Trending

Futures: Từ $100 đến $10K

Mình biết tới thị trường crypto từ 2017 khi đang là sinh viên năm Nhất. Ngày đó mình được một anh bạn giới thiệu và mời gọi đầu tư ETH, mình vẫn còn nhớ lúc đó trên sàn Remitano 1 ETH có giá 1 triệu rưỡi. Mình đi vay mượn khắp nơi để mua 1 ETH, và khoảng một tháng sau, số tiền đó đã x3. Mình vội bán ngay để lấy tiền tiêu, và đó là lần đầu tiên mình kiếm tiền với crypto. Tuy nhiên ngày đó vì còn trẻ con, lại đang đi học nên việc đầu tư cũng chỉ dừng ở đó.

Tới tận 2019, một lần nữa mình biết tới crypto thông qua youtube. Mình thấy mọi người hướng dẫn chơi crypto, chính xác là đánh Futures – thứ đã thay đổi cuộc đời mình 180 độ. Mình bắt đầu tìm hiểu và nạp $100 đầu tiên vào chơi. Đúng như các cụ đã nói “cờ bạc đãi tay mới”, mình x2 ngay lập tức với đòn bẩy x50.

Thế là máu con bạc nổi lên, chỉ trong 3 ngày mình tăng từ $100 lên đến $800. Mình bắt đầu nghĩ mình giỏi thực và hoàn toàn có thể làm giàu nhờ đánh Futures. Dần dần mình lún sâu vào con đường này, đi từ đòn bẩy x20, x30 đánh tới x75, x100.

Rồi chuyện gì tới cũng phải tới, trong khoảnh khắc nhanh bằng một cú giật mình, mình mất tất cả số tiền kiếm được. Tuy vốn chỉ $100, nhưng tất nhiên chúng ta luôn nghĩ tiền kiếm được là tiền của mình, nên mất số tiền lời $800 (~18 triệu đồng) là quá to đối với mình.

Máu cờ bạc không cho mình dừng lại. Mình tiếp tục nạp $200 vào để chơi, lần này không còn may mắn như những lần đầu. Mình mất $200 ngay lập tức trong vòng 20 phút. Cay cú nổi lên, mình vay mượn bạn bè, lúc đầu là $2K để mong gỡ lại, và giảm đòn bẩy từ x50 xuống x20. Nhưng khi đã thua thì càng gỡ càng thua, mình tiếp tục mất thêm $2K.

Mình cứ dấn sâu hoài như thế cho đến cuối 2019 mình đã vay số tiền lên tới gần $10K, và mình đã nướng sạch nó vào Futures. Lúc đó mình mới bừng tỉnh nhưng dường như tất cả đã quá muộn.

Một sinh viên như mình làm sao có thể có $10K để trả nợ cho mọi người? Mình như đi tới bước đường cùng, phải làm đủ mọi nghề để tích cóp tiền trả từng phần nhỏ. May mắn mình chỉ vay tiền từ bạn bè và người thân nên sự việc chưa đi quá xa. Nhưng sau lần đó mình tự nhủ sẽ không dính vào con đường crypto này nữa.

Bài học kiên nhẫn đầu tiên

Năm 2021, hai năm kể từ ngày Futures đưa mình ra đảo, mình quay trở lại thị trường và bắt đầu tìm hiểu nghiêm túc chứ không phải muốn kiếm tiền nhanh như trước. Sau cú sập tháng 6 của BTC từ $60K về $30K, mình quyết định nạp tiền vào chơi lại, và tất nhiên lần này mình không đánh Futures nữa.

Số tiền mình bỏ vào đầu tiên là $500, mình vẫn nhớ đó là kèo BZRX mình đánh theo TradecoinVietnam. Mình vào giá $0.17 và chốt ở $0.25, lãi đâu đó $300.

⇒ Đó là lần đầu mình kiếm tiền mà không phải lo nghĩ mở lệnh ra xem như khi đánh Futures.

Tiếp theo mình vào kèo SFP giá $0.7. Do kiến thức quá hạn hẹp, mình thấy nó cứ lên $0.75 rồi lại về entry, mà mỗi lần lên $0.75 mình cũng lãi cỡ $30, nên mình quyết định cứ đặt $0.75 là bán, về $0.7 mua lại. Được 2 ngày nó bay luôn, và mình không mua được nữa.

⇒ Đó là lần đầu mình học được bài học về kỷ luật và kiên nhẫn, nhưng đó không phải lần cuối cùng.

Không lâu sau đó mình mua AUDIO ở giá $1 – khá đáy. Đợt đó NFT khá hot, nhưng đã mua tới 2 tuần mà nó vẫn loanh quanh ở entry, trong khi những con khác đã bay khá xa. Mình khá nóng ruột, và sau một tháng nó vẫn chỉ ở $1.1. Vậy là mình quyết định bán và nhảy qua CREAM. Chỉ sau một tuần:

  • AUDIO bay từ $1 lên $4.
  • Trong khi con CREAM thì giảm 30%.

⇒ Đây là bài học tiếp theo mình trả giá cho sự thiếu kiên nhẫn của bản thân. 

Lỡ làng với C98

Sau đó mình tìm hiểu IDO, thấy mọi người nói rất nhiều về nó như “x10, x20, x50, x100 tài khoản”, ai mà không ham. Mình bắt đầu tập mua IDO ở một bên của Việt Nam mình không tiện nêu tên. Sau một thời gian dài tham gia rất nhiều IDO bên đó không thành công, cuối cùng mình mua được một lần. Nhưng có vẻ số mình hơi xui, kèo đó chia 2, và mình vỡ mộng với IDO.

Mình quay về đánh spot, nhưng có vẻ bài học về sự kiên nhẫn mình học chưa đủ và thị trường cần dạy mình thêm. Đó là lần C98 list Binance, mình nhanh chóng vào mua và mua được ở vùng giá phải nói là trong mơ – $0.8. Nhưng vì không hề tìm hiểu dự án cũng như nghe lời người ngoài, khi thấy giá rơi xuống 0.7, mình đã vô cùng lo lắng và mong nó lên lại để thoát hàng hòa vốn.

Và đó là quyết định sai lầm nhất cuộc đời mình. Chỉ khoảng một tuần sau, C98 bay một mạch lên $1.6 rồi $1.8. Mình thấy vùng giá đã quá xa nên quyết định không mua nữa. Và rồi như các bạn đã biết, C98 tăng một mạch tới tận 6$.

⇒ Mình một lần nữa tiếp tục trả giá cho sự thiếu kiến thức đầu tư của bản thân.

Đổi đời nhờ FTM

Nhưng có vẻ may mắn bắt đầu mỉm cười với mình. Mình biết và tìm hiểu hệ sinh thái Fantom, sau đó quyết định dồn hết vốn lúc đó là $2K để mua FTM ở giá 0.3.

Đây thực sự là kèo ĐỔI ĐỜI của mình, mình quyết định hold nó và thành quả đã tới. Tháng 11, hệ sinh thái Fantom bùng nổ, giá FTM tăng lên $3. Lần đầu tiên trong đời mình x10 tài khoản. Mình quyết định chốt hết và cầm trong tay $20K.

Từ đó, mình quyết định chia lại vốn hợp lý hơn thay vì đầu tư thiếu khoa học. Dưới đây là cách chia vốn của mình, hy vọng sẽ giúp ích cho mọi người.

Chia vốn 70 – 10 – 20

  • 70% vốn ($14K): Ôm 2-3 con topcoin như BNB, NEAR, DOT, CELO, …
  • 10% vốn ($2K): Chia thêm ra thành 2 phần:
    • Future ($500): Mình không quá khuyến khích phần này.
    • Kèo IDO, sổ xố, pool…($1K5): Những kèo này mình rải khá nhiều, trung bình $100/kèo.
  • 20% vốn ($4K): Phần để DCA như khi thị trường sập vừa rồi. Chúng ta sẽ DCA thêm ở những entry đẹp hơn – phần này khá quan trọng. Sau nhiều năm ở trong thị trường, mình luận ra rằng luôn phải dành ít nhất 10-20% vốn để phòng trường hợp BTC sập đột ngột.

Những bài học còn lại

Trong suốt bốn năm biết tới crypto và hai năm dành để đầu tư nghiêm túc, mình nhận ra một số thứ vô cùng quan trọng để trở nên thành công hoặc ít nhất là kiếm tiền được tiền trong thị trường crypto.

  1. Sự kiên nhẫn và lòng tin. Đây là yếu tố TIÊN QUYẾT, vì nếu thiếu kiên nhẫn, đầu tư nóng vội bạn sẽ đu đỉnh thiên thu, luôn mua đỉnh bán đáy.
  2. Tránh xa Futures. Có thể nói đây là một món cờ bạc, mình biết nhiều người dù ăn rất nhiều tiền ở đây nhưng rồi cũng mất sạch. Nếu bạn quá thích chơi có thể dành ra một số tiền chưa tới 1% vốn như mình chia sẻ ở trên. Chơi cho vui và có thể mất số tiền đó với tâm trạng vui vẻ.
  3. Mọi thông tin bạn biết thì mọi người cũng biết. Bạn luôn là người có thông tin cuối cùng nên hãy tìm hiểu thật kỹ các dự án trước khi xuống tiền. Vì đó là tiền của bạn, không ai chịu trách nhiệm cho khoản tiền đó ngoại trừ bạn. Và mọi thông tin chỉ để tham khảo, không có thứ gì chính xác tuyệt đối.
  4. Luôn cẩn thận với những lời mời gọi. Thị trường tài chính có rất nhiều cạm bẫy, chỉ người tỉnh táo và đủ kiến thức mới có thể tránh được những điều đó. Cá nhân mình chưa từng dính scam bao giờ, nhưng bạn bè mình đã bị rồi.

Bạn nên cẩn thận với những ai chủ động nhắn tin, chủ động tạo cơ hội cho bạn một thứ gì đó. Hãy nhớ “không có thứ gì miễn phí, khi bạn nhận thứ gì của họ bạn sẽ phải trả lại một khoản tương ứng hoặc nhiều hơn rất nhiều”.

Trong suốt những năm ở trong thị trường có thể nói mình đã “ăn đòn đủ nhiều” để đúc kết những bài học này. Hy vọng mọi người có thể tham khảo và lấy được chút gì đó có ích từ câu chuyện của mình.

bài viết liên quan