Trending

Quay trở về thời điểm tháng 5/2019, tôi tốt nghiệp đại học và đi làm. Dù làm công việc đúng chuyên ngành học, nhưng từ những ngày đầu tôi đã nhận ra làm công ăn lương chẳng thể nào giàu. Trẻ tuổi, đầy hoài bão, tôi khao khát một “sự giàu” nhanh. Và ý nghĩ đó ám ảnh tôi suốt thời gian dài.

Cắn khổ qua xanh

Tay mơ bước vào thị trường tài chính với giấc mộng làm giàu nhanh chóng, tôi háo hức tạo tài khoản Binance và nạp vào gần như toàn bộ số tiền dành dụm suốt thời gian dài. Tôi những tưởng mình có thể đổi đời nhanh chóng.

Tôi chơi hăng say, nhưng lệnh thua nhiều hơn thắng. Tôi nhớ những lần cắn răng gồng lỗ, ngoan cố “cãi” lại thị trường vì cho rằng mình nhận định đúng. Hết lần này đến lần khác, tôi ôm lệnh thua như ôm cây xương rồng có những chiếc gai nhọn hoắt. Mỗi lần giá đi ngược xa điểm vào lệnh (entry) là mỗi lần tôi càng ôm chặt những chiếc gai đó hơn. Nhưng “máu” trong tài khoản nhỏ xuống ngày càng nhiều cho đến khi đau đớn quá tôi phải cắt lỗ. Tôi mất dần bình tĩnh.

Ức chế, không chấp nhận mình thiếu sót trong phân tích, không chấp nhận mình thua trong việc chọn thời điểm vào lệnh, tôi mù quáng vào lệnh tiếp với mong muốn gỡ gạc. “Lần này biết đâu sẽ khác”, thị trường không tàn nhẫn thế đâu. Tuy nhiên với những người chưa trang bị vũ khí, áo giáp đầy đủ, xương rồng vẫn mãi là xương rồng.

Lần này, tôi không còn điềm tĩnh như lúc đầu, thay vào đó là cảm giác hoảng loạn. Tay tôi ướt lạnh mồ hôi, môi mím chặt, mắt thao láo nhìn đồ thị giá (chart) không rời. Dường như mọi giác quan trên cơ thể tôi đều đang phát huy hết công suất. Nhưng kết quả còn tệ hơn lần đầu, tôi tiếp tục mất máu, lần thứ hai, lần thứ ba, lần thứ n… Lúc bàng hoàng nhìn lại, tài khoản đã về 0!

Bao nhiêu cảm giác chạy qua đầu tôi: đau đớn, thất thần, chán nản, sợ hãi, căm ghét. Tôi có cảm giác mình vừa bị cướp tiền trắng trợn nhưng không thể kiện cáo hay làm bất cứ điều gì. Tiền của tôi đã biến mất vĩnh viễn. Đầu tôi bùng nổ một ngàn câu hỏi “tại sao” và một ngàn lẻ một câu “giá như”. “Tại sao đường giá trái ngược nhận định của mình?”, Tại sao thị trường tàn nhẫn như vậy?, “Giá như mình vào lệnh hướng ngược lại”, “Giá như mình cắt lỗ sớm hơn”. Miệng tôi đắng nghét như cắn phải trái khổ qua xanh.

Trade thắng là do may mắn?

Nhìn nhận lại, sự non kinh nghiệm, thiếu kiến thức, cộng vô vàn khiếm khuyết khác đã như can xăng đổ thẳng vào ngọn lửa ham muốn của tôi và thiêu rụi nó cùng số tiền tôi nạp vào tài khoản. Đúng là “đổi đời” nhanh chóng!

Sau cú cháy tài khoản đầu đời, tôi tháo chạy khỏi thị trường, xóa ứng dụng Binance, bỏ theo dõi các trang crypto để không phải nhìn lại “bộ môn” kinh khủng này. Nhưng thị trường tài chính vẫn thu hút tôi vô cùng, tôi muốn chinh phục nó.

Một tháng sau, tôi quyết định quay lại thị trường, nhưng lần này với một tâm thế khác. Thất bại lần trước mách bảo tôi rằng con đường này không hề bằng phẳng, vì nếu dễ ai cũng giàu hết rồi.

Tôi không còn tin Futures là con đường giải thoát tôi khỏi những khó khăn tài chính, không còn nghĩ nó sẽ trở thành thu nhập chính của bản thân. Những ngày đầu, nghe những lời dẫn dụ mê hoặc như: “Bên em có anh A/chị B chơi một ngày lời cả ngàn đô”, “Anh mua nhà, cưới vợ nhờ tiền chơi Futures đấy”, tôi nghĩ môn này “dễ ăn”, nhưng đó không phải sự thật.

Có lẽ anh A, chị B với những món tiền to kiếm được từ Futures kia là có thật, nhưng tôi nghĩ để đạt đến mức đấy,  họ đã phải trau dồi bản thân và chịu nhiều mất mát. Có lẽ họ đã vấp ngã xây xẩm mặt mày, nhưng ít ai đề cập đến, vì người ta thường chỉ nói tới thành công. Trở thành một trader giỏi không diễn ra trong một sớm một chiều, hay chỉ cần đọc tin trên mạng, tham gia vài khoá học cấp tốc. Nếu chỉ cần như vậy, thì ai cũng thắng hết cả rồi, vậy lúc đó ai sẽ là người thua?

Có người bảo trade thắng là do may mắn, nhưng có thật vậy không? Trong một lần quan sát Jerry Barber – vận động viên đánh golf chuyên nghiệp người Mỹ, ghi một bàn thắng ngoạn mục, một khán giả nhận xét: “Ông may thật đấy”. Jerry đáp lại: “Đúng vậy, tôi là một gã may mắn, và càng luyện tập, tôi càng may mắn hơn”. Tôi nghĩ các trader cũng “may mắn” giống vậy.

Tâm lý – “gót chân Achilles” của trader

Tôi ý thức được rằng thị trường tài chính là một chiến trường với vô vàn cuộc chiến không hồi kết giữa những con người thông minh bậc nhất. Tôi nhận ra mình không thể xung trận khi trên người chưa có lấy một mảnh giáp đủ cứng, một món vũ khí đủ mạnh và một cái đầu đủ lạnh.

Mảnh giáp là cách quản lý vốn, là mức cắt lỗ trên mỗi giao dịch, còn vũ khí là hệ thống giao dịch, thông tin, chỉ báo… Chúng là thứ mà ai cũng có thể sở hữu vì hiện nay trên các diễn đàn, người ta chia sẻ về những kiến thức này rất nhiều. Nhưng một cái đầu lạnh thì rất ít người có, vì hiếm ai nói về cách để kiểm soát tâm lý trong giao dịch. Tôi nghĩ đây chính là lý do khiến phần lớn trader thua lỗ.

Thế là trong mười phần nỗ lực để học hỏi về Futures, tôi dành một phần chuẩn bị “khiên giáo” cho riêng mình, còn phát triển tư duy, rèn luyện tâm lý tôi dành đến tám, chín phần.

Ngoài ra, chiến trường giao dịch này khiến tôi khắc cốt ghi tâm một điều: mọi thứ chỉ là xác suất. Cho dù hệ thống giao dịch của bạn có hoàn hảo đến đâu, phân tích và nhận định của bạn có “chuẩn chỉnh” đến mấy thì bạn cũng sẽ ăn ít nhất một vài lệnh đỏ trong lịch sử giao dịch. Và vì biết đây là xác suất nên mỗi lần thua lỗ, tôi luôn tự nhủ lần này mình xui thôi, chứ không đổ lỗi, không cay cú.

Tôi tự đề ra những nguyên tắc giao dịch cho mình:

Tôi thích ý tưởng chia mọi thứ trên đời vào ba ngăn xếp: ngắn thứ nhất gồm những điều bạn hoàn toàn kiểm soát được, ngăn thứ hai là những thứ bạn chỉ kiểm soát được một phần và ngăn thứ ba gồm những thứ bạn không thể kiểm soát.

Áp vào Futures, tôi cho rằng việc chọn thời điểm vào lệnh thuộc ngăn đầu tiên, vì vậy hãy để tâm đến nó thật nhiều. Nhưng việc giá chạy thế nào sau khi vào lệnh thuộc ngăn cuối cùng, nên đừng dành quá nhiều thời gian và tâm trí để lo lắng. Cụ thể:

  • Trước khi quyết định vào lệnh: Tôi phân tích kỹ lưỡng, tính toán lời lỗ so với số vốn hiện có trong tài khoản, ghi chép lại cách thức và lý do vào lệnh đó. Tôi làm mọi thứ trong khả năng của mình.
  • Sau khi đã vào lệnh: Tôi phó mặc cho đường giá chạy và đi làm việc khác, bởi tôi biết ngoài trade tôi còn nhiều mối bận tâm khác, tôi không thể suốt ngày chỉ ngồi nhìn chart như trước.
  • Nhìn lướt qua từng hạng mục đầu tư, nếu chúng phù hợp với nhận định và hệ thống giao dịch của bản thân, tôi xuống tiền, không thì thôi.
  • Triệt tiêu ham muốn vào lệnh liên tục và kiên nhẫn chờ thời điểm thích hợp. Luôn ghi nhớ: “Nghiện” giao dịch có thể trở thành “gót chân Achilles” loại trader khỏi cuộc chơi.

Bản thân tôi từ lúc học được cách kiểm soát cảm xúc, thành tích giao dịch đã ổn định hơn nhiều. Tôi thấy dễ lựa chọn thời điểm vào lệnh hơn. Tôi nghĩ thời điểm là thứ rất quan trọng, như vị thẩm phán quyền năng “xét xử” các quyết định của người chơi. Một lệnh đúng đôi khi trở thành sai chỉ vì thời điểm không thích hợp, vì vị thế vào lệnh không đẹp.

Hành trình đáng giá hơn đích đến

Thị trường là một con quái vật đúng nghĩa, nó sẵn sàng giết bạn một cách tàn nhẫn bất cứ lúc nào bạn sơ suất. Nhưng càng đi sâu vào bên trong, bạn sẽ càng hiểu những điều giá trị, và khi kiên trì đi đủ lâu, bạn sẽ học được cách sinh tồn, vì thị trường tài chính cũng là người thầy giỏi nhất dạy cho bạn tất cả mọi thứ bạn cần để chống lại nó. Cho nên tôi nghĩ trong thị trường này, đừng coi tự do tài chính là mục tiêu, là đích đến. Thay vào đó, hãy hướng đến kiến thức và trải nghiệm, và tiền bạc sẽ là phần thưởng  cho những cố gắng và nỗ lực của bạn.

Từ khi bước chân vào thị trường, tôi luôn trân quý những trải nghiệm mình thu thập được, không còn giữ tư duy của một gã nóng nảy thèm khát những viên đá quý phần thưởng nữa, mà nỗ lực trở thành một nhà thám hiểm. Tôi nhận ra “giàu nhanh” là một khái niệm viễn vông, bản thân cuộc hành trình khám phá đáng giá hơn đích đến rất nhiều.

Cuối cùng, để đi đến hang cùng ngỏ hẽm của vùng đất này, tôi phải tích cực trau dồi bản thân. Tôi phải đổ thật nhiều “mồ hôi” trên sàn tập để không phải đổ máu trên chiến trường Futures!

bài viết liên quan