Đồng tiền kỹ thuật số quốc gia Petro của Venezuela sắp bị khai tử vì sau gần 6 năm phát hành nhưng ít được sử dụng rộng rãi.
Theo chia sẻ từ Max Keiser, một nhà đầu tư Bitcoin kỳ cựu, thì Petro (PTR), đồng tiền số quốc gia Venezuela, sẽ chính thức ngừng hoạt động từ ngày 15/01/2024 sau gần 6 năm được ra mắt. Toàn bộ PTR sẽ được chuyển đổi thành bolívar, đồng nội tệ của Venezuela.
Petro được Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro phát hành vào năm 2018 để hỗ trợ đồng tiền quốc gia bolívar đối phó với tình trạng “lạm phát phi mã” đến cả nghìn phần trăm, vì lệnh cấm vận kinh tế áp đặt bởi Hoa Kỳ đã gần như tách biệt nước này khỏi thị trường vốn đầu tư toàn cầu.
Đồng tiền số quốc gia Petro được neo giá vào trữ lượng dầu mỏ phong phú của Venezuela. Giá của 1 PTR sẽ bằng với giá 1 thùng dầu Venezuela – xấp xỉ 60 USD/thùng. Nó từng là hy vọng quốc gia với nhiều công dụng rộng lớn, bao gồm:
Tài sản chuyển tiếp dùng để giao dịch hàng hoá và dịch vụ, thậm chí là tiền mặt.
Nền tảng kỹ thuật số dùng cho chuyền tiền và giao dịch các tài sản điện tử bảm đảm giá trị bởi các loại tài nguyên khác như dầu mỏ tại Venezuela.
Phương tiện thanh toán hợp pháp trên toàn lãnh thổ Venezuela: Cho phép người dân sử dụng PTR để đóng thuế, các khoản nợ, tiền phí và sẽ được chấp nhận bởi mọi cá nhân cũng như doanh nghiệp.
Tuy nhiên, nó không được sử dụng rộng rãi bởi công dân, và các nhà lập pháp của đất nước vì bị dán nhãn là bất hợp pháp vì sử dụng sai mục đích nguồn dự trữ dầu mỏ của đất nước, cùng sự “lắc đầu” từ các ngân hàng quốc gia như Banco de Venezuela. Năm 2021, Ngân hàng Trung ương Venezuela còn công bố dự định phát hành CBDC, song kế hoạch này đến hiện tại vẫn chưa thành hiện thực.
Bất chấp những lời chỉ trích từ bên trong và bên ngoài Venezuela, chính quyền Maduro vẫn tiếp tục quảng bá Petro đến 10 quốc gia thành viên của Liên minh Bolivar, thậm chí còn tuyên bố thay thế đồng đô la Mỹ (USD) trong hoạt động giao dịch dầu thô và mua vé máy bay.
Thực tế, sau gần 6 năm tồn tại, người dân Venezuela cũng không thực sự hiểu cách hoạt động của Petro, và sự hạn chế trong phạm vi sử dụng ở một số hoạt động nhà nước như nộp thuế hay nộp phạt giao thông cũng góp phần vào “sự ra đi” của đồng tiền kỹ thuật số quốc gia này.