Ý Tưởng Ra Đời Của BRC 20
Điều này đã nhen nhóm ý tưởng tạo ra Bitcoin Ordinals của Casey Rodarmor bằng cách ghi dữ liệu chẳng hạn như hình ảnh, văn bản, âm thanh,… vào mỗi Satoshi trên đầu ra của các giao dịch chưa được chi tiêu hay còn gọi là UTXO. Sự xuất hiện của Bitcoin Ordinals ban đầu không nhận được nhiều sự chú ý, mãi đến khi nhà phát triển Domo tung ra BRC 20 dựa trên giao thức Bitcoin Ordinals bằng cách ghi dữ liệu dạng text chứa mã JSON vào mỗi Satoshi và từ đó đã tạo nên một xu hướng mới trên mạng lưới Bitcoin.
BRC 20 Là Gì?
Xét về tên gọi BRC 20 là sự bắt chước của Ethereum ERC 20 cho thấy chúng có cùng chức năng là tạo token trên mạng lưới Bitcoin và Ethereum nhưng về bản chất thì chúng khá khác nhau. Ngoài ra, do bản thân mạng Ethereum và Bitcoin là khác nhau khi Ethereum hỗ trợ Smart Contract còn Bitcoin thì không nên các kịch bản ứng dụng của token được tạo ra dựa trên hai tiêu chuẩn này cũng rất khác nhau. Vì vậy mình sẽ đưa ra một vài so sánh giữa BRC 20 và ERC 20 để mọi người có thể hiểu hơn về BRC 20 nhé.
- Đầu tiên các token BRC 20 về cơ bản vẫn là Bitcoin NFT. Điều này có nghĩa là giá trị của nó sẽ bao gồm hai phần: Phần đầu tiên là giá trị thị trường của chính Satoshi và phần thứ hai là giá trị riêng của token BRC 20 đó do sự đồng thuận của thị trường mang lại. Vì vậy ngay cả khi thị trường không còn thanh toán cho token BRC 20 vào một ngày nào đó trong tương lai thì mỗi token BRC 20 vẫn còn giá trị riêng như một Bitcoin. Nhưng điều này lại không xảy ra đối với token ERC 20 vì mỗi token đều được định giá theo nhu cầu của thị trường mang lại.
- Phương pháp Deploy và Transfer của BRC 20 mang lại môi trường công bằng hơn so với việc phát hành trên token ERC 20. Điều này là do tất cả mọi người đều có thể tham gia vào quá trình Deploy token BRC 20 trong khi đối với token ERC 20 thì những người khởi xướng dự án và nhà đầu tư có thể tương đối dễ dàng nhận được mã thông báo trước.
- Cuối cùng đó là việc BRC 20 không sử dụng Smart Contract vì vậy rất khó để tạo ra các kịch bản phong phú trong việc sử dụng token như trong hệ sinh thái Ethereum.
BRC 20 Đã Trở Thành Động Lực Quan Trọng Để Thúc Đẩy Sự Phát Triển Của Hệ Sinh Thái Bitcoin
Theo dữ liệu được cung cấp bởi The Block, kể từ ngày 20/04/2023 được thúc đẩy bởi sự bùng nổ của BRC 20 khiến số lượng Transactions trên mạng lưới Bitcoin tăng mạnh với khối lượng giao dịch tăng gần gấp đôi trong vòng chưa đầy một tháng. Phí gas trên mạng lưới của Bitcoin thậm chí còn tăng mạnh hơn gần 10 lần trong vòng chưa đầy nửa tháng. Ngoài cơn sóng vào tháng 04/2023 vừa rồi thì với sự phổ biến gần đây của ORDI thì cũng đã khiến số lượng Transactions và phí giao dịch trên mạng lưới Bitcoin tăng mạnh trở lại gần bằng đỉnh cũ được thiết lập vào tháng 05/2023 vừa rồi.
Rõ ràng phí giao dịch và số lượng Transactions của mạng lưới Bitcoin trong năm nay bị ảnh hưởng rất lớn bởi sự bùng nổ của BRC 20. Là một phần trong hệ sinh thái Bitcoin Ordinals thì sau đây chúng ta cùng xem xét dự liệu hoạt động của những mảnh ghép khác trong hệ sinh thái của Bitcoin Ordinals xem có gì đặc biệt không nhé.
Ordinals NFT – một bản sao đơn giản của NFT
Theo dữ liệu được cung cấp bởi Dune, kể từ khi phát hành giao thức Ordinals vào năm 2022 thì khối lượng mint các Inscriptions NFT đã tăng lên nhanh chóng và tốc độ tăng trưởng trong thời gian gần đây thậm chí còn đáng kinh ngạc hơn. Tính đến thời điểm hiện tại thì khối lượng mint Ordinals NFT trong một ngày đạt đỉnh điểm hơn 410.000 và tổng khối lượng mint Bitcoin Inscriptions đã đạt gần 42 triệu.
Hiện tại, đã có khá nhiều dự án NFT xuất hiện trong hệ sinh thái Ordinals NFT sau đây là một số dự án tiêu biểu:
- Bitcoin Punks: Là dự án NFT đầu tiên tải thành công các hình ảnh trong CryptoPunks trên Ethereum lên Blockchain Bitcoin bằng cách sử dụng Ordinals. Bộ sưu tập bao gồm 10.000 hình đại diện nhân vật kiểu pixel 8 bit khác nhau, mỗi hình đại diện có thuộc tính và độ hiếm khác nhau.
- Oridinals Punks: Để tri ân CryptoPunks, Ordinal Punks là một bộ sưu tập gồm 100 NFT trong đó mỗi NFT là một hình ảnh 192 x 192 pixel được tạo bằng thuật toán nguồn mở do nhà sáng tạo Web3 ẩn danh FlowStay thực hiện.
Do nhu cầu ngày càng tăng của ordinals NFT trên thị trường, điều này đã thúc đẩy sự ra đời của một số nền tảng giao dịch Ordinals NFT. Hiện tại có một số nền tảng phổ biến như Unisat, OKX NFT Marketplace và Magic Eden. Theo dữ liệu được cung cấp bởi Dune, khối lượng giao dịch hàng ngày cao nhất của Ordinals NFT kể từ tháng 05/2023 đã vượt quá 15.000. Trước tháng 11/2023, Unisat là nền tảng có thị phần lớn nhất tuy nhiên kể từ sau đợt bùng nổ gần đây của BRC 20 thì OKX NFT Marketplace đã tăng trưởng nhanh chóng và vươn lên trở thành nền tảng hàng đầu để giao dịch Ordinals NFT.
Hiện tại, Ordinals NFT mang đến một câu chuyện riêng khi một mặt tận dụng tính không đồng nhất tự nhiên của Satoshi trên Bitcoin mặt khác nó là một bản sao đơn giản tương tự như NFT trên các Blockchain lớn như Ethereum, Solana,…
Token BRC 20 – dựa vào văn hóa Meme để tạo nên sự cường điệu
Theo dữ liệu thống kê của Unisat về token BRC 20, tính đến ngày 29/11/2023 đã có hơn 50.000 token BRC 20 đã được triển khai. Sự gia tăng nhanh chóng này đến từ xu hướng bùng nổ của các token BRC 20 như ORDI, Sats, Rats,… trong thời gian gần đây. Tuy nhiên một điều cần lưu ý là về cơ bản đa phần các token BRC 20 đều là Meme và bị chi phối bởi hoạt động đầu cơ.
Vì token BRC 20 về cơ bản là các Ordinals NFT có dữ liệu dạng text dùng để khắc trên các Satoshi nên mình sẽ đưa ra dữ liệu thống kê sau để thấy được sự phổ biến của token BRC 20.
Từ dữ liệu thống kê ở trên chúng ta thấy phần lớn các Ordinals NFT ở dạng text hay nói cách khác BRC 20 chiếm phần lớn thị phần trên thị trường Ordinals qua cả 2 đợt bùng nổ vừa rồi. Trong thời gian gần đây, khối lượng giao dịch Token BRC 20 đôi khi đã vượt quá một nửa tổng khối lượng giao dịch hàng ngày của Bitcoin.
Hệ thống tên miền trên mạng lưới Bitcoin
Trong thời gian gần đây trên mạng lưới Bitcoin đã xuất hiện một số bên cung cấp dịch vụ tên miền – một hệ thống tên miền tương tự như ENS trên Ethereum giúp chuyển đổi các địa chỉ ví phức tạp thành các định dạng văn bản dễ sử dụng và con người hoàn toàn có thể đọc được. Hiện tại, có hai hệ thống tên miền BTC chính trên thị trường là Bitcoin Name System (BNS) dựa trên Stacks Network và dự án tên miền dựa trên Ordinals.
Đối với BNS dựa trên Stacks Network là một hệ thống mạng có thể liên kết tên người dùng Stacks với trạng thái ngoài chuỗi mà không cần dựa vào bất kì nút trung tâm nào. Trong BNS không có phép xung đột tên nghĩa là không có hai người dùng nào cùng một tên trên hệ thống. Ngoài ra vì Stacks là một Layer 2 trên Bitcoin có thể triển khai các Smart Contract nên BNS cũng hỗ trợ Smart Contract nhưng một điều cần lưu ý là BNS sẽ không thể tương tác trực tiếp với mạng lưới Bitcoin.
Đối với tên miền dựa trên Ordinals, hiện có hai dự án phổ biến là Sats Names và BTCDomain trong đó Sats Name có thể tạo ra tên miền “.sats” và BTCDomain có thể tạo ra tên miền “.btc”. Vì chúng là các tên miền dựa trên giao thức Ordinals nên quá trình deploy tên miền tương tự như quy trình của Ordinals NFT nhưng nội dung được khắc là văn bản với định dạng JSON. Sau quá trình đúc hoàn tất thì dữ liệu tên miền của người dùng sẽ được lưu trữ hoàn toàn trên mạng lưới Bitcoin.
Khám Phá ORC 20 Và BRC 21: Sự Đổi Mới Cần Thiết Để Giúp Hệ Sinh Thái Bitcoin Phát Triển
Để giải quyết một số vấn để với mã thông báo BRC 20, các nhà phát triển cộng đồng đã cho ra mắt các tiêu chuẩn mới như ORC 20, BRC 21 và các giao thức khác để cải thiện nó. Lấy ORC 20 làm ví dụ, nó chủ yếu sử dụng mô hình UTXO để đảm bảo ngăn ngừa chi tiêu gấp đôi trong giao dịch, cho phép hủy giao dịch và hỗ trợ di chuyển từ BRC 20 sang ORC 20. Tất nhiên, kết quả của những nỗ lực của ORC 20 nhằm tiến gần hơn đến ERC 20, cho phép triển khai các dApp trên mạng lưới Bitcoin.
Còn về tiêu chuẩn BRC 21 xuất hiện sau này về cơ bản là một dự án xuyên chuỗi. Tiêu chuẩn BRC 21 được người sáng lập Interlay Alexei Zamyatin đề xuất trên twitter vào ngày 07/05/2023 và tài liệu về tiêu chuẩn BRC 21 đã được phát hành sau đó. Các tài sản chuỗi chéo như WBTC “ánh xạ” Bitcoin vào mạng Ethereum trong khi giao thức BRC 21 ánh xạ các tài sản từ các Blockchain phi tập trung khác (như ETH, USDT,… trên mạng Ethereum) được “ánh xạ” tới mạng Bitcoin, làm cho tài sản này có sẵn để sử dụng trên Lightning Network.
Tuy nhiên xét cho cùng mạng Bitcoin không có Smart Contract như Ethereum. Hiện tại cũng không có giao thức vận hành tài sản trên chuỗi gốc như AMM, Lending… đồng thời Layer 2 trên Bitcoin cũng không thể sánh với Layer 2 trên Ethereum vì vậy việc bắt chước hoàn toàn sự đổi mới của hệ sinh thái Ethereum có thể là không khả thi. Sự phát triển của hệ sinh thái Bitcoin đòi hỏi sự đổi với dựa trên đặc tính vốn có của Bitcoin.
Tổng kết
BRC 20 quả thực đã mang đến sự đổi mới và cường điệu giúp mở ra một xu hướng mới trên mạng lưới Bitcoin. Trên đây là tất cả thông tin mà mình muốn cung cấp trong bài viết này, hi vọng mọi người đã nhận được những kiến thức bổ ích.