Trending

Sa Thải 50% Nhân Sự Và Kế Hoạch Ra Mắt OpenSea 2.0

Vào ngày 03/11/2023, OpenSea – một trong những nền tảng NFT Marketplace hàng đầu đã công bố sa thải 50% nhân sự của mình. Tin tức này ngay lập tức đã trở thành chủ đề bàn tán sôi nổi trên khắp các cộng đồng NFT. Nhiều ý kiến cho rằng, quyết định sa thải này thực sự là một biểu hiện rõ ràng cho thấy tình hình hoạt động của OpenSea đang xuống cấp nghiêm trọng nhưng cũng có một số ý kiến cho rằng đây chỉ là hoạt động thanh lọc nhân sự của OpenSea.

Người đồng sáng lập OpenSea Devin Finzer cũng tuyên bố trên mạng xã hội X (Twitter) rằng việc sa thải là để khởi động cho kế hoạch ra mắt OpenSea 2.0. Devin Finzer cũng cho biết thêm việc có một nhóm nhỏ hơn nhằm dễ kết nối với nhau hơn và từ đó hiệu suất làm việc tốt hơn.

Dù không biết tình hình chính xác của OpenSea NFT Marketplace ở thời điểm hiện tại là như thế nào nhưng trong thời gian gần đây, mặc dù thị trường NFT có sự khởi sắc thì tốc độ phục hồi của OpenSea vẫn thua xa đại kình địch của họ là Blur. Nếu tình từ đầu năm tới giờ thì khối lượng giao dịch trên Blur cũng đã vượt qua OpenSea trong 9 tháng liên tiếp. Điều này cho thấy rằng Blur đang phát triển rất nhanh và OpenSea dường như đang bị bỏ lại phía sau. Vì vậy, nguyên nhân sâu xa của quyết định sa thải này có thể bắt nguồn từ những vấn đề của chính công ty chứ không chỉ dừng lại ở việc thực hiện các kế hoạch mới.

Điểm Lại Lịch Sử Phát Triển Của OpenSea NFT Markeplace: Từ Vô Địch Đến Khi Mất Ngôi Vương Vào Tay Blur

Câu chuyện bắt đầu vào tháng 12/2017 khi OpenSea được giới thiệu với cộng đồng bởi hai đồng sáng lập là Devin Finzer và Alex Atallah. Vào thời điểm đó, NFT vẫn là một lĩnh vực tương đối xa lạ với hầu hết người dùng. Tuy nhiên với niềm tin rằng NFT là một tài sản kỹ thuật số và chắc chắn sẽ mang lại giá trị cho những người sáng tạo và người sưu tầm.

Với niềm tin lớn, OpenSea tiếp tục nâng cấp và cải thiện sản phẩm của mình để hỗ trợ nhiều Blockchain và NFT hơn. Đến năm 2021, khi thị trường NFT bùng nổ thì OpenSea đã trở thành thị trường giao dịch NFT hàng đầu với khối lượng giao dịch chiếm hơn 80% toàn bộ thị trường. Trong cả năm 2021, ước tính nguồn doanh thu khổng lồ mà OpenSea có thể kiếm được lên tới 365M USD và trở thành một trong những dự án có doanh thu cao nhất trong năm 2021. Đến tháng 01/2022, OpenSea đã thông báo kêu gọi được 300M USD nâng tổng định giá công ty lên tới 13.3B USD. Chiếm vị trí số 1 trên mọi dữ liệu đã cho thấy OpenSea dường như không có đối thủ xứng tầm vào thời điểm đó.

Thống kê khối lượng giao dịch trên thị trường NFT

Thống kê khối lượng giao dịch trên thị trường NFT

Tuy nhiên với một thị trường NFT đầy tiềm năng và chứng kiến nguồn doanh thu khổng lồ mà OpenSea đã tạo ra thì chắc chắn đây là điểm đến hấp dẫn đối với mọi dự án và hứa hẹn sẽ có một cuộc cạnh tranh hấp dẫn trong tương lai.

OpenSea bắt đầu đón nhận những đối thủ cạnh tranh đầu tiên chẳng hạn như gem, X2Y2, LooksRare,… Tuy nhiên, khi nhìn lại thì chúng ta chỉ thấy có hai đối thủ thực sự xứng tầm với OpenSea. Một là Gem, sau đó đã được OpenSea mua lại và đổi tên là OpenSea Pro. Thứ hai là Blur – đã thành công trong việc cải thiện vấn đề cối lõi mà thị trường NFT gặp phải, đó là thiếu tính thanh khoản thông qua biện pháp Airdrop và khuyến khích người dùng Listing và đặt giá thầu.

Ngay từ thời điểm đầu ra mắt, Blur đã cho thấy sự khác biệt hoàn toàn với đa phần các NFT Marketplace khác (mình thấy đều là nhái của OpenSea) trên thị trường. Từ việc là một nền tảng Aggregator đến UI/UX hay cả tệp khách hàng đều hoàn toàn khác biệt và tất nhiên sự đột phá này đã mang đến thành công lớn cho Blur. Ngày nay, Blur đang nắm giữ gần 70% thị phần về khối lượng giao dịch trong khi OpenSea bị bỏ lại khá xa khi chỉ có 23% thị phần. Khoảng cách quá lớn này phản ánh sự thua thiệt của OpenSea trong cuộc cạnh tranh với Blur.

OpenSea Đang Gặp Phải Rắc Rối Lớn Về Mặt Nhân Sự

Việc sa thải quy mô lớn của OpenSea đã bộc lộ rõ những vấn đề nghiêm trọng của công ty trong việc quản lí nguồn nhân lực của mình. Vào năm 2021, khi chứng kiến khối lượng giao dịch của OpenSea tăng trưởng vượt bậc và công ty đã kiếm được lợi nhuận đáng kể từ việc này.

Để mở rộng mô hình kinh doanh, OpenSea đã tuyển dụng một lượng lớn các nhà quản lí chuyên nghiệp nhưng vấn đề ở đây là OpenSea mở rộng quá nhanh. Số lượng nhân viên trong công ty tăng lên chóng mặt chỉ trong một thời gian ngắn với hơn 1.000 người khiến cơ cấu tổ chức trở nên vô cùng phức tạp và điều này đã khiến hiệu quả mang lại giảm dần.

OpenSea đã tuyển dụng một số lượng lớn giám đốc điều hành cấp cao và mỗi giám đốc điều hành lại có nhiều quản lí cấp trung và mỗi quản lí cấp trung lại có một số lượng lớn các nhân viên. Cơ cấu quản lí ba đến bốn cấp như thế này không chỉ dư thừa mà còn khiến việc truyền tải thông tin trở nên phức tạp và kém hiệu quả. Khi thị trường bắt đầu vào giai đoạn giảm giá thì những vấn đề từ việc mở rộng quá mức bắt đầu xuất hiện khiến hiệu quả hoạt động của OpenSea giảm mạnh.

Cuối cùng họ buộc phải sa thải một nửa số nhân viên của mình, đây gần như là hệ quả tất yếu của những sai sót trong quản lí nhân sự. OpenSea cần phải rút kinh nghiệm sâu sắc trong vấn đề này, OpenSea cần xem xét lại cơ cấu quản lí nhân sự và có biện pháp phù hợp để tránh những vấn đề tương tự trong tương lai.

Liệu OpenSea 2.0 Có Đưa OpenSea Thoát Khỏi Đà Suy Thoái?

Ở thời điểm này, dù bị thua thiệt về khối lượng giao dịch so với Blur nhưng có một điểm sáng là OpenSea vẫn là nền tảng thu hút lượng người dùng giao dịch lớn nhất trên thị trường NFT. Ở thời điểm hiện tại, OpenSea có khoảng 6.000 người dùng hoạt động hàng ngày và 30.000 người dùng hoạt động hàng tuần, con số này vẫn cao hơn gấp đôi so với đối thủ Blur. Điều là có thể là nền tảng để OpenSea đảo ngược tình thế trong tương lai.

Lương người dùng hoạt động hàng ngày trên OpenSea NFT Marketplace vẫn thống trị thị trường

Lương người dùng hoạt động hàng ngày trên OpenSea vẫn thống trị thị trường

Việc ra mắt OpenSea 2.0 trong ngắn hạn không thể đảo ngược được tình hình hiện tại. Trong lĩnh vực có tính cạnh tranh cao như này, khả năng đổi mới và thích ứng với thị trường là vô cùng quan trọng. OpenSea cần đánh giá lại chiến lược của mình, cải thiện dịch vụ, thu hút nhiều người dùng hơn và duy trì tính cạnh tranh để đảm bảo vị thế của mình trên thị trường NFT không bị đe dọa. Câu chuyện này cũng là một lời nhắc nhở trong thế giới tài sản kĩ thuật số, cần có những nỗ lực liên tục để duy trì tính cạnh tranh ngay cả khi nền tảng đã sở hữu một lượng lớn người dùng.

Tổng kết

OpenSea đang bước vào thời kì tồi tệ nhất của mình từ sau thời kì hoàng kim vào năm 2021. Việc sa thải 50% nhân sự và kế hoạch ra mắt OpenSea 2.0 không thể phục hồi OpenSea trong một thời gian ngắn. Vì vậy, OpenSea cần có chiến lược phát triển từng bước một để hi vọng quay lại thời kì hoàng kim như xưa.

bài viết liên quan