Bạn đã bao giờ thắc mắc Changpeng Zhao (CZ), người xây dựng đế chế Binance, sàn giao dịch tiền điện tử lớn nhất thế giới theo khối lượng giao dịch (tính đến tháng 10/2022) có những nguyên tắc làm việc nào không? Điều gì thúc đẩy ông tạo nên những thành tựu to lớn này? Và chúng ta có thể học hỏi gì từ ông?
Dưới đây là một số nguyên tắc làm việc của CZ cũng như cách ông nhìn nhận cuộc sống, được ông chia sẻ trên trang blog của Binance.
Nguyên tắc chung của CZ
Công bằng
Đây là nguyên tắc có thể áp dụng trong nhiều khía cạnh của cuộc sống, từ các mối quan hệ cá nhân, đồng nghiệp trong công việc, cho đến các giao dịch kinh doanh. CZ tin vào việc đối xử công bằng với mọi người, không lợi dụng người khác và không để người khác lợi dụng mình. Ông cho rằng chúng ta sẽ không thể tiến xa trong cuộc sống nếu không có sự cân bằng này.
Tuy nhiên, nói thì dễ hơn làm. Thông thường, mọi người đều nhìn nhận các vấn đề khá chủ quan và thường làm những thứ có lợi cho mình. Chúng ta nên ý thức điều đó và cố gắng sống một cách công bằng nhất có thể.
Xây dựng các mối quan hệ hay giao dịch lâu dài, đôi bên cùng có lợi
Thành công được xây dựng trong dài hạn. Để duy trì các mối quan hệ tốt, chúng ta cần xây dựng các mối quan hệ đôi bên cùng có lợi về lâu dài. Để một thỏa thuận có ý nghĩa, nó phải mang lại lợi ích cho cả đôi bên.
Các giao dịch một bên thường không mang lại lợi ích lâu dài, và chúng ta thường phải tìm những đối tác mới (và yếu thế hơn) để làm việc cùng sau đó. Thành công ngắn hạn không đáng kể. CZ chống lại những thành công ngắn hạn. Chúng thường có tác động tiêu cực về lâu dài, khiến bạn mất tập trung vào mục tiêu dài hạn, và tiềm ẩn nhiều bất lợi. Thay vào đó, hãy hướng đến những mục tiêu dài hạn và những thành công lớn hơn.
Khi nói đến “Thành công ngắn hạn”, ý CZ muốn chỉ những thành công chỉ diễn ra một lần. Không nên nhầm lẫn nó với những thành công nhỏ hướng tới mục tiêu dài hạn lớn hơn, vì điều này rất cần thiết cho sự phát triển của mỗi người trong tương lai.
Tránh các mối quan hệ “xấu”
Có những người không có đạo đức và độc hại, gây lãng phí thời gian của bạn. Cũng có những người không hề chia sẻ giá trị hay sứ mệnh chung với bạn. Hãy để những người này ra khỏi cuộc sống của bạn.
Có những người thích tán gẫu, nhưng ở giai đoạn này của cuộc đời, CZ không có thời gian để tán gẫu. Có những người cần được chú ý cao, họ liên tục cần sự quan tâm, khó chịu với những điều nhỏ nhặt, cần nói chuyện nhiều hay cần được nhắc lại để biết rằng mình quan trọng, tốt, tuyệt vời… như thế nào.
Điều đó không sai, nhưng CZ không thể dành thời gian cho những người này. Ông chỉ tương tác với những người khiêm nhường và luôn tự tin.
Giữ đạo đức
CZ không bao giờ vượt qua các ranh giới đạo đức, vì ông cho rằng chúng sẽ luôn quay lại và gây bất lợi cho chúng ta sau này. Trong giao dịch với người dùng, ông luôn làm điều đúng đắn, dù chúng không phải là điều dễ dàng nhất.
Tập trung
Thành công không đến từ việc bạn làm được bao nhiêu điều, mà là bạn làm những điều mình đã chọn tốt đến đâu. Sự tập trung giúp CZ làm việc chăm chỉ và loại bỏ những điều phiền nhiễu ra khỏi cuộc sống của mình.
Ông không có nhiều sở thích và thường tập thể dục 30 phút mỗi ngày. Ông cũng không sở hữu nhiều tài sản cần được duy trì vì chi phí thời gian cho chúng quá cao. Dù vậy, sự tập trung này có rủi ro tiềm ẩn là CZ có thể bỏ lỡ nhiều cơ hội ngoài kia. Dù trong thế giới quá tải thông tin ngày nay, điều đó khó có khả năng xảy ra.
Tích cực
Tất cả chúng ta đều phải đối mặt với nhiều thách thức trong cuộc sống, có thể là mối quan hệ với gia đình, bạn bè, hay các vấn đề công việc. Có một thái độ tích cực thường tạo ra kết quả tích cực.
Một câu nói mà CZ ghi nhớ và giúp ông rất nhiều trong những năm qua đó là:
“Bạn sẽ làm gì khi đi bộ đến đáy của một thung lũng? Chỉ cần tiếp tục bước đi và bạn sẽ thoát khỏi nó.”
Ngoài ra, nếu bạn biết mình đang làm những điều có đạo đức, mọi cảm giác tiêu cực sẽ biến mất. Bạn sẽ có năng lượng tích cực. Đây cũng là một trong những lợi ích chính của việc sống có đạo đức.
Chịu trách nhiệm cho hành động của mình
Tâm lý là yếu tố tiên quyết dẫn đến thành công trong cuộc sống. Đối với CZ, tâm lý đó bao gồm việc có trách nhiệm và tự hào về những gì mình làm.
Ông không chỉ làm đúng nhiệm vụ của mình hay đặt những viên gạch xây nên một bức tường, ông là người xây dựng những thánh đường. Theo CZ, nếu bạn không nghĩ rằng mình đang “xây dựng một thánh đường”, bạn nên tìm một công việc khác.
Khi định làm điều gì, CZ luôn chịu trách nhiệm cho hành động của mình, đồng thời nghĩ về những cách thức giúp ông có thể cải thiện nó. Ông luôn chịu trách nhiệm về kết quả, dù thành công hay thất bại. Theo CZ, nếu bạn áp dụng tư duy này, kết quả công việc của bạn sẽ cải thiện một cách kỳ diệu và bạn sẽ tiến nhanh hơn trên con đường đến với thành công.
Học hỏi không ngừng
Thế giới đang phát triển rất nhanh, bất cứ ai cũng phải học hỏi không ngừng thông qua việc đọc sách hay sống ở các thành phố khác nhau.
CZ thường không đọc tin tức vì ông thấy chúng không đủ sâu và không có gì đáng chú ý. Thay vào đó, ông chọn đọc sách. Khi đọc sách, ông có thể đi sâu vào các chi tiết, hay những lý do đằng sau một sự việc, từ đó tự cải thiện bản thân. Ông mua rất nhiều sách, khoảng 300 cuốn mỗi năm dù không đọc hết, ông chỉ hoàn thành khoảng 80 cuốn mỗi năm.
Ông cũng cố gắng viết mỗi ngày một chút. Nó có thể là một bài đăng trên blog, hay một bài báo giúp ông sắp xếp các suy nghĩ của mình tốt hơn.
Nguyên tắc về hiểu thế giới
Hiểu cách thức thế giới vận hành là điều rất quan trọng để đạt được bất kỳ mức độ thành công nào.
Muốn biết con người hoạt động như thế nào, hãy đọc quyển Sapiens. Tuy chúng ta đang sống cùng nhau trên Trái đất nhưng mỗi người đều sống trong một thế giới khác nhau và hiểu về thế giới theo những cách khác nhau. CZ khuyên mọi người đừng có cái nhìn quá đơn giản về thế giới vì nó hiếm khi giúp bạn thành công. Hãy nhìn mọi thứ ở một mức độ sâu sắc hơn.
Một số người có quan niệm ngây thơ rằng mọi quy tắc đều tốt. Nhưng các quy tắc do con người tạo ra và không phải lúc nào cũng hoàn hảo. Một số sách có thể giúp bạn hiểu rõ điều này là: The Law (1850), Economics in One Lesson…
Chúng ta cần hiểu những hạn chế của thế giới. Chúng ta không sống trong một thế giới hoàn hảo. Đừng chiến đấu những cuộc chiến mà bạn sẽ không giành phần thắng. Chỉ cần tránh nó. Đi chỗ khác. Làm việc gì đó khác. Có rất nhiều việc phải làm trên thế giới này. Hãy tập trung vào những đóng góp tích cực mà bạn có thể thực hiện.
Nguyên tắc về ra quyết định
Đưa ra quyết định tốt là một kỹ năng có thể rèn luyện. Sau đây là một số nguyên tắc CZ áp dụng khi đưa ra quyết định.
Nguyên tắc đầu tiên
Nếu một quyết định đáp ứng một trong những nguyên tắc cốt lõi, CZ luôn tuân thủ những nguyên tắc này. Nếu không, CZ sẽ xem xét các yếu tố sau theo thứ tự lần lượt.
Nhỏ và Lớn
CZ sẽ xác định quy mô hay tác động được tạo ra từ quyết định của mình.
- Nếu quyết định nhỏ, CZ sẽ nhanh chóng thực hiện hay ủy thác nó cho người khác, chẳng hạn như đi ăn tối ở đâu, hay thực hiện một khoản đầu tư nhỏ.
- Nếu quyết định lớn, CZ sẽ thu thập dữ liệu, thảo luận với nhóm và dành 24 tiếng cho nó. Những quyết định này có thể là các khoản tài trợ, đầu tư lớn…
Mang tính tạm thời hay vĩnh viễn
Một số quyết định có thể đảo ngược, chẳng hạn như phát triển một tính năng sản phẩm mới. Bạn luôn có thể dừng làm nó bất cứ lúc nào để đi làm việc khác hay hủy bỏ dù nó đã hoàn tất. Sẽ có một số chi phí cố định về thời gian và năng lượng nhưng chúng có giới hạn.
Nhưng có một số quyết định không thể đảo ngược dễ dàng, chẳng hạn như trả trước một khoản tiền lớn cho một thỏa thuận tài trợ M&A – một công ty lớn mà Binance dự định hợp nhất.
Tôi có chuyên môn không?
Nếu đó là thứ CZ biết rõ hay có thông tin cơ bản, như công nghệ hay sản phẩm, ông có thể đưa ra quyết định nhanh hơn. Trong những lĩnh vực ông không biết rõ, chẳng hạn như tiếp thị, ông sẽ ủy quyền hay nhờ các chuyên gia khác giúp mình đưa ra các quyết định cẩn thận hơn.
Đầy đủ thông tin
Điều cuối cùng cần đặt câu hỏi là CZ/Binance có đầy đủ thông tin không?
- Đối với những quyết định nhỏ, CZ không cần nhiều thông tin.
- Đối với những quyết định lớn, ông cố gắng có được tất cả những thông tin cần thiết. Dù vậy, trong cuộc sống, chúng ta thường phải đưa ra quyết định với lượng thông tin hạn chế.
Cuối cùng: Việc đưa ra quyết định và sau đó thực hiện sẽ tốt hơn nhiều việc không đưa ra quyết định.
Nguyên tắc về Đội ngũ và Tổ chức
Đội ngũ hơn cá nhân
Các cá nhân làm việc tốt trong một nhóm làm việc không tốt hiếm khi đem lại kết quả khả quan. Nhưng điều ngược lại thường đúng. Nếu một đội ngũ hoạt động tốt thì mọi thành viên, kể cả những người đang gặp khó khăn, cũng đều có khả năng tạo ra những kết quả tốt. Do đó, nên ưu tiên đội ngũ hơn cá nhân.
Thường xuyên xáo trộn nhóm
Đừng để tổ chức trở nên cũ kỹ. Hãy tạo ra nhiều cơ hội để các lãnh đạo mới phát triển, đồng thời khắc phục tình trạng “ngồi nhầm chỗ” của một số cá nhân.
Kiến trúc đội ngũ quyết định kiến trúc hệ thống, hãy đọc cuốn Team Topologiex. Binance không muốn “phần mềm” của mình trở nên cũ kỹ, do đó họ thường xuyên thay đổi cấu trúc đội ngũ.
Cạnh tranh nội bộ là tốt
Luôn tồn tại sự cạnh tranh từ bên ngoài, điều này giúp thúc đẩy doanh nghiệp phát triển. Tương tự, cạnh tranh nội bộ cũng là một điều tốt, chúng ta chỉ cần làm điều đó một cách chuyên nghiệp.
Hỗn loạn một cách có kiểm soát
Nhiều người có xu hướng nghĩ rằng một tổ chức càng có cấu trúc rõ ràng thì càng tốt. CZ không đồng ý với điều này. Một cấu trúc rõ ràng có thể đem lại nhiều lợi ích, bao gồm việc phân định rõ ràng quyền lực và trách nhiệm, ít chồng chéo hay lãng phí năng lượng… Từ đó khiến tổ chức hoạt động hiệu quả hơn.
Thế nhưng, hầu hết mọi người không nghĩ là cách thức này thường chỉ giúp tổ chức thực hiện hiệu quả duy nhất một việc. (Thực tế, từ “tổ chức” ý chỉ một cấu trúc được tối ưu hóa cho một thứ). Một tổ chức có cấu trúc quá rõ ràng có thể trở thành một bộ máy quan liêu.
Khi thế giới thay đổi, một tổ chức có cấu trúc rõ ràng phải nỗ lực hơn nhiều để thích ứng. Và thế giới thì thay đổi thường xuyên, đặc biệt trong một ngành công nghiệp non trẻ như crypto. Trong một tổ chức có cấu trúc rõ ràng, ít có sự đổi mới thật sự và cũng ít cạnh tranh nội bộ hơn (hay thiếu đi áp lực cải tiến không ngừng). Ở một quy mô nhất định, việc ra quyết định từ trên xuống trở nên kém hiệu quả hơn.
Điều này không có nghĩa “hỗn loạn” thì tốt hơn. Cần có một sự cân bằng. Chúng ta đang sống và làm việc trong một thế giới đang thay đổi, một nền công nghiệp mới. Ngành công nghiệp của Binance định nghĩa lại nhiều khái niệm truyền thống, chẳng hạn như công ty, đội ngũ và thậm chí cả tiền bạc. Do nhân viên Binance làm việc từ xa và có độ phủ trên toàn cầu, nên nhiều cấu trúc truyền thống sẽ không phù hợp với họ.
Đồng thời, chúng ta cần có những biện pháp kiểm soát chặt chẽ trong nhiều lĩnh vực. Binance xử lý tiền của người dùng. Tính bảo mật, việc tuân thủ đạo đức và sự trung lập phải được thực thi. Binance hoạt động trong một môi trường có các quy định. Việc tuân thủ các quy tắc rất quan trọng. Một môi trường hỗn loạn được kiểm soát cần có những nhân viên giỏi nhất, những người đam mê và có trách nhiệm. Làm thế nào để tìm ra sự cân bằng này là một thách thức để chúng ta cải thiện bản thân.
Team building thường xuyên
Mục tiêu là mỗi tháng tổ chức team building một lần, nhưng thực tế thường là 2 tháng/lần, do các vấn đề về lịch trình.
Team building của Binance thường được tổ chức tại địa phương, giữa các đội với nhau. CZ phản đối việc bay qua bay lại để thực hiện team building vì điều này đắt đỏ và tốn nhiều thời gian. Ông không muốn tạo ra suy nghĩ rằng Binance chỉ đưa mọi người đi khắp nơi để “nghỉ dưỡng”. Đối với những đội thực sự nhỏ, team building có thể được thực hiện mỗi 18 tháng.
Đưa ra phản hồi
Trong các cuộc thảo luận một-một hay trong các nhóm lớn, CZ đưa ra phản hồi trực tiếp bất cứ lúc nào ý tưởng xuất hiện. Ông học được điều này từ cuốn sách No Rules Rules. Trên thực tế, ông thích đưa ra phản hồi trong các nhóm lớn để những người khác cũng có thể học hỏi và ông không phải lặp lại chúng nhiều lần.
Nhiều người nói với rằng những lần đầu họ bị sốc khi nhận được phản hồi như vậy, nhưng dần cũng quen.
CZ muốn xây dựng văn hóa phản hồi thẳng thắn trong Binance. Ông cảm thấy 99% mọi người không đưa ra đủ phản hồi cho người khác. Do làm việc từ xa nên Binance không nhận được phản hồi về ngôn ngữ cơ thể trong các cuộc họp trực tiếp. Binance phải bù đắp cho điều này bằng cách đưa ra phản hồi trực tiếp và thẳng thắn.
Bridgewater (Ray Dalio) có hệ thống phản hồi DOT mà CZ rất thích. Binance sẽ tìm cách áp dụng nó trong tương lai.
Không khen ngợi quá nhiều bằng lời nói
Nếu bạn làm tốt điều gì đó, bạn có thể nhận được lời khen từ người khác, nhưng không phải là từ CZ. Ngược lại, khi bạn làm điều gì đó tệ, nếu CZ nhìn thấy, rất có thể bạn sẽ nghe ông phàn nàn.
Lý do CZ đưa ra là:
- Binance giữ tiêu chuẩn cao và mong đợi sự xuất sắc, kết quả tốt phải là tiêu chuẩn. Nếu chúng ta xem những thành tích “nhỏ” là thành tựu lớn, có vẻ như chúng ta đang có tiêu chuẩn thấp. Đó không phải là điều Binance muốn.
- Do làm việc từ xa nên CZ không thể thấy được sự hiệu quả của tất cả các đội nhóm. Ông không thể quan sát tất cả mọi thứ. Nếu ông chỉ khen ngợi một số người, điều đó có thể ảnh hưởng đến tâm lý nhân viên vì ông nghĩ họ thiên vị. Do đó, ông chỉ đưa ra phản hồi trực tiếp mang tính xây dựng.
- Sự hài lòng nên đến từ bên trong. Khi CZ làm tốt điều gì đó, ông cảm thấy mình đã nhận được phần thưởng nội tại và như vậy là đủ.
- Việc khen ngợi quá nhiều cũng làm ảnh hưởng đến thời gian làm việc. Khi đã hoàn thành tốt điều gì đó, chúng ta nên tập trung làm việc tiếp theo.
CZ không nói rằng đây là cách tiếp cận tốt, nó chỉ là cách làm ông lựa chọn. Các nền văn hóa khác nhau có những kỳ vọng khác nhau, cuốn sách Culture Map đã giải thích rõ điều này.
Báo cáo và Tin đồn
Báo cáo là một phần trong công việc kinh doanh hàng ngày, nhưng có cách báo cáo đúng và báo cáo sai.
Tin đồn là khi bạn phàn nàn về ai đó trực tiếp với CZ mà không hề nói điều đó với họ. Tin đồn không hay và CZ không quản lý tin đồn, ông phớt lờ chúng. Thực tế, khi bạn làm điều này với CZ, ông sẽ có cái nhìn tiêu cực về bạn (chứ không phải người bạn báo cáo).
Báo cáo là khi bạn có một cuộc họp “ba mặt một lời” với CZ, bạn, và người mà bạn muốn phàn nàn với ông. Bây giờ, ông có thể nghe cùng lúc nghe cả hai phía của câu chuyện.
Quan trọng hơn, điều này buộc bạn phải có một cuộc trò chuyện thẳng thắn với người bạn muốn phàn nàn với CZ trước khi nói chuyện với ông.
CZ chỉ cần một cuộc họp để giải quyết vấn đề này. Trong khi đó, nếu ông xử lý tin đồn, ông cần phải có nhiều cuộc trò chuyện trực tiếp qua lại, mà CZ lại rất quý trọng thời gian.
Hãy báo cáo, đừng đưa ra tin đồn, dù điều này rất khó. Tuy nhiên, việc trình bày một cách chuyên nghiệp lý do bạn không hài lòng về ai hay điều gì đó là một trong những kỹ năng quan trọng để thành công.
Từ dưới lên
CZ tin vào nguyên tắc “từ dưới lên”. Theo kinh nghiệm của ông, những người có thành tích cao thích làm việc với những người có khả năng tương tự. Khi một nhóm có thành tích cao làm việc tốt với nhau, công việc sẽ trở thành chất gây nghiện. Khi trong nhóm bạn có một thành viên làm việc không tốt, mọi thứ sẽ bị phá hủy.
CZ cũng tin vào nguyên tắc “đội nhóm không phải gia đình” được mô tả trong cuốn sách “No Rules Rules”. Nghe có vẻ không hay nhưng tổ chức không giống như gia đình. Các thành viên của Binance quan tâm đến nhau, nhưng họ không dung chứa những người không nỗ lực trong công việc, vì điều đó thể hiện sự vô trách nhiệm đối với các thành viên khác trong nhóm.
Nguyên tắc về Tuyển dụng
CZ luôn thuê những người giỏi nhất vì ông nghĩ mình cần phải là một phần của một đội ngũ mạnh thì mới có thể giành chiến thắng. Tuyển dụng sếp của bạn cũng chính là một trong những cách tốt nhất để bạn thăng tiến trong sự nghiệp và cho thấy mình đang ở mức độ trưởng thành cao.
Sự đam mê
Đam mê là một trong những yếu tố quan trọng nhất mà CZ tìm kiếm. Binance làm việc từ xa và không thể (cũng như không nên) quản lý về mặt vi mô. Những người không đam mê sẽ chùn bước và bị tuột xuống đáy, vì vậy hãy thuê những người có đam mê.
Tuyển dụng người “đói” kinh nghiệm
Hãy thuê người sẽ phát triển thành một vai trò nào đó, chứ không phải người đã từng đảm nhiệm vai trò này. Dù kinh nghiệm trước đây của họ chắc chắn sẽ giúp ích trong nhiều tình huống, nhưng những người này sẽ dễ cảm thấy nhàm chán. Việc này cũng thường tạo ra “tư duy cố định”, vì con người thường bị “đóng khuôn” bởi những kinh nghiệm trước đây của mình.
Do-ers vs Talkers
Hãy thuê những người có thể làm việc và biết cách thể hiện bản thân, đừng thuê những người chỉ biết nói nhưng không biết làm.
Thuê người có mục tiêu
Khi thuê người mới, hãy thuê những người có trách nhiệm rõ ràng. Lý tưởng nhất là những người có những mục tiêu quyết liệt có khoảng 70% cơ hội thành công.
Không có chức danh
Đừng thuê những người chỉ lo lắng về chức danh. Đây không phải là yếu tố để loại bỏ một ứng viên nhưng nó cũng không phải là một dấu hiệu tốt.
Sứ mệnh quan trọng hơn tiền bạc
Đừng thuê những người quá chú trọng vào tiền lương và công việc. Ngoài ra, chúng ta nên trả lương công bằng cho tất cả mọi người.
Khi nghi ngờ, đừng thuê
Nếu CZ nghi ngờ một người trong quá trình tuyển dụng, ông sẽ không thuê người đó. Những nghi ngờ nhỏ trong giai đoạn phỏng vấn sẽ có nhiều khả năng biến thành vấn đề lớn trong tương lai.
Nguyên tắc về Phong cách lãnh đạo
Không cố thúc đẩy những người không có động lực
Điều này cũng giống như kéo một con ngựa chết – không thể và cũng không đáng để thực hiện. CZ không thúc đẩy những người không chia sẻ chung sứ mệnh hay giá trị với mình, hoặc những người lười biếng và không thích ông trong tư cách lãnh đạo. CZ chỉ làm việc với những người có thể tự thúc đẩy bản thân.
Binance làm việc từ xa nên những người lười biếng sẽ dễ chểnh mảng công việc nếu không có ai theo dõi họ. Những người này có thể nghỉ ngơi một ngày, một tuần, hay thậm chí một tháng nhưng sau đó vẫn không đạt được kết quả gì trong công việc. Làm việc từ xa giúp công ty dễ dàng xác định những người không có động lực. Hãy loại bỏ những người này ngay khi xác định được họ.
Không quản lý vi mô
Việc quản lý vi mô công việc của một người làm tốn nhiều thời gian hơn là tự bạn thực hiện công việc đó. Vì thế, nếu bạn phải quản lý vi mô ai đó, bạn nên để người đó ra đi.
Năng lực trong buổi phỏng vấn, kết quả trong công việc
Chỉ sử dụng “số năm kinh nghiệm” trong quá trình tuyển dụng. Sau khi tuyển xong một người, hãy sử dụng kết quả công việc để đo lường hiệu suất của họ.
Nên làm
Làm việc chăm chỉ, tuân theo các giá trị của Binance và trở thành một tấm gương cho người khác.
Nguyên tắc về Mục tiêu, OKR/KPIs
Sử dụng số liệu đầu ra (người dùng, doanh thu, thị phần) chứ không phải số liệu đầu vào (nhiệm vụ, tính năng, cuộc họp, giờ làm việc).
Không quá coi trọng mục tiêu
Việc thiết lập mục tiêu có nhiều nhược điểm, bao gồm: Cảm giác thất bại khi bạn không thể đạt được chúng, không có động lực làm việc chăm chỉ sau khi đã đạt được những mục tiêu dễ dàng, phương hướng làm việc không linh hoạt…
Vấn đề lớn nhất CZ gặp phải khi xác định các mục tiêu là:
- Mục tiêu không bao giờ hoàn toàn chính xác hay mang tính khoa học. Đó chỉ là một số phỏng đoán ngẫu nhiên. Trong ngành crypto, các điều kiện thị trường đều thay đổi rất nhanh.
- Mất quá nhiều thời gian để thảo luận các mục tiêu.
Vì những lý do này, CZ thường đặt mục tiêu, hướng tới nó, đặt mục tiêu mới nếu ông đã đạt được mục tiêu cũ, nhưng ông không quá coi trọng hay chú tâm vào quá trình này.
Ví dụ, khi Binance mới hình thành, sàn đã đặt mục tiêu trong 3 năm sẽ trở thành sẽ nằm trong top 10 sàn giao dịch hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, chỉ trong 5 tháng, Binance đã trở thành sàn giao dịch SỐ MỘT thế giới. Và Binance đã không dừng lại ở đó.
Nguyên tắc trong giao dịch kinh doanh
Giữ giao dịch đơn giản
Các giao dịch phức tạp thường không thành công, ngay cả khi chúng đã được ký kết. Những giao dịch phức tạp thường khó hiểu, gây nhầm lẫn hay hiểu sai. Trong một giao dịch phức tạp, thường một bên sẽ cảm thấy khó khăn theo cách nào đó hay muốn thay đổi điều gì đó. CZ luôn giữ các giao dịch đơn giản: bên A cung cấp cái này và nhận lại cái kia; bên B cung cấp cái này và nhận lại cái kia.
Từ chối sớm
Rất nhiều người lãng phí nhiều thời gian vào những cuộc thảo luận vô ích về “quan hệ đối tác”. Khi toàn bộ tâm trí của bạn dành cho những cuộc thảo luận vô bổ này, bạn sẽ không có thời gian nghĩ đến những mối quan hệ hợp tác thật sự hữu ích.
Không độc quyền
Mối quan hệ lâu dài đôi bên cùng có lợi không cần tính độc quyền. Những người yêu cầu sự độc quyền thường tự ti về khả năng của họ hay giá trị họ có thể cung cấp, ít nhất là trong dài hạn. Trong những trường hợp này, chương trình trả thưởng ngắn hạn (hay một lần) có thể phù hợp hơn. Quan điểm của CZ là không dành quá nhiều thời gian cho các giao dịch ngắn hạn. Thế giới thay đổi quá nhanh nên bạn không thể đoán trước tương lai.
Chấm dứt hợp đồng
Nên có điều khoản chấm dứt trong hợp đồng lao động. Cần có cách để thoát khỏi những mối quan hệ đôi bên không cùng có lợi. Nhiều người thường nghĩ về các trường hợp chung chung (và thường lạc quan) khi ký kết và soạn thảo hợp đồng, nhưng đó là một sai lầm. Hãy nghĩ về trường hợp xấu nhất vì đó chính là mục đích của hợp đồng.
Luôn có trách nhiệm hữu hạn
Không bao giờ ký các hợp đồng có thể dẫn đến trách nhiệm pháp lý lớn hay “vô hạn”. Hãy nghĩ về các tình huống xấu nhất trong giai đoạn ký hợp đồng, không phải là trường hợp bình thường hay tốt nhất.
Không có trường hợp đặc biệt
Không bao giờ cung cấp cho khách hàng nào đó một thỏa thuận riêng tư mà bạn không cung cấp cho những người khác. Luôn đối xử bình đẳng với tất cả khách hàng.
Nguyên tắc về phát triển kinh doanh một cách thụ động
CZ thường áp dụng cách tiếp cận thụ động trong phát triển kinh doanh nói riêng và trong cuộc sống nói chung. Không nên nhầm lẫn điều này với sự thiếu đam mê. CZ rất đam mê những gì ông hay Binance đang thực hiện, nhưng ông thường thụ động trong cách tiếp cận người khác hay trong các quan hệ đối tác kinh doanh.
Trong phát triển kinh doanh, ông thường không theo đuổi những khách hàng hay đối tác lớn. Cần rất nhiều năng lượng và thời gian để giáo dục họ về tiền điện tử hay các quy trình pháp lý nội bộ để có thể hoàn tất một giao dịch. Thời gian chuyển đổi này thường rất lâu và họ thường yêu cầu các điều khoản không công bằng với ROI thấp.
Thay vào đó, ông dành thời gian làm việc với những công ty tự nguyện đến với Binance. Họ đã có ý định tham gia vào tiền điện tử, muốn làm việc với Binance, nên công ty chỉ cần tìm ra cách thức và các điều khoản thỏa thuận để hợp tác với họ. Các giao dịch này đem lại mức ROI cao hơn nhiều. Mặc dù có thể những đối tác này không phải là Apple hay Google, nhưng nếu Binance liên tục tạo ra những chiến thắng nhỏ, sớm hay muộn thì các đối tác lớn cũng sẽ tự tìm đến với công ty.
CZ cũng không lãng phí thời gian để thuyết phục những người đã quyết định rằng họ không thích tiền điện tử, ví dụ như Warren Buffett. Ông chỉ nói chuyện với những người muốn học hỏi, ngay cả khi họ có thể không nổi tiếng.
CZ không đến thăm các quốc gia hay chính phủ có cái nhìn tiêu cực về tiền điện tử, thay vào đó ông đến những nước muốn áp dụng tiền điện tử và giúp đỡ họ, ngay cả khi đó là những quốc gia nhỏ. Những giao dịch này có thể sẽ là những giao dịch dài hạn.
Dù vậy, chúng ta cần phải đủ tốt để người khác muốn đến với chúng ta. May mắn thay, Binance đang ở vị trí này và công ty cần duy trì điều đó.
Binance phải có một màng lọc tốt vì công ty luôn nhận được rất nhiều yêu cầu, đặc biệt là với vị thế của Binance ngày nay. Lựa chọn các yêu cầu tốt nhất không phải là điều dễ dàng.
Dù vậy, đôi khi chúng ta cần ở trạng thái chủ động khi đối phương có tâm lý “bị động”. Binance sẽ tiếp cận đối phương một cách cụ thể và rõ ràng, nếu họ không phản hồi, Binance biết là họ không quan tâm.
Trong cuộc sống cũng vậy, CZ không cố gắng gặp gỡ những người quá nổi tiếng. Ông tương tác với những người tự nguyện đến với Binance.
Nguyên tắc về phong cách làm việc – Không lãng phí thời gian
Thời gian là một nguồn tài nguyên hạn chế hơn tiền bạc. Đừng lãng phí nó. Khi bạn bắt đầu coi trọng thời gian, tiền bạc sẽ đến.
Nói “Không” sớm và thường xuyên
Công cụ hiệu quả nhất để tiết kiệm thời gian là nói “Không”.
Ai đó muốn thảo luận về một quan hệ đối tác quan trọng nhưng mơ hồ, CZ nói không. Ai đó mời CZ đi gặp một người nổi tiếng, nhưng không có mục đích rõ ràng, ông nói không. Ai đó mời CZ đến một buổi triển lãm tranh, ông nói không. Ai đó mời CZ đi xem F1, ông nói không. Một trận đấu bóng đá, không… CZ có thể sẽ đi dự những sự kiện này với bạn bè, nhưng câu trả lời mặc định thường sẽ là không.
Bằng cách này, ông tiết kiệm thời gian để làm những việc quan trọng hơn, ngay cả khi chỉ là việc ở trong phòng khách sạn một mình. Ông phải suy nghĩ và tập trung tâm trí vào những điều quan trọng hơn, chẳng hạn như viết bài báo này.
Nguyên tắc về giao tiếp
Ngắn gọn và trực tiếp
Luôn làm cho ý định hay mục tiêu của bạn trở nên rõ ràng. Bạn muốn gì? Nói “Tôi muốn…” trước khi bắt đầu giải thích lý do. Bằng cách này, nếu bên kia đồng ý, bạn sẽ không cần giải thích.
Viết ngắn gọn
Hãy đọc cuốn On Writing Well. CZ không thích khi mọi người viết không hay hoặc viết quá dài. Điều đó có nghĩa là họ không dành thời gian hoặc không thể sắp xếp các ý nghĩ của mình.
Bạn cần viết suy nghĩ của mình ra, nhưng viết ngắn hơn và viết tốt.
Đối với CZ, ông không muốn thấy nhiều hơn:
- 3-5 gạch đầu dòng cho một cuộc họp 15 phút.
- Một nửa đến một trang thông tin cho một cuộc họp nhóm 30-60 phút.
- 5 trang (tối đa) cho MBR hay QBR (đánh giá kinh doanh hàng quý).
- KHÔNG POWERPOINT. Không có trang trình bày phức tạp. Chỉ cần văn bản và biểu đồ thanh đơn giản.
Đối với blog, bài báo hay sách, bạn có thể viết dài hơn.
Học để viết tốt, và ông vẫn đang luyện tập…
Sử dụng phương pháp, công cụ hiệu quả nhất có thể.
Có một câu nói mà CZ không đồng ý: “Đừng sử dụng email nếu bạn có thể gọi cho người đó; đừng gọi điện nếu bạn có thể gặp trực tiếp.”
Theo ông: “Đừng gặp nếu một cuộc gọi là đủ; đừng gọi nếu IM LẶNG là đủ.”
Cả hai cách đều không sai. Đối với những cuộc trò chuyện khó khăn, gặp mặt trực tiếp sẽ tốt hơn. Nhưng đối với hầu hết những cuộc giao tiếp thông thường, CZ thích sự hiệu quả hơn là hình thức. Bạn cần có mối quan hệ đủ mạnh với những người mà bạn thường xuyên giao tiếp để có thể hiểu nhau.
Tránh các chuỗi liên lạc
Đừng nói chuyện với một người về một điều gì đó mà họ nghe lại từ một người khác. Thông tin bạn nhận được đảm bảo sai. Thay vào đó, hãy nói chuyện trực tiếp với nhau.
Tại nơi làm việc, chúng ta thường có những người quản lý dự án hay lãnh đạo làm trung gian. Chúng ta cần tránh những cuộc trò chuyện này.
Sử dụng tin nhắn để đồng bộ hóa hay điều phối công việc
Sử dụng một tin nhắn thay vì nhiều tin nhắn
Điều này tạo ra 5 thông báo ở phía người nhận và có thể khiến người gửi phải đợi lâu hơn để nhận lại phản hồi. Thay vào đó, hãy gửi một tin nhắn duy nhất.
CZ luôn cố gắng tối ưu hóa thời gian của mình bằng cách này. CZ không thích trò chuyện với những người có phong cách “xấu”. Họ có nhiều thời gian, ông thì không.
Không sử dụng tin nhắn cho các cuộc tranh luận
Đừng tranh luận bằng cách nhắn tin. Hãy nhấc điện thoại lên, thực hiện cuộc gọi video hay điện thoại cho các cuộc tranh luận.
Giao tiếp quá nhiều là điều không tốt
Giao tiếp quá ít thì không tốt, nhưng giao tiếp quá nhiều cũng không tốt. Nếu bạn phải liên tục giao tiếp quá mức để khiến một thứ trở nên hiệu quả, thì có điều gì đó không ổn. Bạn cần khắc phục vấn đề này.
Đặt câu hỏi có ngữ cảnh
Nhân viên Binance làm việc trong môi trường từ xa và không thường xuyên gặp nhau. Vì thế người ta dễ hiểu nhầm các câu hỏi của nhau. Luôn đưa ra lý do tại sao bạn đặt câu hỏi.
Nguyên tắc trong các cuộc họp
Ngắn gọn
Giữ các cuộc họp càng ngắn càng tốt. 5 phút là tốt nhất. Nếu bạn không thể thực hiện các cuộc họp kéo dài 5 phút với đồng nghiệp thân thiết của mình, bạn vẫn chưa thể bắt kịp họ. Hãy tìm ra cách để làm điều đó.
Bắt đầu thời gian
Tham gia cuộc họp sớm hơn một phút. Đặt đồng hồ báo giờ của bạn thành 3:59 thay vì 4:00.
Đừng
- Đừng làm theo kiểu cũ: “Đây là những gì CZ sẽ nói với bạn và những gì CZ vừa nói với bạn.”
- Nói thẳng vào vấn đề.
- Đừng bắt đầu bằng “Đây là chương trình…”
- Đi thẳng vào cuộc họp.
- Đừng nói “Các bạn có nghe tôi nói không? Bạn có thấy màn hình trình chiếu của tôi không? ”
- Hãy kiểm tra thiết bị của bạn trước và đi thẳng vào cuộc họp.
- Đừng “Cảm ơn bạn đã tham gia…”
- Đi thẳng vào cuộc họp.
Thảo luận với ít hơn 10 người
Một cuộc thảo luận chỉ nên có từ 5-10 người hiểu rõ về chủ đề này. Có nhiều người hơn chỉ làm mọi thứ chậm lại.
Xóa những người không nói chuyện
Nếu bạn đang tham gia một cuộc thảo luận và không cần phải nói bất cứ điều gì, có lẽ bạn không nên tham gia cuộc họp đó. Có thể bạn chỉ cần đọc ghi chú cuộc họp.
Gạch đầu dòng
Gạch đầu dòng những điều cần nói TRƯỚC cuộc họp. Viết mọi thứ ra giấy giúp suy nghĩ của bạn trở nên rõ ràng hơn. CZ là một người trực quan. Ông ít nhớ những điều chỉ được giải thích bằng lời nói. Tài liệu bằng văn bản cũng dễ dàng chuyển tiếp hơn.
Dù vậy, đừng viết tài liệu quá dài. Một trang cho một cuộc họp 30 phút là đủ.
KHÔNG có PowerPoint
Chúng thật lãng phí thời gian. Thay vào đó, hãy sử dụng các dấu gạch đầu dòng và biểu đồ thanh để trình bày.
Không có phần “giới thiệu” cuộc họp
CZ không tổ chức gặp mặt và chào hỏi, làm quen, gặp gỡ khám phá… Ông không phải là trung tâm và không giỏi duy trì nhiều mối quan hệ. Ông thích các cuộc họp có mục đích cụ thể. Một số người có thể nói rằng điều này quá thực dụng nhưng nó hiệu quả. Nó có thể xúc phạm một số người, nhưng mục tiêu của CZ không phải là làm bạn với tất cả mọi người, mà là hoàn thành công việc.
Nguyên tắc về Sản phẩm và Giao hàng
Chỉ làm trên các sản phẩm có thể mở rộng
Chỉ làm việc trên các sản phẩm có thể mở rộng và quan trọng nhất. Nếu nó không thể mở rộng quy mô, đừng làm việc với nó.
Tập trung vào người dùng
Người dùng là chìa khóa. Những thứ khác ít quan trọng hơn. Không có người dùng nào tương đương với việc không có giá trị nào. Hãy đối xử tốt với họ.
Nguyên tắc trong PR
Không ra mắt hoành tráng
Đừng PR rầm rộ vào ngày đầu tiên ra mắt sản phẩm. Thay vào đó, hãy chờ hệ thống hay sản phẩm hoạt động được một tuần hay lâu hơn để chúng đi vào ổn định trước khi thực hiện các hoạt động PR lớn.
Đừng PR một cách trống rỗng.
Chỉ PR các kết quả thiết thực. Đề phòng các đối tác nhỏ hơn muốn sử dụng thương hiệu của Binance để nâng cao uy tín của mình.
Không trì hoãn PR, ra thông báo khi đã sẵn sàng.
Đôi khi nhóm PR sẽ khuyên bạn đợi một ngày hay một thời gian nhất định để thông báo điều gì đó đã sẵn sàng, nhưng CZ không đồng ý với điều này.
Các lý do họ có thể đưa ra là: Giờ là tối thứ Sáu, PR sẽ ít gây thu hút hơn, hãy đợi đến sáng thứ Hai; Binance vừa công bố một sản phẩm mới, hãy để dành cái này cho một tuần sau lễ Giáng sinh vì khi đó chúng ta sẽ có ít tin tức hơn.
Những điều này chỉ tạo ra sự chậm trễ không cần thiết, làm đình trệ các quy trình công việc trong tương lai, cái mất sẽ lớn hơn cái được từ sự “tối ưu hoá thông tin”.
Việc chậm trễ trong các hoạt động chúng ta làm sẽ tạo ra những cái giá cực kỳ đắt. Hãy thông báo khi đã sẵn sàng và chuyển sang công việc tiếp theo.
Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia truyền thông đưa ra một số thời điểm tốt nhất trong ngày để đăng tweet. Điều này có thể hiệu quả nếu công việc của bạn chuyên về truyền thông. Nhưng đối với CZ, ông chỉ tweet khi ông có điều gì đó trong đầu. Còn nếu mang một ý nghĩ trong đầu để chờ giờ tweet thích hợp thì ông thấy điều đó không xứng đáng. Sau khi tweet xong, ông chuyển sang làm thứ khác.
Trả lời các nhà báo
Nếu bạn không phản hồi các nhà báo, họ sẽ chỉ viết ra những điều tồi tệ nhất theo phiên bản câu chuyện của họ. Thay vào đó, hãy trả lời, ghi lại và công bố những lời phỏng vấn của mình nếu cần thiết.
Trả lời tin tức tiêu cực một cách nhanh chóng
Nếu không, chúng sẽ chỉ lây lan rộng hơn mà thôi, trừ khi bạn chắc chắn đó chỉ là một tin tức nhỏ và sẽ không nhận được bất kỳ sự chú ý nào.
Nguyên tắc về nghỉ ngơi, bình tĩnh và thư giãn
CZ đã được hỏi về việc ông ngủ bao nhiêu tiếng một ngày hay đối phó như thế nào với việc phải đi máy bay nhiều…
Ngủ
CZ khuyên bạn nên tìm ra kiểu ngủ của riêng mình để cung cấp tối đa năng lượng cho cơ thể.
Đối với CZ, ông ngủ 5-6 giờ vào ban đêm, và thường chợp mắt 30-45 phút vào buổi chiều. CZ thường tỉnh táo nhất sau các giấc ngủ ngắn. Thời gian tỉnh táo thứ hai của ông là vào buổi sáng – một tiếng sau khi ông thức dậy. Vì vậy, CZ suy nghĩ về những vấn đề khó khăn hay đưa ra những quyết định lớn trong khoảng thời gian đó, và sử dụng thời gian còn lại trong ngày để giải quyết những việc dễ dàng hơn.
Ngoài ra, ngủ trưa cũng là cách giúp ông đối phó với tình trạng mệt mỏi trên máy bay. Khi CZ bị say máy bay, ông sẽ ngủ lâu hơn một chút.
Ngoài ra, khi CZ mệt mỏi, ông chỉ cần thư giãn hay chợp mắt.
Trấn tĩnh
CZ có tính cách điềm tĩnh. Nếu những người khác cảm thấy cảm xúc của mình có một biên độ nào đó, thì có lẽ biên độ cảm xúc của CZ nhỏ hơn. Ông vẫn có những cảm xúc gay gắt, nhưng ông không quá phấn khích hay quá buồn. Tính cách điềm tĩnh này giúp ích ông trong các tình huống áp lực cao – điều xảy ra quá thường xuyên với một công ty khởi nghiệp trong một ngành công nghiệp phát triển nhanh và mới như crypto.
Một phần của tính cách này là bẩm sinh, một phần khác là do rèn luyện mà nên. CZ tin vào lý thuyết mô phỏng, lý thuyết này giúp ích ông rất nhiều trong việc giữ cho mình bình tĩnh.
Giữ bản thân tuân theo các tiêu chuẩn đạo đức cao sẽ có lợi. Việc biết Binance đang làm những điều đúng đắn sẽ giúp CZ không phải lo lắng nhiều. Điều này giúp ông mạnh mẽ về mặt tinh thần.
Thư giãn và Vui vẻ
CZ cũng thư giãn giống như những người khác. Ông tập thể dục một chút mỗi ngày. Ông chơi một số môn thể thao. Ông thích trượt tuyết. Ông xem một số bộ phim (thường là sau khi được người khác giới thiệu). Ông tham quan một chút khi đến thăm các thành phố mới, thư giãn với bạn bè, ăn tối, uống bia…
CZ không thích sự xa xỉ, xe hơi, đồ trang sức… mặc dù lối sống của ông có lẽ được hầu hết mọi người xem là sang trọng. Ông đi du lịch rất nhiều. Ông ở trong những khách sạn đẹp. Ông được mời đến những bữa tiệc sang trọng (dù thực ra ông thường không thích tham dự những bữa tiệc đó).
CZ say mê các thiết bị, điện thoại, máy ảnh, máy bay không người lái và thậm chí cả đồng hồ kỹ thuật số với những tính năng mà ông không bao giờ sử dụng.