NFT Marketplace Là Gì?
NFT Marketplace là nơi mua – bán, trao đổi các vật phẩm NFT trong thị trường crypto. Rõ ràng, NFT cũng cần một thị trường để người dùng có thể mua bán, trao đổi từ nền tảng NFT Marketplace này mà nền tảng chính NFT bắt đầu được khởi chạy và xây dựng như Lending & Borrowing, Derivatives, Yield Farming, Leverage Yield Farming,…
NFT Marketplace cho phép các nghệ sĩ tạo, đăng kí và bán NFT của mình đến với cộng đồng. Người dùng có thể tìm kiếm các NFT phù hợp trên sàn và mua chúng bằng tiền điện tử. Một số NFT Marketplace phổ biến hiện nay có thể kể đến là OpenSea, Rarible, Blur, …
NFT Marketplace đã trở thành một trong những ngành công nghiệp phát triển nhất trong thế giới tiền điện tử. Theo ước tính, doanh thu của các nền tảng NFT Marketplace trong năm 2023 đạt $1.6B USD và dự kiến tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm là 18.55% dẫn đến tổng doanh thu vào năm 2027 có thể lên đến $3.1B USD.
OpenSea Là Gì?
Khi nói về độ phổ biến thì chắc chắn OpenSea là nền tảng số 1 trên thị trường. Ít nhất 8 trong số 10 nhà giao dịch NFT đã mua hoặc bán NFT trên OpenSea hoặc ít nhất đã nghe nói về nền tảng này. Thị trường NFT phổ biến đã ra mắt vào tháng 12/2017 cung cấp cho những người đam mê NFT một nền tảng để mint và giao dịch NFT. Hơn 300M USD NFT đã được giao dịch trên OpenSea vào tháng 01/2023 với khối lượng giao dịch NFT hàng ngày trung bình là 15M USD.
Giám đốc điều hành của OpenSea là Devin Finzer cũng phát biểu rằng tầm nhìn của họ đối với OpenSea là mang đến khả năng tiếp cận dễ dàng đối với mọi đối tượng người dùng khi giao dịch NFT trên nền tảng của mình. Có thể nói rằng OpenSea đã trung thành với tầm nhìn này. OpenSea cho phép bất kỳ chủ sở hữu NFT nào lưu trữ NFT trên OpenSea với mục đích giao dịch và các tính năng trên nền tảng cho phép các nhà giao dịch có một loạt các tùy chọn khác nhau về cách họ muốn giao dịch NFT của mình.
Trải qua nhiều năm phát triển, từ một thị trường lấy Ethereum làm trung tâm giờ đây OpenSea đã mở rộng và hỗ trợ thêm nhiều chuỗi khối khác như: Polygon, Solana, Arbitrum, ….
Trải Nghiệm Của Người Dùng Trên OpenSea
Như một vài thống kê ở trên, OpenSea đã phục vụ một lượng lớn người dùng trên thị trường NFT ở thời điểm hiện tại. Nhưng điều này cũng không đồng nghĩa rằng một nền tảng kỳ cựu như OpenSea không mắc phải những vấn đề tồn đọng ảnh hưởng đến chất lượng giao dịch của người dùng. Dưới đây là một số vấn đề đang diễn ra trên OpenSea:
Vấn đề về niêm yết NFT
Đầu tiên, OpenSea có một vấn đề về niêm yết NFT xảy ra trong một thời gian dài. Bất kể đây là một lỗi thực sự hay chỉ là một thiết kế có chủ đích của OpenSea thì điều này vô tình đã khiến một số nhà đầu tư chịu tổn thất trong việc bán NFT của mình.
Để làm rõ hơn về vấn đề này, chúng ta cùng đi vào một ví dụ sau. Giả sử một nhà giao dịch niêm yết thành công CryptoPunks NFT của mình trên OpenSea nhưng lại chuyển NFT được niêm yết sang ví khác, họ sẽ nhận được lời nhắc rằng NFT đã bị hủy niêm yết khỏi thị trường NFT. Tuy nhiên, trong trường hợp nhà giao dịch chuyển NFT trở lại ví ban đầu, hoạt động niêm yết sẽ trở lại với giá niêm yết ban đầu mà không cần sửa đổi. Nếu NFT này đã tăng giá trong thời gian này, nhà giao dịch có nguy cơ vô tình bán NFT với giá thấp hơn so với kế hoạch.
Để đề phòng vấn đề này, OpenSea đã khuyên các nhà giao dịch hủy niêm yết trước khi chuyển tài sản của họ sang ví khác. Nhưng điều này dẫn đến một lỗi OpenSea Exploit khiến NFT của họ bị bán với giá thấp hơn rất nhiều so với giá hiện tại của NFT trên thị trường.
Vấn đề về tập trung hóa
Thời điểm hiện tại, đa phần các dự án đều mong muốn nền tảng của mình là phi tập trung và được kiểm soát bởi cộng đồng. Tuy nhiên, OpenSea lại đi theo hướng hoàn toàn ngược lại. Nhóm OpenSea và quản trị viên nền tảng là những người ra quyết định. Nhóm quyết định về các chuỗi sẽ hỗ trợ, các NFT có thể niêm yết trên nền tảng và các chuỗi sẽ bị hủy niêm yết mà không cần sự góp ý của cộng đồng. Mặc dù các quản trị theo kiểu DAO sẽ giữ cho cơ cấu lãnh đạo trải đều bằng cách xem xét phản hồi của cộng đồng, tuy nhiên OpenSea vẫn chưa có ý định triển khai hình thức này.
Vấn đề về phí giao dịch phải trả
Một khoản phí cố định là 2,5% giá trị được áp dụng khi bán mỗi NFT trên OpenSea và khoản phí này không tính đến tiền bản quyền được cộng gộp vào. Tùy thuộc vào tỉ lệ phần trăm tiền bản quyền được đặt trên mỗi NFT mà người bán có khả năng mất tới khoảng 10% giá trị mỗi khi bán NFT của mình. Điều này sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến người dùng khi giao dịch NFT và là một điểm yếu của OpenSea khi so sánh với các NFT Marketplace khác với phí giao dịch rẻ hơn nhiều.
Cách Lựa Chọn NFT Marketplace
Khi người dùng chọn một NFT Marketplace để mua, bán và giao dịch NFT. Dưới đây là một vài tiêu chí cần được xem xét như sau:
Chuỗi khối được hỗ trợ
Hiện tại, đã có rất nhiều Blockchain nền tảng khác nhau là điểm đến của nhiều dự án chứ không chỉ xoay quanh hệ sinh thái Ethereum như trước đây. Với tư cách là người sáng tạo, điều đầu tiên là phải đảm bảo rằng NFT Marketplace đó có hỗ trợ chuỗi khối mà bạn dự định khởi chạy dự án NFT của mình. Là một nhà giao dịch, bạn sẽ không thể niêm yết NFT của mình trên thị trường mà nó không hỗ trợ chuỗi khối mà NFT được tạo ra. Bạn cũng cần phải cân nhắc điều này khi mua NFT từ các NFT Marketplace khác.
Đối tượng người dùng
NFT Marketplace có thể phục vụ cho các đối tượng người dùng khác nhau. Điều này là do mục đích cũng như phương pháp tiếp cận ban đầu mà các NFT Marketplace hướng đến. Chẳng hạn, một NFT Marketplace lấy nghệ thuật làm trung tâm, nơi phần lớn cộng đồng của nó chỉ quan tâm đến các bộ sưu tập NFT nghệ thuật. Việc niêm yết meme NFT trên một nền tảng như vậy có thể dẫn đến việc bán hàng bị trì trệ hoặc bán với giá thấp nếu tùy chọn đấu giá được sử dụng. Một số thị trường dành riêng cho một loại NFT chẳng hạn như cách sound.xyz chỉ dành cho NFT âm nhạc.
Tính thanh khoản trên thị trường
Một yếu tố khác cần được xem xét khác là tính thanh khoản trên các NFT Marketplace. Một nền tảng có tính thanh khoản tốt với lượng người mua và bán NFT nhiều sẽ giúp người dùng dễ dàng thực hiện các lệnh mua và bán NFT và người dùng cũng dễ dàng khớp lệnh của mình chỉ trong một thời gian ngắn mà không cần phải chờ đợi.
Giá và phí niêm yết
Ở thời điểm hiện tại, rất nhiều NFT Marketplace sẵn sàng giảm phí giao dịch và phí bản quyền để tạo một lợi thế thu hút được nhiều người dùng đến với nền tảng của mình hơn. Vì vậy, người dùng có thể kiểm tra mức phí giao dịch và phí bản quyền được áp dụng dành cho mỗi nền tảng để tìm ra nền tảng giao dịch phù hợp nhất cho bản thân mình.
Tiện ích bổ sung
Ngoài các tính năng cơ bản của một NFT Marketplace như: Giao dịch NFT, mint NFT. Một số nền tảng cung cấp thêm nhiều tính năng cũng như tiện ích bổ sung phục vụ cho quá trình giao dịch của người dùng như: Launchpad, Cung cấp một vài biểu đồ giao dịch,…. Điều này cũng là điểm cộng để thu hút người dùng tham gia giao dịch trên nền tảng của mình.
Top 8 Lựa Chọn Thay Thế OpenSea Hàng Đầu
Sau khi điểm qua những vấn đề mà OpenSea gặp phải và những tiêu chí để lựa chọn NFT Marketplace phù hợp. Chúng ta cùng xem xét top 8 lựa chọn thay thế OpenSea hàng đầu hiện nay nhé.
Blur NFT Marketplace
Khi nhắc về lựa chọn thay thế hàng đầu cho OpenSea thì chúng ta không thể không nhắc đến Blur. Blur là một NFT Marketplace Aggregator trên Ethereum được thiết kế dành cho Traders và các nhà sưu tập NFT. Blur tự động tổng hợp dữ liệu từ nhiều NFT Marketplace khác nhau như: OpenSea, LooksRare, X2Y2,… để người dùng có thể giao dịch NFT với mức giá tốt nhất trên thị trường.
Blur được ra mắt vào tháng 10/2022 và nhanh chóng vươn lên trở thành một trong những NFT Marketplace hàng đầu trên Ethereum. Đặc biệt là sau khi phát hành mã thông báo gốc BLUR và airdrop cho người dùng. Token BLUR đã được đón nhận nồng nhiệt với khối lượng giao dịch hàng ngày trung bình vượt 350M USD vào lúc cao điểm. Ngoài ra, với việc triển khai các chiến lược Blur Season Point và airdrop cho người dùng, Blur đã thu hút lượng lớn khối lượng giao dịch và cho thấy sự vượt trội hơn hẳn so với đối thủ cạnh tranh là OpenSea.
X2Y2 NFT Marketplace
X2Y2 tự coi là mình là một nền tảng giao dịch miễn phí dành cho NFT trên Ethereum. Kề từ sau khi ra mắt chính thức vào tháng 01/2022, X2Y2 đã cung cấp các tính năng để người dùng niêm yết, mua bán và giao dịch NFT. Ngoài ra, X2Y2 có hệ thống giao dịch tùy chọn số lượng lớn cho phép các nhà giao dịch NFT mua hoặc bán các Non-fungible tokens (NFT) theo gói.
X2Y2 chỉ tính phí giao dịch 0.5% trên nền tảng của mình và toàn bộ phí giao dịch sẽ được phân phối cho các thành viên trong cộng đồng khi họ Staking token X2Y2 (Token chính của nền tảng). X2Y2 cũng tuyên bố là một NFT Marketplace giao dịch nhanh hơn và hiệu quả hơn so với OpenSea.
Ngoài các tính năng giao dịch NFT, X2Y2 còn cung cấp dịch vụ NFT Lending cho người dùng của mình. Trên nền tảng X2Y2, chủ sở hữu NFT có thể vay ETH bằng NFT của họ hoặc sử dụng ETH làm tài sản thế chấp để vay NFT.
LooksRare NFT Marketplace
Giống như OpenSea, LooksRare là một cái tên quen thuộc khác trong không gian NFT. Ra mắt vào tháng 01/2022, LooksRare đã trở nên vô cùng nổi tiếng nhờ đợt airdrop Token LOOKS (Token chính của nền tảng) cho các nhà giao dịch NFT trên OpenSea. Hơn 120M Token LOOKS đã được phân phối như một phần của chương trình airdrop.
LooksRare cung cấp nền tảng giao dịch cho chủ sở hữu NFT và một số dịch vụ khác giúp cộng đồng NFT tiếp xúc với thị trường. Tuy nhiên, LooksRare hiện tại chỉ triển khai trên Ethereum và chỉ chấp nhận WETH làm tiền tệ giao dịch.
LooksRare tính phí 2% cho mỗi NFT được bán trên nền tảng của mình nhưng họ tuyên bố sẽ trả lại khoản phí này cho cộng đồng thông qua phần thưởng dành cho những người liệt kê NFT của mình lên nền tảng và cả những người Staking Token LOOKS. Nhưng một điều cần phải lưu ý rằng NFT phải được liệt kê trên nền tảng trong ít nhất 10 phút và từ một số bộ sưu tập được hỗ trợ để đủ điều kiện nhận phần thưởng. Người dùng nhận được phần thưởng của họ dưới dạng Token ETH hoặc LOOKS.
Magic Eden NFT Marketplace
Magic Eden là một NFT Marketplace ban đầu được xây dựng trên Solana. Nhưng sau đó, Magic Eden đã phát triển theo hướng Multichain và hỗ trợ các chuỗi khối khác nhau như: Ethereum, Polygon và Bitcoin.
Magic Eden được thành lập vào tháng 09/2021 và cho phép người dùng giao dịch NFT với mức phí rơi vào khoảng 1.5%. Ngoài ra, trên Magic Eden còn triển khai tính năng Launchpad dành cho những bộ sưu tập mới ra mắt trên thị trường.
SuperRare NFT Marketplace
SuperRare là một trong những NFT Marketplace lâu đời khi được thành lập từ những năm 2017. SuperRare được xây dựng trên Ethereum và là một thị trường NFT độc quyền với các tác phẩm nghệ thuật kĩ thuật số được tuyển chọn bởi các nghệ sĩ nổi tiếng và những người sáng tạo triển vọng sản xuất.
Cơ cấu phí của SuperRare bao gồm khoản phí 15% trên giá bán và 3% trên giá mua. Nghĩa là chủ sở hữu NFT phải trả khoản phí là 15% giá trị NFT được bán trong khi người mua khoản phí 3% giá trị của mỗi NFT. Ngoài ra, SuperRare triển khai dịch vụ on-ramp của SuperRare cho phép các nhà giao dịch NFT mua hàng trực tiếp từ tài khoản fiat của họ bằng thẻ tín dụng hoặc qua tài khoản PayPal của họ.
Foundation NFT Marketplace
Foundation là một NFT Marketplace khác mà người dùng có thể xem xét nó như một giải pháp thay thế của OpenSea. Foundation được xây dựng trên Ethereum và tương tự như SuperRare, Foundation phát triển theo hướng Exclusive NFT marketplace (thị trường riêng dành cho các bộ sưu tập NFT độc quyền) dành cho các tác phẩm nghệ thuật.
Foundation tính phí giao dịch 5% và phí bản quyền 10% cho mỗi NFT được bán trên nền tảng của mình và người dùng chỉ có thể giao dịch bằng token duy nhất là ETH. Người bán có thể chọn một phương thức bán NFT của họ chẳng hạn như bán đấu giá NFT dành cho người đặt giá thầu cao nhất hoặc bán NFT theo giá cố định. Foundation vẫn chưa khởi chạy mã thông báo gốc và nền tảng này chưa vận hành hoạt động quản trị của nó thông qua DAO.
Rarible NFT Marketplace
Rarible là một nền tảng NFT Marketplace đa chuỗi hỗ trợ người dùng giao dịch NFT trên nhiều chuỗi khối khác nhau như: Ethereum, Polygon, Solana và Tezos. Trong những thời gian gần đây, Rarible còn mở rộng đến nền tảng Layer 2 là Immutable X. Rarible được Alex Salnikov đồng sáng lập vào năm 2020 và kề từ thời điểm này đã tạo ra một nền tảng dành cho những người đam mê NFT và các nghệ sĩ để tạo, hiển thị và giao dịch các non-fungible tokens (NFT). Rarible tính phí 1% từ cả giao dịch mua và bán NFT dưới dạng phí nền tảng.
Rarible có một tính năng thị trường tùy chỉnh. Trong đó, người tạo NFT có thể xây dựng thị trường của riêng họ trên hệ sinh thái Rarible và đặt các điều kiện để giao dịch trên thị trường của họ. Điều này bao gồm các khoản phí giao dịch do các Trader trả và những người tạo thị trường cũng kiểm soát những gì được liệt kê trên thị trường.
Token RARI là mã thông báo gốc trên Rarible với các tiện ích bao gồm: Quản trị và phần thưởng khuyến khích cho người dùng giao dịch trên Rarible. Người bán được thưởng bằng token RARI khi niêm yết NFT trên nền tảng trong khi người mua nhận được phần thưởng khi đặt các lệnh Offer trên Rarible.
Element NFT Marketplace
Element là một NFT Marketplace Aggregator đa chuỗi với các chuỗi khối được hỗ trợ bao gồm: BNB Chain, Avalanche và Ethereum. Element tuyên bố là một nền tảng tiết kiệm gas với tới 50% phí gas được tiết kiệm khi niêm yết hoặc mua NFT trên nền tảng này.
Element được ra mắt vào tháng 07/2021 và đã thu về khối lượng giao dịch hơn 152M USD với hơn 98.000 người dùng thực hiện giao dịch trên nền tảng. Ngoài các tính năng cơ bản trên các NFT Marketplace là giao dịch và mint NFT, Element còn triển khai tính năng Launchpad dành cho các dự án sắp ra mắt trên nền tảng. Element cũng chỉ tính phí giao dịch 0.5% giá bán của NFT dưới dạng phí nền tảng. Người tạo NFT đặt phí bản quyền cho NFT của họ và phí này được áp dụng cùng với phí nền tảng.
Một Số NFT Marketplace Tiềm Năng
Ngoài 8 dự án lớn mà mình liệt kê ở trên thì đang còn rất nhiều dự án tiềm năng có cơ hội vươn lên và trở thành một trong những NFT Marketplace hàng đầu trên thị trường. Dưới đây là 3 dự án nổi bật mà người dùng có thể tham khảo:
Tensor NFT Marketplace
Tensor là một nền tảng NFT Marketplace được triển khai trên Solana. Với Tensor, người dùng đặc biệt là các Trader có thể giao dịch NFT với rất nhiều công cụ hỗ trợ như: Chart giá tích hợp TradingView, hành động mua bán, biểu đồ/ phân tích nâng cao,…
Tensor có 2 sản phẩm chính là: Tensor Aggregator và TensorSwap. Việc kết hợp 2 sản phẩm trên một nền tảng một cách nhịp nhàng giúp lượng thanh khoản trên Tensor tăng lên đáng kể, đây vốn là điểm yếu tồn tại bấy lâu trên thị trường NFT và Tensor đã làm rất tốt để cải thiện được điều này.
- Với Tensor Aggregator: Thanh khoản được tổng hợp từ tất cả thị trường giao dịch NFT thời điểm hiện tại trên Solana như: HadeSwap, Magic Eden, Solanart,… Tensor không tính bất kì phí giao dịch nào, lượng phí người dùng phải trả đến từ NFT Marketplace gốc. ví dụ: nếu Magic Eden tính phí 2%, tổng phí người dùng phải trả là 2%.
- Với TensorSwap – đây là AMM NFT do chính Tensor xây dựng. TensorSwap áp dụng mô hình Concentrated Liquidity AMM ( AMM thanh khoản tập trung), đây cũng là xu hướng mà các AMM Dex hiện tại như: PancakeSwap, Uniswap V3,… đang áp dụng với lợi thế mang lại lượng thanh khoản lớn cũng như giúp các LP nhận được nhiều khoản phí hơn trong việc cung cấp thanh khoản.
Tensor được mệnh danh là Blur trên Solana và đã chính thức vượt Magic Eden để trở thành NFT Marketplace có khối lượng giao dịch lớn nhất trên Solana. Đây có thể coi là một thành tích đáng nể vì ai cũng biết Magic Eden thống lĩnh thị trường NFT trên Solana trong hơn 1 năm trở lại đây. Nhưng Tensor dù mới ra mắt được một thời gian ngắn đã vượt mặt Magic Eden cho thấy sức mạnh nội tại cũng như tiềm năng phát triển lớn của Tensor trong tương lai.
SeekHYPE NFT Marketplace
SeekHYPE là một Advanced NFT Marketplace được triển khai trên Aura Network. SeekHYPE tích hợp công nghệ AI vào sản phẩm của mình để đề xuất các bộ sưu tập NFT tốt nhất dựa trên sở thích của người dùng, đơn giản hóa việc tìm kiếm các NFT mới và hấp dẫn.
Tham vọng của SeekHYPE không chỉ cung cấp một sản phẩm tiên tiến, dự án còn cam kết xây dựng một cộng đồng bền vững, thúc đẩy sự tham gia và hợp tác giữa những người đam mê NFT. SeekHYPE tin rằng trí thông minh xã hội cũng quan trọng như trí thông minh nhân tạo và họ đã phát triển nền tảng của mình dựa trên quan điểm này
SeekHYPE có các mục tiêu đầy tham vọng để trở thành NFT Marketplace tiên tiến số một trên Cosmos và sau đó sẽ chuyển hướng đi Multi-chain trở thành NFT Marketplace Aggregator trên nhiều Blockchain khác nhau. Tầm nhìn của SeekHYPE cho tương lai của nền tảng bao gồm việc cho phép người dùng sweep NFTs (mua nhiều NFT cùng lúc) trên nhiều thị trường và hiển thị các thông tin chi tiết về NFT nhanh hơn. Điều này sẽ nâng cao hơn nữa trải nghiệm người dùng và giúp người dùng khám phá và mua NFT dễ dàng hơn.
Hiện tại, SeekHYPE đang triển khai HYPE Season thông qua 4 Season. HYPE Season 1 sẽ bắt đầu với việc ra mắt SeekHYPE Mainnet Beta vào ngày 28/03/2023 . Mỗi HYPE Season sẽ mang đến những phần thưởng và ưu đãi mới, khiến mỗi Season trở thành một trải nghiệm độc đáo và hấp dẫn cho những nhà giao dịch NFT trên nền tảng.
Tabi NFT Marketplace
Tabi trước đây được gọi với các tên là Treasureland là một NFT Marketplace được triển khai trên BNB Chain. Tabi cung cấp cho người dùng nhiều tính năng như: Giao dịch NFT, Launchpad và Gaming Platform, đồng thời chuyển đổi các hoạt động trên chuỗi của người dùng thành điểm kinh nghiệm để nhận thưởng trong tương lai. Tabi nhằm mục đích kết nối những người sáng tạo và người giao dịch NFT, đóng vai trò là cổng vào thế giới Web 3.0 và cung cấp các ưu đãi cho các nhà phát triển trên BNB Chain.
Ngoài ra, với việc kêu gọi thành công 10M USD vào tháng 05/2023 từ những quỹ đầu tư lớn như: Binance Labs, Animoca Brands,… sẽ tạo một bước đệm vững chắc giúp Tabi đạt được mục tiêu trở thành NFT Marketplace số 1 trên BNB Chain.
Tổng kết
Khi thị trường ngày càng phát triển thì không có gì đảm nền tảng đã thành công trước đó giữ vững được vị thế của mình trong tương lai. OpenSea là một cái tên điển hình khi thị phần chiếm được trên thị trường không còn áp đảo như xưa do sự vươn lên của các NFT Marketplace như: Blur, LooksRare, X2Y2,… Trên đây là tất cả thông tin mà mình muốn giới thiệu trong bài viết này, hi vọng mọi người đã nhận được những kiến thức bổ ích.