỡ và phục hồi chức năng cho những người bị mất chức năng, đồng thời cải tiến các công nghệ cách mạng hóa hoạt động chăm sóc sức khỏe và thế giới xung quanh chúng ta. Nỗ lực lâu dài và đầy tham vọng này đòi hỏi những đối tác tận tâm và có tầm nhìn. Với cam kết tìm kiếm và nuôi dưỡng công nghệ giúp ích cho nhiều người và thúc đẩy nhân loại tiến lên, chúng tôi không thể mơ về một đối tác tốt hơn Tether để biến tầm nhìn chung của chúng tôi thành hiện thực,” Solzbacher nói thêm.

*Brain-Computer Interfaces (BCI), hay còn gọi là Giao diện não-máy tính, là công nghệ cho phép giao tiếp trực tiếp giữa bộ não của con người hoặc động vật và một thiết bị bên ngoài. BCI có thể nhận tín hiệu từ não và chuyển chúng thành các lệnh điều khiển cho thiết bị, hoặc ngược lại, gửi thông tin từ thiết bị vào não.

BCI có nhiều ứng dụng, từ việc hỗ trợ người khuyết tật vận động kiểm soát chân tay giả, con trỏ máy tính, đến việc điều khiển xe lăn chỉ bằng suy nghĩ. Nó cũng mở ra khả năng điều khiển máy móc và giao tiếp mà không cần đến sự tương tác vật lý thông thường như nhấn nút hay chạm vào màn hình.

bài viết liên quan