Hiện nay sức mạnh và tính ứng dụng của công nghệ Blockchain đang ngày càng phát triển và mở rộng, các hệ sinh thái bùng nổ theo cấp số nhân, Crypto nói chung và DeFi nói riêng đã tạo ra những bước phát triển mang tính đột phá của thập kỷ.
Khi mà Ethereum đã không còn là blockchain duy nhất có TVL lên đến hàng tỷ đô la nữa, các blockchain khác nhau đều có lượng người dùng, tài sản riêng chứ không còn là cuộc chơi của chỉ mình Ethereum nữa.
Tuy nhiên, thực trạng hiện nay là mỗi một mạng lưới blockchain khác nhau đều có một cấu trúc, hạ tầng, quy tắc khác nhau, do đó chúng hoạt động gần như độc lập và khả năng tương tác qua lại giữa các blockchain là cực kì hạn chế.
Điều này quả thực là một rào cản không hề nhỏ đối với người dùng và vô hình chung tạo nên một rào cản kìm hãm sự phát triển của DeFi nói riêng và cả công nghệ blockchain nói chung.
Chính vì vậy mà công nghệ Cross-chain đã ra đời và đang dần hình thành một xu thế tất yếu trong bối cảnh hiện nay, vậy hôm nay hãy cùng mình tìm hiểu xem Cross-chain là gì và tiềm năng phát triển trong tương lai của nó như thế nào nhé.Cross-chain là gì?
Trong thời gian vừa qua, Cross-chain là một thuật ngữ đã dành được rất nhiều sự chú ý cũng như các ý kiến trái chiều kể cả từ những nhân vật có tên tuổi như Vitalik Buterin (cha đẻ của Ethereum) hay Andre Cronje (cha đẻ của Yearn) và dạo gần đây cũng đã xuất hiện rất nhiều các dự án mới liên quan đến Cross-chain, vậy Cross-chain là gì?
Nói một cách đơn giản thì Cross-chain là một giải pháp cho phép luân chuyển tài sản hay dữ liệu giữa các blockchain khác nhau, qua đó tối ưu khả năng kết hợp, tương tác giữa các blockchain.
Cross-chain ra đời nhằm mục đích khắc phục những rào cản đang còn tồn tại trong thế giới blockchain hiện nay như mình đã nói ở trên.
Cơ chế hoạt động của Cross-chain
Cơ bản thì cơ chế hoạt động của Cross-chain sẽ tương tự như việc ta đi đến ngân hàng đổi từ đồng tiền A sang đồng tiền B, rồi cầm tiền B qua nước B để giao dịch. Đối với blockchain, ta sẽ wrap tài sản hoặc dữ liệu ở mạng lưới blockchain này thành tài sản hoặc dữ liệu ở mạng lưới có thể sử dụng được ở blockchain khác.
Có thể nói Cross-chain là một giải pháp cần thiết để kết nối các blockchain lại một cách liền mạch chứ không chỉ đơn thuần là hoạt động một cách riêng lẻ như trước được nữa.
Với sự ra đời của Cross-chain, DeFi đã xuất hiện một chiếc cầu mới để thu hút thêm lượng lớn người dùng ở các blockchain khác, đó là Cross-chain bridge – chiếc cầu nối giữa các blockchain.
Mình sẽ nói rõ hơn về nó ở bài viết sau.
Ưu điểm và nhược điểm của Cross-chain
Ưu điểm
Tăng khả năng tương tác: Công nghệ Cross Chain có thể khiến các mạng lưới blockchain tăng khả năng tương tác qua lại với nhau.
Thông qua sự tương tác qua lại này có thể giúp cho các mạng lưới blockchain khác nhau kết hợp những khả năng và điểm mạnh riêng của mình để mang lại một giải pháp về blockchain hoàn chỉnh.
Hiệu quả: Nhờ có khả năng tương tác qua lại giữa các mạng lưới blockchain khác nhau, một lượng lớn thanh khoản có thể được tạo ra và di chuyển qua lại giữa các mạng lưới mà không hề gặp bất kì rào cản nào đáng kể.
Tăng ứng dụng thực tiễn: Khi mà các mạng lưới blockchain có thể tương tác, trao đổi với nhau một cách dễ dàng, điều đó đồng nghĩa với việc trao đổi giữa các đồng coin hoặc token trên các nền tảng khác nhau sẽ trở nên đơn giản hơn bao giờ hết, người dùng cũng sẽ không còn phải quá bận tâm đến việc chuyển giao tài sản giữa các chuỗi nữa.
Nhược điểm
Nói về nhược điểm thì rào cản lớn nhất hiện nay đối với Cross-chain đó là vấn đề về công nghệ. Như mình đã nói, Cross-chain vẫn đang ở giai đoạn đầu của sự phát triển và do đó vẫn còn rất mới mẻ trong thế giới blockchain.
Các ứng dụng hiện nay liên quan đến Cross-chain vẫn chưa cho thấy khả năng tương tác một cách hiệu quả, bên cạnh đó thì các hệ sinh thái blockchain riêng lẻ khác nhau cũng đang trong quá trình hoàn thiện nên việc tương tác qua lại giữa các blockchain vẫn đang chỉ mới dừng lại ở việc luân chuyển các đồng coin hoặc token.
Do đó để có thể hoàn thiện hơn nữa và đóng vai trò như những cánh cổng thần kì giúp người dùng qua lại và tương tác dễ dàng giữa các blockchain thì vẫn còn là một chặng đường dài phía trước.
Các loại Cross-chain hiện nay
Nếu dựa theo các đặc điểm về công nghệ, mình sẽ chia Cross-chain thành 2 loại chính: Isomorphic Cross-chain và Heterogeneous Cross-chain.
Isomorphic Cross-chain
Đối với Isomorphic Cross-chain: Các tính năng của loại này bao gồm cơ chế bảo mật, thuật toán đồng thuận, cấu trúc liên kết mạng và logic xác minh tạo khối khá nhất quán và tương tác giữa chúng tương đối đơn giản.. Anh em có thể hiểu cơ chế đơn giản của nó như thế này.
Giả sử chúng ta có hai chuỗi A và B. Để có thể thực hiện chuyển giao được tài sản qua lại giữa hai chuỗi này, điều đầu tiên là chúng cần phải được đăng ký từ trước với nhau.
Chúng làm điều này bằng cách gửi các genesis block và ChainID cho nhau để xác nhận. Tiếp đó khi anh em thực hiện một giao dịch Cross-chain, nó sẽ gửi packageTx đến chuỗi A để yêu cầu gửi sang chuỗi B.
Chuỗi A sẽ tiếp nhận yêu cầu và thông báo với chuỗi B về sự kiện này. Đây là toàn bộ quá trình.
Heterogeneous Cross-chain
Cơ chế của Heterogenous Cross-chain có lẽ sẽ hơi phức tạp hơn so với Isomorphic Cross-chain. Bởi lẽ, nó có sự không đồng nhất về cơ chế an ninh, thuật toán đồng thuận giữa các chuỗi với nhau. Về cơ bản mà nói, việc chuyển giao cũng diễn ra tương tự như Isomorphic Cross-chain.
Tuy nhiên, để giải quyết vấn đề không đồng nhất giữa các chuỗi thì Heterogeneous Cross-chain sẽ phải sử dụng một nền tảng dịch vụ của bên thứ ba được áp dụng để lưu trữ giao dịch.
Nói tóm lại, chính sự khác nhau giữa các chuỗi đã tạo nên những rào cản nhất định đối với công nghệ Cross-chain, mỗi chuỗi đều sẽ có một đặc điểm và cơ chế khác nhau, chính vì vậy mà giải pháp Cross-chain hiện tại sẽ phải xử lí những tình huống phức tạp để có thể thích ứng với đủ các trường hợp.
Sự tương tác giữa các blockchain hiện nay
Giao tiếp tập trung
Có lẽ đây là hình thức truyền thống nhất mà chúng ta vẫn làm kể từ khi công nghệ blockchain xuất hiện. Đó là việc chúng ta thực hiện giao dịch mua bán các đồng coin hoặc token trên các CEX.
Nói chung thì hiện tại hình thức này vẫn còn phức tạp và đương nhiên nó không khác gì giao dịch truyền thống cả. Và hơn nữa, với sự phát triển nhanh chóng của các ứng dụng thanh toán hàng đầu hiện nay người dùng thậm chí còn không cần phải sử dụng đến CEX hay DEX để sở hữu tiền điện tử nữa.
Vì vậy nên đây có lẽ cũng không phải là giải pháp tối ưu cho sự tương tác giữa các blockchain khác nhau.
Atomic Swap
Nguyên lý hoạt động của Atomic Swap là một dạng contract khóa có thời hạn gọi là HTLC (Hashed TimeLock Contracts). Khi anh em muốn hoán đổi token từ blockchain A sang blockchain B thì 2 token này sẽ được đặt cùng lúc vào HTLC và sau đó HTLC sẽ thực hiện chuyển giao giá trị.
Như vậy có thể thấy rằng về bản chất sẽ là không hề có bất kỳ hình thức tương tác Cross-chain nào xảy ra ở đây cả, nên về cơ bản đây cũng không thể được xem như là một hình thức tương tác giữa các blockchain một cách chính thống.
Wrapped Token
Wrapped token là một loại định dạng tiền điện tử có giá trị được neo theo giá của một loại điện tử khác cho phép nó hoạt động được trên nền tảng blockchain khác nhau, điều mà định dạng gốc ban đầu không thể làm được. Điều này giúp gia tăng công dụng của token trên nhiều mạng lưới khác nhau.
wBTC là thế hệ đầu tiên của wrapped token. Nó hoán đổi đồng BTC trên Bitcoin blockchain thành một token ERC-20 để sử dụng trên Ethereum.
Như vậy wrapped token cũng được xem là một hình thức tương tác qua lại giữa các blockchain. Tuy nhiên xét về mặt tiện ích thì đây chỉ là một giải pháp tạm thời.
pTokens
pTokens là một dự án được phát triển bởi Provable Things. Tất cả các pTokens đều được gắn với một tài sản cơ bản. Bất kỳ ai cũng có thể gửi vào smart contract của pTokens có liên quan một số tiền nhất định của tài sản cơ bản (ví dụ như BTC) và yêu cầu pTokens chốt tỷ lệ 1:1 tương đương (thành pBTC).
Như vậy, về cơ bản thì pTokens cũng không khác wrapped token là mấy. Vấn đề mấu chốt ở đây là nó vẫn được quản lý tập trung bởi một công ty.
Tương lai của Cross-chain
Nhìn chung thì công nghệ Cross-chain vẫn chỉ đang ở đầu của giai đoạn phát triển của nó, dó đó vẫn còn rất nhiều những ý kiến trái chiều khác nhau đối với công nghệ đang được coi là tương lai của DeFi này.
Tiêu biểu có thể kể đến Vitalik Buterin (cha đẻ của Ethereum) gần đây đã liên tục có những phát biểu hoài nghi về các ứng dụng Cross-chain khi ông cho rằng mình có niềm tin vào một tương lai Multi-chain nhưng lại có sự hoài nghi về độ bảo mật đối với các dự án Cross-chain.
Thực tế đã chứng minh những phát biểu đó là hoàn toàn có cơ sở. Đã có rất nhiều vụ tấn công liên quan đến mảng Cross-chain và dường như đây là một miếng mồi béo bở đối với các hacker, điển hình là vụ tấn công lịch sử Poly Network – một dự án đã được kì vọng rất nhiều sẽ đặt nền tảng cho các giao dịch Cross-chain trong tương lai, đã gây ra thiệt hại lên đến hơn 600 triệu đô la.
Tuy nhiên, “vạn sự khởi đầu nan”, khi mà công nghệ và sự phát triển của blockchain đang ngày càng cho thấy sự cần thiết của mình thì có lẽ DeFi sẽ vẫn mãi chỉ ở bước đầu của giai đoạn phát triển nếu như không có khả năng tương tác giữa các hệ sinh thái khác nhau.
Giống như trong thế giới bên ngoài, một quốc gia không thể giao thương hay kết nối với các quốc gia khác thì sẽ không bao giờ có thể phát triển và dần trở nên lạc hậu.
Thế giới blockchain cũng tương tự vậy, quãng thời gian vừa qua đã cho thấy sự phát triển bùng nổ của DeFi nói riêng khi lượng TVL được tăng đều trong các hệ sinh thái và còn lập nhiều kỉ lục đáng kinh ngạc.
Ở thời điểm hiện tại, lượng TVL trong tất cả hệ sinh thái DeFi đã lên đến con số 200 tỷ USD và hãy tưởng tượng nếu công nghệ Cross-chain phát triển thì con số này sẽ không chỉ dừng lại ở đó.
Tổng kết
Như vậy là mình đã giới thiệu sơ qua cho anh em nắm được Cross-chain là gì rồi, tất nhiên chỉ trong một bài viết mình cũng sẽ không thể nói hết tất cả mọi thứ liên quan đến được nhưng mình hi vọng là sau bài viết này, anh em có những cái nhìn tổng quan hơn để từ đó có những kiến thức phù hợp để đưa ra các quyết định đầu tư phù hợp và đúng đắn nhé.
Theo mình thì chúng ta vẫn ở trong giai đoạn rất sớm của thị trường tiền điện tử nói chung và DeFi nói riêng, Cross-chain sẽ mở ra những chân trời mới với những sự bùng nổ hơn nữa cho DeFi bởi các mạng lưới blockchain đang ngày một phát triển độc lập với nhau hơn và nếu như các giải pháp Cross-chain có thể đạt được khả năng tương tác thực tiễn hơn nữa trong tương lai giống như internet đã từng làm thì mình tin là điều này hoàn toàn có thể xảy ra.
Chúc anh em thành công.