Trong Crypto, ngoài giao dịch chính thống trên sàn CEX hay DEX, anh em cũng thường sẽ nghe đến các giao dịch OTC được thực hiện giữa người dùng với nhau, hay đôi khi là từ các “tay to” như Whale hay quỹ.
Bài viết này sẽ giúp anh em biết được:
- Giao dịch OTC là gì, cách hoạt động như thế nào?
- Vì sao các giao dịch giá trị lớn như BTC thì nên sử dụng OTC thay vì mua trên sàn?
- Ưu, nhược điểm của thị trường OTC.
OTC là gì?
OTC là viết tắt của cụm từ Over The Counter, là một thuật ngữ được sử dụng khá nhiều trong thị trường chứng khoán, chỉ những loại cổ phiếu chưa được niêm yết trên sàn giao dịch. Trong Crypto, OTC được dùng để mô tả các giao dịch riêng tư để mua hoặc bán tiền điện tử mà không được thực hiện trên các sàn giao dịch thông thường, không có orderbook công khai.
Giao dịch OTC hiện nay vẫn được rất nhiều người ưa chuộng vì tính riêng tư và tác động thấp của nó đối với giá thị trường.
Giao dịch OTC giúp ích nhiều cho các “Whales” – hay còn gọi là cá voi, những người đang tìm cách mua hoặc bán một lượng lớn tiền điện tử. Nếu những “Whales” này mua một lượng lớn tiền điện tử trên một sàn giao dịch, giao dịch của họ sẽ bị ảnh hưởng nặng nề bởi sự trượt giá. Điều này làm cho giao dịch OTC trở thành một lựa chọn tối ưu cho những cá nhân có giá trị ròng cao muốn thực hiện các giao dịch lớn.
Ước tính rằng hơn một nửa số giao dịch tiền điện tử diễn ra thông qua thị trường OTC. Hơn nữa, khối lượng giao dịch OTC lớn hơn hai đến ba lần so với các sàn giao dịch thông thường.
Giao dịch OTC diễn ra như thế nào?
OTC về bản chất là một dịch vụ hơi hướng riêng tư, nó tồn tại ở nhiều cấp độ, từ cá nhân (nhỏ) đến tổ chức (lớn).
Ở cấp độ cá nhân, nó có thể hoàn thành các thỏa thuận bằng lời nói, duy trì bằng niềm tin giữa người mua và người bán.
Đối với các tổ chức giao dịch OTC lớn thì phức tạp hơn, họ duy trì một mạng lưới các nhà đầu tư tiền điện tử (người mua) và người bán tiền điện tử.
- Nhà giao dịch OTC liên tục cập nhật ai đang mua, bán và thời điểm tốt nhất để thực hiện một giao dịch nhất định.
- Khi một lệnh mua hoặc bán đến, người môi giới sẽ mua tiền điện tử hoặc tiền pháp định cần thiết để thực hiện giao dịch.
Cách hoạt động của một giao dịch OTC
Ưu nhược điểm của thị trường OTC
Ưu điểm
So với các sàn giao dịch thông thường, giao dịch OTC sẽ có những ưu điểm như sau:
No third-parties (Không có bên thứ ba): Một trong những lợi ích chính của giao dịch OTC so với giao dịch qua sàn giao dịch tập trung (CEX) là chúng cắt bỏ người trung gian. Người bán và người mua có thể hợp tác mà không cần bất kỳ bên thứ ba, có nghĩa là hợp tác nhanh hơn và ít hoa hồng hơn (phí giao dịch rẻ hơn).
Ẩn danh: Thị trường OTC là một sự thay thế cho các sàn giao dịch CEX tiêu chuẩn. Tuy nhiên, để sử dụng nó, bạn không cần phải chia sẻ bất kỳ dữ liệu cá nhân nào, vì bạn sẽ được kết nối trực tiếp với bên thỏa thuận.
Sau đó, bạn có thể sắp xếp giao dịch theo bất kỳ phương thức nào thuận tiện cho bạn – thông qua e-mail, trò chuyện, cuộc gọi điện thoại,… Không cần phải đăng ký ở đâu đó hay cung cấp thông tin cá nhân của bạn cho bất kỳ trang web hoặc công ty nào.
Thanh khoản cao: Ngược lại với các sàn giao dịch thông thường, sử dụng thị trường OTC, bạn sẽ có thể giao dịch số lượng lớn cryptocurrency mà không bị trượt giá. Do đó, bạn có thể chuyển đổi một lượng tài sản của mình thành tiền mặt.
Nhược điểm
Tuy nhiên, thị trường OTC cũng có một số nhược điểm. Vì vậy, điều cần thiết là phải nhận thức được chúng trước khi quyết định:
Đôi khi tốn thời gian: Nếu bạn quyết định chuyển một lượng lớn Bitcoin, lên tới hàng trăm triệu đô la thì OTC là lựa chọn tốt hơn. Tuy nhiên, bạn sẽ buộc phải chờ đợi vì việc xử lý các giao dịch lớn có thể mất thời gian.
Bị ảnh hưởng bởi sự biến động: Vì số lượng Bitcoin có sẵn có thể bị thay đổi nhanh chóng do các giao dịch với số lượng lớn, giá của một Coin hoặc Token cũng có thể thay đổi. Đây là lý do tại sao OTC dễ bị ảnh hưởng bởi sự biến động. Tuy nhiên, vấn đề này không phải là mới đối với những người đam mê tiền điện tử.
Rủi ro cao: Ít quy định hơn không chỉ là lợi thế của giao dịch OTC, mà còn là bất lợi của nó, điều này có nghĩa là bạn có nguy cơ bị lừa đảo cao hơn. Do đó, hãy luôn luôn kiểm tra các chi tiết của giao dịch của bạn một cách cẩn thận để giảm thiểu cơ hội lừa đảo.
Hướng dẫn giao dịch OTC Bitcoin & Crypto
Dưới đây là các bước tổng quan để giao dịch OTC Bitcoin và các đồng coin khác:
Bước 1: Tìm nơi giao dịch OTC
Ở bước này, hãy đảm bảo bạn tìm được một nền tảng giao dịch OTC có uy tín. Bạn có thể tìm kiếm trực tuyến hoặc cũng có thể yêu cầu giới thiệu từ những người bạn tin tưởng. Nếu họ có trang web, hãy kiểm tra thật kỹ về team và lý lịch của họ.
Bước 2: Quyết định các điều khoản
Chỉ định loại tiền điện tử (nếu bạn không giao dịch BTC), số lượng bạn muốn mua, thời điểm bạn muốn giao dịch diễn ra và giá mong muốn của bạn.
Bước 3: Thỏa thuận giá
Đối tác sẽ trả lời với giá riêng của họ và bạn có thể thương lượng. Khi cả hai đã đồng ý về một mức giá, giá trị có thể giao dịch. Trong giai đoạn này, OTC và các bên liên quan cũng có thể thực hiện thẩm định KYC – xác minh danh tính.
Vì sao nên giao dịch OTC thay vì sàn thông thường?
Các nhà giao dịch sử dụng OTC thay vì các sàn giao dịch Crypto như Binance, FTX vì tính riêng tư và thanh khoản cao.
Nếu giao dịch số lượng lớn trên các sàn giao dịch, bạn có thể tạo ra tác động đến thị trường. Nếu bạn sử dụng giao dịch OTC, tác động sẽ ít hơn vì giao dịch diễn ra trực tiếp giữa hai bên. Bạn cũng có cơ hội tốt hơn để order của bạn được thực hiện trong một lần với mức giá bạn muốn.
Ngoài ra, một số thị trường OTC chỉ dành cho một số Coin & Token có thanh khoản cao và có yêu cầu cao về khối lượng giao dịch ($50K – $1M).
Theo CoinTelegraph, có những thị trường OTC chỉ cho phép giao dịch lớn hơn 20 BTC và đa số yêu cầu nhà đầu tư của họ giao dịch tương đương hoặc ít nhất 250,000 đô la trở lên.