Thu thập chứng cứ về Satoshi Nakamoto
Satoshi Nakamoto là thiên tài lập trình
Như lời bảo chứng của Dan Kaminsky, nhà nghiên cứu hàng đầu về bảo mật Internet, chỉ có thiên tài mới đủ khả năng tạo ra những dòng code Bitcoin gần như hoàn hảo, có thể chống đỡ vô số cuộc tấn công lớn nhỏ. Từ lúc ra đời đến giờ, blockchain Bitcoin chưa từng bị hack.
Satoshi Nakamoto có thể nhiều hơn một người
Một số người, như nhà phát triển Bitcoin Laszlo Hanyecz, tin rằng cần nhiều hơn một người để tạo ra cấp độ mã hóa tiên tiến của Bitcoin. Nhiều khả năng nó được xây dựng bởi một nhóm lập trình viên. Thậm chí còn có thuyết cho rằng Satoshi Nakamoto là “cú bắt tay” của 4 công ty và được ghép lại từ những chữ cái đầu trong tên họ: Samsung, Toshiba, Nakamichi và Motorola.
Satoshi Nakamoto có thể là nữ
Lịch sử văn học đã chứng kiến nhiều cây viết nữ dùng bút danh nam để bước lên văn đài và nhận được sự tôn trọng vốn chỉ dành cho tác giả nam. Vì thế, trong bối cảnh một ngành cũng do nam giới thống trị như công nghệ, việc một phụ nữ sử dụng tên nam để xác lập vị trí ngang hàng với các đồng nghiệp nam không phải không có khả năng.
Satoshi Nakamoto có thể là một phụ nữ. Suy đoán này chưa ai đoan chắc nhưng nó đã truyền cảm hứng mạnh mẽ cho giới nữ trong ngành công nghệ. Carolyn Maloney, một nữ dân biểu ở New York, đã phổ biến khẩu hiệu “Satoshi là nữ” tại một sự kiện dành cho nữ giới trong lĩnh vực blockchain.
Satoshi Nakamoto thông thạo tiếng Anh-Anh
Những bài viết Satoshi đăng tải trên mạng có một số đặc điểm riêng biệt. Tiêu biểu trong suốt hai năm, nhân vật này đã viết tổng cộng khoảng 80,000 từ bằng thứ tiếng Anh hoàn hảo (chỉ với vài lỗi chính tả).
Tiêu đề bài báo của tờ The Times được nhúng trong khối “genesis block” cho thấy Satoshi đọc báo Anh. Satoshi cũng sử dụng cách viết Anh-Anh (“favour,” “colour,” “grey,” “modernised). “Apartment” (căn hộ) được viết là “flat”, “math” (toán) là “maths”, và Satoshi thường đăng các bài viết vào thời điểm kết thúc giờ làm việc thông thường ở UK.
Phát súng đầu tiên – cuộc điều tra của tờ The New Yorker (2011)
Satoshi Nakamoto có hiểu biết sâu sắc về mật mã, và cộng đồng những người làm mật mã rất nhỏ: mỗi năm có khoảng ba trăm người tham dự hội nghị quan trọng nhất trong ngành ở Santa Barbara. Rất có khả năng người sáng tạo Bitcoin thuộc về thế giới này. “Nếu tôi muốn gặp anh ấy, hội nghị Crypto 2011 sẽ là điểm bắt đầu”.
Đây là suy luận của phóng viên Joshua Davis của tờ The New Yorker về nơi truy lùng tung tích người sáng lập Bitcoin. Tại sự kiện mà người tham dự bao gồm đại diện từ Cơ quan An ninh Quốc gia, quân đội Hoa Kỳ và một loạt các chính phủ nước ngoài, Joshua đặc biệt chú ý một chàng trai trẻ tên là Michael Clear.
Clear 23 tuổi, mới tốt nghiệp chuyên ngành mật mã tại Đại học Trinity ở Dublin. Dù trang thông tin của Clear chỉ có duy nhất địa chỉ e-mail, nhưng một cuộc tìm kiếm trên web cho thấy ba chi tiết thú vị về anh chàng này.
Năm 2008, Clear được vinh danh là cử nhân khoa học máy tính hàng đầu tại Trinity. Năm tiếp theo, anh được Liên minh các Ngân hàng Ireland thuê để cải tiến phần mềm giao dịch tiền tệ của họ, đồng thời anh cũng là đồng tác giả một bài báo về công nghệ ngang hàng. Bài báo sử dụng tiếng Anh-Anh. Rõ ràng, Clear rất thành thạo về kinh tế, mật mã và mạng ngang hàng.
Joshua gửi e-mail cho Clear đề nghị gặp mặt. Vào sáng hôm sau ở bậc thềm bên ngoài giảng đường, Clear xuất hiện trong chiếc áo len màu be, anh là một thanh niên tóc dài, hàm vuông. Chàng trai này tự học mật mã lý thuyết ở Dublin — không có bất kỳ nhà mật mã nào khác ở Trinity. Clear lập trình máy tính từ khi 10 tuổi và có thể viết code bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau, bao gồm cả C ++, ngôn ngữ của Bitcoin.
Khi Joshua nói rằng mình đang tìm Satoshi và nghĩ anh ta có thể tham dự hội nghị Crypto 2011, Clear không nói gì. Cuối cùng Joshua hỏi: “Cậu có phải Satoshi không?”
Anh chàng cười, nhưng không đáp lại. Có một sự im lặng khó xử…
Một tuần sau hội nghị Crypto 2011, Joshua nhận được một e-mail dài từ Clear về những suy nghĩ của anh đối với Bitcoin. Đi kèm bài phân tích này là tin nhắn: “Tôi nghĩ mình có thể xác định Satoshi là ai”.
“Nói về nhân vật này, sẽ không công bằng để công bố danh tính người đó khi họ đã thực hiện nhiều bước quan trọng để ẩn danh,” Clear viết. “Nhưng có thể anh muốn nói chuyện với một người có nhiều điểm tương đồng với người sáng tạo Bitcoin”.
Sau đó, anh chàng cho Joshua một cái tên – Vili Lehdonvirta.
Khi quay số gọi nhân vật này, trong vài giây, tất cả những gì Joshua nghe thấy ở đầu dây bên kia là tiếng cười. “Tôi muốn nói rằng mình là Satoshi, bởi vì thiết kế Bitcoin rất thông minh,” cuối cùng Vili Lehdonvirta cũng lên tiếng. “Nhưng đó không phải là tôi“.
Lehdonvirta là một nhà nghiên cứu 31 tuổi người Phần Lan tại Viện Công nghệ Thông tin Helsinki. Dù nổi tiếng xuất sắc nhưng ông chỉ ra rằng mình không sở hữu kiến thức nền tảng về mật mã và có kỹ năng lập trình C ++ hạn chế. Lehdonvirta nói: “Bạn cần phải là chuyên gia tiền điện tử để tạo ra một thứ phức tạp như Bitcoin. Không có nhiều người như vậy trên thế giới, và tôi chắc chắn không phải một trong số họ”.
Tuy nhiên, Lehdonvirta nghiên cứu Bitcoin và có nhiều mối lo ngại về đồng tiền mới này. “Những người duy nhất cần tiền mặt mệnh giá lớn lúc này là tội phạm,” ông nói và chỉ ra rằng tiền mặt rất khó di chuyển và cất giữ. Bitcoin loại bỏ những trở ngại đó trong khi vẫn bảo toàn tính ẩn danh của tiền mặt.
Lehdonvirta nằm trong ban cố vấn của Electronic Frontier Phần Lan, một tổ chức ủng hộ quyền riêng tư trên mạng. Nhưng ông nghĩ Bitcoin quá xa xỉ về quyền riêng tư. “Chỉ những người theo chủ nghĩa vô chính phủ mới muốn có sự riêng tư tài chính tuyệt đối, không thể phá vỡ!”, ông nói. “Chúng ta cần một ‘cửa sau’ để cơ quan thực thi pháp luật có thể can thiệp”.
Với lời kết luận của Lehdonvirta, mọi manh mối của Joshua về danh tính Satoshi đã bị đứt. Vài ngày sau, anh tiếp tục cuộc trò chuyện với Clear và lại chất vấn anh chàng về mối quan hệ của anh với cha đẻ Bitcoin.
“Tôi không phải Satoshi,” Clear nói. “Nhưng kể cả khi tôi chính là người đó, tôi cũng sẽ không nói với anh”.
“Tôi đã tìm ra cha đẻ Bitcoin” – cuộc điều tra của tờ Newsweek (2014)
Satoshi Nakamoto đứng ở cuối con đường đầy nắng, trông hoang mang và bực mình. Ông mặc một chiếc áo phông nhàu nhĩ, quần jean cũ màu xanh và đi tất trắng tập gym, không mang giày, giống như ông đã ra khỏi nhà một cách vội vã. Tóc ông bù xù, và ông có cái nhìn xa xăm của một người đã nhiều tuần không ngủ.
Đây là ấn tượng đầu tiên của Leah McGrath Goodman, phóng viên tờ Newsweek, về người mà bà từng tuyên bố là cha đẻ Bitcoin. Bài điều tra liều lĩnh kéo dài hai tháng này của Goodman đã từng làm chấn động cộng đồng Bitcoin thời điểm nó ra đời. Người đàn ông mà Goodman khẳng định là người tạo ra Bitcoin tên thật là Dorian Satoshi Nakamoto (hay Dorian S. Nakamoto).
Khi Goodman gặp mặt Satoshi tại ngôi nhà ở chân đồi San Gabriel ở Los Angeles, ông ngầm thừa nhận vai trò của mình trong dự án Bitcoin. “Tôi không còn tham gia vào việc đó và tôi không thể thảo luận về nó,” ông nói. “Nó đã được giao cho những người khác. Tôi không còn bất kỳ liên hệ nào”.
Dorian từ chối nói thêm bất cứ điều gì.
Theo Goodman, vào thời điểm 2014, Dorian 64 tuổi và là người Mỹ gốc Nhật. Ông có 6 mặt con, thích sưu tập mô hình xe lửa và sự nghiệp được che giấu trong bóng tối. Ông từng làm công việc mật cho các tập đoàn lớn và quân đội Hoa Kỳ.
Tiếp tục cuộc trò chuyện trực tiếp với Dorian bất thành, Goodman liên lạc Arthur Nakamoto, em út của ông – người đang làm giám đốc đảm bảo chất lượng tại Wavestream Corp.
“Anh ấy là một người đàn ông xuất sắc. Thông minh, giỏi toán, kỹ thuật, máy tính. Nhưng anh ấy làm công việc mật, và thỉnh thoảng biến mất một thời gian không ai biết”, Arthur nói. “Anh ấy sẽ phủ nhận mọi thứ. Anh ấy sẽ không bao giờ thừa nhận nếu có tạo ra Bitcoin”.
Gia đình Dorian cũng mô tả ông là người cực kỳ bí ẩn, luôn kiểm soát các cuộc điện thoại và ẩn danh e-mail. Trong phần lớn cuộc đời, Dorian bận tâm đến hai điều đã khiến Bitcoin nổi tiếng: tiền và bí mật.
Con gái lớn nhất của ông, Ilene Mitchell, cũng cho biết cha mình rất cảnh giác với chính phủ. “Khi còn nhỏ, chúng tôi thường chơi một trò chơi, ông ấy sẽ nói, ‘Hãy giả vờ như các cơ quan chính phủ đang truy lùng con.’ Và tôi sẽ trốn trong tủ quần áo”, Ilene kể lại.
Có nhiều điểm tương đồng giữa Satoshi Nakamoto, nhà sáng lập Bitcoin, với Dorian S. Nakamoto, kỹ sư máy tính quái đản. Những người làm việc thân cận với cha đẻ Bitcoin nhận thấy dường như Satoshi lớn tuổi hơn những nhà phát triển Bitcoin khác.
“Phong cách viết code của Satoshi là kiểu cũ. Ông ấy sử dụng những thứ như ký hiệu tiếng Ba Lan ngược,” Gavin Andresen – nhà phát triển gần gũi nhất với Satoshi cho biết.
Ngoài tương đồng về kỹ năng, có lẽ điểm giống nhau hấp dẫn nhất giữa hai Satoshi này là khung thời gian nghề nghiệp. Andresen cho biết Satoshi Nakamoto từng tiết lộ bản thân đã làm việc trên Bitcoin trong nhiều năm trước khi tung ra nó. Thời điểm này trùng khớp với khoảng thời gian mà công việc của Dorian S. Nakamoto bắt đầu sa sút, khiến gia đình ông rơi vào túng quẫn. Ba năm im lặng của Satoshi Nakamoto cũng trùng với thời điểm Dorian S. Nakamoto gặp vấn đề sức khoẻ nghiêm trọng.
Tuy nhiên, bất chấp những bằng chứng có vẻ thuyết phục mà tờ Newsweek đưa ra, Dorian S. Nakamoto đã gửi thư đến toà báo và khẳng định tất cả là sai sự thật. “Tôi không tạo ra, phát minh hay làm việc trên Bitcoin. Tôi phủ nhận bài báo của Newsweek một cách vô điều kiện,” ông viết. “Tôi đã nhờ cố vấn pháp lý. Đây sẽ là tuyên bố công khai cuối cùng của tôi về vấn đề này”.
Satoshi Nakamoto là ai không quan trọng
Trước những bài báo điều tra này, cộng đồng Bitcoin vô cùng tức giận. Họ cho rằng việc cố gắng tìm ra danh tính thực sự của người sáng lập là trái với sứ mệnh của đồng tiền này. Việc bị lộ danh tính cũng có thể đặt Satoshi vào tình thế nguy hiểm.
Về phần mình, Gavin Andresen nói rằng anh tôn trọng quyết định ẩn danh của Satoshi. “Khi các lập trình viên tụ họp với nhau, chúng tôi không bàn chuyện Satoshi Nakamoto là ai”, anh kể. “Chúng tôi nói về việc lẽ ra nên đầu tư vào Bitcoin nhiều hơn. Chúng tôi có tò mò, nhưng thật lòng mà nói, chúng tôi không quan tâm”.
Michael Clear cũng bày tỏ quan điểm tương tự: vấn đề danh tính của Satoshi không quan trọng. Hệ thống Bitcoin được xây dựng để chúng ta không cần tin tưởng vào một cá nhân, công ty hay chính phủ nào cả. Bất kỳ ai cũng có thể xem xét code Bitcoin và mạng lưới không do bên nào kiểm soát. Đó là những yếu tố truyền cảm hứng cho sự đáng tin của hệ thống.
Nói cách khác, Bitcoin tồn tại nhờ những gì bạn có thể thấy và những gì bạn không thể. Người dùng bị ẩn, nhưng giao dịch được hiển thị. Tất cả mọi người có thể nhìn thấy code của Bitcoin, nhưng nguồn gốc của nó là điều bí ẩn. Đồng tiền này vừa thực vừa khó nắm bắt — giống như người sáng lập ra nó.
“Bạn không thể giết Bitcoin,” Clear nói. “Nó sẽ chống chịu được cả một cuộc tấn công hạt nhân”.