Chu Kì Thị Trường Là Gì?
Chu kì thị trường là những xu hướng xuất hiện trong các thị trường hoặc môi trường tài chính khác nhau. Điều này được minh họa bằng các đỉnh và đáy tăng hoặc giảm dần cũng như những biến động xen kẽ ở thị trường đi ngang. Nguyên nhân xuất hiện chu kì bao gồm các yếu tố như lượng thanh khoản trong nền kinh tế, lãi suất, tiến bộ công nghệ và các sự kiện thiên nga đen.
Biểu đồ bên dưới chắc hẳn mọi người cũng đã từng nhìn thấy trong các group telegram hay trên nền tảng Twitter. Nó cho phép mọi người xác định các phần cụ thể của chu kì dựa trên những gì họ cho là phù hợp với tâm lí thị trường ở thời điểm hiện tại.
Nói rộng hơn, chu kì thị trường có thể chia làm 4 giai đoạn chính bao gồm: Tích lũy, tăng giá, phân phối và giảm giá.
- Giai đoạn tích lũy: Giai đoạn này thường xảy ra khi thị trường chung đã chạm đáy. Tâm lí thị trường có xu hướng giảm nhưng mức định giá thấp hơn khiến giai đoạn này trở nên hấp dẫn đối với những người chấp nhận sớm và các nhà đầu tư giá trị.
- Giai đoạn tăng giá: Đây là giai đoạn chứng kiến giá của hàng loạt các dự án trên thị trường có mức tăng trưởng mạnh mẽ. Tâm lí thị trường lúc này sẽ chuyển dần từ giai đoạn hoài nghi sang lạc quan và phấn khích khi rất nhiều người khoe về lợi nhuận kiếm được của mình trên các nền tảng mạng xã hội.
- Giai đoạn phân phối: Giai đoạn phân phối thường là khoảng thời gian ngắn trong chu kì thị trường. Mức giá của các tài sản đạt đỉnh và giữ trong một phạm vi nhất định và tâm lí thị trường lúc này là cực kì hưng phấn và kiêu căng. Các nhà giao dịch thường tìm kiếm các mô hình như vai đầu vai hoặc hai đỉnh để xác nhận xu hướng đảo chiều có thể xảy ra.
- Giai đoạn giảm giá: Giai đoạn cuối cùng này thường là giai đoạn khó khăn nhất đối với các nhà đầu tư vì nhiều người mắc kẹt trong việc giữ vị thế vì những lí do như tham lam hoặc Fomo.
Mặc dù giai đoạn này là không đổi trên nhiều thị trường khác nhau nhưng chúng khác nhau về tần suất và độ dài vì mỗi thị trường có những nguyên tắc cơ bản riêng. Chu kì thị trường NFT cũng không phải ngoại lệ và chúng ta cùng tìm hiểu luôn nhé.
Chu Kì Thị Trường NFT Diễn Ra Như Thế Nào?
Khác với thị trường Crypto đã diễn ra được nhiều chu kì và khởi đầu mùa tăng trưởng bằng Bitcoin Having thì thị trường NFT mới chỉ được biết đến rộng rãi vào năm 2021. Vì vậy chúng ta hãy cùng quay lại lịch sử vào đầu năm 2021 để xem chu kì thị trường NFT được vận hành như thế nào nhé.
Mức độ phổ biến của thị trường NFT
Mức độ phổ biến cũng là một yếu tố để đánh giá tâm lí thị trường và xem chúng ta đang ở giai đoạn nào của thị trường. Mình sẽ sử dụng 2 nguồn dữ liệu là Google Trend và khối lượng giao dịch trên thị trường NFT để đánh giá về chu kì thị trường nhé.
Đầu tiên, dưới đây là biểu đồ Google Trend biểu thị về xu hướng tìm kiếm NFT trên Google. Chúng ta có thể thấy NFT được mọi người tìm kiếm và biết đến vào đầu năm 2021 và có một chu kì tăng trưởng nhỏ sau đó trước khi trở nên bùng nổ trong giai đoạn từ tháng 07/2021 đến tháng 05/2022. Ở thời điểm hiện tại, chỉ số NFT dựa trên Google Trend chỉ rơi vào mức từ 5 – 7 điểm báo hiệu thị trường đang ở trong giai đoạn mùa đông lạnh giá và không có nhiều sự quan tâm đối với NFT.
Khi nhìn vào khối lượng giao dịch trong giai đoạn thị trường uptrend từ tháng 07/2021 đến tháng 05/2022, chúng ta có thể thấy rất rõ sự tăng trưởng về khối lượng giao dịch đặc biệt là trong khoảng thời gian đầu năm 2022.
Mỗi cơn sóng tăng trường đều bắt đầu bằng một điểm kích hoạt tăng giá, thường là một sự kiện thu hút sự thảo luận và chú ý của người dùng. Điều này được đánh dấu bằng 2 ô được khoanh đỏ 1 và 2 như hình trên. Sau giai đoạn này, khối lượng giao dịch trên thị trường chứng kiến sự sụt giảm đột ngột đi kèm mức sự giảm giá của các bộ sưu tập NFT Blue Chip. Điều này báo hiệu một xu hướng giảm giá lớn sắp xảy ra.
Các giai đoạn phát triển trên thị trường NFT
Hầu hết mọi điểm kích hoạt đều có liên quan đến sự cường điệu. Mình sẽ chia nguồn phổ biến của NFT thành hai nhóm bao gồm: Phương tiện truyền thông và cộng đồng.
Đầu tiên là phương tiện truyền thông thường liên quan đến các tác phẩm nghệ thuật được mã hóa dưới dạng NFT. Vào tháng 03/2021, nghệ thuật kĩ thuật số người Mỹ Beeple đã bán tác phẩm nghệ thuật NFT của mình có tên gọi là Everydays: the first 5000 days với giá hơn 60M USD và ngay lập tức thu hút sự quan tâm lớn của giới truyền thông.
Do sự chú ý rộng rãi của giới truyền thông, các Art NFT khác trên thị trường cũng chứng kiến sự tăng trưởng ấn tượng. Ngay sau đó, những người nổi tiếng như Takashi Murakami và Snoop Dogg cũng đã gia nhập vào thị trường và NFT dường như đã được các phương tiện truyền thông thổi bùng từ đó thúc đẩy hơn nữa sự gia nhập của người dùng vào thị trường NFT.
Sự phổ biến rộng rãi của Art NFT trên các phương tiện truyền thông cũng tạo ra một chu kì tăng trưởng nhỏ, thúc đẩy sức nóng trên thị trường và gia nhập của người mới. Điều này cũng đã được thể hiện trên biểu đồ Google Trend trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 03/2021.
Giai đoạn tiếp theo từ tháng 07/2021 đến tháng 05/2022 cũng là giai đoạn thị trường chính thức bước vào cơn sóng tăng trưởng mạnh mẽ. Điểm kích hoạt cho giai đoạn này là sự bùng nổ là phong trào game Play To Earn với đầu tàu là Axie Infinity. Đây cũng là thời điểm khởi đầu cho một trong những bộ sưu tập thành công nhất lịch sự là Bored Ape Yacht Club (BAYC). Giá của NFT tăng trưởng góp phần làm chất xúc tác thúc đẩy mọi người chia sẻ các thông tin về NFT trên các nền tảng mạng xã hội từ đó làm tăng mức độ phổ biến của NFT. Trong giai đoạn này chúng ta cũng thấy sự tham gia của rất nhiều người nổi tiếng đổ xô đi mua NFT như: Elise Boucher, Ja Rule, Lewis Capaldi,….
Sau khi bị ảnh hưởng bởi thị trường chung Crypto với sự sụp đổ của Luna, thị trường NFT chính thức bước vào giai đoạn giảm giá. Như một điều thường xảy ra trong giai đoạn giảm giá sẽ đi kèm với những Fud lớn trên thị trường, chúng ta thấy những Fud liên quan đến Bored Ape Yacht Club (BAYC) liên quan đến vấn đề pha loãng nguồn cung, vụ sụp đổ của Azuki sau khi ra mắt Azuki Elementals hay là của Degods với Degods Season 3. Tất cả điều này đã tạo nên một tâm lí sợ hãi trên thị trường khiến các nhà đầu tư bán tháo các NFT của mình, hậu quả là khiến giá của NFT ngày càng giảm sâu thêm.
Luân Chuyển Dòng Tiền Trong Thị Trường NFT
Tương tự như thị trường chung Crypto luôn có sự luân chuyển dòng tiền qua lại giữa các mảng khác nhau trong thị trường. Khi nhìn vào thời điểm Uptrend vào năm 2020 và 2021, chúng ta bắt đầu với Defi Summer 2020 → Layer 1 vào đầu năm 2021 → Trend Gamefi (bùng nổ của Play To Earn với sự dẫn đầu của Axie Infinity) → Trend Metaverse (dẫn đầu bởi The Sandbox và Decentraland) —> Trend NFT ( dẫn đầu bởi BAYC, CryptoPunks).
Qua một chu kì tăng trưởng, chúng ta thấy dòng tiền không nằm ở một mảng nào quá lâu và có xu hướng chuyển sang các mảng khác trên thị trường. Điều này khá dễ hiểu chẳng hạn như trend Defi với mô hình Farm xả token có nhiều nhược điểm và không còn thu hút được sự chú ý của người dùng nữa thì bắt buộc các nhà đầu tư phải di chuyển sang tìm kiếm lợi nhuận ở các mảng khác chúng ta có thể thấy sự xuất hiện của Trend Play To Earn với Axie Infinity là một ví dụ điển hình.
Đối với thị trường NFT, chúng ta cũng thấy sự luân chuyển dòng tiền qua các mảng nhỏ, điển hình chúng ta thấy thị trường khởi đầu với Art NFT với các tác phẩm nghệ thuật kĩ thuật số được bán với giá hàng triệu đô hay cả vài chục triệu đô → NFT Gaming với sự bùng của Axie Infinity → PFP NFT với sự dẫn dắt của Bored Ape Yacht Club (BAYC) và CryptoPunks → Music NFT với sự bùng nổ của Sound.xyz.
Nhìn chung, thị trường luôn cần sự đổi mới để phát triển và thu hút người dùng. Vì vậy, trong quá trình đầu tư mọi người cần chú ý xem mảng nào đang nhận được sự chú ý và đón nhận dòng tiền trên thị trường. Việc chọn được dự án đúng với trend đang xuất hiện trên thị trường giúp tăng tỉ suất lợi nhuận đáng kể mà mọi người có thể kiếm được.
So Sánh Thị Trường NFT Với Thị Trường Crypto
Có những điểm tương đồng và khác biệt giữa thị trường NFT và thị trường Crypto. Hiện tại, thị trường NFT được xây dựng dựa trên thị trường Crypto nên việc nó bị ảnh hưởng bởi thị trường chung là điều hiển nhiên, mặc dù phản ứng thường “chậm chạp” hơn. Như chúng ta có thể thấy trong hình bên dưới, khi giá trị thị trường Ethereum bắt đầu chứng kiến mức giảm sâu thì giá trị của thị trường NFT không trực tiếp bị ảnh hưởng và giảm ngay theo sau.
Khi thị trường xảy ra biến động, thị trường NFT có xu hướng phản ứng chậm hơn do tính thanh khoản kém hơn. Ngoài ra vấn đề tắc nghẽn mạng lưới khiến phí gas đắt đỏ, điều này cũng cản trở người dùng giao dịch tài sản của họ. Đây là lí do tại sao khối lượng giao dịch giảm nhưng chúng ta không thấy điều đó ở giá sàn của các bộ sưu tập NFT. Ngược lại khi thị trường Crypto có những biến động nhỏ thì thị trường NFT có xu hướng hoạt động tốt hơn.
Tổng kết
Tâm lí của các nhà đầu tư luôn xuất hiện trên bất kì thị trường nào vì vậy tính chu kì luôn tồn tại ngắn hay dài phụ thuộc vào bản chất của từng thị trường. Trên đây là tất cả thông tin mà mình muốn giới thiệu trong bài viết chu kì thị trường NFT này, hi vọng mọi người đã nhận được những kiến thức bổ ích.