Trending

Vào ngày 08/11, Ethereum Foundation đã công bố báo cáo tài chính lần thứ hai, khẳng định cam kết minh bạch trong quản lý và phát triển hệ sinh thái.

Chi tiết

Trước làn sóng chỉ trích gay gắt từ cộng đồng về việc bán ETH số lượng lớn trong thời gian gần đây, Ethereum Foundation – tổ chức phi lợi nhuận đứng sau Ethereum – cuối cùng đã chính thức phát hành “Ethereum Foundation Report 2024” vào sáng ngày 08/11.

Báo cáo này được xem như lời giải đáp cặn kẽ cho những thắc mắc của cộng đồng, cung cấp chi tiết về cách thức quản lý và phân bổ tài sản của tổ chức trong năm 2022 và 2023. Đây là lần thứ hai sau 2 năm, Ethereum Foundation minh bạch công khai lượng tài sản nắm giữ, lần đầu là vào tháng 04/2022.

Chi tiêu của Ethereum Foundation

Trong năm 2022 và 2023, Ethereum Foundation đã mạnh tay “rót” hơn 240 triệu USD để phát triển hệ sinh thái Ethereum như một minh chứng cho cam kết lâu dài của tổ chức đối với tương lai của layer-1 này.

Thống kê chi tiêu của Ethereum Foundation trong năm 2022

Thống kê chi tiêu của Ethereum Foundation trong năm 2023

Có thể thấy lĩnh vực nghiên cứu và phát triển layer-1 (L1 R&D) chiếm tỷ trọng chi tiêu nhiều nhất, với hơn 32 triệu USD năm 2022 và 34,7 triệu USD năm 2023 để phục vụ cho việc nâng cấp mạng lưới, cải thiện bảo mật và phát triển các giải pháp mật mã tiên tiến.

Đặc biệt, các khoản hỗ trợ cho các tổ chức mới trong hệ sinh thái đã tăng từ 28,6 triệu USD năm 2022 lên 47,4 triệu USD năm 2023, chiếm 35,2% tổng ngân sách. Ethereum Foundation đã đầu tư vào các tổ chức như Nomic Foundation và L2BEAT với mục tiêu chia sẻ trách nhiệm phát triển Ethereum, xây dựng một hệ sinh thái đa dạng và bền vững.

Các hoạt động phát triển cộng đồng bao gồm Devcon và Devconnect nhận được gần 20 triệu USD năm 2022 và 17 triệu USD năm 2023.

Ngoài ra, Ethereum Foundation còn đầu tư 20 triệu USD vào công cuộc nghiên cứu layer-2 và ứng dụng công nghệ Zero-Knowledge.

Kho bạc của Ethereum Foundation và các dự án trong hệ sinh thái

Tính đến ngày 31/10, kho bạc của Ethereum Foundation ghi nhận con số 970,2 triệu USD. Trong đó, 788,7 triệu USD là tài sản tiền mã hóa, chủ yếu là ETH, chiếm 0,26% tổng cung của token này. Số tiền còn lại, trị giá 181,5 triệu USD, được Ethereum Foundation phân bổ vào các tài sản phi crypto nhằm đa dạng hóa danh mục đầu tư, củng cố tính ổn định tài chính của tổ chức.

Phân bổ tài sản của Ethereum Foundation tính đến ngày 31/10/2024

Bên cạnh đó, tổng giá trị kho bạc của các dự án khác trong hệ sinh thái Ethereum còn ấn tượng hơn nữa, lên đến 22,2 tỷ USD. Đây là giá trị mà các tổ chức, nền tảng và DAO trong hệ sinh thái Ethereum đang nắm giữ bao gồm cả tài sản có tính thanh khoản cao và tài sản đang trong giai đoạn vesting. Dẫn đầu là những “ông lớn” như:

  • Optimism: 3,5 tỷ USD (15.8%)
  • Uniswap: 3,1 tỷ USD (14%)
  • Mantle: 2,5 tỷ USD (11.3%)

Arbitrum và Gnosis cũng góp phần đáng kể với lần lượt 1,9 tỷ USD và 1,8 tỷ USD.

Thống kê tổng giá trị kho bạc trên toàn bộ hệ sinh thái Ethereum

Một điểm đáng chú ý là phần lớn các dự án trong hệ sinh thái lựa chọn nắm giữ chủ yếu tài sản dưới dạng native token của mình. Điều này thể hiện niềm tin vào tiềm năng phát triển dài hạn của dự án, tạo nên nguồn lực bền vững cho hệ sinh thái Ethereum.

Công tác tài trợ của Ethereum Foundation và các dự án khác trong hệ sinh thái

Trong giai đoạn 2022-2023, hơn 497 triệu USD đã được đầu tư vào các dự án và cộng đồng trong hệ sinh thái Ethereum. Đáng chú ý, Ethereum Foundation chiếm gần một nửa tổng số vốn tài trợ, với 48,3% (tương đương 240,3 triệu USD), khẳng định vai trò “anh cả” trong việc hỗ trợ và phát triển hệ sinh thái. Bên cạnh đó, các dự án khác cũng đóng góp đáng kể như Sky (MakerDAO cũ) với khoản tài trợ chiếm 15,3% và Optimism với 10,4%.

Thống kê số tiền huy động để tài trợ cho hệ sinh thái Ethereum

Số tiền này được sử dụng để tài trợ vào hai lĩnh vực chính:

  • Dự án công cộng: Hỗ trợ các dự án như Protocol Guild và Gitcoin, cung cấp công cụ và tài nguyên cho các nhà phát triển.
  • Phát triển cộng đồng và công cụ cho nhà phát triển: Đầu tư vào các nền tảng như MetaMask DAO và Starknet, cùng nhiều công cụ hỗ trợ khác nhằm nâng cao trải nghiệm cho các nhà phát triển trên Ethereum.

Chính sách xung đột lợi ích của Ethereum Foundation

Nhằm duy trì tính chính trực và minh bạch trong các hoạt động, Ethereum Foundation cũng đã công bố Chính sách Xung đột Lợi ích. Chính sách này hỗ trợ các thành viên của Ethereum Foundation (gọi là các EFers) quản lý các xung đột lợi ích khi tham gia vào các hoạt động đầu tư hoặc làm việc với các dự án khác trong hệ sinh thái. Một số điểm nổi bật Chính Sách này có thể kể tới như:

  1. Đầu tư vào các tài sản tiền mã hóa: EFers có thể đầu tư không giới hạn nhưng phải thông báo với Ethereum Foundation nếu khoản đầu tư vượt quá 500 nghìn USD (trừ ETH).
  2. Công việc bên ngoài: EFers có thể làm thêm công việc bên ngoài nhưng phải thông báo với EF nếu mức lương nhận được trên 25 nghìn USD/năm và phải được xem xét bởi nhóm thảo luận nội bộ.
  3. Đầu tư thiên thần và đầu tư vào quỹ: EFers được phép đầu tư thiên thần và đầu tư vào quỹ nhưng phải thông báo và cần có sự phê duyệt của nhóm thảo luận với giới hạn 100 nghìn USD mỗi khoản đầu tư và tối đa 400 nghìn USD mỗi năm.
  4. Phát triển dự án riêng: EFers có thể tự sáng lập dự án riêng nhưng phải thông báo và đánh giá định kỳ về những thay đổi có thể ảnh hưởng đến công việc tại tổ chức.
  5. Nhận thanh toán bằng tài sản không có tính thanh khoản: EFers không được phép nhận thanh toán bằng tài sản không thể chuyển đổi thành tiền mặt ngay lập tức và chưa có giá trị thị trường rõ ràng, trừ một số trường hợp đặc biệt.

Chính sách xung đột lợi ích này chỉ áp dụng cho các hoạt động liên quan đến hệ sinh thái crypto và web3, yêu cầu EFers cập nhật tình trạng xung đột hàng năm và tuân thủ chặt chẽ các quy định nhằm bảo vệ uy tín và tính chính trực của tổ chức, tránh gây hiểu nhầm như vụ lùm xùm giữa hai thành viên của Ethereum Foundation làm cố vấn của EigenLayer.

Theo Coinviet tổng hợp

Cùng theo dõi Coinviet.net và xem thêm những tin tức hữu ích khác tại Dexnew.io nhé!

bài viết liên quan