Trending

Dù phải đối mặt với muôn vàn thử thách từ thời thơ ấu đến khi trưởng thành, Vitalik không bao giờ bỏ cuộc và luôn cống hiến hết mình cho công việc. Vậy hành trình xây dựng đế chế Ethereum của Vitalik Buterin đã diễn ra như thế nào? Nhà thiên tài toán học này đã phải trải qua những gì để có được thành tựu như hôm nay?

Vitalik Buterin là ai? 

Thiên tài toán học cô đơn

Vitalik Buterin là nhà văn và lập trình viên người Canada gốc Nga. Trước khi tròn 20 tuổi, anh trở nên nổi tiếng khi sáng lập Ethereum – nền tảng điện toán phân tán, mã nguồn mở dựa trên công nghệ chuỗi khối với khả năng thực thi hợp đồng thông minh. Ở thời điểm viết bài, giá trị vốn hóa thị trường của Ethereum đạt hơn 367 tỷ USD (gần bằng một nửa vốn hóa thị trường của Bitcoin với hơn 755 tỷ USD).

Vitalik thể hiện khả năng toán học thiên bẩm từ rất sớm. Món đồ chơi yêu thích của anh vào năm 4 tuổi là… phần mềm bảng tính Microsoft Excel. Ở tiểu học, Vitalik được chọn vào lớp học dành cho học sinh năng khiếu, từ đó phát triển năng lực về toán học, lập trình và kinh tế. Đặc biệt, anh có thể cộng ba chữ số trong đầu nhanh gấp đôi bạn bè cùng trang lứa.

Cô đơn không phải là điều Vitalik chọn, mà là lối sống anh trở nên quen thuộc. Vì IQ cao cộng với tài năng toán học thiên phú, anh trở thành kẻ lập dị và bị bạn bè cô lập. Bạn bè đi chơi, sinh hoạt sau giờ học không bao giờ mời Vitalik. Anh đã sống một thời gian dài mà không hề biết đến sự tồn tại của thứ gọi là: Hoạt động ngoại khoá.

Ở cấp một, nhiều người gọi tôi là thiên tài toán học. Nhưng có nhiều khoảnh khắc tôi tự hỏi tại sao mình không thể giống như một người bình thường?” – Vitalik nói.

Warcraft và bộ mặt “xấu xa” của quyền lực tập trung

Thế là thay vì vui chơi với bạn bè, anh dành thời gian chơi game World of Warcraft. Và chính trong thế giới ảo này, Vitalik nhận ra bộ mặt tồi tệ của quyền lực tập trung. Trong Warcraft, anh đã “đổ mồ hôi sôi nước mắt” để giành được câu thần chú Siphon Life cho nhân vật phù thuỷ của mình. Thế mà trong một lần cập nhật trò chơi, hãng đã loại bỏ câu thần chú này. Đêm đó, Vitalik nằm thao thức mất ngủ.

“Tôi nhận ra tất cả mọi thứ liên quan đến quy định của chính phủ hay sự kiểm soát của các công ty đều xấu xa. Tôi cho rằng trong các thể chế xã hội này, có những gã ngồi sau bàn làm việc và khoái chí nói: Được rồi. Lần này ta có thể gây khó dễ cho một nghìn người như thế nào đây?”

Thế giới quan này của Vitalik rất giống những người chấp nhận Bitcoin sớm và tin tưởng vào nền kinh tế mới. Anh tin rằng kẻ mạnh đang nắm quá nhiều quyền lực và để xã hội trở nên cân bằng, quyền lực cần phải chia cho người yếu. Đây chính là những viên gạch lót đường cho sự ra đời của nền tảng phi tập trung Ethereum.

Từ Bitcoin đến Ethereum

Cậu học trò cấp 3 viết báo nhận Bitcoin (2011 – 2012)

Năm 17 tuổi, khi đang tìm kiếm hướng đi cho cuộc đời mình, Vitalik biết đến Bitcoin thông qua bố – một nhà khoa học máy tính. Bitcoin lúc này chỉ mới ra mắt được 2 năm.

Ban đầu anh nghi ngờ về giá trị của đồng tiền mới này vì thấy nó không được bên nào hỗ trợ. (Ví dụ khi nhà nước in tiền cần có lượng vàng tương đương để bảo vệ giá trị cho tiền). Nhưng càng tìm hiểu, anh càng trở nên say mê và muốn tham gia nền kinh tế mới này. Tuy nhiên, Vitalik không có máy tính đủ mạnh để đào Bitcoin, anh cũng không có tiền để mua nó. Thế là anh quyết định tìm việc liên quan đến Bitcoin và may mắn trở thành cây viết cho tờ Bitcoin Weekly với mức nhuận bút 5 BTC/bài (tương đương 3.5 USD lúc bấy giờ).

Những bài báo của Vitalik đã khiến Mihai Alisie, một người đam mê Bitcoin ở Romania chú ý. Vào năm 2011, ông đã mời Vitalik làm đồng sáng lập tờ Bitcoin Magazine, đồng thời trở thành cây bút chính của tạp chí.

Bỏ học đại học để “all-in” vào crypto (2012 – 5/2013)

Năm 2012, Vitalik tốt nghiệp cấp ba và theo học chuyên ngành Khoa học Máy tính tại Đại học Waterloo, Canada. Tại đây, anh trở thành trợ lý nghiên cứu cho nhà mật mã Ian Goldberg – cựu chủ tịch Hội đồng Quản trị của dự án Tor, một tổ chức phi lợi nhuận về quyền riêng tư kỹ thuật số.

Tháng 5/2013, trong tư cách phóng viên của Bitcoin Magazine, Vitalik bay đến California để dự hội nghị gặp gỡ tất cả Bitcoiner từ khắp nơi trên thế giới. Tại đây, lần đầu tiên Vitalik nhìn thấy cộng đồng crypto đang sống và phát triển xung quanh nền kinh tế mới này: Những nhà đầu tư từ kỷ nguyên dotcom so sánh tiền điện tử với buổi bình minh của Internet, các gian hàng giới thiệu ví cứng, nền tảng giao dịch Bitcoin và máy Bitcoin ATM,…

Khoảnh khắc đó thực sự làm tôi xúc động. Nó thuyết phục tôi rằng cuộc mạo hiểm này đáng để tham gia đấy”, Vitalik nhớ lại. Thế là anh quyết định bỏ học đại học để dấn sâu hơn vào làn sóng tiền điện tử đang sôi sục này.

Vòng quanh thế giới tìm lối đi mới cho crypto (5 – 10/2013)

Vitalik bắt đầu đi vòng quanh thế giới, tìm hiểu về dự án crypto ở các nước khác nhau. Anh nhận thấy những dự án này đều đang cố gắng xây dựng các Layer trên Bitcoin. Điều này tạo ra các vấn đề bảo mật nghiêm trọng vì ngôn ngữ xây dựng Bitcoin được thiết kế để hạn chế sự phức tạp của các giao dịch.

Vitalik phát hiện nếu dùng ngôn ngữ lập trình Turing để tạo một phiên bản Bitcoin mới, anh có thể cung cấp những dịch vụ kỹ thuật số không tưởng như: tái tạo Facebook, tập hợp thị trường chứng khoán, xây dựng tập đoàn kỹ thuật số không chịu sự quản lý của chính phủ… Thế nhưng, đổi lại những nỗ lực của Vitalik, không ai đồng ý hợp tác cùng anh. Nhà sáng lập Ethereum, đã đơn thương độc mã xây dự án của riêng mình.

Ethereum – Người kế nhiệm tuyệt vời của Bitcoin (11/2013 – 2015)

Tháng 11/2013, một tháng sau khi về nhà, Vitalik hoàn thiện ý tưởng của mình với white paper Ethereum và gửi nó cho bạn bè. Mọi người đều yêu thích ý tưởng của Ethereum và khoảng 30 người đã liên hệ với Vitalik để thảo luận về cơ hội này.

Vào 26/1/2014, Vitalik công bố Ethereum tại Hội nghị Bitcoin Bắc Mỹ tổ chức tại Miami. Anh mô tả nó như một máy tính toàn cầu chạy trên mạng phi tập trung với những ứng dụng tiềm năng như bảo hiểm, trao đổi phi tập trung hay DAO… Bước xuống bục, Vitalik được tung hô nhiệt liệt bởi những người tin rằng Ethereum sẽ là “người kế nhiệm” tuyệt vời của Bitcoin.

Vài tháng sau hội nghị, Ethereum tổ chức ICO cho Ether – token gốc của mạng – và gọi vốn thành công 31,000 BTC (tương đương 18 triệu USD lúc bấy giờ). Ethereum Foundation, tổ chức phi lợi nhuận trụ sở tại Thụy Sĩ lúc này được thành lập để giám sát sự phát triển phần mềm mã nguồn mở của Ethereum.

Vào 2015, Frontier – phiên bản đầy đủ chức năng đầu tiên của Ethereum được chính thức ra mắt. Thành công nhanh chóng của nền tảng này đã thu hút sự chú ý của những gã khổng lồ công nghệ như IBM và Microsoft.

Năm 2017, anh nằm trong top 10 bảng xếp hạng “40 người trẻ dưới 40 tuổi có ảnh hưởng nhất” và danh sách 600 người dưới 30 tuổi sáng giá nhất của tạp chí Forbes. Dù vậy, danh tiếng của Vitalik cũng lớn dần theo sự phát triển của Ethereum. Những lời đồn đãi – lịch sử thời đi học đã lặp lại với Vitalik.

Có người nói rằng anh mắc chứng tự kỷ, với tất cả cuộc sống chỉ gói gọn trong một chiếc vali, và anh từng nuốt trọn cả quả chanh mà không bỏ vỏ. Ngay cả những người làm việc gần gũi với Vitalik cũng bảo anh là nhân vật bí ẩn và không tài nào hiểu được.

Sự cố lịch sử: DAO Ethereum bị hack 150 triệu USD (04 – 07/2016)

Ethereum cho phép người dùng xây dựng các ứng dụng (DApps) và các tổ chức tự trị (DAO) một cách phi tập trung. Vào 2016, một sự cố vô tiền khoán hậu đã xảy ra: DAO của Ethereum bị hack do sai sót trong mã cơ sở sau khi vừa huy động được hơn 150 triệu USD ETH từ hơn 11,000 thành viên. Nhưng hacker chưa thể “tẩu tán” số tiền này ngay, vì hợp đồng thông minh của DAO quy định tiền phải bị khoá trong ví 28 ngày.

Trước tình thế này, Vitalik dự định dùng soft fork (nâng cấp phần mềm và chỉ cho blockchain gốc tồn tại), đưa hacker vào danh sách đen và ngăn số tiền đánh cắp bị chuyển đi. Tuy nhiên, hacker tuyên bố rằng số tiền hắn sở hữu là hợp pháp nhờ tận dụng lỗ hổng kỹ thuật trong DAObất cứ ai cố gắng lấy lại Ether sẽ phải đối mặt với hậu quả pháp lý.

Sau nhiều cuộc tranh luận sôi nổi trên các diễn đàn công khai, vào ngày 20/7/2016, tại khối 192.000, Ethereum hard fork (bản nâng cấp phần mềm cho phép blockchain cũ và mới tồn tại song song với nhau) được thực hiện để khôi phục số tiền bị đánh cắp. Điều này đã khiến mạng lưới Ethereum bị phân tách thành 2 blockchain riêng biệt: Ethereum/ ETH (blockchain mới) và Ethereum Classic/ ETC (blockchain gốc).

Hành động này làm dấy lên những cuộc tranh cãi gay gắt vì các blockchain vốn được thiết kế để không thể thay đổi và chống lại kiểm duyệt. Kịch bản đặt ra những khó khăn kỹ thuật và những câu hỏi về nền tảng đạo đức, triết học của công nghệ cũng như khả năng phục hồi của đội ngũ dự án Ethereum. Thế nhưng, Vitalik đã chấp nhận tất cả chỉ trích để bảo toàn tài sản cho mọi người.

“Vị thần V” của Trung Quốc

2017 là năm thành công của Ethereum khi giá một ETH tăng từ 40 lên 826 USD. Hiện tại, ETH vẫn giữ vững vị trí “á quân” trên bảng xếp hạng vốn hoá thị trường với giá 2,800 USD/ETH. Thế nhưng, nó đã có một khởi đầu đầy khó khăn.

Vào 2015, sau khi ra mắt Ethereum, túi tiền của Vitalik cũng sắp cạn. Anh đã tìm gặp Feng Xiao, Giám đốc Điều hành của Wanxiang Blockchain, người có tầm ảnh hưởng lớn cả trong giới đầu tư và chính trị. Nhìn thấy tiềm năng của Ethereum, ông chấp nhận mua 500,000 USD ETH và giúp cứu Ethereum khỏi “cái chết non”.

Khi Ethereum đang cần nguồn vốn, Wanxiang đã mua 500,000 USD Ethereum. Đây chính là cứu tinh của dự án.” – Vitalik chia sẻ.

Ngoài ra, Xiao còn giới thiệu Vitalik với mạng lưới đầu tư rộng lớn của mình, thành lập cộng đồng Ethereum đầu tiên trên thế giới. Từ đây, Vitalik có cơ hội giao lưu với nhiều nhà crypto hàng đầu Trung Quốc. Để phục vụ công việc, anh bắt đầu tự học tiếng Trung trên điện thoại và thông thạo nó chỉ sau vài tháng. Anh thường xuyên tổ chức các buổi AMA (Ask Me Anything), trả lời các câu hỏi kỹ thuật bằng tiếng Trung. Thậm chí, “cha đẻ” Ethereum còn sửa lỗi dịch thuật tiếng Trung.

Vitalik cũng đóng vai trò cố vấn cho Liên minh China Ledger và cộng sự của Fenbushi Venture Capital. Tất cả điều này đã giúp anh trở nên nổi tiếng và được mệnh danh là một “vị thần” ở Trung Quốc.

Người con vĩ đại của nước Nga

Là người gốc Nga, Vitalik đã có nhiều cống hiến và được yêu mến tại quê hương. Vào tháng 8/2017, hơn 5,000 người tập trung tại Trung tâm Sáng tạo Skolkovo, Moscow để nghe Vitalik phát biểu. Anh tuyên bố rằng Nga là một trong những quốc gia hàng đầu về nghiên cứu và thử nghiệm công nghệ Blockchain. Trong đó, Moscow có một trong những cụm node lớn nhất trên mạng Ethereum.

Do sức ảnh hưởng trên toàn thế giới của Ethereum, Vitalik cũng có cơ hội tiếp xúc với nhiều lãnh đạo ở các quốc gia khác như Vương quốc Anh, Estonia, Singapore, Thái Lan… Tuy nhiên, sau khi nói chuyện với những giám đốc điều hành cấp cao này, Vitalik không nghĩ họ có điều gì đặc biệt hơn người thường:

Một phần thành công đến từ sự chăm chỉ, một phần đến từ tài năng, phần khác đến từ việc tìm được đúng người. Thế giới không được tạo ra bởi những người thông minh nhất, mà ai cũng có thể tham gia và thay đổi nó.“ – Vitalik khẳng định.

Vitalik Buterin và Ethereum 2.0

Ethereum đang được nâng cấp lên Ethereum 2.0 (hay Serenity) bằng cách chuyển từ Proof Of Work (Bằng chứng công việc) sang Proof Of Stake (Bằng chứng cổ phần). Việc nâng cấp sẽ giúp Ethereum thực hiện các giao dịch nhanh, hiệu quả và có khả năng mở rộng. Ngoài ra, sử dụng Proof Of Stake sẽ tốn ít hơn khoảng 99.95% năng lượng so với Proof Of Work.

Việc nâng cấp này bao gồm ba bản riêng biệt, diễn ra vào ba thời điểm khác nhau:

  • Chuỗi Beacon: Ra mắt vào năm 2020 giúp bổ sung tính năng staking vào Ethereum và mở đường cho các nâng cấp trong tương lai.
  • Hợp nhất: Ethereum hợp nhất dự kiến ra mắt vào Q2/2022. Chuỗi Beacon lúc này sẽ được kết hợp với mạng chính của Ethereum giúp hỗ trợ staking và đánh dấu sự kết thúc mining (khai thác).
  • Chuỗi Shard: Giai đoạn này thể hiện sự phân tách của mạng Ethereum, diễn ra theo từng giai đoạn giúp tăng khả năng xử lý các giao dịch, lưu trữ và truy cập dữ liệu của Ethereum. Chuỗi Shard dự kiến ra mắt vào năm 2023.

Việc nâng cấp Ethereum liên tục bị trì hoãn. Vitalik chia sẻ một trong những lý do chính khiến quá trình nâng cấp Ethereum diễn ra lâu hơn dự kiến là do đội ngũ dự án thường xảy ra xung đột.

 “Với dự án của chúng tôi, vấn đề lớn nhất không nằm ở mặt kỹ thuật, mà là các vấn đề liên quan đến con người. Nó khiến tôi đau đầu. Rất khó để khiến tất cả mọi người đều hài lòng”, Vitalik chia sẻ.

Dù vậy, Ethereum vẫn đang tiến dần đến nấc thang 2.0 của mình. Với Ethereum, Vitalik không chỉ viết nên tương lai của chính mình, anh còn tạo ra nền tảng cho phép hàng triệu người xây dựng, phát triển và đạt được ước mơ, những người thậm chí anh chưa từng gặp bao giờ.

bài viết liên quan