Nếu ai đã và đang tham gia vào thị trường crypto chắc hẳn đều có nhiều “bài học” quý giá. Các bài học thường đến từ những sai lầm trong quá trình tham gia đầu tư của mỗi người. Đặc biệt, người mới là “miếng mỡ béo bở” của những kẻ lừa đảo, các dự án đầy rẫy mùi “shill” và vô vàn vấn đề khác.
5 sai lầm cần tránh khi đầu tư Crypto
Tâm lý Fomo/Fud theo dự án, giá, trend
Sai lầm đầu tiên và phổ biến nhất là FOMO (thuật ngữ viết tắt của Fear Of Missing Out) một hội chứng tâm lý về việc sợ bỏ lỡ cơ hội, thường được dùng trong nhiều thị trường như chứng khoán, ngoại hối, crypto…
Trong khi đó, FUD được viết tắt của 3 từ Fear, Uncertainty, Doubt ám chỉ nỗi sợ hãi, nghi ngờ và không chắc chắn về thông tin xấu được phát tán từ các nguồn không xác định.
Thực tế, FOMO càng nhiều tỉ lệ thuận với rủi ro càng cao. Trong thị trường crypto, nhà đầu tư cần phải suy nghĩ kỹ trước khi quyết định “xuống tiền” ở một dự án, đồng coin nào đó. Nhưng để thúc đẩy việc đầu tư, yếu tố cảm xúc sẽ tác động con người nhiều hơn.
Một dự án trong giai đoạn tăng trưởng mạnh, coin “pump”, hoặc dự án được nhiều KOL rót vốn là những tác nhân ảnh hưởng đến quá trình ra quyết định của nhà đầu tư.
Với token “bay” mạnh thu hút nhiều trader tìm tới, tâm lý FOMO sẽ biến tài sản các nhà đầu tư thành công cụ tạo thanh khoản cho sự chốt lời của các “cá”, trong ngành còn gọi là “xả hàng”, dẫn tới hệ lụy là nhiều nhà đầu tư thua lỗ vì mua ngay giá đỉnh.
FOMO không hẳn là xấu nhưng chúng ta nên tự đánh giá, lựa chọn dự án tiềm năng dựa trên các dẫn chứng đảm bảo như Backer, Investor, sản phẩm cốt lõi… Đừng “đầu tư theo” khi chỉ chứng kiến một giai đoạn tăng trưởng, tất cả còn cần quá trình chứ không chỉ tính nhất thời.
Đầu tư hay đầu cơ đều là các hình thức sinh ra lợi nhuận, nhưng để đầu tư hiệu quả còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố từ khách quan đến chủ quan. Việc cần làm, nên giữ vững tâm lý khi hành động, nhất quán và suy nghĩ kỹ trước khi FOMO. Fomo đúng khi chúng ta biết rõ về nó, đi theo đám đông chứ đừng để bị cuốn theo.
“All-in” khi đầu tư
Quản lý vốn được xem là nhân tố quan trọng thứ hai trong việc đầu tư, đặc biệt với thị trường crypto. Không ít người từng mắc sai lầm và chung quy là do chưa quản lý tài chính tốt.
Từ tâm lý muốn nhanh – gọn – lẹ, nhiều người lựa chọn đầu tư tất cả tài sản chỉ trong một lần (còn gọi là All-in). Điều này sẽ làm họ bỏ lỡ rất nhiều cơ hội, nếu xảy ra rủi ro tổng tài sản ấy có thể bị thua lỗ và thậm chí là “không cánh mà bay”.
Người mới thường sẽ có tâm lý “đánh nhanh thắng nhanh” vì thế việc đầu tư chưa thực sự hiệu quả, dẫn đến thua lỗ ngay khi vừa bắt đầu. Trong crypto, khá nhiều trader đã all-in long/short bằng tất cả vốn mong nhận về việc xx tài khoản nhanh chóng. Kết quả rất nhiều tài khoản đã bị “cháy”, tổng lệnh thanh lý trên các sàn giao dịch ước tính từ hàng triệu USD đến hàng tỷ USD.
Để hạn chế sai lầm này, mọi người cần tạo danh mục đầu tư cho bản thân và phân bổ vốn hợp lý. Chia nhỏ số vốn để DCA (Dollar-Cost Averaging) là một trong số những cách phân bổ vốn hợp lý, chiến lược đầu tư nhằm giảm tác động của sự biến động giá cả trong thị trường. Quản lý vốn tốt sẽ giúp mọi người không bỏ lỡ nhiều cơ hội khác trong tương lai.
Xem nhẹ thị trường: Kiếm tiền trong Crypto là dễ!
Nhiều người đến với thị trường, mặc dù mới bắt đầu nhưng lại mang trong mình tâm thế của một người thắng cuộc. Crypto là một Zero-Sum game, trên lý thuyết tổng tài sản người thắng sẽ bằng đúng tổng thua lỗ của những người chơi khác. Đồng nghĩa tiền người thua sẽ được chuyển vào túi người thắng.
Không có điều gì là dễ dàng đối với bất kỳ loại hình tài chính nào. Việc đầu tư kiếm tiền tiềm ẩn nhiều rủi ro, tự đưa ra chủ kiến cho bản thân là tốt nhưng thực tiễn có khi lại không như tưởng tượng. Có rất nhiều bài học khi chúng ta chủ quan. Đối với thị trường uptrend là thời cơ dễ dàng để kiếm tiền, nhưng biến động của thị trường không thể dự đoán trước được, rủi ro là rất cao.
Một vài biến động lớn thời gian qua có thể kể đến làn sóng ICO mua là chia, lên sàn bị xả về giá bán. Cú sập ngày 13/3/2020 còn gọi là “thiên nga đen” của crypto. Thời điểm đó BTC quay đầu về hẳn 3,800 USD, sập hơn 50% khiến nhiều nhà đầu tư điêu đứng… Nhiều người đã lựa chọn cách rời bỏ thị trường vào khoảng thời gian đó vì sự chủ quan khi đầu tư và không đề phòng đến rủi ro khi tham gia.
Trước khi bắt đầu, chúng ta cần hiểu rõ nguyên lý vận hành của thị trường. Bản chất của crypto là một cuộc chơi gồm luật chơi và người chơi (players). Người thắng sẽ có tất cả đồng nghĩa người thua sẽ “mất trắng”. Vì thế, mọi người cần tư duy đúng về việc đầu tư và xác định điểm mua – bán hợp lý, quan trọng hơn là việc luyện tập tính kiên nhẫn gồng (lời/lỗ) đúng chỗ.
Thiếu hụt kiến thức đầu tư
Nguyên nhân dẫn đến sai lầm thứ 4 được đề cập trong bài viết này chính là sự thiếu hụt kiến thức khi đầu tư. Nhiều người có xu hướng đầu cơ và chạy theo lợi nhuận trước mắt, bỏ quên việc chuẩn bị kiến thức cho bản thân.
Trong crypto, kiến thức không chỉ là thông tin đơn thuần mà còn là công cụ “cứu sinh” giúp nhà đầu tư kiếm tiền, giữ vững tâm lý, tìm ra hidden gem… trong thị trường. Một trong các điển hình của việc mắc sai lầm này chính là cách sử dụng ví tiền điện tử hoặc đăng ký tài khoản trên các sàn giao dịch điện tử CEX, DEX.
Khuyến khích mọi người trước khi tham gia hãy tìm hiểu kỹ cách sử dụng ví, sàn và các thuật ngữ cơ bản trước khi “dấn thân” vào Crypto. Ngoài ra, việc đọc và xem các tài liệu sẽ giúp chúng ta nâng cao kiến thức, mở rộng tầm nhìn và hiểu rõ bản chất của từ khóa đang quan tâm.
Một số website hữu ích dành cho các nhà đầu tư: Coin98 Insights, Messari, The Block, Binance Research, Delphi Digital.
Nếu bạn là một người mới tham gia thị trường, vẫn đang loay hoay không biết nên bắt đầu từ đâu, cái nào trước cái nào sau… Coin98 có bí kíp → Mục Người Mới ở Home nhé!
Chủ quan và bị lừa đảo bởi scammer
Sự phát triển của Crypto, Blockchain là tiềm năng lợi nhuận cho nhiều cá nhân, quỹ đầu tư. Không thể phủ nhận sự “màu mỡ” trong thị trường nhưng đây cũng là nơi đầy rẫy hình thức lừa đảo nhà đầu tư khi mới tham gia.
Đi đôi với sự tăng trưởng là chiêu trò lừa đảo ngày càng tinh vi, mục đích chính của những scammer (kẻ lừa đảo) nhằm vào tài sản của người dùng/ tổ chức/ dự án. Mọi lỗ hổng trong việc bảo mật sẽ bị tấn công nếu chúng ta không đề cao cảnh giác, ví dụ như bị lộ private sale/passphrase khi sử dụng ví non-custodial, hoặc password khi sử dụng sàn giao dịch tập trung,… cùng một vài hình thức lừa đảo khác:
- Quảng cáo lừa đảo.
- Giả mạo các team support/ admin/ moderator chủ động xin hỗ trợ.
- Giả mạo các sàn giao dịch & apps điện tử.
- Ponzi (mô hình kim tự tháp & đa cấp).
- Phone hacks (tấn công bảo mật điện thoại).
- Link bán token giả mạo.
- Tin nhắn chúc mừng send fund để nhận phần thưởng.
- Giả mạo Twitter dự án.
- Đột nhiên nhận được token “lạ” có giá trị lớn trong ví.
- …
Mọi người cần cảnh giác và tự nhận biết lừa đảo với các từ khóa như hứa hẹn mang lại lợi nhuận khủng, hỏi private keys, giả mạo admin và chủ động nhắn tin, nhóm dự án có tiền sử lừa đảo, website dự án sơ sài, vv.
Tuyệt đối không cung cấp các thông tin cá nhân của bản thân cho bất kỳ ai, kể cả là admin của dự án. Trong Crypto cụ thể là DeFi, tính phi tập trung được nêu lên hàng đầu tương tự việc không có ai có thể kiểm soát bạn (người dùng).
Kết luận
Không thể tránh khỏi việc mắc sai lầm trong quá trình đầu tư, nhưng hy vọng bài viết này sẽ bổ trợ một phần nào kiến thức đến mọi người. Có rất nhiều “cá mập” ngoài đó chờ đợi thời cơ để lấy tiền của những “cá con” khác, đi theo trướng cá mập hay trở thành mồi của kẻ thù là quyền lựa chọn của mọi người, điều này sẽ ảnh hưởng đến tài sản trong tương lai. Cần đưa ra sự lựa chọn sáng suốt nhất khi tham gia đầu tư và nói không với sự cảm tính.