Trending

Cuộc xung đột địa chính trị giữa Nga và Ukraine, FED mở cuộc họp đóng vào ngày 14/02 là những chủ đề gây chao đảo thị trường tài chính những ngày gần đây. Giữa bối cảnh đó, liệu các loại tài sản đặc biệt là Crypto sẽ biến động ra sao? Và quan trọng hơn, chúng ta nên có những hành động như thế nào với túi tiền của mình trong thời gian tới? Anh em hãy cùng mình tìm hiểu trong chủ đề ngày hôm nay.

Xung đột Nga vs Ukraine

Bối cảnh

Trước tiên mình sẽ tóm tắt đôi nét về căng thẳng địa chính trị giữa Nga và Ukraine cho anh em nào chưa nắm được những điểm cơ bản về sự kiện này.

Đầu tiên về khía cạnh lịch sử, trong khoảng thời gian Liên bang Xô Viết chưa tan rã thì Ukraine và nhiều nước khác từng là thành viên của Liên bang. Tuy nhiên đến năm 1991, khi Liên bang Xô Viết sụp đổ thì Ukraine cùng với nhiều nước thành viên khác tách ra và tuyên bố độc lập. Ukraine, với vị thế là nước có nền kinh tế đứng thứ 2 trong khối (sau Nga) thì sau khi chia tách đã khiến sức mạnh về kinh tế của Nga suy yếu đi.

Bên cạnh đó, Ukraine còn sở hữu hai thứ mà Nga luôn ao ước đó là:

  • Vị trí chiến lược về an ninh & quân sự: Ukraine có vị trí địa lý nằm ở giữa Nga và các nước Tây Âu, bao gồm rất nhiều nước trong khối NATO (North Atlantic Treaty Organization – Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương). Nếu có được Ukraine làm đồng minh thì Nga sẽ có thêm một tấm khiên phòng vệ trước NATO.
  • Bán đảo Crimea: Là một bán đảo sở hữu cảng Sevastopol, là một cảng biển nước sâu và không bị đóng băng trong mùa đông ⇒ Cũng là một vị trí chiến lược cho việc giao thương hàng hoá của Nga.

Ngoài ra, bản thân trong nội bộ của Ukraine (dưới sự tác động của nhiều yếu tố) cũng xảy ra những mâu thuẫn về việc nên ngả về phía Nga hay là phía các nước phương Tây. Điều này dẫn đến tình hình chính trị trong nước rất bất ổn.

Vào cuối năm 2013, tổng thống Ukraine (khi đó đang về phía Nga) đã từ chối một thỏa thuận quan trọng với liên minh châu Âu. Việc làm này khiến những người dân theo phương Tây ở Ukraine rất bất bình. Theo đó, vào năm 2014, họ đã lật đổ cả chính phủ đương thời và lập ra một chính phủ mới (thân với phương Tây hơn).

Dựa trên cơ sở bất ổn chính trị, Nga đã đưa quân đội ra chiếm đóng Crime (mục tiêu chính là cảng Sevastopol). Để hợp thức hoá điều đó, Nga đã thực hiện một vài hoạt động chính trị, nhận được sự ủng hộ của người dân địa phương và công khai sáp nhập Crimea dù không nhận được sự đồng tình của Liên hợp quốc.

Trong nội bộ ở trên đất liền của Ukraine, Nga cũng thực hiện các hoạt động can thiệp chính trị và quân sự với việc hậu thuẫn cho Lực lượng Ly khai. Hơn nữa, Nga cũng thực hiện các lệnh trừng phạt kinh tế đối với Ukraine khiến nền kinh tế nước này sa sút. Các nước phương Tây theo đó cũng thực hiện đàn áp kinh tế đối với Nga để đáp trả.

Tuy đã ký một hiệp ước vào năm 2015 nhằm ổn định kinh tế, nhưng các nước NATO với việc liên tục viện trợ vũ khí, máy bay, tàu ngầm, tên lửa,… cho Ukraine đã đe dọa đến sự an toàn của Nga. Vì thế Nga buộc phải đưa quân sang biên giới Ukraine để đảm bảo an ninh quốc gia, đe dọa Mỹ (quốc gia luôn đối đầu với Nga) phải đảm bảo Ukraine không gia nhập NATO (vì điều này ảnh hưởng đến an ninh cũng như kinh tế của Nga) ⇒ Đây là tình hình hiện nay.

Do đó bản chất của cuộc xung đột này đó là cuộc đối đầu giữa Nga và NATO (đứng đầu là Mỹ) thông qua căng thẳng địa chính trị ở Ukraine.

⇒ Và mục tiêu cuối cùng vẫn là sở hữu các lợi ích về kinh tế cũng như nguồn lực (địa chính trị, tài nguyên thiên nhiên,…).

Nga đang sở hữu những nguồn lực gì?

Trong phần này, mình sẽ đề cập tới một vài điểm nhấn về tiềm lực kinh tế của Nga do mục tiêu sau cùng của các cuộc chiến tranh, hay xung đột cũng là vì vấn đề này.

Đầu tiên, không thể không nhắc đến nguồn năng lượng (cụ thể là dầu khí) dồi dào từ phía Nga. Theo số liệu từ Statista (cập nhật năm 2020), Nga hiện nay là quốc gia với sản lượng dầu mỏ (crude oil) lớn thứ 3 trên thế giới.

Ngoài dầu mỏ, Nga còn sở hữu một nguồn tài nguyên khác quan trọng không kém đó là khí đốt với 24.3% trữ lượng trên toàn cầu (theo số liệu từ Worldometer).

Với trữ lượng dồi dào về khí đốt kể trên, Nga hiện đang đáp ứng khoảng ⅓ nhu cầu khí đốt của EU và Mỹ. Đây cũng cũng là cơ sở để Nga gây sức ép nặng nề về kinh tế và là một món “vũ khí” vô cùng quan trọng để đối chọi lại với Mỹ và EU.

Nếu nhìn vào số liệu năm 2019 về việc các nguồn năng lượng mà EU tiêu thụ, anh em sẽ thấy phần lớn trong số đó là dầu mỏ và khí đốt. Hơn nữa, Nga cũng là một thành viên quan trọng trong Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) nhờ đó mà việc “vũ khí hoá năng lượng” của Nga càng trở nên dễ dàng hơn.

Các loại năng lượng cơ bản như dầu mỏ và khí đốt cũng là nền tảng để sản xuất cho rất nhiều hàng hoá khác như phân bón, nhựa ,… phục vụ trong rất nhiều khía cạnh của nền kinh tế.

Bên cạnh năng lượng, Nga cũng như Ukraine cũng là một trong những quốc gia với sản lượng lúa mì xuất khẩu hàng đầu trên toàn cầu (chiếm ~26%).

Và còn rất nhiều nguồn lực khác khiến Nga “không chỉ là một trạm xăng dầu, mà còn là một siêu nhà khi hàng hoá cơ bản với lương thực, kim loại,…”.

Sự kiện xung đột gây tác động gì tới thị trường tài chính?

Trước tiên, với việc sở hữu những nguồn tài nguyên dồi dào đồng thời là một thế lực lớn trên bản đồ chính trị & quân sự thế giới, Nga sẽ có các quân bài nhất định để tác động đến kinh tế khiến các nước phương Tây phải dè chừng.

Trong trường hợp chiến tranh xảy ra, nhiều chuyên gia dự đoán rằng Mỹ và các nước phương Tây sẽ không can thiệp trực tiếp về quân sự tại Ukraine mà sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt về kinh tế đối với Nga.

Tuy nhiên, với những nguồn lực như trên kèm theo bối cảnh lạm phát gia tăng trên phạm vi toàn cầu đặc biệt là Mỹ và châu Âu như hiện nay, khi áp đặt các cản trở về kinh tế với Nga thì sẽ chỉ khiến tình trạng càng trở nên tồi tệ hơn.

Đầu tiên có thể đề cập tới vấn đề về năng lượng, trong năm 2021, EU đã phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt năng lượng dẫn đến giá cả gia tăng ⇒ Đời sống nhân dân cũng như nền kinh tế bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Gần một nửa số lượng khí tự nhiên của EU nhập khẩu đến từ Nga.

Vậy sẽ ra sao nếu Nga cắt đứt nguồn cung này trong bối cảnh giá cả vẫn đang có xu hướng leo thang?

Hơn nữa, trong bối cảnh thế giới đang dần mở cửa trở lại sau đại dịch, nhu cầu tiêu thụ hàng hoá gia tăng. Vậy sẽ ra sao nếu “siêu nhà kho hàng hoá cơ bản – Nga” làm gián đoạn nguồn cung lương thực, kim loại, tư liệu sản xuất,…?

Lạm phát, kinh tế trì trệ là điều sẽ xảy ra, ép buộc các Ngân hàng Trung ương phải nâng lãi suất, thắt chặt các chính sách tiền tệ.

Thị trường hàng hoá theo đó cũng sẽ chứng kiến sự tăng trưởng về giá cả. Sự chú ý sẽ tập trung vào dầu thô do thế giới sẽ càng thiếu dầu hơn nữa nếu khách hàng sử dụng khí đốt (EU) chuyển sang dùng dầu (do Nga kiểm soát lượng khí đốt) ⇒ Giá dầu sẽ tăng nóng hơn bao giờ hết.

Tóm lại, xung đột giữa Nga và Ukraine sẽ tác động tới thị trường tài chính thông qua:

  • Trừng phạt kinh tế, kiểm soát nguồn cung khiến giá cả hàng hoá gia tăng.
  • Kéo theo đó là lạm phát buộc các Ngân hàng Trung ương lớn phải nâng lãi suất.

Tuy chúng ta chưa thấy những hành động cụ thể đến từ phía Nga trên thị trường hàng hoá, nhưng có vẻ như nhà đầu tư cũng như các công ty sản xuất đã và đang đặt cược vào kịch bản này. Theo đó chúng ta có thể thấy xu hướng dòng tiền hiện tại trên thị trường hàng hoá:

  • Dầu tiếp tục xu hướng tăng tiến gần hơn tới mốc $100.
  • Vàng đã tăng khoảng 3% (7D).
  • Lúa mì tăng 3.5% (7D).
  • Ngô tăng 1.8% (7D).

Ở trên các thị trường như tiền tệ, cổ phiếu, trái phiếu,… chúng ta cũng thấy một sự dịch chuyển của dòng tiền dưới tác động của kế hoạch tăng lãi suất từ phía các NHTW:

  • S&P 500 Futures giảm 0.8%.
  • Chỉ số Nasdaq (chỉ số gồm nhiều các công ty công nghệ) giảm 1.1%.
  • Stoxx Europe giảm 2.7%.
  • Bond yield giảm (xu hướng mua vào trái phiếu).

Trên thị trường tiền tệ chúng ta cũng chứng kiến Dollar Index hay đồng Yên Nhật (được coi là đồng tiền “an toàn”) đều tăng giá. Xu hướng dòng tiền rút bớt ra khỏi các tài sản rủi ro như cổ phiếu và chảy qua các lớp tài sản an toàn hơn (trái phiếu chính phủ, vàng, ngoại tệ).

Tuy vậy, có một điểm anh em cần chú ý rằng, Nga chưa thực sự đưa ra hành động với Ukraine và diễn biến hiện nay trên thị trường tài chính chỉ là dựa trên khả năng Nga sẽ tấn công Ukraine dẫn đến các nhà đầu tư “Price in” vào kịch bản đó.

Còn đối với vấn đề lãi suất thì gần như chắc chắn các Ngân hàng Trung ương sẽ có động thái tăng trong năm 2022. Chỉ là nếu căng thẳng chính trị leo thang với các lệnh trừng phạt kinh tế thì lộ trình tăng lãi suất sẽ trở nên gấp rút hơn ⇒ Các tài sản rủi ro như cổ phiếu hay Crypto sẽ chịu cú sốc trong ngắn hạn.

Các hành động của FED trước xung đột của Nga & Ukraine

Dưới tác động của áp lực lạm phát kèm theo tiềm ẩn đứt gãy chuỗi cung ứng từ sự kiện Nga xung đột Ukraine, FED đã có cuộc họp đóng (closed meeting) diễn ra vào ngày 14/02/2022.

Lạm phát đáng báo động

Lạm phát của Mỹ đang ở mức cao nhất trong vòng 40 năm trở lại đây và vẫn đang chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Con số 7.5% được thiết lập vào cuối tháng 01/2022 đã vượt quá xa so với mức “lạm phát mục tiêu” 2% mà FED đã đề ra.

Trong bối cảnh đó, FED sẽ phải có những hành động quyết liệt hơn so với kỳ họp trong tháng 12/2021. Cụ thể sau cuộc họp trong tháng 12/2021, nhiều chuyên gia đã đưa ra dự đoán về việc FED sẽ duy trì mức lãi suất trung bình 0.9% (so với 0% – 0.25% hiện nay) và trải qua 3 lần tăng.

Trong bối cảnh tình hình vĩ mô cũng như rủi ro từ phía Nga là vô cùng lớn đòi hỏi FED phải tăng lãi suất mạnh mẽ hơn nữa trong năm 2022 để kiềm chế lạm phát.

Ngoài áp lực tới từ giá dầu tăng mạnh, con số lạm phát Mỹ còn được củng cố bởi giá cả các mặt hàng thiết yếu, giá nhà đất, y tế,…

Theo một khảo sát gần đây đến từ Federal Reserve Bank of New York về vấn đề chi tiêu của các hộ gia đình có thu nhập thấp, cho thấy xu hướng tiêu dùng vào các sản phẩm thiết yếu tăng mạnh trong năm 2021.

Trái lại, nhu cầu đối với các sản phẩm không thiết yếu trong năm 2021 có xu hướng đi ngang hoặc sụt giảm.

Điều này phần nào phản ánh sự suy giảm trong sức mua của các hộ gia đình trong bối cảnh giá hàng hóa leo thang. Bên cạnh đó, mức giảm trong hành vi tiêu dùng đối với các sản phẩm không thiết yếu là một dấu hiệu cho thấy hoạt động tiêu dùng nói chung đang chậm lại ⇒ Nền kinh tế đang chịu rất nhiều tác động tiêu cực từ lạm phát.

Nhìn chung, FED tăng lãi suất là điều chắc chắn sẽ xảy đến trong cuộc họp vào tháng 03/2022 sắp tới, tuy nhiên cụ thể mức tăng sẽ là bao nhiêu? Anh em hãy cùng mình tìm hiểu góc nhìn từ phía các chuyên gia ngay dưới đây.

Các dự đoán từ phía chuyên gia

Sau các số liệu về vĩ mô cũng như rủi ro từ Nga và Ukraine, các Traders dường như đang đặt cược vào kịch bản FED sẽ tăng lãi suất tới 7 lần trong năm nay (theo Bloomberg).

Cụ thể các nhà phân tích kinh tế tại Goldman Sachs cho rằng FED sẽ nâng lãi suất 7 lần (0.25% mỗi lần), tăng 2 lần so với dự đoán trước đó. Bên cạnh đó, nhiều dự đoán cũng hướng đến việc FED sẽ tăng lãi suất lên mốc 0.5% trong cuộc họp vào tháng 03/2022 sắp tới.

Như có thể thấy ở biểu đồ trên, sau khi công bố con số lạm phát 7.5% thì mức lãi suất sẽ chạm mốc 1.5% vào cuối năm 2022 và FED sẽ duy trì mốc 2% vào khoảng thời gian sau đó.

⇒ FED sẽ tăng lãi suất cao hơn dự đoán được đưa ra trong cuộc họp tháng 12/2021. Ngoài ra, chúng ta cũng cần chú ý tới rủi ro giữa Nga và Ukraine kể trên, một rủi ro có thể khiến lãi suất tăng sốc hơn.

Chúng ta nên hành động ra sao trước các rủi ro?

Trước các rủi ro đặc biệt về vấn đề lãi suất, lạm phát, căng thẳng chính trị kể trên thì chúng ta cần phải làm gì để bảo vệ danh mục đầu tư của mình.

Các dữ liệu từ thị trường chứng khoán

Do thị trường chứng khoán Mỹ và Crypto đều được phân loại là tài sản rủi ro, do đó trước tiên mình sẽ cùng anh em nhìn lại một vài dữ liệu để có thể đưa ra góc dự phóng & hành động trên thị trường Crypto.

Trong năm 2021, chúng ta có thể thấy chỉ số EPS (chỉ số đánh giá mức sinh lời của 1 công ty) có tốc độ tăng trưởng thực tế đều lớn hơn dự phóng từ các nhà đầu tư. Tuy nhiên, xu hướng giữa tốc độ tăng trưởng thực tế và dự phóng đã thu hẹp dần vào khoảng thời gian cuối năm 2021.

Bên cạnh đó chúng ta cũng đã chứng kiến tốc độ tăng trưởng EPS suy giảm. Điều này phản ánh các công ty đang gặp khó khăn giữa bối cảnh lạm phát kỷ lục (mức tiêu dùng suy giảm).

⇒ Việc tăng lãi suất sẽ khiến các công ty, đặc biệt đối với những công ty vay nợ nhiều, gặp khó khăn hơn nữa. Đồng thời, giá trị của các công ty trên thị trường cũng sẽ phải điều chỉnh giảm để phù hợp hơn với môi trường lãi suất.

Một biểu đồ nữa cho thấy rằng thị trường chứng khoán sẽ có sự điều chỉnh trong thời gian tới. Có thể thấy rằng, khi so sánh chỉ số P/E của thị trường chứng khoán trong những đợt tăng lãi suất của FED thì 2022 là năm có chỉ số P/E cao gần nhất (chỉ sau 1999 trước khi bong bóng Dotcom).

⇒ Cộng thêm với việc lợi nhuận suy giảm do lạm phát dẫn đến rủi ro sụt giảm và đi vào “mùa đông” trong năm 2022 (theo dự đoán đến từ JPMorgan Chase & Co.’s).

Tuy nhiên khi quan sát thị trường chứng khoán trong khoảng thời gian 50 năm trở lại đây thì xu hướng chung vẫn là uptrend bất chấp các đợt tăng lãi suất đến từ FED (trừ giai đoạn 2000 – 2008 khi thị trường chứng khoán Mỹ chứng kiến bong bóng Dotcom và khủng hoảng từ chính).

Và đặc biệt sau các đợt tăng lãi suất thì thị trường đều có sự sụt giảm trong ngắn hạn và tiếp tục tăng trong thời gian sau đó.

Góc dự phóng đối với Crypto sau các sự kiện trên

Dựa trên một báo cáo từ IMF cho thấy độ tương quan của thị trường Crypto và thị trường chứng khoán Mỹ trong thời gian gần đây có xu hướng gia tăng.

Trong trường hợp đó nhiều khả năng Crypto trong năm 2022 sẽ khó có khả năng tăng trưởng mạnh do các ảnh hưởng về môi trường lãi suất, nhưng vẫn sẽ duy trì xu hướng tăng sau năm 2022.

Về góc độ tăng lãi suất, có thể thấy hiện nay các quỹ đầu tư đã đặt cược các khoản đầu tư của mình dựa theo kịch bản FED sẽ có 7 lần tăng. Do đó, nếu không có những biến số mới thì giá cả Bitcoin sẽ không biến động mạnh mỗi khi tin tức về lãi suất được đưa ra.

Về biến số căng thẳng chính trị giữa Nga và Ukraine ⇒ Rủi ro tăng lãi suất sốc hơn dự kiến gây ra sự sụt giảm mạnh trong ngắn hạn.

Nhưng mình lại có một góc nhìn khác đối với ảnh hưởng của sự kiện này tới thị trường Crypto. Trước tiên, chúng ta cần nhìn lại các khoảng thời gian gắn với sự tăng trưởng của Bitcoin cũng như thị trường Crypto.

  • 2008: Ra đời trong bối cảnh khủng hoảng tài chính ⇒ Tiền tệ phi chính phủ, “Digital Gold”, “Store of Value”,…
  • Các giai đoạn 2011, 2013, 2017: Tăng trưởng với các câu chuyện về việc chấp nhận Bitcoin làm công cụ thanh toán của các công ty.
  • 2020: Lại nổi lên trong bối cảnh khủng hoảng do đại dịch Covid-19.
  • 2021: Các câu chuyện về Mass Adoption.
  • 2022: “Khủng hoảng” địa chính trị, lạm phát???

Vậy liệu trong năm 2022, nếu khủng hoảng địa chính trị (Nga chiến tranh với Ukraine) thì liệu Bitcoin có phải là tài sản trú ẩn an toàn (như vàng) đúng như mục đích ra đời của nó. Hay chỉ giống như một “loại cổ phiếu công nghệ khác” như cách nghĩ của nhiều nhà đầu tư hay IMF.

Theo góc nhìn cá nhân thì mình cho rằng, nếu chiến tranh thực sự xảy ra khiến các NHTW tăng mạnh lãi suất thì Bitcoin sẽ chịu áp lực bán trong ngắn hạn nhưng không giảm quá nhiều.

Dự đoán này của mình dựa trên cơ sở hiện nay những người nắm giữ nhiều Bitcoin trên thị trường vẫn chưa hoàn toàn là các nhà đầu tư trên thị trường truyền thống. Hơn nữa, chúng ta có thể thấy nhiều công ty như Micro Strategy hay quốc gia như El Salvador sở hữu Bitcoin với lý do là một tài sản trú ẩn trong thời kỳ bất ổn.

Tuy nhiên đó là với Bitcoin, còn đối với nhiều đồng khác trên thị trường Crypto thì sẽ không mấy tích cực do có rất nhiều đồng mang tính chất đầu cơ và không có tầm nhìn trong dài hạn.

Nhưng thị trường nói chung vẫn khó có thể đi vào mùa đông như chúng ta chứng kiến trong năm 2018 và 2019.

Dựa trên những góc nhìn phía trên thì mình nghĩ các chiến lược tập trung vào sự an toàn sẽ giúp anh em đảm bảo được portfolio trong khoảng thời gian tới. Đối với bản thân mình, một vài hướng đầu tư mình sẽ áp dụng đối với thị trường Crypto trong giai đoạn biến động này như sau:

  • Tập trung vào các chiến lược Farming, thay vì mạnh tay đầu tư vào các dự án.
  • Tập trung đầu tư vào các đồng có vốn hoá to (do ít biến động cũng như có đội ngũ phát triển với tầm nhìn dài hạn) ⇒ Tận dụng các đồng này để Farming.
  • Hạn chế tham gia vào các các cơ hội đầu tư từ các đồng có vốn hoá nhỏ hay những mô hình “fork” trên thị trường.
  • Nếu tìm ra một cơ hội đầu tư “tốt” thì sẽ sẵn sàng tâm lý sẽ phải nắm giữ khá lâu và khó có thể có lãi cao trong một vài ngày như giai đoạn uptrend.

Kết luận 

Mình hy vọng bài viết đã cung cấp cho anh em những góc nhìn về các sự kiện kinh tế, chính trị diễn ra trong thời gian gần đây. Đối với cá nhân mình, khoảng thời gian này là khá bất ổn và chúng ta nên có những động thái phòng thủ cho danh mục đầu tư & chờ đợi thời điểm khác thuận lợi hơn để “mạnh tay” đầu tư.

bài viết liên quan